|
Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân,
những tác phẩm nghệ thuật sơn mài của Bagan đã trở nên nổi tiếng |
Với ngoại hình khá đẹp, lịch thiệp, nói tiếng Anh
cực tốt và đã từng làm việc khoảng 1 năm cho Văn phòng đại diện của Tập
đoàn Viettel ở Yangon, cô còn có tên thân mật là Mu Mu.
Miên man chùa tháp
Xuất phát từ Yangon lúc 7h30 sáng và sau 1 giờ 20 phút
bay chúng tôi đã tới Bagan một thành phố nhỏ nằm trên vùng đất khô cằn
miền Trung Myanmar. Nơi đây đã từng là kinh đô cổ đại của Myanmar, giai
đoạn quan trọng này vẫn được giới sử học gọi là “Thời kỳ Bagan” kéo
dài từ năm 1044 tới 1287.
Do đến 14h chiều mới nhận được phòng tại khách sạn, nên
Mu Mu đề nghị chúng tôi du ngoạn ngay vùng đất “Bagan cũ”. Khi chúng
tôi nhất quyết đòi dừng xe để được ghé thăm những ngôi chùa tháp nhìn
thấy đầu tiên nằm bên đường, chỉ cách sân bay Bagan khoảng 5km, cô hướng
dẫn viên tỏ ra ngạc nhiên, còn anh chàng lái xe đen nhẻm “gửi” đến
đoàn nụ cười đầy bí hiểm. Sau 15 phút bấm máy ảnh lia lịa, chúng tôi
tiếp tục hành trình.
Và khi chiếc xe ôtô vượt qua một con dốc nhỏ bụi mù
đất, ngập òa trước mắt chúng tôi là cả một rừng miên man chùa tháp trải
rộng khắp thung lũng rộng 29km2, đây chính là thánh địa “Bagan cũ”. Đến
lúc này, tôi hiểu nụ cười của anh chàng lái xe.
Đền Ananda là điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi.
Đây là ngôi đền lớn và đẹp nhất Bagan, được xây dựng từ thế kỷ thứ 12.
Tập tục bắt buộc với mọi người khi đến chùa đều phải cởi bỏ giày dép,
chỉ bước vào bằng chân không ngay từ bậc thềm đầu tiên. Dưới ánh nắng
gay gắt, lớp gạch lát sân và lối đi lên tháp nóng giãy, cộng thêm các
vụn gạch đá đôi khi hành hạ bàn chân của du khách, nhưng tôi chắc không
ai lấy đó làm phiền phức nếu nghĩ tới công sức của hàng vạn con người
xưa kia đã bỏ ra để tạo nên thánh địa huy hoàng này. Từ hành lang lưng
chừng tháp Ananda, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát khắp thung lũng với
hơn 2.000 ngôi chùa tháp, nằm rải rác trên vùng đất đầy nắng cháy cỏ
khô và những bụi cây gai lúp xúp được nối với nhau bằng những lối mòn.
Không thể tin những công trình này đa phần được tạo
dựng từ thế kỷ 11, 12 với chất liệu chủ đạo là đá và gạch. Và còn nguyên
vẹn những ngọn tháp kiêu hãnh vút lên trời xanh, những ngôi chùa tuyệt
đẹp pha trộn phong cách Ấn Độ giáo và văn minh Angkor. Tại những ngôi
chùa tháp này, bạn còn thỏa sức thưởng ngoạn vô vàn đường nét kiến trúc
độc đáo và những bức bích họa tuyệt đẹp gần 1.000 năm tuổi được trang
trí khắp các bức tường và vòm mái. Vắng lặng đến hoang tàn và cũng kỳ
vĩ đến choáng ngợp, đó là ấn tượng của du khách về “Bagan cũ” - thánh
địa của những ngôi chùa tháp. Cũng cần nói thêm, vùng đất “Bagan cũ”
không hề có cư dân sinh sống. Mà bám trụ quanh các ngôi đền lớn là vài
chiếc lán nhỏ lụp xụp được lợp bằng lá cọ, nơi có những người bán hàng
mưu sinh bằng việc nhẫn nại mời du khách mua các món đồ lưu niệm khá
đẹp, với giá cả rất phải chăng.
Sau nhiều giờ dãi nắng dưới nhiệt độ khoảng 44 độ C,
tất cả chúng tôi đã thấm mệt. Một nhà hàng khá đẹp, rất nhiều cây xanh,
nằm sát bờ sông Ayeyarwady là nơi nổi tiếng với những món ăn Myanmar
truyền thống cùng một vài món ăn Trung Quốc phổ biến được Mu Mu lựa chọn
làm điểm ăn trưa cho đoàn. Do anh chàng bồi bàn nói tiếng Anh quá
vụng, lại thêm việc Mu Mu bận nghe điện thoại, nhân vật đặc biệt trong
đoàn chúng tôi - Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc CATP Hà Nội
đã gọi các món ăn được chế biến từ thịt lợn, cá, tôm… bằng cách… vẽ lên
giấy hình thù những con vật này.
Nụ cười bật mở trên khuôn mặt khá căng thẳng của anh
bồi bàn khi cầm tờ thực đơn “đặc biệt” của ông, khiến chúng tôi cũng
được một trận cười nghiêng ngả. Quả thật, bữa ăn trưa này vô cùng ngon
miệng và thêm phần ấn tượng khi Mu Mu đáp lại khiếu hài hước của Thiếu
tướng Phạm Chuyên bằng hành động hóm hỉnh không kém - đề nghị ông ký tên
lên tờ thực đơn và cẩn thận cất vào túi xách tay. Cô nói đây sẽ là
“cẩm nang” để cô gọi món nếu có dịp làm hướng dẫn viên cho những du
khách Việt Nam khác tới thăm Myanmar.
Vẹn nguyên bản sắc Bagan
Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục ghé thăm Shwezigon - một
trong những ngôi chùa linh thiêng nhất Bagan - được cho là nơi lưu giữ
một phần cốt và răng của Đức Phật. Đỉnh tháp dát vàng của Shwezigon là
nguyên mẫu đầu tiên trong cả nước Myanmar.
Ngôi chợ địa phương ngoài trời tại trung tâm thành phố
Bagan cũng là nơi đáng để du khách ghé qua. Bởi nó lột tả rõ nét những
sinh hoạt thường ngày của cư dân bản địa. Bạn sẽ tận mắt chứng kiến
cảnh lựa chọn mua bán ồn ã đồ nông sản như bầu, hành tía, đường viên
được tinh chế từ quả thốt nốt loại cây được trồng khắp Myanmar. Hay
việc thận trọng, tỉ mỷ của các bà, các cô nội trợ khi lựa chọn mua
những chiếc lu nhỏ bằng đất nung đỏ ối dùng đựng nước sinh hoạt…Bagan
cũng là nơi tuyệt vời để mua sắm các tác phẩm nghệ thuật địa phương.
Những sản phẩm sơn mài đạt trình độ thẩm mỹ rất cao, họa tiết vô cùng
độc đáo, hay những đồ vật bằng tre nghệ thuật sẽ khiến du khách ít
nhiều hao tổn tài chính.
Việc bám vịn lan can để trèo qua 55 bậc thang dốc đứng,
mà khoảng cách của mỗi bậc khá cao đã khiến chúng tôi chùn chân. Đổi
lại, chiếm được một vị trí thuận lợi dưới chân tháp chùa Shwesandaw để
mặc sức thả hồn ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, nơi mặt trời tuần tự đi
qua những ngọn tháp kiêu hãnh trải khắp vùng thung lũng, trước khi khuất
hẳn sau rặng núi chạy dọc sông Ayeyarwady đã làm chúng tôi mãn nguyện.
Nếu dư dả thời gian, du khách cũng có thể khám phá
thánh địa Bagan bằng cách đi xe ngựa. Đây là phương tiện phổ biến để
giúp bạn tới được những ngôi chùa tháp heo hút, bằng vô số đường đất nhỏ
ngang dọc khắp thung lũng, với giá 10.000 kyat cho một ngày.
Cảm nhận được sự trầm lắng hiện rõ trên nét mặt của mỗi
thành viên trong đoàn, trên suốt chặng đường về khách sạn. Anh chàng
lái xe khá lém lỉnh đưa ra câu hỏi đầy “gọi mở” kéo chúng tôi về với
thực tại: Không biết ở Việt Nam các bạn thế nào chứ ở Myanmar, rất nhiều
đàn ông lấy hơn một cô vợ. Và việc, muốn có bao nhiều con là do họ
quyết định!!!
Sau khi về phòng và đứng khá lâu dưới vòi sen nước mát
lạnh, tôi ngả mình lên tấm nệm êm ái, nhưng không sao chợp mắt được.
Trí óc miên man với giả định: Giá như năm 1283, Thành Cát Tư Hãn với
đội quân hùng mạnh của mình không tràn qua Bagan và chính thức thêm tên
Myanmar vào bản đồ bị xâm chiếm sau cái chết của Vua Narathihapate vào
năm 1287, thì Myanmar, với kinh đô Bagan huyền thoại sẽ giữ vai trò
như thế nào của nền văn minh nhân loại?
(Còn nữa)
Theo: An Ninh Thủ đô