Ngụ ngôn năm Ất Mùi
19/02/2015 01:00 (GMT+7)

ĐIỀU TỐT ĐẸP
   
Dê đen thường lên giọng thuyết giảng khi gặp bạn bè, đồng nghiệp. Chú thường tìm cách tập hợp chó, lợn, gà đến nhà uống trà hoặc đến quán giải khát để nói nhiều đề tài mà dê đen tự cho mình là người am tường, hiểu biết rộng. Một lần, dê trắng đi ngang quán, thấy dê đen đang hùng hồn thuyết giảng liền lặng lẽ đi vào, chọn một ghế ngồi khuất đằng sau, nghe dê đen nói.
   
Sau khi thuyết giảng xong, phát hiện thấy có gương mặt lạ, dê đen liền đến gần dê trắng:

- Này anh, anh đánh giá thế nào về bài giảng của tôi?

- Tôi thấy nội dung bài nói chuyện của anh rất tốt, anh đã nghiên cứu khá kỹ và có nhiều thông tin hay.

- Nghĩa là anh cho rằng đó là một bài giảng xuất sắc phải không?

- Không, vì anh đã quên một điều rất quan trọng. Đó là anh đã không đề nghị mọi người làm một điều gì đó lớn lao, tốt đẹp hoặc tuyệt vời. Chỉ nói đến những thông tin thôi thì chưa đủ. Cần phải động viên, thúc giục mọi người bắt tay vào làm mới được…

- Theo anh, đó là những việc gì?

- Hãy hoạt động tình nguyện cho một tổ chức từ thiện hoặc tham gia một phong trào bảo vệ môi trường, vì làm những điều tốt đẹp, lớn lao thì bao giờ cũng khó.

Lời bàn: Bạn biết rồi đấy, nói những điều tốt đẹp thì vẫn không đủ, mà bạn phải làm những điều tốt đẹp nữa. hãy tự nhắc mình như vậy ngay từ hôm nay, nếu chưa có ai đề nghị, nhắc nhở bạn.
 
BIẾT CHIA SẺ
   
Bác dê nâu năm nào cũng trồng được những cây ngô rất tốt. Năm nào bác cũng mang ngô ra chợ và luôn đứng đầu về chất lượng. Thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước nên đàn con bác đều được ăn học chu đáo. Lợn, gà, chó… cho rằng bác dê nâu có bí quyết đặc biệt. Họ liền bí mật theo dõi thì phát hiện ra rằng bác dê luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình cho những ai trồng ngô ở trong vùng. Chó đốm đến gặp bác dê, nêu thắc mắc:

- Này bác dê, sao bác lại chia những hạt giống tốt nhất đi, bác không nghĩ đến việc người ta đang cạnh tranh về chất lượng ngô với bác à?

- Cháu chưa biết đấy thôi, vì gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng từ vùng này sang vùng khác. Nếu những ai sống xung quanh đây chỉ trồng những cây ngô có chất lượng kém thì việc thụ phấn do gió sẽ làm giảm chất lượng ngô của chính cánh đồng của bác.

- À…Thế tức là nếu bác muốn trồng được những cây ngô tốt thì bác cũng phải giúp những người xung quanh trồng được những cây ngô tốt đã, phải không bác?

- Đúng thế, cháu ạ!

Lời bàn: Hãy tin tuyệt đối vào luật nhân quả. Bạn muốn được thành công và hạnh phúc thì bạn phải giúp những người quanh mình thành công và hạnh phúc, vì giá trị cuộc sống của bạn được đo bằng những cuộc sống mà bạn đồng cảm và chia sẻ.

DÊ ĐEN VÀ BÁO GẤM
   
Báo gấm đang đi săn mồi, bất ngờ bị sa vào lưới của lâm tặc. Báo ra sức vùng vẫy, kêu gầm, cắn xé nhưng không sao thoát ra khỏi lưới được. Dê đen đang ăn chồi non ở bìa rừng nghe tiếng kêu cứu của báo gấm liền chạy đến và tìm mọi cách để mở chiếc lưới đang trùm chặt báo gấm. Cuối cùng, báo gấm đã được dê đen giải thoát. Sau khi được tự do, báo thầm nghĩ: “Ta oai phong, dũng mãnh thế này, thế mà phải nhờ một con dê nhỏ cứu mạng thì thật mất uy danh. Nếu để con dê này sống, nó sẽ đi kể chuyện khắp khu rừng thì còn gì là danh dự cao quý của ta nữa. Nhân lúc vắng vẻ chỉ có ta với nó, ta giết nó đi là tốt nhất”. Báo gấm nghĩ xong liền quay sang định vồ dê đen, nhưng dê đen đã tung cú đá hậu vào mắt báo và chạy thoát.
   
Thế là từ đó, câu chuyện về sự vô ơn, bạc nghĩa của báo gấm, muông thú trong rừng đều biết và khắp nơi đều xa lánh và khinh bỉ.

Lời bàn: Ngày nay, có những kẻ khi gặp hiểm nguy, khốn khó đã được đồng đội, bạn bè giúp đỡ, cưu mang. Đến khi họ giữ chức cao, giàu có thì thường sống vô ơn, coi khinh những ân nhân của mình, thậm chí cướp công của đồng đội. Đó là sự suy nghĩ nông cạn, ngu muội, sỹ diện hão của những kẻ quyền thế, giàu sang. Họ luôn bị sự khinh rẻ, lên án của người đời.

HAI ANH EM DÊ TRẮNG
   
Dê mẹ có hai đứa con. Khi anh em dê trắng trưởng thành, dê mẹ nói:

- Mẹ muốn giao phần lớn tài sản cho một trong hai con để điều hành, làm ăn. Để tìm ra ai xứng đáng đảm nhận trách nhiệm này, mẹ sẽ cho hai con đến một vùng xa. Cậu của các con ở đó sẽ đặt những gánh nặng bằng nhau lên lưng hai đứa con. Đứa nào quay về trước, mang theo gánh nặng đó thì mẹ sẽ giao tài sản cho đứa ấy!
   
Hai anh em dê trắng cùng ra đi. Vài ngày sau, họ gặp bác lừa gầy yếu đang hì hục mang một bao hàng nặng. Dê em đề nghị dừng lại để giúp đỡ bác lừa nhưng dê anh không đồng ý, bỏ đi trước. Dê em ở lại giúp bác lừa mang bao hàng rồi mới tiếp tục lên đường. Sau đó, chú lại gặp một anh ngựa tía bị sa xuống hố, dê em dùng lưng nâng anh ngựa lên khỏi hố rồi băng bó vết thương cho ngựa. Một cô hươu sao đang tìm cách bứt cụm lá non, dê em liền nhảy lên bứt liền mấy nắm lá cho hươu sao. Cuối cùng, dê em cũng đến chỗ cậu mình, chú nhận được bao hàng nặng rồi quay về. Khi về đến nhà, dê anh ra đón dê em ở cổng và nhăn mặt, nói:

- Thật không thể hiểu nổi! tôi đã bảo với mẹ cái gánh nặng đó quá nặng, một mình tôi không thể nào mang được. Tại sao chú lại một mình đem được nó về đây?

- Có lẽ khi tôi giúp những người khác mang vác gánh nặng của họ thì tôi có thêm được sức mạnh để mang những gánh nặng của mình, anh ạ!

Lời bàn: Khi bạn tìm được cách giúp đỡ những người khác đang vật lộn với gánh nặng của họ thì bạn cũng đã tìm ra sức mạnh để giải quyết gánh nặng của mình.

CHA VÀ CON
   
Một hôm, dê đen hỏi bố:

- Bố ơi! Thành công là gì hả bố?

- Thế theo con, thành công là phải như thế nào?

- Dạ, thành công đó là được làm một ông chủ, một thương gia giàu có hoặc một người có chức quyền, phải không bố?

- Đúng thế! Nhưng bố cũng cho rằng, có những cách thành công khác nữa. Mẹ con thường dậy sớm và ngủ muộn để làm việc nhà, nấu nướng, giặt giũ. Khi công việc đã ổn, mẹ con đem ít đậu tương sang nhà cô ngựa bạch vừa mới sinh em bé. Bác trâu xám ốm nặng, mẹ con liền sang thăm hỏi, mua ít thuốc men, quét dọn nhà cửa cho bác ấy…

- Con cũng thấy thế, mẹ tuy bận rộn nhưng mẹ không tỏ ra buồn bực gì cả, bố nhỉ?

- Ừ, suốt ngày mẹ con vẫn tươi cười, có lúc còn hát nữa đấy. Mẹ con tự hào và hạnh phúc khi chỉ làm một người bình thường nhưng vẫn giúp ích cho những người xung quanh. Đối với bố, đó là thành công, con ạ!

- Bố ơi! bạn chó đốm ở lớp con mắc bệnh từ nhỏ, phải kiêng ăn vài thứ, phải đi khám thường xuyên, lại phải tập thể dục hàng ngày. Nhưng lần nào gặp con, bạn ấy luôn kể những niềm vui như được uống chút sữa tươi, được ăn mẫu bánh ngọt mẹ cho, được ăn cái đầu cá do bố bạn ấy đem về. Bạn ấy còn vui hơn khi chạy được quãng đường dài hơn trước mà không thấy mệt, như thế có thể gọi là thành công không, bố?

- Sống tích cực như bạn chó đốm của con, đó là thành công đấy!

Lời bàn: Thành công không phải là những gì bạn làm ra mà là những gì bạn để lại. Cuộc sống chính là bài học lớn về thành công, mà bạn là người học trò luôn phải tiếp thu hàng ngày.

Nguyễn Thị Diệu Nga
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015

Các tin đã đăng: