Bồ Tát Đưa Thơ
Hư Thân Huỳnh Trung Chánh
11/03/2012 09:12 (GMT+7)

Hưng cầm thơ mẹ trên tay thật lâu, nghe lòng thương yêu tràn ngập, rồi mới từ từ mở ra nghiền ngẫm từng giòng chữ ngọt ngào của mẹ. Mẹ là nhà giáo, chữ viết của bà đều đặn mẫu mực mà vẫn mang nét ẻo lả mềm mại dịu hiền của người đàn bà Đông phương thuần hậu. Bà thường gói ghém tình thương của mình vỏn vẹn trong hai trang giấy, nâng niu gởi đến con những lời thăm hỏi sức khỏe, nhắc nhở con gìn giữ đạo đức gia phong, khuyên con nhớ đi chùa lễ Phật…, bà tuyệt nhiên chẳng bao giờ kể lể những chuyện thị phi, chuyện làng trên xóm dưới, cũng không bao giờ đòi hỏi con cung cấp tiền bạc. Ngay trường hợp lâm bệnh thình lình, tiền bạc eo hẹp bà vẫn lẵng lặng chịu đựng chớ chẳng hề thở than khiến con cái phải bận tâm lo lắng. Dầu biết nội dung thơ cũ rích nhưng chàng vẫn nôn nóng mở thơ, đọc những giòng chữ thương yêu của mẹ, để đón nhận tình mẫu tử dạt dào vượt qua bờ đại dương sang ấp ủ chàng. Ngờ đâu lần nầy thơ bà có vẻ khác thường, chẳng những dài đến bốn trang, mà cũng không có những cụm từ thương nhớ dặn dò thường nhật. Thơ viết:

“Con thương!

Dạo nầy, bỗng nhiên mẹ hay vớ vẫn nhớ nghĩ mông lung về thời còn bé bỏng xa xưa, nhớ tha thiết chuỗi ngày ỏng ẹo trong vòng tay ông bà ngoại, tại ngôi nhà ngói âm dương, vách ván, tọa lạc cạnh giòng sông Dinh thơ mộng, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở đó, tháng nào vào ngày mười bốn và ba mươi, mẹ thường được ngoại dẫn đi chùa Giác Hải, nơi mà mẹ đã được hòa thượng Tâm Thành quy y từ thuở mới lên năm. Ngoại đã đưa gia đình rời Bố Trạch vào Saigon sinh sống từ năm 1954, khi mẹ mới vừa tròn bảy tuổi, nên quê hương mà mẹ thương mẹ nhớ có thể nói chính là ngõ hẻm chợ Vườn Chuối, là quận ba với các con đường Phan đình Phùng, Cao Thắng…, mẹ chẳng hiểu biết gì về nơi chôn nhau cắt rún tại vùng đất Quảng Bình khô cằn xa xưa ấy. Do đó, khi tham dự chuyến hành hương thập tự tại các thị xã Huế – Đà Nẳng do nhóm “Phật tử lão niên” chùa Aán Quang tổ chức, tuy mẹ đã đọc kỹ chương trình thấy có tiết mục ngoạn cảnh động Phong Nha, một kỳ quan của đất nước thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, màø mẹ vẫn vô tình chẳng mảy may liên tưởng gì đến nơi chôn nhau cắt rún của mình. Mãi đến khi theo phái đoàn chiêm bái chùa Thiên Mụ, trầm lặng nhìn giòng Hương Giang, bỗng nhiên ký ức thuở ấu thời bất thình lình hiện về khiến mẹ nôn nao nhớ đến ngôi chùa Giác Hải êm đềm. Chùa ấy cũng soi bóng trên một giòng sông - sông Dinh -, một giòng sông thơ mộng chẳng kém Hương giang là mấy. Thật ra, vào ngày xưa đó mẹ ngây thơ khờ khạo nào có hiểu biết gì về chùa, về đạo, nhưng những trái chuối, chén chè, nắm xôi… mà quý thầy nâng niu trao cho “con bé mũm mĩm” là những hình ảnh gợi thương gợi nhớ đã bùng dậy mãnh liệt khiến mẹ xúc động nghẹn ngào. Từ đó, mẹ thấp thỏm ăn ngủ không yên, ước mong có cơ hội ngắm nhìn lại ngôi chùa ngày xưa. Sáng hôm sau, trong khi chuẩn bị theo đoàn hành hương xuống thuyền máy tiến vào động Phong Nha, mẹ bỗng đổi ý, bỏ chuyến du ngoạn, âm thầm thuê chiếc xe ôm, tìm đường về đến chùa Giác Hải. Thật khó tưởng tượng, cái gọi là ngôi chùa, chỉ là một ngôi nhà lá lụp xụp nép mình thoi thóp trên mảnh đất hoang phế khô cằn. Chùa vắng tanh, lạnh lẽo. Tim mẹ quặn thắt xót xa. Mẹ thỉnh chuông và thắp nhang lễ Phật. Một ngôi tượng cô đơn, hư hoại loang lổ, bị phế bỏ lảng quên bao tháng năm dài vẫn khắc khổ chịu đựng và vẫn an nhiên hiện hữu ở chốn nầy. Chiêm ngưỡng tượng Phật, mẹ chìm đắm trong suy tư mênh mang quên mất cả thời gian không gian, hốt nhiên mẹ cảm thấy tượng Phật sống động hẳn lên, Phật trao cho mẹ nụ cười thanh thoát. Thì ra, trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào Phật vẫn hiện hữu như như tự tại ban phát lòng từ bi vô lượng cho chúng sanh các loài, cho mẹ. Nước mắt ràn rụa, niềm xúc động ngập tràn nghẹn ngào, rồi trong giây phút thiêng liêng đó, mẹ chợt ý thức trách nhiệm của mình với ngôi chùa năm xưa, nên thành tâm phát nguyện sẽ xả thân mình để bảo trợ cho việc trùng tu đạo tràng nầy.

Sau giây phút bốc đồng phát nguyện, mẹ mới giựt mình suy nghĩ lại và nhận thấy rằng lời nguyện đó viển vông không phương cách nào thực hiện nỗi. Oâi! Một mình mẹ làm sao đảm đương nỗi trọng trách nầy! Mẹ có uy tín gì để kêu gọi quyên góp, mẹ quen biết bao nhiêu người đâu? Mẹ lại chẳng quen thuộc chốn nầy? Chẳng biết chùa do cá nhân hay cơ quan nào quản lý? Vị trụ trì là ai? có đạo tâm không? Mẹ đang phân vân tự hỏi mình thì có vị sư trẻ hấp tấp bước vào chùa. Sư ngạc nhiên trước người khách lạ, và tỏ ra ái ngại về sự lơ là chậm tiếp đón khách phương xa. Sư cho biết, thật ra, sư có nghe tiếng chuông nhưng tưởng rằng người Phật tử địa phương đến công quả lễ bái, và vì đang bận rộn chăm sóc mấy luống khoai sắn vừa bén rễ ở sau chùa, nên ráng lo cho xong việc mới vào. Thái độ ân cần lịch thiệp, và uy nghi đĩnh đạc của sư cũng khiến mẹ ngạc nhiên không kém.

- Xin lỗi, dường như thầy không phải là dân địa phương?, mẹ dò hỏi.

- Kể ra thì tôi chỉ có chút xíu gốc gác Quảng Bình mà thôi. Nguyên ông cố nội tôi, là người làng Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tổ đơn thân rời quê vào Nam lập nghiệp tại tỉnh Bình Dương từ thời Pháp thuộc, con cháu sau nầy chỉ nghe nhắc nhở tên ngôi làng tổ tiên, chớ chẳng ai biết được điều gì khác cả. Tôi sanh trưởng tại Thủ Đức, xuất gia tại chùa Vạn Đức, và chỉ được thầy gởi đi tu học các Phật học Viện miền Nam, nên địa phương nầy cũng xa lạ lắm. Tôi vân du lang thang đây đó, rồi quyết định dừng chân ở chốn nầy chưa tròn một năm, đạo hữu ạ!

Tình cờ gặp một tu sĩ miền Nam tại xứ lạ, lòng mẹ nổi lên niềm vui như tìm được người bà con thân thuộc, mẹ tíu tít: “Thảo nào, tôi thấy phong thái của thầy khác hẳn với những tu sĩ miền nầy! Lạ quá…!” Mẹ thật thà định hỏi: “Sao thầy không chọn thị tứ nào phồn thịnh để dựng chùa, mà lại thua thiệt chui vào chốn khỉ ho cò gáy đói rách như thế nầy?”, nhưng mẹ ngưng lại kịp, nên ơ..ơ kéo dài rồi lên tiếng: “Ơ! miền đất nầy khô cằn đá sỏi! Thầy lại là người Nam cô đơn, không thầy bạn, không thân nhân thì làm sao mà có thể sống nỗi ở chốn nầy?”

Thầy mĩm cười hỉ xả đáp:

- Kể ra nếu đặt vấn đề “sanh sống làm ăn” thì quả thật muốn sống còn ở đây cũng gian nan lắm, nhưng nếu nghĩ đến chuyện tu tập thì nơi nào cũng tốt, nơi nào chẳng là đạo tràng phải không đạo hữu?

- Ơ! Nhưng chắc phải có duyên cớ gì đặc biệt lắm thầy mới “trụ” ở đây chớ?

Thầy ngập ngừng, trầm ngâm khá lâu mới chậm rãi lên tiếng:

- Chuyện dài dòng và cũng có thể nói là lạ lùng hy hữu, nếu đạo hữu tò mò thì tôi cũng sẵn lòng kể rõ.

- Dĩ nhiên, là con tò mò lắm rồi!

Thầy mĩm cười:

- Đúng như đạo hữu đã biết, nếu không do nghiệp duyên chiêu cảm, nếu không được long thần hộ pháp dắc dẫn, thì chắc hẳn tôi đã không đến chốn nầy. Chuyện khởi đầu, là vào mùa kiết hạ năm trước, bỗng dưng tôi lại nảy ý xin an cư tại chùa Trúc Lâm, Huế. Khi lễ hòa thượng bổn sư xin phép lên đường, hòa thượng đang lơ đảng, đong đưa chiếc võng bỗng cất tiếng bâng quơ: “Gặp Phật lễ Phật, gặp tổ lễ tổ!”. Chẳng biết đó là nói vô tình hay một lời dặn dò cho riêng tôi như một thứ công án nào chăng? tôi ngờ ngợ câu nói có nét tương tợ như công án “Gặp Phật giết Phật gặp tổ giết tổ” của thiền tông, nhưng chưa kịp thỉnh ý thì bổn sư lại vui vẻ chỉ mô hình chùa Vạn Linh, núi Cấm, Châu Đốc rồi nói tiếp: “Khi cần, khi gặp thuận duyên thì mình cũng nên phục hưng sự nghiệp của chư tổ! Con ạ!”. Thầy đưa tay tiển khách, tôi ra đi với nỗi niềm thắc mắc giăng giăng. Mùa kiết hạ sắp hoàn mãn, liên tiếp ba đêm cuối cùng tại chùa Trúc Lâm tôi đều chiêm bao thấy rõ rệt Đức Quán Thế Aâm Bồ Tát hiện đến khuyên bảo: “Con hãy mau mau về Bố Trạch làm Phật sự để hoàn thành lời phát nguyện của con từ kiếp trước!” Tôi vốn không tin mộng mị, nhưng giấc chiêm bao cứ hiển hiện rõ ràng trong tâm khảm, khiến tôi cũng phân vân. Do đó, khi khóa hạï chấm dứt, thay vì trở về Thủ Đức như dự tính, tôi thuê chiếc xe đạp dun rủi về phương Bắc, với túi lương khô dự phòng. Rời Huế, một thị xã sùng đạo, đến Quảng Trị, tôi nhận thấy sinh hoạt Phật giáo tương đối đã suy yếu, rồi khi bước vào địa phận tỉnh Quảng Bình, tôi mới choáng váng khám phá rằng đạo Phật ở đây có lẽ đã biến dạng tự bao giờ. Dường như, phần đông dân địa phương chưa hề thấy bóng dáng chùa chiền, họ nhìn lữ khách áo lam với ánh mắt xa lạ, vừa nghi ngại, vừa lạnh lùng. Tôi viếng thăm các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Phong Lộc, Bố Trạch, tỉnh lỵ Đồng Hới, với tâm trạng hửng hờ chua xót. Một hôm, tôi đang ngồi thọ thực lương khô dưới bóng cây bên đường quê, ngoại ô thị trấn Hoàn Lão, bỗng có một gã trung niên sồng sộc bước tới, hắn chăm chăm nhìn tôi oang oang cất tiếng: “Nầy anh! Anh làm nghề sư hở!?”. Tưởng gặp phải công an, và bị đặt vấn đề hành đạo trái phép, tôi dè dặt đáp: “Đúng vậy, tôi là tu sĩ ở thành phố Hồ chí Minh. Tôi chỉ du lịch tỉnh Quảng Bình vài ngày mà thôi”. “Ừ! Vậy thì anh phải đi theo tôi mới được!”. Thấy tôi ngần ngừ, anh ta nắm áo tôi nói một hơi: “Nội tui! Tuổi già cú đế rồi! Oång bệnh liệt giường gần ngủm tới nơi mà lại sanh tật nhứt định đòi phải gặp sư thầy thì mới chịu chết! Tôi hỏi thăm lung tung chẳng ai biết, may tôi thấy anh mặc áo kỳ lạ nầy, hỏi nhóng chừng, dè đâu lại đúng! Vậy anh theo tui đi gặp ổng nghen!”. Nghĩ đến nguyện vọng tha thiết của người sắp chết, nên dù trong lòng vẫn e ngại gặp rắc rối bởi luật lệ “tự do tôn giáo”, tôi vẫn lót tót bước theo anh ta. Cụ Năm, lão già bệnh hoạn tuổi đã ngoài 90, đang nhắm mắt nằm im lìm dán xuống giường như một cái xác khô đét, quay quần bởi đám con cháu vài mươi người, vừa nghe báo cáo tìm được nhà sư, bỗng mở choàng đôi mắt tinh anh nhấp nháy ra dấu mời tôi tới gần. Tôi lên tiếng: “Tôi xin tụng một thời kinh cầu an! Cụ nhé!”. Cụ không trả lời, mắt đăm đăm nhìn tôi, rồi bỗng chấp tay kính cẩn: “Con cảm tạ Bồ Tát!”. Tôi hoảng hốt đính chánh: Tôi chỉ là một tu sĩ tầm thường, xin cụ gọi tôi là sư chú được rồi!”. Cụ thều thào: “Thầy là Thanh Phong phải không?”. Tôi ngạc nhiên lặng người, đáp lí nhí: “Pháp danh tôi là Hoằng Nghiệp, còn Thanh Phong chỉ là bút hiệu khi còn trẻ! Sao cụ biết?”. Oâng cụ cười, mà nước mắt cụ ràn rụa - trông ông cụ khỏe và tươi tỉnh hẳn ra – cụ không màn lý sự với tôi, chấp tay kính cẩn: “Con cảm tạ Đức Bồ Tát Quan Âm đã đáp ứng nguyện cầu của con, đã dẫn dắt thầy Hoằng Nghiệp đến gặp con trong giờ phút tối hậu nầy!…”, rồi hướng mắt sang tôi, cụ nói tiếp: “Bồ Tát Quán Âm đã báo mộng cho tôi về thầy. Thầy ạ! Tôi có tâm nguyện cưu mang bao năm nay không giải bày cùng ai được, nên dầu bệnh hoạn già yếu khổ sở mà vẫn gắng gượng sống lây lất cho đến giờ nầy. Nay Bồ Tát đã dẫn dắt thầy hiện diện đúng lúc cho tôi có thể ủy thác tâm nguyện của mình. Tôi thỉnh cầu thầy hứa khả việc nầy hầu tôi có thể yên tâm nhắm mắt lìa đời!”. Tôi ngần ngừ: “Miễn là việc cụ nhờ không trái đạo lý và không vượt quá khả năng của tôi, thì tôi sẽ cố sức mình hoàn thành tâm nguyện cho cụ!”. Cụ trầm ngâm giây phút rồi kể lể: “Bốn mươi năm về trước, hoàn cảnh tu tập vô cùng khó khăn. Chùa chiền bị theo dõi, Phật tử tránh né chẳng ai dám lai vãng. Rồi sư ông Giác Hải bị gán tội phản động, gởi đi học tập, ngôi chùa bị xâm chiếm biến thành trụ sở ủy ban nhân dân, tượng Phật, tượng Tổ bị vất ra ngoài hè chờ ngày họp dân lại đập phá. Thương thầy, thương chùa, mến đạo… tôi đớn đau tột cùng nhưng bề ngoài vẫn giữ thái độ vô tâm, ngay đối với vợ con cũng dè dặt chẳng hé môi than thở. Một hôm, có người bạn nối khố, cùng đi chùa lễ Phật với tôi từ xưa, đang phục vụ trong quân đội nhân dân, mang quân hàm đại úy thuộc sư đoàn 19 đóng tại Thanh Hóa nghe tin sư ông lâm nạn trở về làng tìm hiểu sự tình. Anh gặp tôi dọ hỏi, lúc đầu tôi lửng lơ “không thấy, không nghe, không biết”, nhưng anh cứ vặn hỏi mãi nên sau cùng đành tiết lộ hết sự thật. Dựa vào quân hàm, anh ta mạo hiểm tìm đến trại cải tạo thăm nuôi sư ông. Trở về, anh cho biết, sư ông già yếu khó sống sót, sư ông trăn trối ủy thác chúng tôi bảo vệ tôn tượng chờ ngày trùng tu chùa, hưng long đạo pháp, ngoài ra, sư ông cũng tha thiết dặn dò chúng tôi rằng trong hoàn cảnh Phật Pháp bị cấm đoán hủy hoại như thế nào, chúng tôi cũng phải gắng sức thầm giữ lục tự Di Đà trong lòng. Mấy ngày sau đó, trời đổ giông, mưa cuồn cuộn như thác đổ, cơ nguy lũ lụt sắp diễn ra. Lợi dụng tình trạng cán bộ các ngành nhốn nháo lo bảo vệ nhà cửa vợ con họ, trụ sở ủy ban nhân dân bỏ ngõ, chúng tôi lẻn vào mang tượng Phật, tượng tổ xuống xuồng chở đi. Bơi lang thang khá lâu mà chẳng tìm được địa điểm nào an toàn để cất dấu, cuối cùng tôi đành bặm gan mang về nhà, khoét một ngách sâu dưới ao, bọc tượng bằng vải áo mưa, vùi vào đó. Vài tháng sau sư ôngï qua đời, anh Thanh Phong bạn tôi bị chính ủy trung đoàn kiểm thảo về vụ thăm nuôi sư ôngï, đoạn bị đưa vào Nam công tác rồi tử trận vài năm sau đó. Trong mấy chục năm nay, lời dặn dò của sư ông Giác Hải tôi vẫn canh cánh bên lòng, nhưng tôi chỉ có thể chuyên cần niệm Phật ngày đêm, còn chuyện trùng tu lại ngôi chùa xưa thì hoàn toàn vô vọng: Tôi chẳng biết tiến hành cách nào? Bàn bạc với ai đây? Khi đất nước vừa thống nhất, lợi dụng lúc đi thăm đứa con đang công tác tại thành phố Hồ chí Minh, tôi có viếng vài ngôi chùa, tiếp xúc vài tu sĩ, hi vọng tìm được người có thể đảm trách công việc trùng tu, nhưng họ tỏ vẻ sợ sệt nghi ngại, nên tôi đành im lặng. Thế rồi, tôi chỉ biết ngày đêm niệm Phật A Di Đà và chí thành khẩn cầu Bồ Tát Quan Aâm gia bị cho công cuộc trùng tu chùa Giác Hải, và nhiều lần, trong chiêm bao tôi đã được Bồ Tát an ủi và khuyên bảo hãy bình tỉnh đợi chờ Thanh Phong trở lại gánh vác trọng trách nầy…” Ngay khi ông cụ kể đến giai đoạn dầm mưa bão mang tượng đem đi dấu, tôi bỗng nhiên thấy hiển hiện trước mắt tôi diễn biến của tiền kiếp với từng chi tiết nhỏ, và hiểu rõ Thanh Phong ngày đó chính là tôi chớ chẳng là ai khác. Thảo nào, thuở nhỏ, tôi có niềm thích thú đặc biệt với hai tự Thanh Phong nên mớiù đắc ý chọn làm bút hiệu của mình. Chẳng chút ngần ngại tôi đáp: “Thanh Phong đã trở lại, dĩ nhiên là Thanh Phong sẽ nhận lãnh trách nhiệm. Thanh Phong sẽ xả thân nầy để trùng tu lại chùa Giác Hải, xin người bạn năm xưa hãy vững tâm”. “Đa tạ Thanh Phong! Có thể nào Thanh Phong cho tôi nhìn lại pho tượng Phật ngày xưa, trước khi lìa đời chăng?”. Không cần ai chỉ dẫn, tôi vội vã đưa đám thanh niên con cháu chủ nhà ra bờ ao, dưới gốc sung, nhờ họ đào sâu chừng hai thước đã khám phá ngay bảo vật trong lớp vải bọc mục nát, nhưng hai pho tượng bằng gỗ mít, chỉ bị phai màu, và lốm đốm loang lổ mà thôi. “Gặp Phật lễ Phật, gặp tổ lễ tổ”, tôi quì xuống đảnh lễ rồi cung thỉnh tượng vào nhà cho cụ già gia chủ chiêm ngưỡng. Cụ Năm được đỡ ngồi tựa vào gối, rạng rỡ ngắm tượng. Cụ yêu cầu tôi tụng thời kinh Di Đà, sau đó tôi hộ niệm cụ Niệm Phật. Tiếng niệm Phật của cụ nhỏ dần, nhỏ dần, rồi lặng yên. Cụ ra đi thanh thản, mặt mày tươi tỉnh, và cho đến khi tẩn liệm, đỉnh đầu vẫn ấm áp, thân thể vẫn mềm dịu. Tôi tin chắc rằng cụ đã vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc. Nhờ đám con cháu cụ, có người đang giữ chức vụ quan trọng trên tỉnh, và huyện vận động, và cũng nhờ chánh sách chiêu dụ du khách về thăm động Phong Nha, nên khuông viên chùa xưa được hoàn trả lại, và mươi tháng sau thì ngôi chùa lá đơn sơ đã được dựng nên…

- Phật tử ở đây có lẽ chẳng mấy người mộ đạo phải không thầy? Chắc họ cúng dường tệ lắm, nên cả năm mà thầy chỉ dựng được mái lá sập xệ như vầy?

- Thật ra, phần lớn tài chánh dựng ngôi chùa tạm nầy là do con cháu cụ Năm yểm trợ, còn dân chúng quanh đây nghèo kiết xác, mình đâu mong họ cúng dường, chỉ mong họ thỉnh thoảng lai vãng tới chùa để tụng kinh, nghe pháp… nuôi dưỡng đạo tâm mà thôi. Đạo hữu biết không? Đã quá nhiều năm xa vắng đạo pháp nên họ đã mất niềm tin, họ nghi ngờ bâng quơ, lo ngại tốn kém nên mời họ đến chùa gian nan lắm! Họ viện dẫn đủ mọi lý do để từ chối. Tôi phải thực hành tứ nhiếp pháp, thăm nom săn sóc họ khi ốm đau, tặng họ viên thuốc cảm, một cục xà bông… tôi cũng theo họ ra đồng chuyện trò vừa tiện tay giúp họ nhổ cỏ, cấy lúa… nên dần dần tạo được mối tình thân rồi mới hướng dẫn Phập Pháp cho họ được. Hiện giờ, vào ngày lễ sám hối nào cũng có hơn hai mươi người tham dự, trong đó có một thanh niên vừa ngỏ ý xin xuất gia vào mùa Phật đản sắp tới.

- Thầy có dự định xây chùa lại cho khang trang không thầy?

- Chuyện trùng tu là sở nguyện của thầy, nhưng hiện giờ thầy chưa dám nghĩ tới. Có hai chuyện thiết thực mà thầy muốn hoàn thành trước. Trước nhất là cần có một đại hồng chung. Tiếng chuông ngân bàng bạc khắp thôn làng, sẽ đi sâu vào lòng người và khơi dậy hạt giống Phật trong tàng thức họ. Điểm thứ hai là thầy mong hội đủ tịnh tài hàng tháng tổ chức cơm chay vào hai ngày lễ sám hối, mời Phật tử tham dự miễn phí tạo cho họ cơ hội gần gũi với chùa, với Phật…

Thầy trò thân mật bàn bạc dông dài cho đến xế trưa, người tài xế xe ôm đúng giờ hẹn rước mẹ về tỉnh lỵ đã lấp ló ngoài cổng, mà mẹ vẫn quyến luyến chưa muốn rời chùa. Thầy biết ý mẹ nên mời mẹ và cả người tài xế ở lại dùng cơm. Thầy lúi húi nhúm lửa, vo gạo nấu cơm, rồi ra sau sau chùa, hái đọt bí, đọt lang vào luộc. Mẹ vừa ái ngại vừa xót xa, tội nghiệp hoàn cảnh đơn chiết cực nhọc của thầy, muốn đỡ đần thầy một tay, nhưng cái bếp “hẹp té”, chẳng có chỗ chen vào thành thử chẳng có cách nào tiếp giúp cả. Có lẽ, hiểu bụng dạ của mẹ, thầy cười hề hà trấn an:

- Nấu cơm là chuyện bình thường của thầy mà, đừng ngại. Thầy vẫn thường nấu cơm mời người dân quê ăn cơm chùa với thầy cho vui! Ở nước Chúng Hương Đức Phật và chư Bồ Tát cũng mời Phật tử ăn cơm, quí Ngài thuyết pháp bằng thức ăn rất hiệu quả, đạo hữu ạ!

- Thưa thầy! Con hiểu ý thầy rồi! con sẽ ăn bữa cơm tỉnh thức, lợi lạc như nghe pháp vậy!

Bữa cơm thanh đạm, nhưng có lẽ đây là buổi cơm chay ngon nhất đời của mẹ, vì tất cả các món ăn: cơm, đọt bí, đọt lang, tương hột, cà pháo muối dưa đều đượm nhuần một hương vị đậm đà đặc biệt mà ít khi mẹ có phúc duyên cảm nhận: đó là đạo vị.

Khi chia tay ra về, mẹ quyến luyến chào thầy, và chân thành nói:

- Thưa thầy! Con cũng có liên hệ đến ngôi chùa Giác Hải ngày xưa, con nguyện tích cực góp phần trùng tu chùa. Khi về thành phố con sẽ vận động thân hữu yểm trợ việc đúc chuông và tịnh tài cho phần cơm chay hàng tháng tại chùa. Con hi vọng sẽ sớm liên lạc với thầy báo cáo kết quả.

Mẹ vét hết tiền mang theo, sau khi giữ lại vừa đủ phần tiền trả chuyến xe ôm, được năm trăm ngàn đồng, trao hết cho thầy:

- Còn tạm thời con xin cúng dường thầy số tiền mọn nầy!

Thầy lắc đầu:

- Thầy rất tán thán công đức của đạo hữu! Tuy nhiên, vì số tiền tương đối lớn thầy khuyên đạo hữu nên suy kỹ lại, đừng do xúc động nhất thời trước cảnh chùa nghèo xác xơ mà cúng quá sức. Nếu vì cúng dường mà tạo ra những khó khăn tiền bạc cho gia đình thì nên bớt lại, cúng dường vừa phải thôi!

Mẹ hơi ngạc nhiên, và hơi bất mãn vì chưa bao giờ gặp trường hợp “quá dè dặt” như thế nầy, có lẽ thầy nghi tiền nầy lai lịch bất chính chăng? Mẹ đáp nhanh:

- Con không bốc đồng đâu thầy! Con đã suy nghĩõ rất kỹ và cúng dường theo khả năng của gia đình con! Nếu thầy nghi ngại lai lịch tiền thì con xin thưa rõ đây là tiền rất sạch do nghề nghiệp chân chánh làm ra! Con xin thầy yên tâm nhận cho!

- Xin đạo hữu đừng hiểu lầm! Chẳng qua vì Đức Phật dạy tu sĩ chỉ nhận cúng dường vừa phải như loài ong hút nhụy mà không làm phương hại đến hoa. Do đó, dẫu chùa nghèo và cần tiền, thầy cũng không nỡ gây phiền toái cho những Phật tử hảo tâm có thể lâm vào cảnh khó khăn chật vật vì cúng dường mà thôi!

Về thành phố, khi nghe mẹ kể lại hành hoạt của vị tu sĩ trẻ giàu lòng từ bi, chấp nhận nếp sống cô đơn, đói rách tại một ngôi chùa lá tồi tệ để hoằng dương Phật Pháp, các thân hữu ai cũng xúc động, và ai cũng sẵn sàng đóng góp ít nhiều cho chùa Giác Hải. Tuy nhiên, giới thân hữu của mẹ toàn là các nhà giáo hưu trí, phần lớn sống cảnh chật vật gói ghém ăn tiêu, nên dù họ có mở rộng cõi lòng, chung sức gom lại cũng không đáng kể. Mới hôm qua đây, thầy Hoằng Nghiệp có thông báo mẹ rằng pháp huynh của thầy, trụ trì một ngôi chùa tại Tiền Giang, vừa ủng hộ chùa Giác Hải đại hồng chung cũ, vì chùa nầy vừa đúc một đại hồng chung mới lớn hơn. Như vậy, số tiền quyên góp của mẹ tuy ít ỏi nhưng đã dư thừa cho thầy Hoằng Nghiệp tổ chức cơm chay cả năm rồi.

Mối ưu tư lớn của mẹ, là yểm trợ thầy Hoằng Nghiệp xây dựng lại ngôi chùa nếu không khang trang, thì tệ nhất cũng lợp mái ngói, lót gạch, có kệ thờ, chuông mõ, kinh sách… như thuở xưa. Mà muốn được như thế, thì tiện tặn lắm cũng phải có một ngân khoản từ mười đến hai mươi ngàn dollars. Số tiền nầy dân quê Quảng Bình đào bới đâu cho ra, còn mẹ dẫu có đi ăn xin trọn kiếp cũng chẳng thấm tháp gì! Khi mẹ bạo gan phát nguyện với Phật tổ, thì mẹ đã nghĩ đến con rồi. Hưng ơi! Con ráng giúp mẹ nghen con!

Hưng xúc động bồi hồi, thương mẹ thật là thương! Mẹ chưa bao giờ ø đòi hỏi con cái điều gì, nay bà đã lâm vào hoàn bất đắc dĩ phải lên tiếng cầu cứu như thế nầy, có lẽ cũng khổ tâm lắm. Hưng hiểu rằng mẹ rất thiết tha và mong đợi từng giờ từng phút tin mình, do đó, tuy chẳng mấy hứng thú với việc xây dựng chùa chiền, hoằng pháp, quyên góp cúng dường…, Hưng vẫn tức tốc gởi điện thư về cho mẹ, chàng bảo đảm sẽ có đủ ngân khoản cho việc trùng tu chùa trong vòng vài tháng nữa.

Sau khi hăng hái hứa hẹn mạnh dạn cho mẹ yên tâm, đến lúc bắt đầu suy nghĩ hoạch định chương trình hành động, Hưng mới chới với chẳng biết phải làm cách nào cho ổn. Thỉnh thoảng, khi không tránh né được, Hưng buộc lòng đóng góp linh tinh cho chùa chiền, nhưng đích thân lập danh sách lạc quyên thì chàng hoàn toàn chưa kinh nghiệm. Chàng đành tìm đến cụ Sáu, bác gia trưởng Gia Đình Phật tử ngôi chùa địa phương ấp úng xin vấn kế. Sau khi nghe Hưng kể chuyện về vị tu sĩ trẻ miền Nam theo tiếng gọi của tiền kiếp đến vùng quê Quảng Bình dựng mái chùa lá hoằng pháp, bác Sáu cảm động cất tiếng tán thán:

- Hi hữu! Hi hữu! Đúng là chùa đất Phật vàng, chùa nghèo tỳ kheo đức hạnh! Thực tế là như vậy đó chú em ạ!

Tuy nhiên, khi Hưng “gạ” bác chủ trì việc lập danh sách bảo trợ thì bác từ chối quyết liệt, mời làm cố vấn bác cũng quầy quậy lắc đầu: “Khó lắm! Khó lắm!”, rồi trầm ngâm khá lâu, bác mới ôn tồn giải thích:

- Mấy năm nay tại Aâu Mỹ, chùa chiền mọc nhiều như nấm, mà chùa nào cũng xây dựng vĩ đại trị giá cả triệu triệu dollars và đã thường xuyên thống thiết kêu gọi Phật tử đóng góp, nên họ đã mỏi mòn lắm rồi. Do đó, tuy số tiền hai mươi ngàn dollars đối với bên nầy chỉ là một khoảng tiền bé nhỏ, nó chưa đủ chi phí để tráng xi măng cho bãi đậu xe của một ngôi chùa bình thường, huống hồ gì là một ngôi chùa nguy nga đồ sộ, nhưng muốn lạc quyên được số tiền nhỏ nầy đâu có dễ dàng. Thời buổi nầy muốn vơ vét tiền thiên hạ, nẻo chánh là phải do các bậc đại tôn sư, danh tiếng vang rền, trong buổi họp mặt đông đủ những nhân vật tiếng tăm, đích thân kêu gọi thì mới hiệu nghiệm, còn lấp lửng đường tà thì phải có hơi hướm thần bí linh thiêng, có bùa chú vẽ rồng vẽ rắn để chữa bịnh, cầu tài, mua may, bán đắt thì mới ăn khách. Xem ra, lục đục thường tài như chú em dẫu có đi mòn mấy đôi giày, nói sùi bọt mép thì giỏi lắm góp nhóp được vài ngàn đô là tận cùng rồi!

Thấy Hưng lộ vẻ chán nãn, bác Sáu an ủi:

- Tôi phân tách cho chú em nghe chơi nhằm nhắc nhở chú em hiểu đó là chuyện khó khăn vậy thôi. Phần chú em, chú em phải can đảm đứng ra gánh vác việc lạc quyên nầy chớ! Mình lo cho chùa mà, miễn là vận dụng hết sức mình là đủ, kết quả không thành vấn đề, được bao nhiêu cũng quí giá cả! Phần tôi, tôi sẵn sàng cúng dường một trăm đô đây, xin chú cầm lấy!

Thực trạng còn tệ hơn bác Sáu đã dự đoán. Hưng viết thư ngỏ trên mạng lưới, gởi điện thư vi vút, điện thoại lia lịa, rồi bền chí đi gõ cửa khắp nơi bất chấp quen lạhơn hai tháng trời, mà chỉ gom góp được một ngàn năm trăm đồng. Bí lối, chàng phải “quyền biến” xử dụng vài tấm ảnh chụp hình trại cùi, trại tế bần, trại cô nhi… rồi mở “chiến dịch tình thương” lạc quyên tiền cứu trợ. Phương pháp nầy “ăn khách” với người Việt lẫn dân địa phương nên có mòi khấm khá. Trong vòng một tháng chàng đã kiểm kê được gần bốn ngàn đồng, nhưng “nguồn tài nguyên” khai thác cũng sắp cạn rồi. Trong thâm tâm, Hưng muốn xuất tiền túi, bù thêm cho đủ mười ngàn gởi về Việt Nam cho tròn lời hứa với mẹ, nhưng bà xã chàng vừa nghe chồng “nói bóng gió xa gần” đã dẫy “đong đỏng” như đĩa chạm phải vôi, rồi hét toáng lên:

- Oái giời! Bộ anh điên hả! Tiền bạc không dám ăn xài, lại đòi đem đi vất ngoài cửa sổ! Lan nói cho anh liệu đấy nhé! Một trăm đồng Lan cũng không đồng ý nữa, anh đừng mơ mộng bạc ngàn! Anh mà đụng tới tiền tiết kiệm hả! thì mạnh đường ai nấy đi đó!

Dĩ nhiên là Hưng không đủù can đảm chọn “con đường tự do”, chàng thua buồn ủ rủ, cố gắng tìm một giải pháp nào khác để khỏi thất hứa với mẹ, nhưng càng suy nghĩ càng thấy vô vọng. Tối hôm đó, Hưng vô tình nghe một chuyên viên tài chánh, bạn của bà xã, điện thoại gạ gẫm nàng đầu tư vào thị trường chứng khóan. Vụ gạ gẫm nầy chẳng đi đến đâu, bởi lẽ, dù cô chuyên viên tài chánh tài ba kia chiêu dụ cách nào, vẽ vời viễn ảnh giàu sang như chớp ra sao, cũng không thể khiến cho vợ chàng, một chuyên viên thượng thặng chuyên bảo vệ két sắt, động lòng nhả ra xu nào đầu tư cả. Thế nhưng, cuộc đối thoại đó lại ảnh hưởng đến chàng. Hưng nghe ngóng nhóm công ty liên hệ đến mạng lưới đang lên nên liều lĩnh mang tất cả số tiền lạc quyên được, âm thầm mua chứng khoán XYZ một hảng hoạt động về mạng lưới. May mắn làm sao là chỉ trong vòng hai tháng, chứng khoán đó lên vù vù, vốn lời đến hai mươi tám ngàn, khiến chàng thích chí quá chẳng muốn bán ra tí nào, nếu không có thơ mẹ thúc hối. Hú hồn hú vía, chỉ mấy ngày sau đó thị trường chứng khoán nói chung bỗng tuột dốc thê thảm, riêng XYZ thì tợ như chiếc dù đứt giây rơi vùn vụt, từ hai trăm nhảy xuống một trăm, rồi rớt mãi tới mức hai mươi đồng mới tạm đu đưa ở đó. Oâi! nếu chàng chậm chạp thì giờ đây chắc có mức độn thổ trốn biệt tăm biệt tích, chớ tiền bạc của thiên hạ đóng góp lỡ thua lỗ hết thì biết làm sao giải thích ổn thỏa cho mẹ, cho bạn bè hiểu thấu. Kết toán vụ đầu tư chứng khoán đầy lợi lạc, Hưng giữ lại phần tiền dự trù trả thuế, cộng với hai ngàn lộ phí, vẫn còn lại trên hai mươi ngàn cho việc trùng tu chùa. Hưng gởi điện thơ thông báo cho mẹ thành quả lạc quyên, hẹn sẽ mang tiền về nước vào một ngày rất gần. Sau khi chuẩn bị tinh thần thật kỹ, Hưng ung dung về nhà, khui lon bia, nhắm nháp lai rai, ngồi rung đùi cười khà khà khoe vợ:

- Hên quá xá là hên! em ơi! Sáng nay thằng Bob giới thiệu cho anh một lão cựu chiến binh Mỹ đã từng chiến đấu tại Việt Nam tánh khí rất lạ đời. Lão vừa nghe anh tả oán cảnh chùa chiền bị bom đạn tàn phá hư hoại liền động lòng ủng hộ ngay mười lăm ngàn. Chuyện dị kỳ là hắn nhứt định ẩn danh, căn dặn anh thật kỹ là không để tên hắn, cứ ghi bừa một tên Việt nào đó, Tí, Ngọ, Mẹo, Dậu gì cũng được, miễn là anh phải đích thân về nước quây phim phát quà, sửa chùa cho lão thấy là tốt rồi! Anh ngần ngừ đòi giới thiệu người khác thay mặt nhưng lão nằng nặc nói chẳng tin ai, mới là chuyện rắc rối chớ!

- Về thì về! Cứ trích ra một ít trong sổ lạc quyên làm chi phí, chớ có hại gì đâu?

- Aäy! Anh thấy lão xài sang nên giả vờ bàn ra: “Tao tính không đi vì muốn tiện tặn tiền lạc quyên đến mức tối đa. Mình chuyển tiền về cho người trong nước lo thì có lợi hơn nhiều”. Lão nghe anh nói như vậy, ký ngay cái chi phiếu hai ngàn đồng nữa ra lệnh: “Mầy cầm tiền nầy làm sở phí, đừng nói dài dòng nữa!”

- Trời ơi! ngon lành như vậy mà anh chưa chịu đồng ý tức khắc sao?, bà vợ hỏi dồn.

- Dĩ nhiên là anh chớp ngay cơ hội bằng vàng nầy chớ! nhưng anh nghĩ hai ngàn thì nhiều quá. Anh định về nước xài tiện tặn, khi trở qua sẽ mang trả lại ông ta phân nửa!

- Cái gì mà nhiều! Dư tiền thì lấy vé máy bay cho em đi theo, em cũng thích làm phước lắm chớ bộ! À! còn vụ đứng tên cúng dường thì sao? Anh định chọn tên nào vậy anh?, nàng trổi giọng nhõng nhẽo.

Hưng ra dáng lừng khừng, đáp:

- Lúc đầu anh có ý đề tên anh, nhưng tên anh thì lão ta biết, thằng Bob biết, nên không ổn. Thôi thì anh mượn đỡ tên em vậy!

Hưng cầm bảng danh sách ân nhân bảo trợ chìa ra:

- Nè! Em xem kỹ hàng cuối cùng kìa! Dường như ai mang tên Diệu Soie Thái Lan gì đó phải không? Ý quên! Hì… hì…! Xin lỗi! Hì… hì! Rõ ràng là tên bà Diệu Gấm Thái cẩm Lan chỉ ủng hộ “xỉu xỉu” mười lăm ngàn đô thôi! kinh thật!

Thấy vợ thộn mặt khoái trá xem tới xem lui bảng danh sách, Hưng mĩm cười lầm thầm: “Điệu nầy rồi đây bảng công đức và hình ảnh tác oai tác phúc của nàng có lẽ sẽ được lộng khung treo đầy nhà quá!”

Vợ chồng Hưng hí hửng mang tiền về đến phi trường Tân sơn Nhứt. Gia đình bên vợ ở nước ngoài, bên chàng chỉ còn cha mẹ, và gia đình cô chú. Chuyến đi của vợ chồng Hưng cũng đột xuất nên chàng đinh ninh sẽ chẳng có mấy người đón rước. Chẳng ngờ, ngay khi còn đang làm thủ tục tại quầy hải quan, Hưng đã thấy lố nhố đông đảo bà con xa gần xôn xao vẫy tay chào đón. Bước ra cửa, bà con xúm xích, mạnh ai nấy reo vui chúc mừng khiến Hưng xúc động, lính quính chẳng biết ai hỏi câu gì, và nên trả lời ai trước nữa. Cô dâu thơi thới lướt nhanh tới trước, thân thiết ôm chằm bà già chồng. Bà già xúc động: “Nhờ hai con mà ước mơ của má thành tựu khiến cho má vui sướng quá chừng hà! Niềm vui của má trở nên vô tận khi má biết rằng chính hai con đã phát tâm đóng góp phần lớn cho công cuộc trùng tu chùa, công đức vô lượng nầy hiếm có người làm được, a con!”. Hưng thì thầm: “Đó là ý kiến của Lan! Đó là tiền mà Lan đã cực khổ làm giờ phụ trội cất ca cất củm để dành đó má!” Bà già tròn xoe đôi mắt trân trối nhìn cô dâu, nét cảm phục lộ hẳn ra ngoài. Lan ứng đối thật nhanh, nàng thỏ thẻ: “Chuyện nhỏ mà má! Miễn má vui thì anh Hưng vui, và như thế thì con mãn nguyện rồi! Má biết hong! Anh Hưng đi làm về là xách sổ đi đến tối mịt mấy tháng trời, không ăn uống ngủ nghỉ gì được, khiến con xót xa quá chừng hà!… Bởi vậy, vừa nghĩ đến nguyện vọng của má khó thành, vừa thương chồng cực khổ, con mới xúi ảnh lấy đại tiền tiết kiệm bù vào cho xong, má ạ!” Nói đến đây coi bộ Lan cảm động thật tình, nước mắt rưng rưng, khiến bà già chồng cảm khích cũng khóc ồ ồ… Nhóm đông bu quanh, ai cũng tranh nhau buông lời tán tụng, đưa Lan đến tận mây xanh, khiến Hưng lùng bùng lỗ tai, hoa cả mắt, chẳng biết người con gái đó có phải đúng là vợ của chàng không nữa? Bỏ mặc cho đám đàn bà tỉ tê tâm sự với nhau, ông già đưa Hưng đi chào cám ơn đám thân hữu hiện diện, đặc biệt có người hoàn toàn lạ mặt: những cụ ông cụ bà thuộc Hội Tương Tế Quảng Bình, mà mẹ mới truy tầm ra trong thời gian gần đây. Hưng hỏi nhỏ: “Uả! Ba nói mình không mời ai kia mà?”. “Ừ! Thì tuy mình nhứt quyết như vậy, nhưng mẹ con dò kỹ danh sách cúng dường thấy vợ con dám chi một số tiền lớn lao, bả hãnh diện quá bèn cầm tờ giấy đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố khoe khoang con dâu với bà con cô bác, thành thử mới xảy ra tình trạng tề tựu đông đảo như thế nầy”.

Khởi đầu chỉ là chuyện “Của người mà phước ta”, Lan được mọi người khâm phục tán thán nên phải ráng hành động chứng tỏ mình hiếu thảo, rộng rãi, giàu tình thương, khiêm cung, tóm lại nàng đúng là phản ảnh của mẩu người đạo đức thứ thiệt đã nhẹ nhàng cúng dường một số tiền to mà chẳng chút bận tâm. Do đó, Lan bỗng trở nên có những quyết định rất ngoạn mục. Nàng mở rộng hồ bao, mua nguyên gói du lịch mời cha mẹ chồng cùng đi Vịnh Hạ Long, Phong Nha, Huế, đoạn dừng chân tại Quảng Bình, tham dự các chương trình do thầy Hoằng Nghiệp đã tổ chức theo yêu cầu của Hưng: phát quà tại trại cùi, trại dưỡng lão, trại khuyết tật, trại cô nhi, và cuối cùng là buổi lễ then chốt: “Lễ đặt viên đá đầu tiên trùng tu chùa Giác Hải”. Cũng chính Lan bao hai chiếc xe 55 chỗ ngồi cho thân hữu được miễn phí đi tham dự các buổi lễ chánh thức tại Quảng Bình, chương trình còn ưu ái kèm theo mục hành hương thập tự tại Đà Nẳng và Huế cho ai ai cũng thỏa mãn tối đa. Trong các chương trình phước thiện, Lan chẳng những không hề “tác oai tác phúc” như Hưng dự tưởng, mà lại dịu hiền thương yêu thăm hỏi, thân mật chăm sóc mọi người, nàng xử sự tự nhiên ngọt ngào như giòng nước êm ả tắm mát lòng người. Trong các chương trình phước thiện và nhất là trong buổi buổi lễ khởi công trùng tu chùa, nàng luôn luôn được mọi người niềm nở và tán tụng là bậc đại thí chủ, nhưng nàng luôn luôn khiêm cung không dám nhận vinh hạnh đó. Trong khuông viên chùa Giác Hải, khi bị mời lên phát biểu ý kiến với tư cách vị đại thí chủ, Lan ngượng ngập ấp úng: “Kính thưa quí thầy. Kính thưa quí Oâng bà cô bác. Con không dám nhận là đại thí chủ vìø thật ra thì con không có lòng, cũng không có đạo tâm… hành hạnh bố thí như quí vị thương đã ban cho con. Trước đây con không biết gì là cúng dường, là bố thí cả. Nhờ theo chồng về nước con mới mở mắt ra và hiểu biết phần nào. Con học rất nhiều từ mẹ chồng con và của tất cả quí vị về tấm lòng thiết tha đối với đạo pháp, về tấm lòng thương yêu đùm bọc những kẻ bất hạnh. Con mới chính là người đang thọ ơn và vì lẽ đó con xin có lời chân thành cảm tạ. Con cảm tạ tất cả mọi người và đặc biệt là mẹ chồng con đã tạo cho con cơ hội để nhìn thấy và lắng nghe bao điều khổ đau bất hạnh trên đời, nhờ vậy lòng con mới mở rộng ra…” Lời phát biểu mộc mạc, chẳng có xử dụng ngôn từ nhà Phật nào to tát, nhưng lại gây xúc động sâu xa trong lòng người. Tiếng vỗ tay kéo dài, có kẻ quá cảm khích còn cất tiếng hoan hô, lại có người buột miệng tán thán: “Con người dịu hiền, khiêm cung làm sao! Nhỏ tuổi mà biết bố thí không phân biệt, biết hành hạnh Bồ Tát, thật là việc hiếm có!”

Sau phần nghi lễ là phần cơm chay tự chiêu đãi do Phật tử chùa Giác Hải tổ chức. Vợ chồng Hưng cầm dĩa thức ăn hòa nhập với nhóm Phật tử địa phương nghe họ kể chuyện bước đầu dựng chùa. Thầy Hoàng Nghiệp vô tình đi ngang bỗng dừng lại, hỏi một cư sĩ trọng tuổi, gầy yếu, nước da tái mét: “Bác Đạo khỏe chưa? Nghe bác bị lụt cuốn suýt chết phải không?”

- Thưa thầy! Con khỏe ạ! Thưa thầy, con đi băng rừng mấy mươi năm nay, gặp lũ lụt là chuyện thường nên không đến nỗi nguy hiểm thầy ạ!

Lan tò mò:

- Xin lỗi bác làm nghề chi ạ?

- Tui là bưu tá đưa thơ, cô ạ!

- Nghề phát thơ sao phải lội rừng vậy? Bác đi rừng bằng bằng xe jeep hay SUV?

Thấy ông ta ra vẻ lúng túng chẳng biết giải thích cách nào cho cô Việt kiều hiểu rõ lề lối hành nghề phát thơ trong rừng núi, thầy Hoằng Nghiệp vội đỡ lời:

- Bác Đạo đây là người phát thơ thuộc huyện Bố Trạch, nhưng bác thuộc tuyến đường đặc biệt là các thôn xã cực kỳ hẻo lánh của người thiểu số nằm rải rác trên những đỉnh cao của dãy Trường sơn, không có đường giao thông thuận tiện, chỉ có thể lội bộ: băng rừng, trèo đèo, lội suối… hàng mấy ngày trời mới có thể giao được một phong thơ mong manh cho người nhận!

- Ồ! Nguy hiểm quá! Muỗi cắn chết luôn á!

- Muỗi mòng đen nghịt thì làm sao mà tránh cho khỏi! Cô coi da tui vàng khè như vầy nè! Đã sốt rét kinh niên như thế nầy, đâu còn sợ muỗi nữa, miễn là dự trữ đủ ký ninh để uống khi lên cơn sốt là được rồi. Tui chỉ phải cẩn thận tránh hùm beo rắn rết, còn lũ lụt thì nó ập đến bất ngờ, thoát phen nào hay phen nấy cô ạ!

- Ghê quá! Bác thoát nạn mấy lần rồi? Làm sao mà thoát được vậy bác?

- Lớn nhỏ chừng mươi lần, nhưng chỉ có một lần suýt chết. Lần đó, mưa dầm cả tuần, nước ngập mông mênh, tui mắc võng trên cành cao, cột cứng thân mình trên đó cho khỏi té. Tui treo tòn ten như vậy, chịu đựng mưa gió, đói rã ruột đến năm ngày đêm, nước mới rút dần. Tui ráng lê lết leo xuống, lõm bõm mò tìm vài cành lá rừng không độc để nhai cầm sức, rồi cố gắng tiếp tục lên đường.

- Tội quá! Bác làm việc khổ cực như vậy, màhọ trả lương mỗi tháng bao nhiêu hả bác?

- Năm 1994 tui lãnh 15,000 một tháng. Bây giờ lương khá hơn, được 440,000 đồng, tính ra cũng gần được 30 đô cô ạ!

- Trời đất hơn! Với 30 đô thì bác làm gì để sống?

Bác Đạo nhe hàm răng cái còn cái mất nở nụ cười dễ dãi đáp:

- Cũng vừa đủ tiền mua rượu cho tui uống ấm bụng trong khi đi đường, và nếu có dư chút đỉnh thì tui mua kim chỉ, lưỡi câu, thuốc cảm, thuốc rét… làm quà cho những kẻ trên non cao.

Thấy Lan vươn đôi mắt tròn xoe nhìn mình, bác Đạo xề xòa tiếp lời:

- À! Tui may mắn có được bà xã đảm đương bán buôn đủ sống rồi, nên đâu cần tiền bạc gì thêm nữa a cô!

- Lạ quá! Bác phải làm việc quá ư khổ cực, tiền bạc lại không ra gì! Sao bác không nghỉ quách đi cho rồi?

- Vợ con tui đều nói y như cô vậy đó. Tui thấy họ nóng lòng thúc hối mãi nên chiều ý đệ đơn xin nghỉ hàng mươi lần, nhưng lần nào cũng tình nguyện đi làm lại, bởi vì Bưu Điện huyện không tìm được ai chịu thay thế tui đi tuyến đường nầy cả! cô ạ!

- Tìm không ra người thì họ ráng chịu chứ! Bác hơi sức đâu mà lo?

- Lo lắm chớ cô! Không ai mang thơ lên cho dân tộc thiểu số trên non thì tội nghiệp họ quá đi! Cô biết không thơ nào đối với họ cũng có tầm mức quan trọng cả. Như mới đây, có điện tín báo tin người con trai ở bản Kờ Ru đang làm việc tại Thanh Hóa lâm nạn. Tui phải tức tốc mang điện tín đi suốt ngày đêm không nghỉ lên cho họ. Tới nơi chưa kịp lấy sức thì lại phải dẫn đường cho họ đi Tuyên Hóa để họ kịp thời thấy mặt con lần cuối. Những tin tức cần thiết như vậy, không mang lên cho họ thì sao đành bụng, cô ạ!

Bác Đạo bỗng ngưng lại, ngẩng nhìn về những nọn núi xa xa, rồi mới chậm rãi nối lời:

- Thời chiến tranh, tui đã từng sống ở vùng rừng núi đó, xóm nào, bản nào tui cũng thân thiết. Ai tui cũng thương như cha mẹ anh em, đi phát thơ cho họ tui cứ coi như đây dịp tốt để tôi thăm bà con, tạo cho họ niềm vui vậy thôi! Tui nào cảm thấy khổ sở gì đâu? Mai đây, dẫu có ngày nào trên đường phát thơ bị gục ngã chết bờ chết bụi, tui cũng cam lòng.

Thầy Hoằng Nghiệp tuy bận tiếp tân hàng quan khách, nhưng có lẽ vẫn lắng nghe cuộc đối thoại, thầy bỗng tới gần chấp tay long trọng xá bác Đạo, rồi ôn tồn cất tiếng:

- Bác Đạo ạ! Bác là người mang tâm lượng của bậc bồ tát! Tôi rất khâm phục, nên xin có lời tán thán bác!

- Tội con quá thầy ơi! Con chỉ làm việc phát thơ bình thường thôi! Con đâu có xây chùa, phát chẩn bố thí, cúng dường trai tăng mà được thầy quá khen như vậy!

- Bác Đạo ạ! Thật ra mình chẳng có thể đánh giá nghề nào là tầm thường cả! Đắp đất xây cầu tầm thường không? Nhưng đó cũng là hạnh nguyện của Ngài Trì Địa Bồ Tát. Còn phát thơ như bác, xả thân mang tin tức cho người mà không vì danh vì lợi, cũng là hạnh nguyện của Bồ Tát chớ sao!

Lan bỗng nêu thắc mắc:

- Theo thầy thì những đạo nghiệp như xây chùa, phát chẩn, cúng dường trai tăng có thể đương nhiên coi là hành vi Bồ Tát không?

- Có thể có cũng có thể là không! Mình không thể hời hợt nhìn bề ngoài để phán đoán được. Một đạo nghiệp lớn nếu phát xuất do lòng thành, không làm vì danh vì lợi thì đó là Phật sự, làhành Bồ Tát đạo, ngược lại, nếu thúc đẩy bởi danh lợi mà hành động là đã bỏ Phật để hội nhập với ma, hành ma đạo rồi.

- Eo ơi! Phật với Ma chỉ khác nhau tí xíu hả thầy!

- Đúng vậy đó, đạo hữu. Ma với Phật chỉ khác nhau một niệm mà thôi! Bởi vậy sư phụ thầy thường nhắc nhở chúng đệ tử là phải luôn luôn cẩn mật quán sát mình, kẻo suốt đời ra vẻ hùng hục làm Phật sự mà thật ra đã mọc nanh Ma Vương tự lúc nào!


Lời cuối truyện:

Truyện nầy được viết với lòng thành kính tán thán một nhân vật có thực: Ông Nguyễn duy Đạo, nhân viên hợp đồng của Bưu điện huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo ghi nhận của báo Lao Động (được Việt Báo, xuất bản tại Nam Cali ngày 25.8.2002 đăng lại), trong hơn 10 năm ròng rã, bằng đôi chân trần, trèo đèo, lội suối, chịu đựng nhiều lần lạc đường, lũ lụt, cọp beo tấn công…, trong cơn đói lả, sốt rét hành hạ, Ông vẫn trì chí bươn bả một thân một mình lầm lũi giữa những con đường không mấy ai dám đi để mang thơ đến các thôn bản xa tít tắp trên rẻo cao, vách núi tai mèo ở vùng biên…cho các sắc dân: Ma Coong, Krai, Mày, Vân Kiều, Khùa… Ông Đạo chỉ được trả đồng lương vừa đủ tiền uống rượu ấm bụng trong khi đi đường (chưa đầy 30 dollars vào thời điểm năm 2002), nhưng ông vẫn vui vẻ hoàn thành sứ mạng của mình. Ông không thể nghỉ được bởi vì: “Bà con thương tui như rứa, làm răng tui nghỉ việc được. Mà nếu tui nghỉ việc e không có ai thay tui. Thiệt e không có ai ….”


Các tin đã đăng: