|
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào Phiulavanh
và nhà thơ Hữu Thỉnh cùng anh chị em trong đoàn tại nhà khách VIP sân
bay Vattay
|
Rừng Lào bạt ngàn hiện ra xanh thắm cùng với những con
đường mềm như nhung như lụa len lỏi trườn qua và bắt chéo hay ôm quyện
lấy nhau. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày balô, bao gạo, súng tiểu
liên khoác vai, cùng đoàn quân rầm rộ vượt biên giới, qua ngầm Nape, qua
Cămcơt, cao nguyên Nacay, đèo Phuắc oai hùng thuộc tỉnh Bôlikhămxay đổ
xuống Nhomalát và Mahaxây mở mặt trận 972 đánh vào Thàkhet và
Xêbăngphai quả là chặng đường dài.
Và khi nhìn thấy đường băng chạy dài tôi lại chợt nhớ
những câu chuyện kể của các sĩ quan QĐND Việt Nam về sự kiện xảy ra ở
Viên Chăn cách nay nửa thế kỷ. Ấy là những ngày Hoàng thân Chủ tịch
Xuphanuvông cùng các đồng chí của ông vượt nhà tù phái hữu, rồi viên đại
úy nhảy dù Coongle làm đảo chính lật đổ chính quyền thân Mỹ. Coongle
yêu cầu Việt Nam giúp đỡ về quân sự để chặn đứng lực lượng phản kích.
Nửa đêm một ngày hè năm 1960 nhóm sĩ quan pháo binh của
trường 400 được điều động do ôtô chở gấp về Bộ Tư lệnh ở Hà Nội rồi
ngay lập tức tới sân bay Gia Lâm. Chiến sĩ được lấy từ các khẩu đội đang
luyện tập thực binh với Sư đoàn Bộ binh 312, vẫn balô cắm vòng ngụy
trang, vẫn lấm lem bùn đất, ngơ ngác từ thao trường Vĩnh Phúc đổ xuống
nhà chờ sân bay. Lúc này các sĩ quan mới biết nhiệm vụ phải đóng vai sĩ
quan quân đội Coongle nên khi tới đất bạn buộc phải sử dụng tiếng Pháp
kể cả việc truyền khẩu lệnh. Họ đổ bộ xuống sân bay Vattay lúc này đang
rất nhốn nháo cùng với pháo 105 ly đã tháo rời. Cùng với bạn, các chiến
sĩ Việt Nam lắp pháo và lập tức chiến đấu.
Lịch sử qua đi rất nhanh nhưng lịch sử lại sống lâu bền
trong ký ức mỗi con người. Chiếc Airbus từ từ dừng lại. Vừa bước xuống
sân bay đã gặp những người bạn biết bao thân thiết là các nhà văn Lào
từng nắm chặt tay nhau tại hội nghị văn học ba nước Đông Dương lần trước
và đặc biệt tại hội nghị lớn về văn học Việt Nam ra thế giới vừa qua mà
họ là khách mời. Đó là Phiulavanh, Giáo sư, Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt -
Đại học Quốc gia Lào, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào; đó là Sucsavawn,
Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học Lào; Vốngađa - Trưởng ban Đối ngoại
Tạp chí Văn học Lào… Các thiếu nữ Lào xinh đẹp choàng lên cổ từng vị
khách Việt Nam dây hoa làm bằng những cánh chămpa tỏa hương thơm dìu
dịu.
Có lẽ đây là đoàn nhà văn Việt Nam đông đảo nhất ra
nước ngoài thăm và dự hội nghị do Chủ tịch Hội ông Hữu Thỉnh dẫn đầu.
Thành phần đoàn cũng khá độc đáo, gồm những cựu chiến binh đã chiến đấu
và công tác nhiều năm trên chiến trường Lào: Phạm Quang Đẩu, Hà Đình Cẩn
ở bắc Lào, Tô Đức Chiêu ở trung Lào, Kiều Vượng, Trần Trọng Tân, Nguyễn
Bảo ở nam Lào, ba nhà thơ nữ quan hệ nhiều với đất nước Lào: Trần Thị
Thắng, Phạm Hồ Thu và Nguyễn Thị Hồng Ngát; nhà văn Nguyễn Chiến Thắng,
nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, tại Algeria và
Phnômpênh, nay nghỉ hưu viết văn, được ban giám khảo và ban tổ chức trao
giải Văn học Mekong lần này và một phóng viên truyền hình.
Tình hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung và
tình bạn bè thân thiết giữa các nhà văn ba nước nói riêng là không biên
giới. Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào Phiulavanh, nhận ngay ra chúng tôi.
Chị thông báo về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hội nên đã vắng mặt hôm
nay. Chúng tôi quây quần bên nhau và chuyện trò ríu rít. Tiếng Lào,
tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp được phát huy sử dụng mà không ai để ý
đến giọng điệu đúng sai hay phát âm ngọng nghịu. Chị Phiulavanh nói
tiếng Việt. Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học Lào nói tiếng Anh lưu loát
và trên đường về khách sạn anh nói nhiều, kể nhiều, trả lời đầy đủ câu
hỏi của tất cả mọi người.
Viên Chăn làm cho ai đến đây lần đầu cũng bị cuốn hút
bởi những đặc trưng riêng. Thành phố thoáng đãng, nhà không cao và kiến
trúc Pháp cộng với kiến trúc Lào tạo hình ảnh sâu đậm, gợi nhớ. Đường
phố ôtô nhiều hơn xe máy nhưng trật tự. Đèn đỏ không ai vượt ẩu. Xe từ
đường nhánh ra nhường cho xe qua lại trên đường lớn. Không có tranh cãi.
Không có chửi bới. Không có cà khịa hăm dọa đánh nhau. Không bấm còi.
Đất nước đạo Phật yên bình đón chào Tết Bun Hột Nậm đang về. Các nhà sư
thong thả bước đi. Những quán ăn hay giải khát bên đường từa tựa như thủ
đô ta nhưng thưa thoáng hơn, sự ăn uống đĩnh đạc chứ không dồn dập, ồn
ào, gấp gáp như ở bên ta.
Chiều hôm ấy chúng tôi háo hức ra bờ sông ngắm nhìn
sang phía bên kia là Noọngkhai của Thái Lan. Mùa này nước sông đang cạn.
Bãi cát phơi mênh mông và dòng chảy rộng về phía bên kia. Một doi đất
cao cao chạy dài bên bờ và những ô che nắng dựng lên để những cô gái
Viên Chăn bán hàng giải khát. Dòng sông êm ả và sóng lăn tăn dưới ánh
Mặt trời làm tôi liên tưởng đến những năm 60 sau đảo chính Coongle. Quân
phái hữu Lào do Phủi Xananicon chỉ huy cùng quân Thái Lan và quân Nam
Việt Nam của Ngô Đình Diệm, có sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, từ mọi phía và
cả bên bờ bên kia sông Mekong tấn công sang.
Các chiến sĩ Việt Nam với tình bạn quốc tế cao cả đã hy
sinh hết mình vượt qua vô vàn gian khổ cùng với các lực lượng bạn giữ
vững Thủ đô Viên Chăn thời gian dài tạo thế thuận lợi cho cách mạng Lào.
Dòng sông Mekong êm đềm kia lúc ấy đã nổi sóng và hai bờ là hai bên
chiến tuyến. Bữa cơm chiều ở nhà hàng trên đường Sisangvone tôi ngồi
trước một cô gái trẻ đã tham gia đón tiếp đoàn Việt Nam từ khi bước ra
khỏi máy bay. Cô khiêm nhường nhưng nụ cười luôn luôn tươi nở khiến ai
cũng muốn bắt chuyện:
Em tên gì? - Tôi hỏi bằng tiếng Lào.
Cô gái hơi nhún mình:
Em là Panta Souvanhnalat, phóng viên phát thanh và
truyền hình tỉnh Bôrikhămxay trung Lào.
Đã từng ở đó nên tôi thấy gần gũi hơn:
Quê em huyện nào?
Cămcớt
Trời ơi! Gần bốn mươi năm trước đây tôi đã từng qua đó
để vượt đèo Phuắc oai hùng cùng đại đoàn quân đổ xuống Mahaxay. Em nói
được tiếng Việt chứ?
Rất ít thôi ạ! Tôi chuyển sang nói mấy câu ấm ớ bằng
tiếng Anh.
Thật bất ngờ em trả lời và tiếp chuyện bằng tiếng Anh
tốt hơn tôi nhiều. Thế là món ăn vẫn vậy mà vui hơn. Bữa ăn ngon. Rất
ngon. Và càng ngon hơn khi có tình hữu nghị ngọt ngào.
(Còn nữa)
Theo: An ninh Thủ đô