Nước mắt ngày xưa roi vọt bây giờ
27/10/2013 02:42 (GMT+7)

 * * *

Gần 80 tuổi đời, cháu con đầy đàn, tiền của dư thừa nhưng bà vẫn khổ. Khổ vì bị chồng đánh mỗi ngày. Nghe kể, ông đánh bà như chủ ngục tra tấn tội nhân: bà quỳ dưới đất, vòng tay cúi đầu chịu trận; ông ngồi trên ghế, tay cầm cây quất lên người, lên đầu, lên cổ bà, vừa chì chiết, mắng chửi không chút tiếc thương.

Đã nhiều lần bà trốn đi. Ông tìm kiếm đưa về. Lời yêu thương thì ít, được vài hôm, rồi vẫn như xưa, roi vọt, đánh đập, mắng chửi,… mọi việc lại diễn ra như những ngày trước. Con cháu của ông bà đều yên bề gia thất, nhà cửa riêng tư đề huề. Nhiều lần họ can ngăn, khóc lóc, năn nỉ, giảng hòa, phân tích thiệt hơn với ông… nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, nên đành bất lực buông xuôi, vì nghĩ rằng tất cả đều là nghiệp.Hôm qua, ông đến chùa và yêu cầu nhà chùa mở cửa để ông vào tìm bà. Nhìn mặt ông lạ hoắc, dữ dằn nên mấy chú tiểu không dám mở. Nghe tiếng chửi bới ồn ào, tôi bước ra nhỏ nhẹ xin lỗi không mở cửa vì trời đã xẩm tối và thật sự bà không có trong chùa. Tôi chưa từng gặp, chưa quen biết ông, nên không đủ tự tin để đón tiếp. Hơn nữa, những lời xúc phạm nặng nề, hăm dọa đốt chùa vô lý của ông, làm tôi bất ngờ, hơi khó chịu và thoáng chút thương cảm.Chiều nay, tình cờ biết ông bà là cha mẹ của người Phật tử quen tôi. Vợ chồng anh qua chùa để thay ông sám hối tội vô cớ xúc phạm. Nghe anh tâm sự: “Con biết đây là nghiệp của ba mẹ con!”, tôi cảm thấy xót thương, ái ngại, trách thầm cho nghiệp chướng bất nhẫn của ông bà, nhưng ý nghĩa “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì ” (việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi), khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn!

Nhớ lại câu chuyện của 40 năm về trước, quê nhà nước lũ dâng cao, mưa gió tơi bời, cuốn trôi, chết chóc, đói khổ tang thương. Bà ngoại dắt dì năm lội nước, vượt gió, băng mưa tìm đến nhà con gái lớn để xin tránh lũ. Nhà con gái có lầu cao, mẹ hy vọng sẽ được bình an.

“Cạch, cạch, cạch!!!

“Con ơi mở cửa cho mẹ vào với! Con ơi con!

“Chị ơi mở cửa cho em! Chị ơi chị! Ơi ơi!!!”

Tiếng gào thét kêu cứu thảm thiết đầy sợ hãi chỉ có mưa to, gió lớn nạt nộ như để chứng tri và đùa cợt với sức người bé nhỏ, bất lực kia thôi, còn đôi cánh cửa vẫn vô tri im ỉm đóng. Bên ngoài gió mỗi lúc như mạnh hơn, nước mỗi phút mỗi dâng lên thỏa thích. Nước dâng quá nửa người, chiếc áo tơi tả của bà như càng thêm nặng nề, vướng víu và tê lạnh. Nhìn qua khe cửa, thấy mẹ và em gái ướt sủng, run rẩy, đói lạnh, nhưng lòng con gái vẫn đóng chặt. Cửa vẫn im lìm bất động. Hai cháu ngoại nhỏ dại chẳng biết gì, nhưng cũng vừa đủ hiểu biết rằng nếu không mở cửa, ngoại và dì ắt sẽ gặp nguy hiểm.

“Mẹ ơi, mở cửa mau đi! Mở mau cho ngoại vào đi!

“Suỵt! Im lặng! Lên trên nhà hết đi!

“Hu hu…Sao không mở cửa cho ngoại vào!

“Vào để tốn thêm cơm gạo à!

“Thì cho bà vào tránh lũ, không cho ăn cũng được!

“Dễ bây ăn, bà ngồi nhìn à! Thôi, không cho bà vào là yên chuyện!”

Có tiếng gào thét bên ngoài. Có nước mắt bà ngoại lẫn tiếng khóc của dì cuộn trong tiếng gầm gừ của gió mưa nuốt chửng! Nước dâng cao, nhưng có lẽ không cao bằng lòng ích kỷ, hẹp hòi, tàn nhẫn của đứa con gái đầu mà mẹ dứt ruột đẻ nuôi, dựng vợ gả chồng, giờ con nhà cao cửa rộng….

Tuyệt vọng, bà ngoại dắt dì quay ra, mong tìm được nơi cứu vớt, nhưng muộn mất  rồi. Tất cả đã muộn rồi! Ào ào, cuồn cuộn,… nước ào ạt, thênh thang, mênh mông, trắng xóa, như quái vật khổng lồ nuốt nhai tất cả. Nước cao quá mực! Cao tới cổ người lớn. Dì năm chìm nghỉm, nước cuốn phăng phăng. Bà ngoại chưa kịp khóc con, nước đã tàn ác vô tình, cuốn bà trôi hun hút!!!

Nước rút. Mấy ngày sau, xác bà ngoại và dì năm, mỗi người mỗi ngả cũng được mấy cậu, mấy dì, bà con cô bác đưa về, tím tái, sình trướng, bạc thếch tình người.

Lời kết của người con trai: “Tất cả đều là nghiệp thầy ạ! Và cái gì đến đã đến, biết trốn nghiệp ở đâu!”. Nghe sao đau thương và khổ khổ muôn trùng!

Người con gái lớn năm xưa giờ đã là bà nội, bà ngoại, nhưng vẫn bị roi vọt hằng ngày và bị chửi mắng liên miên. Có thể nước mắt vẫn chảy xuống hằng đêm, để dày thêm sự oán giận, hận thù, trách móc nọ kia. Nhưng không biết có phút giây nào người phụ nữ ấy chạnh nhớ lại mùa lũ năm nao, để thấm thía vị mặn đắng chua cay của nước mắt mẹ và em gái mình ngày xưa, mà sanh lòng ăn năn sám hối? Không biết bà đã có lúc nào cảm nhận sự đói lạnh, rét mướt của đôi lần dầm trong mưa bão, để cảm thấy xót thương cho thân phận mẹ và em mình mà sanh lòng hối hận? Bài học tình mẹ thương con, tình con yêu mẹ, tình nhân ái, đạo lý làm người, thương người như thể thương thân,… bà có được nghe qua chưa? Và bấy lâu nay cũng làm mẹ, rồi lên làm bà, bà đã dạy con cháu mình bài học làm người sao nhỉ ?

Bây giờ ngồi đây, giữa trời thu man mác, tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện 40 năm về trước, lòng rưng rưng thương cho người mẹ bạc phần, rồi sực nghĩ đến thực tại.

Ngày nay, báo chí đã đăng tải không biết bao nhiêu hình ảnh những đứa con bất hiếu: đánh đập, giết hại, bạo lực, đọa đày,… làm khổ mẹ, sầu cha; tàn hại, bức bách ông bà đến nỗi thân phải mang đầy thương tích, bơ vơ không nơi nương tựa, đói không cơm, lạnh thiếu áo, bịnh không thuốc, nhà cửa con chiếm đoạt,…lang thang tìm kiếm lòng trắc ẩn ở người dưng.

Công cha như núi ngất trời.

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông.

Núi cao biển rộng mênh mông.

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Đã đến lúc chúng ta  lên tiếng và đặt vấn đề: Lý do gì ngày nay, nhiều người đã quên đi bài học làm người đầu tiên đó? Do ảnh hưởng, tiếp thu những luồng văn hóa lai căn, đồi trụy, bạo lực, mất nhân tính chăng? Vậy những sản phẩm để nhiều người nhiễm bịnh đó, do đâu mà có? Có bằng cách nào? Ai đưa vào để làm hư con người? Và nếu một đất nước có lắm người con bất hiếu với cha mẹ, ngỗ nghịch với ông bà thì tương lai đất nuớc sẽ ra sao? Vì con không biết yêu thương cha mẹ, ông bà thì làm sao biết yêu thương quê hương, giống nòi, dân tộc?

Con bất hiếu, ở đâu cũng có và thời nào cũng có, nhưng chúng ta dám khẳng định rằng: Ngày xưa có, song số đó ít ỏi, hiếm hoi và luôn bị xã hội bấy giờ lên án, tẩy chay, không muốn gần gũi. Thời nay, có quá nhiều, mọi nơi, mọi chốn, mọi lứa tuổi, mọi giai tầng,… không tàu xe nào chở cho hết. Cũng không có bút giấy nào tả cho hết những nghịch cảnh oái oăm của những người lỡ sinh con bất hiếu. Và dường như vẫn có người cảm thấy có chút bình thường khi nghe những chuyện như vậy, không xúc cảm. Nếu có, cũng chỉ đôi chút bức xúc thoáng qua, hoặc thậm chí biết kẻ kia là tàn bạo xấu ác với mẹ cha mà vẫn cứ kết bạn, chơi thân, giao tình thoải mái. Có đáng buồn chăng?

Đạo lý làm người luôn luôn cần thiết cho tất cả mọi người để xác lập nhân cách sống. Luật nhân quả vô tư nhưng lồng lộng. Sống tốt xấu, dữ hiền, lương ác,…tất cả đều có đáp số đương nhiên, đúng với những gì gây tạo. Ai tránh khỏi và đố ai thoát khỏi .

Lời Phật dạy : “Điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu”. Đáng thương thay người phụ nữ xưa đã không biết chút gì đạo lý, nên ngày nay phải trả nghiệp hằng ngày mà con cháu dù thương cũng đành bó tay chấp nhận: “Nghiệp ai người đó mang, phước ai người đó hưởng”. Mùa Vu Lan lại về, câu chuyện hôm nay thật đáng để chúng ta suy ngẫm!

Thích Nữ Hạnh Nghiêm

nguồn :daibi.vn
-KL-

Các tin đã đăng: