Ký sự từ miền đất vàng Myanmar: Kỳ I: Yangon, thành phố trầm mặc
Việt Anh
07/05/2010 03:31 (GMT+7)


“Hình ảnh Việt Nam thập niên 80 thế kỷ trước”

Từ sân bay Nội Bài, sau hơn 1 giờ bay, khi chiếc máy bay Fokker 70 lượn vòng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Yangon, ai trong đoàn cũng tò mò nhìn qua cửa sổ với tâm trạng hồi hộp. Sân bay quốc tế Yangon mới khai trương khá khang trang và do chính phủ Nhật Bản trợ giúp xây dựng nên hiện đại không kém các sân bay quốc tế trong khu vực.

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận tiết trời nắng nóng, với nhiệt độ khoảng  40 độ C, nhưng chúng tôi cũng vẫn bị “sốc” bởi chênh lệch đột ngột của nhiệt độ. Sự tiếp đón rất nhã nhặn của những nhân viên làm thủ tục nhập cảnh đã tạo ấn tượng tốt đẹp ngay từ phút đầu tiên, khiến sự mệt mỏi do nắng nóng cũng tan biến nhanh chóng. Ở đây cũng hiển hiện cảnh tượng trái ngược khá vui giữa sự hiện đại trong sân bay và những chiếc xe ôtô cũ kỹ lạc hậu đang chờ đón du khách phía bên ngoài.

Thành phố Yangon thuyết phục chúng tôi ngay từ phút đầu tiên đặt chân đến, bởi những con đường rộng rãi nối từ sân bay về thành phố, phương tiện giao thông tuân thủ tuyệt đối làn đường, không có bất kỳ tiếng còi xe nào ngoài các tín hiệu đèn trên xe và đèn tín hiệu nơi các điểm giao cắt của những con đường. Và tuyệt nhiên không có bóng dáng của xe máy, thi thoảng lắm mới thấy một chiếc trên đường, nhưng đó là xe công vụ.  Trên vỉa hè là hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi xòa cành tán xanh mát.

Ngay sau khi nhận phòng tại khách sạn Park Royal - một trong những khách sạn 4 sao hiện đại bậc nhất tại trung tâm thành phố Yangon, mặc dù trời đã sẩm tối, không thể cưỡng được sự háo hức, chúng tôi lập tức khởi hành “khám phá” Yangon. Dạo qua mấy con phố nhỏ với những hàng quán bày bán đồ ăn, thức uống mà trên mỗi bàn chỉ vỏn vẹn một đĩa đồ nhắm nho nhỏ cùng vài thực khách đang nhâm nhi chén rượu trắng hoặc vại bia tươi Myanmar mát lạnh trong sự trầm ngâm lạ lùng.

Vỉa hè cũng là nơi bày bán thuốc lá lẻ với những ấm nhôm nhỏ đựng nước uống cùng dăm tốp khách đủ mọi lứa tuổi rì rầm trò chuyện, tuyệt nhiên không hề thấy cảnh ồn ào. Chúng tôi chỉ trở về khách sạn khi đã thấm mệt mà không phải lo lắng về chuyện trộm cắp, bởi đất nước theo đạo Phật này rất ít xảy ra chuyện đó. Ngạc nhiên về sự trầm mặc của người dân nơi đây, chúng tôi quyết định sẽ dành trọn ngày kế tiếp để “sục sạo” Yangon.

Sáng sớm, sau khi điểm tâm món bún cá truyền thống Myanmar, chúng tôi tiếp tục rong ruổi khắp ngõ ngách Yangon. Đối lập với buổi tối hôm trước, tại mọi vỉa hè khu trung tâm đều được phủ kín các sạp hàng rong. Phần lớn hàng hóa bày bán thuộc loại rẻ tiền. Trầu đã được têm thành miếng và thuốc lá lẻ được bán khắp mọi nẻo đường, hệt như những quán chè chén của Hà Nội thời bao cấp những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Cũng nhốn nháo, lộn xộn nhưng rất thân tình. Những món ăn từ lòng lợn nấu nhừ, bún, miến, trứng, thịt... bày bán tràn lan khắp vỉa hè, với giá cực rẻ. Ăn uống theo kiểu người dân Myanmar cũng là điều nên thử với du khách, với điều kiện bụng dạ phải tốt. Món khoái khẩu của họ là bún trắng trộn cá và nước sốt hầm từ xương cá hoặc gà xé nhỏ trộn nước xốt giã từ lạc và dừa có tên Mohinga.

Myanmar cho tới nay là một quốc gia có mức GDP thấp nhất trong khu vực, vẫn áp dụng chính sách tem phiếu cho nhiều lĩnh vực, giá xăng được điều chỉnh vào 12h hàng ngày và như trên đã nói, xe máy bị cấm tuyệt đối lưu thông tại thành phố này…

Trong khi đó, bạn lại mặc cả thoải mái khi mua hàng trong các shop, thậm chí trả giá giảm tới 30 đến 50% so với giá ban đầu khi mua đá quý, đồ lưu niệm, đồ xa xỉ... Tiền Myanmar ngoài chợ đen có tỷ giá trung bình 1 USD ăn trên dưới 1.000 kyat. Thị trường mua bán tại chợ đen khá phát triển, chính điều này tạo nên bức tranh đa sắc của thành phố Yangon.

Cũng cần kể thêm, nhai trầu vẫn là thói quen của đại đa số đàn ông Myanmar, từ các nhân viên nhà nước tại sân bay quốc tế   Yangon tới cậu thanh niên lễ tân khách sạn nơi chúng tôi ở. Và trang phục thường ngày của họ là những chiếc xà rông truyền thống có tên “Longyi”, chân đi dép xỏ ngón. Thậm chí người lái xe và anh chàng phụ xe cho đoàn chúng tôi cũng không ngoại lệ, khi điều khiển côn ga bằng chân trần, vừa vần vô lăng xe chạy với tốc độ trung bình 60km/h, vừa nhai trầu bỏm bẻm.

Gold Rock - điều kỳ diệu khó tin thứ hai của Phật giáo nước này

Chùa Vàng - Schwedagon hồn cốt Myanmar

Đến Yangon, du khách không thể bỏ qua Chùa Vàng - Schwedagon ngôi chùa lịch sử và linh thiêng nhất nơi đây. Schwedagon được xây dựng từ 2.500 năm trước với phần mái và tháp chính được dát 60 tấn vàng ròng. Tới thăm Schwedagon, bạn sẽ phải đi chân trần trên nền đá nóng giãy lát vòng quanh khuôn viên chùa. Và mọi người được ngước nhìn lên ngọn tháp vàng kỳ vĩ rực rỡ dưới ánh mặt trời. Ngoài tháp chính còn 365 ngọn tháp khác quanh chùa cũng rực vàng chói lọi. Vô vàn đường nét kiến trúc Phật giáo được thể hiện ở đây.

Bạn sẽ được chiêm ngưỡng hình dáng thanh thoát tuyệt mỹ của tháp cho tới cả nghìn bức tượng Phật các kích thước được chế tác bằng nhiều chất liệu vàng, ngọc bích, bạc hay đá bày kín khắp dãy ngang dọc dưới những vòm mái cong vút được chạm khắc vô cùng tinh xảo.

Việc thành kính dùng những gáo bằng bạc để múc nước tưới lên các pho tượng Phật là không thể thiếu khi hành lễ, đã khiến bản chất thuần hậu của người dân nơi đây được duy trì. Shwedagon là biểu tượng của tinh thần sùng đạo Phật của người Myanmar, một trong ba điều kỳ diệu nhất của Phật giáo trên đất nước này.

Cách Yangon khoảng 220km về phía đông bắc là địa danh Kyaikhtiyo Pagoda thuộc bang Mon (một trong 7 bang và 7 tỉnh của Liên bang Myanmar). Bạn sẽ phải mất gần 5 giờ ngồi trên ôtô để hành trình đến khám phá điều kỳ diệu thứ hai của Phật giáo Myanmar. Đó chính là Gold Rock - ngôi chùa bằng đá dát vàng nằm trên tảng đá hàng trăm tấn cũng được dát vàng đứng chênh vênh trên vách núi có độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển.

Theo tương truyền trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã đi qua đây và để lại một dấu chân trên phiến đá và đã ban tặng người dân 3 sợi tóc của Ngài. Giác ngộ được tư tưởng của Đức Phật, một vị tu sỹ đã chuyên tâm tu luyện Phật pháp và đạt thành chính quả.

Vị cao tăng này, với sức mạnh vô biên và được gia trì tiếp sức của Phật lực đã dời chuyển khối đá nặng hàng trăm tấn từ dưới biển lên vách đá chênh vênh rồi xây trên đó một ngôi kim bảo tháp và đó chính là Gold Rock ngày nay. Nếu mới nhìn qua, cũng nghĩ rằng tảng đá với ngôi chùa chênh vênh bên trên đều được dát vàng này sẽ có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Để chạm được tay vào điều kỳ diệu khó tin này, bạn sẽ phải tiếp tục leo lên xe tải, vượt qua quãng đường núi nhiều đoạn chỉ một xe ôtô đi lọt dài hơn 20km với vô số khúc cua tay áo và những con dốc thẳng đứng thực sự nguy hiểm - ở Việt Nam những đèo dốc nổi tiếng khắp phía Bắc nơi tôi đã từng vượt qua đều không thể so sánh với nơi đây.

Thật lòng, nếu có dịp trở lại thăm Gold Rock chắc chắn tôi không đắn đo gì sẵn sàng bỏ ra 40.000 kyat, để được ngồi kiệu với 4 người khênh vượt qua quãng đường núi trên mà sau khi lên xuống nhiều người trong đoàn tin rằng do Phật độ nên chúng tôi đã gặp may mắn!

Trên đường trở về thành phố Yangon, chúng tôi cũng ghé vào một quán cóc bên đường nằm dưới gốc cổ thụ vài người ôm với tán cây xanh mát vươn rộng hàng chục mét để giải lao ít phút sau chặng đường đầy mạo hiểm. Vợ chồng chủ quán và cô con gái mới lớn đang chao giòn cơ man nào là dế mèn trong vạc dầu sôi sùng sục.

Chỉ với vài nghìn kyat, gần chục người trong đoàn đã thỏa thuê thưởng thức những chú dế béo ngậy suộm vàng và ngắm hoàng hôn đỏ rực đang trải thảm xuống những cánh đồng lúa dài bất tận.

Có thể nói Yangon là một trong những thành phố hấp dẫn nhất Đông Nam Á và cũng nhiều điều kỳ lạ nhất. Với cảng biển 2.000 năm tuổi là cửa ngõ vào Myanmar qua sông Aeyarwddy vĩ đại dài hơn 1.100 dặm bắt nguồn từ dãy Hymalaya và chính là mạch máu giao thông đường thủy xuyên suốt đất nước này, thành phố Yangon có sự kết hợp của kiến trúc cổ nước Anh cùng nhiều công trình mới mọc lên như siêu thị, khách sạn…

Dám chắc rằng, nếu bạn đến đây, Yangon sẽ là thành phố chiếm trọn trái tim bạn.

 

Theo: An Ninh Thủ đô

Các tin đã đăng: