Con Của Người Đi Tu
Tạp Bút của Việt Linh
04/10/2011 09:50 (GMT+7)

Chị xếp trên bàn ba bức ảnh: một hoa khôi thời thiếu nữ, một bà mẹ rạng rỡ trong ngày cưới con trai - đứa con út của bầy con chín đứa, và bức ảnh chị nhận được sau ngày mẹ xuống tóc qui y.

Ba bức ảnh của cùng một con người, một chuỗi đời biến đổi... Dù biết trước, đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng chị vẫn không cầm được nước mắt trước hình ảnh vị ni cô xa lạ mà thân thuộc... Chị khóc - nước mắt của đứa con tuổi đã chớm qua bờ dốc nhưng vẫn thèm có mẹ...

Khi biết tin mẹ sắp xuất gia, bạn bè chị cứ lao xao dò hỏi: «Bà cụ tu vì muốn thế hay có chuyện gì”. Chị không biết trả lời sao: con người ai chẳng có điều phiền muộn và những đớn đau không thể giãi bày...? Nhưng chị biết mẹ tu không phải vì đau khổ. Nhà Phật nói người tu thường có hai động lực: tu do bế tắc và tu vì tâm nguyện. Hình như mẹ chị xuống tóc qui y từ động lực thứ hai, như cái nghiệp, cái căn, cái duyên đạo không thể nào cưỡng nổi.

Chị nhớ, lâu lắm, xưa lắm, khi còn thơ bé, mỗi lần có đứa trong lít nhít chín chị em đòi «nghỉ chơi» bè bạn, mẹ lại kiên trì khuyên nhủ: “Trước tiên hãy xét mình có lỗi gì không?”. Bao tình bạn đã không rớt rơi oan uổng từ những lời khuyên của mẹ. Chị nhớ cả dòng họ ai cũng ngạc nhiên thấy mẹ thương con chồng như (còn hơn) con ruột.

Hỏi vì sao, mẹ giải thích giản đơn: “Đứa trẻ nào cũng cần có tình thương. Những đứa trẻ không mẹ càng đáng thương hơn nữa”. Nhớ lúc mấy cô em tị nạnh má thương dâu hơn con gái, mẹ chỉ dịu dàng: “Con gái không được ở bên cha mẹ mà phải sang nhà người khác làm dâu; tội lắm tụi con à”.

Tội lắm tụi con à, chị tin câu nói đó thành tâm bởi chị biết mẹ đã từng làm dâu tủi cực ra sao ở đời chồng thứ nhất mà chị là đứa con duy nhất. Chị nhớ mỗi khi họ mạc, xóm giềng gặp cơn bỉ cực mẹ đã lăng xăng, quýnh quáng thế nào. Chị nhớ mẹ đã khóc sưng cả mắt lúc ông bà ngoại mất, ân hận mải lo sinh kế không có thời gian gần gũi mẹ cha. Chị nhớ mỗi mùa thi đại học nhà lại chật nêm như hũ nút do bảo bọc người quê ra tỉnh. Mẹ đồng nghĩa với đón tiếp, tương ái, sẻ chia và nhẫn nhục...

Những ký ức hỗn độn cứ trôi qua, để chị hiểu mẹ đã tu từ lâu trong hành xử  cuộc đời mà chiếc áo ni cô hôm nay, những kinh kệ hôm nay chỉ là hình thức, là khẳng định. Chị nhớ hoài cái thanh thản, điềm tĩnh của mẹ hôm chia tay con cái trước ngày xuống tóc: “Má muốn tu từ lâu nhưng phải chờ xong nhiệm vụ với các con. Nay các con đã lớn, thôi thì hãy mừng vui trợ duyên cho má toàn tâm hạnh đạo, chuẩn bị hành trang trước lúc ra đi...”.

Chín chị em - bầy con lít nhít của hai mối tình chắp nối - chỉ còn biết gật đầu. Đòi hỏi gì nữa một bà mẹ đã nuôi con tất cả thành nhân, gả chồng, dựng vợ, bồng bế, chăm lo các cháu đứa này sang đứa khác? Đòi hỏi gì nữa một tình yêu con cái đã đủ đầy? Vậy mà chị - đứa con duy nhất, lớn nhất nhưng ít gần mẹ nhất - do mải “bôn ba” tứ xứ cứ thấy lòng quặn thắt: so với các em, chị chưa kịp hưởng yêu thương tình mẹ, chưa kịp trả chăm lo hiếu thảo tình con, chưa kịp giới thiệu nhiều hơn với bè bạn người mẹ nhân ái, nhan sắc mà chị luôn hãnh diện. Chị xin mẹ nấn ná. Mẹ chỉ cười hồn hậu: «Má muốn tu để toàn tâm làm việc thiện, đợi tàn sức mới tu thì lợi ích cho ai?”. Một lần nữa lý lẽ của mẹ khiến tình yêu ích kỷ trong chị đành khuất phục...

 Nửa năm tránh xa vòng tục lụy của mẹ đã trôi qua yên tĩnh. Quá khác những hình dung nặng trịch của chị và thân quyến, mẹ khỏe hơn, đẹp hơn, thanh thoát và viên mãn trong những công việc tốt lành. Chị nhìn lại bức ảnh ni cô xa lạ mà thân thuộc, hiểu rằng từ nay nó, chín chị em, những dâu, những rể, những ruột rà cháu chắt... sẽ sống bằng một tâm thế khác - tâm thế của cháu con một  kẻ tu hành. Hẳn đó cũng là điều tốt mẹ vẫn hằng mong đợi?

Nước mắt chị bỗng khô, thấy yêu kính mẹ như chưa bao giờ yêu kính thế... 


Các tin đã đăng: