(Th.S Võ Phúc Toàn)
Doanh nhân và phụng sự xã hội – Một góc nhìn từ thế hệ doanh nhân Nam Kỳ thời Pháp thuộc
30/12/2021 19:11 (GMT+7)


Doanh nhân và phụng sự xã hội – Một góc nhìn từ thế hệ doanh nhân Nam Kỳ thời Pháp thuộc (Th.S Võ Phúc Toàn) - Audio
00:00 / 09:05 
 

Tờ báo Việt ngữ đề cao việc thúc đẩy tinh thần phụng sự xã hội ở Sài Gòn có thể kể đến là tờ Phụ-nữ Tân-văn của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Đức Nhuận. (Ảnh: sưu tầm)

THẾ HỆ DOANH NHÂN MỚI RA ĐỜI VÀO ĐẦU THẾ KỶ XX 

Trải qua những làn sóng đấu tranh quân sự mạnh mẽ chống lại sự xâm lược và cai trị của người Pháp trong nửa cuối thế kỷ XIX, đến đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam có nhiều sự thay đổi quan trọng. Bên cạnh những yếu tố tiêu cực do cuộc xâm lược mang lại, chế độ thuộc địa của người Pháp đã mở cửa nền kinh tế, du nhập phương thức kinh doanh tư bản vào Việt Nam. Để vận hành nền kinh tế thuộc địa, bên cạnh giới tư bản Pháp, người Pháp cũng tạo điều kiện cho Hoa kiều và Ấn kiều đến Việt Nam làm ăn, nhất là ở Nam Kỳ.

Riêng với cộng đồng người Việt, việc chấp nhận và tham gia hoạt động kinh doanh theo lối làm ăn mới mất một khoảng thời gian khá dài. Chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, người Việt không xem trọng nghề buôn bán. Tư duy kinh tế theo đúng quan niệm tứ dân: Sĩ, nông, công, thương. Nghề buôn bán thường dành cho người phụ nữ, còn người đàn ông thì chú trọng vào nghề nông và việc học hành thi khoa cử. Quan điểm này chi phối đến tư tưởng người Việt trong một thời gian khá dài.
Phải đến đầu thế kỷ XX, nhiều cuộc vận động làm thay đổi tư duy kinh tế của người Việt mới diễn ra. Năm 1901, tờ báo kinh tế đầu tiên là Nông cổ mín đàm ra đời ở Nam Kỳ do Lương Khắc Ninh làm chủ bút. Nhiều bài viết trên Nông cổ mín đàm đã cổ vũ người Việt thay đổi tư duy kinh tế, chú trọng vào việc làm ăn kinh doanh: “Người bổn xứ cứ chuyện làm ruộng rẫy, đặng thất cho trời đất. Không thấy ai buôn bán cho cả thể, và cũng không có ai hùn hiệp chung cùng với ai mà làm cho ra cuộc đại thương. Vì sao? Ấy là bởi tục quen trong nước, hễ chưa có người bày trước, để vậy thì có lẽ luôn luôn như vậy mà thôi… Bởi vậy cho nên, xin phép nhà nước mà lập nhựt báo này đặng luận về kỹ – nghệ và thương cổ, chớ chẳng phải có ý tham lợi bán chữ mà lấy tiền” [1].

Sự ra đời của các phong trào vận động, cải cách đầu thế kỷ XX như phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục, Minh Tân càng khuyến khích người Việt thay đổi lối tư duy cũ, chú trọng vào thực nghiệp. Song song với các cuộc vận động này, quá trình làm việc, giúp việc cho các công ty, thương nhân người Pháp, người Hoa đã giúp cho người Việt dần dần làm quen với con đường kinh doanh kiểu mới. Ban đầu họ làm thư ký, thông ngôn cho các dự án của người Pháp, nhất là trong giai đoạn xây dựng các công trình giao thông công cộng trong thời kỳ khai thác thuộc lần thứ I. Một số nhân vật nhạy bén đã nhảy ra làm thầu khoán, cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án của người Pháp như: Bạch Thái Bưởi, Bùi Huy Tín, Trần Ngọc Thiện,… Không ít người sau khi làm công cho các xưởng, công ty người Pháp, người Hoa thì đứng ra mở xưởng làm ăn riêng như: Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính. Họ trở thành thế hệ doanh nhân người Việt đầu tiên theo lối kinh doanh hiện đại.

Riêng ở Nam Kỳ, lợi nhuận của việc xuất cảng lúa, gạo càng giúp cho nông nghiệp duy trì ưu thế trong đời sống kinh tế. Năm 1897, Đinh Thái Sơn mở xưởng in người Việt đầu tiên lấy tên là Phát Toán ở Tân Định, Sài Gòn. Sau Đinh Thái Sơn thì có xưởng in của Nguyễn Văn Viết, Nguyễn Văn Của. Phải sau cuộc vận động chấn hưng nội hóa năm 1919, nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt mới ra đời ở Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam kỳ như: Nam Đồng Lợi của Bùi Quang Chiêu, Háo Vĩnh công ty của Nguyễn Háo Vĩnh, Đức Thành Hưng của Lê Thị Ngọc, An Nam thương cuộc công ty do Nguyễn Phú Khai làm Hội trưởng,…

Thế hệ doanh nhân này trưởng thành trong thời kỳ xã hội bắt đầu có biến chuyển lớn, chứng kiến sự giao thời giữa Đông và Tây. Cùng với những thay đổi trong sinh hoạt kinh tế, chế độ thuộc địa được áp dụng ở Nam kỳ cũng du nhập những thiết chế xã hội phương Tây như chế độ báo chí và nghị viện. Vì thế, ở Nam Kỳ, giới tinh hoa bản xứ có thể dùng báo chí và nghị viện để đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong xã hội thuộc địa. Giới doanh nhân ở Nam Kỳ sau khi đã có một sức mạnh kinh tế nhất định họ cũng mong muốn nâng cao địa vị và uy tín của mình trong xã hội. Họ có thể tham gia nghị trường, xuất bản báo chí hay tham gia các hoạt động xã hội. Uy tín xã hội càng tăng, càng củng cố địa vị của họ trên trường kinh tế. Đặc biệt, dù chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Pháp về văn hóa và sinh hoạt kinh tế nhưng các doanh nhân cấp tiến giai đoạn này vẫn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, tình nghĩa đồng bào. Họ đã tiếp nối đạo lý tương thân tương ái ở một hình thức mới, thông qua các thiết chế như báo chí hay Hội cứu tế. Tinh thần phụng sự xã hội của doanh nhân người Việt đã sớm định hình như thế.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHỤNG SỰ XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NHÂN NAM KỲ THỜI PHÁP THUỘC

Sài Gòn giữ vai trò là trung tâm kinh tế – chính trị, hội tụ các dòng chảy văn hóa, kinh tế của cả xứ Nam Kỳ. Chế độ báo chí và nghị trường ở Sài Gòn vô hình trung tạo cho giới tinh hoa bản xứ những công cụ để cải tiến vị thế của mình trong xã hội thuộc địa. Qua các cuộc vận động Minh Tân năm 1907, chấn hưng nội hóa năm 1919, chống độc quyền cảng Sài Gòn năm 1923 đã cho thấy giới tinh hoa người Việt đã phát huy tốt các thiết chế cộng đồng trong xã hội. Trên phương diện phụng sự xã hội, báo chí đã tận dụng hiệu quả.

Tờ báo Việt ngữ đề cao việc thúc đẩy tinh thần phụng sự xã hội ở Sài Gòn có thể kể đến là tờ Phụ-nữ Tân-văn của vợ, chồng doanh nhân Nguyễn Đức Nhuận [2]. Hiệu buôn của Nguyễn Đức Nhuận ra đời năm 1917, với số vốn năm 1929 đã lên tới 250.000 đồng Đông Dương. Trụ sở của hiệu buôn đặt ở 40 – 58 đường Vanier, Sài Gòn và có chi nhánh ở số 42 đường Catinat, Sài Gòn chuyên bán hàng lụa, gấm nhiễu [3]. Công việc kinh doanh thuận lợi và tinh thần tiến bộ, đến tháng 5/1929, ông, bà Nguyễn Đức Nhuận cho ra đời tờ báo Phụ-nữ Tân-văn (1929-1935) nổi tiếng trong nền báo chí Việt Nam trước năm 1945.

Thời gian xuất hiện trên văn đàn chỉ có 6 năm nhưng Phụ-nữ Tân-văn đã cho thấy sự tiên phong, đột phá trong nhiều phong trào xã hội, tiếng vang vượt khỏi phạm vi Sài Gòn, quy tụ một đội ngũ cây bút tên tuổi của làng báo cả nước lúc bấy giờ như: Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Tản Đà, Nguyễn Thị Manh Manh, Phan Văn Hùm, Diệp Văn Kỳ…[4] Tờ Phụ-nữ Tân-văn đã dành nhiều chuyên mục, bài viết để kêu gọi phụ nữ Việt Nam mau chóng thức tỉnh, mưu cầu sự tiến bộ như mục: “Vấn đề giải phóng phụ nữ”, “Phụ nữ và gia đình”,… Từ đó, nhiều bài viết mang tính tiến bộ đấu tranh cho nữ quyền như: “Phong trào phụ nữ thể thao”, “Sự mê tín của phụ nữ”, “Chị em ta nên bỏ cái tục lạy trong gia đình đi”,… đã ra đời và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội [5]. Bên cạnh đó, Phụ-nữ Tân-văn còn đi đầu trong việc kêu gọi lập học bổng “Việt Nam phụ nữ học bổng” từ xã hội, một dạng học bổng “xã hội hóa” từ rất sớm trong đời sống xã hội Việt Nam. Trong bài “Phất cờ bác ái”, Ban Biên tập báo đã kêu gọi: “Chúng tôi quả quyết nói lớn rằng: Có một cách cứu vớt, một cách lo liệu: Cứu vớt bằng sự giáo dục, lo liệu cho việc giáo dục được hoàn toàn, được ích lợi.

Thật vậy, trừ việc giáo dục ra, còn sự gì là đáng làm và cần phải làm hơn nữa?

Chúng tôi tuy tài hèn sức mọn, song nếu đồng bào cho lời bày tỏ trên này là phải, thì chúng tôi dám quả quyết với đồng bào rằng: Trong hạn 90 ngày, chúng tôi đã có thể lập học bổng cho học sinh nghèo được đi du học” [6].

Trong bản thể lệ học bổng, Tòa soạn báo Phụ-nữ Tân-văn dự kiến dành 15% số tiền bán báo hằng năm thành lập quỹ học bổng và khi nào đủ 2.000 đồng sẽ tổ chức Hội đồng chọn ứng cử viên trong số các học sinh đã có bằng Brevel élémentaire hay Diplôme d’Etudes complémentaires, … [7]. Trong vòng 3 tháng, Phụ-nữ Tân-văn đã gây một nguồn quỹ học bổng lên tới 1.862,35 đồng từ tiền bán báo và quyên góp của bạn đọc gần xa [8]. Hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp của báo Phụ-nữ Tân-văn, Việt Nam Ngân hàng cũng ra Thông cáo cho vay lâu dài, giao tiền theo từng đợt để giúp học sinh người Việt đi du học ở nước ngoài. Người vay có thể về nước trả một lần hay trả góp theo tháng. Số lượng cho vay dự kiến là 20 người xét hồ sơ từ tháng 02/1929 [9]. Một số doanh nhân, tổ chức cũng đóng góp cho học bổng của Phụ-nữ Tân-văn như: Nguyễn Văn Viết, Hội Bắc Kỳ ái hữu, Xuân Mai, Nguyễn Văn Đoàn… Một ban xét chọn học bổng do các trí thức, doanh nhân có địa vị trong xã hội được thành lập, do kỹ sư Lưu Văn Lang đứng đầu, thành viên gồm: Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, trạng sư Trịnh Đình Thảo, doanh nhân Nguyễn Văn Của, doanh nhân Nguyễn Tấn Văn. Trong số 20 thí sinh tham gia dự tuyển học bổng, hai học sinh Nguyễn Hiếu ở Thái Bình và Lê Văn Hai ở Thủ Dầu Một cùng đạt số điểm như nhau nên cả hai cùng nhận học bổng sang Pháp. Nguyễn Hiếu sang Paris học tại trường Trung học Janson de Sailly còn Lê Văn Hai thì học ở tỉnh Bordeaux [10]. Từ chỗ chỉ có một Học bổng Phụ nữ Việt Nam do Phụ-nữ Tân-văn khởi xướng trong năm 1929, đến năm 1930 ở Nam Kỳ đã có hơn 14 học bổng của các nhà từ thiện hay Hội đoàn lập ra. Nhiều doanh nhân cũng tích cực đóng góp cho các học bổng này như Nguyễn Thanh Liêm dành 1.000 đồng mỗi năm cho học bổng Lương hữu cựu sanh viên trường Bổn quốc cho học sinh nghèo, vượt khó học tập [11].

Năm 1901, tờ báo kinh tế đầu tiên là Nông cổ mín đàm ra đời ở Nam kỳ do Lương Khắc Ninh làm chủ bút. Nhiều bài viết trên Nông cổ mín đàm đã cổ vũ người Việt thay đổi tư duy kinh tế, chú trọng vào việc làm ăn kinh doanh.
(Ảnh: sưu tầm)

Từ thành công bước đầu của Học bổng Phụ nữ Việt Nam, phu nhân của nhiều thương gia, trí thức như: Lưu Văn Lang, Trương Vĩnh Tống, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Đức Nhuận, Trần Văn Đôn… đã đứng ra xin phép chính quyền thành lập Hội Dục Anh vào ngày 7/11/1931. Mục đích của Hội là “tìm mọi phương pháp để giúp đỡ cho con nhà nghèo” như: Lập sở nuôi trẻ em, viện Dục Anh [12]. Hội Dục Anh đã khánh thành cơ sở đầu tiên ở số 58 Huỳnh Quang Tiên (nay là đường Hồ Hảo Hớn, Quận 1) vào ngày 28/11/1932, sau đó các cơ sở ở gần chợ Sài Gòn (1933), Cầu Kho (1934) cũng đi vào hoạt động. Theo tờ Tân văn ngày 04/8/1934 thì tài chính của Hội Dục Anh trong năm 1933 thu được 2.833,36 đồng, năm 1934 thu được 1.900,16 đồng [13].

Không chỉ vậy, trước cảnh khó khăn của đồng bào trong Nam ngoài Bắc, giới doanh nhân ở Sài Gòn đã phát động nhiều phong trào, thành lập tổ chức cứu tế người bị nạn. Truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc đã được chuyển tải dưới những màu sắc mới. Ngày 19/5/1930, Hội Nam Kỳ cứu tế nạn dân (Comité Cochinchinois de Secours aux Victimes des Calamités publiques) được thành lập do Nguyễn Văn Của làm Chánh Hội trưởng; thành viên Ban Trị sự có: Hồ Văn Kính, Thầu khoán; Bùi Thế Xương, Đốc phủ sứ; Nguyễn Đức Nhuận, Thương gia, Chủ nhiệm tờ Phụ-nữ Tân-văn; Trần Quỳ, Quản lý tờ Phụ-nữ Tân-văn; Nguyễn Văn Sâm, Hội đồng Quản hạt, Chủ nhiệm báo Đuốc nhà Nam [14]. Hội đã phát động quyên góp giúp đỡ đồng bào nhận được nhiều sự góp sức ở khắp Nam Kỳ và cả người Việt ở Campuchia. Một số hội buôn, doanh nhân như: Nguyễn Văn Viết, Nguyễn Văn Ngữ, Nguyễn Thị Kĩnh, Việt Nam Ngân hàng,… cũng góp tài, lực cứu tế. Năm 1931, Hội quyên góp cho đồng bào Cà Mau bị ảnh hưởng của bão số tiền 27.000 đồng. Trong cuộc họp ngày 16/01/1931, công quỹ của Hội được công bố là 52.538,59 đồng được gửi vào ngân hàng [15].

Chợ Lớn thời Pháp thuộc. (Ảnh: ordi.vn)

Cũng nên nhắc đến Nguyễn Văn Của (1873-1941), một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội Nam Kỳ. Nguyễn Văn Của xuất thân là thầy giáo tại tỉnh Gia Định (TP HCM) có 15 năm hoạt động trong hệ thống chính quyền, được ban Huyện Hàm năm 1904 nên thường được gọi là Huyện Của. Từ năm 1908, ông bắt đầu rời cuộc sống công chức, chuyển sang kinh doanh in ấn và hoạt động báo chí. Năm 1917, ông cùng với Renoux thành lập tờ Nam Trung nhựt báo và mua lại tờ Lục tỉnh tân văn năm 1919. Thời điểm này, Nguyễn Văn Của đã là Phó Hội trưởng của Nam Kỳ báo chương Hội, bao gồm cả báo giới người Pháp và Việt. Nguyễn Văn Của còn tham gia vận động thành lập nhiều tổ chức đoàn thể kinh tế và xã hội người Việt trong những năm 1920, 1930 như: Hội Thương mãi và kỹ nghệ An Nam tại Nam Kỳ (1917, Hội trưởng đầu tiên), Việt Nam Ngân hàng (1927, sáng lập viên) [16], Hội Nam Kỳ cứu tế nạn dân (1930, Hội trưởng đầu tiên),… Khi Nguyễn Văn Của qua đời (10/5/1941), một đám tang trọng thể, với gần 3.000 người đưa tiễn vào ngày 13/5/1941, có cả Thống đốc Nam Kỳ Rivoal và các nhân vật lớn trong xã hội Nam Kỳ như: Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm, Lưu Văn Lang, Lê Phát Vĩnh, Nguyễn Phú Khai, Trần Trinh Trạch,…[17] Nhờ vào uy tín và địa vị xã hội này của Nguyễn Văn Của khi giữ chức Hội trưởng, càng tạo thuận lợi cho công việc của Hội Nam Kỳ cứu tế nạn dân. Năm 1937, Hội đã làm được những công việc nổi bật như: Quyên góp cho quỹ xây dựng nhà thương ở Sài Gòn 500 đồng; trợ cấp những người hỏa hoạn ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm với số tiền 219 đồng, tiền gạo 19 đồng; gửi trợ cấp người bị hỏa hoạn ở Ngã Năm (Rạch Giá) số tiền 5.000 đồng; gửi trợ cấp cho người bị hỏa hoạn ở Sóc Trăng 1.000 đồng [18].

Lời kết
Như vậy, có thể thấy, từ đầu thế kỷ XX, tầng lớp doanh nhân theo lối kinh doanh hiện đại ở Việt Nam đã ra đời. Họ có thể là thầu khoán, nghiệp chủ, chủ hãng buôn, hiệu buôn,… với hành trạng xã hội phong phú và đa dạng. Ra đời trong xã hội thuộc địa, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Pháp nhưng chúng ta thấy rõ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẫn có sức sống mạnh mẽ trong họ. Các công cụ, thiết chế văn hóa, xã hội của văn minh phương Tây dù có thể làm thay đổi lối sống, sinh hoạt cộng đồng nhưng không thể thay thế tâm hồn, văn hóa Việt. Vì thế, đứng trước cảnh khó khăn, đau khổ của đồng bào, thế hệ doanh nhân này đã không đứng ngoài cuộc. Họ tự đứng ra vận động, dùng các công cụ có trong tay để kêu gọi tình bác ái, nghĩa đồng bào, cứu giúp nạn dân ngay cả trong thời kỳ chịu ảnh hưởng trầm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933. Ở đây, cũng nên nhắc đến vai trò của các cá nhân doanh nhân có uy tín, địa vị trong xã hội. Họ càng đóng góp cho xã hội càng nhiều thì uy tín của họ trên thương trường càng được nâng cao và ngược lại. Tinh thần phụng sự của thế hệ doanh nhân giai đoạn này đã đóng vai trò chuyển tiếp cho truyền thống tương thân tương ái của dân tộc từ xã hội truyền thống sang hiện đại. Tính dân tộc và tinh thần phụng sự xã hội đã trở thành vốn quý của tầng lớp doanh nhân hiện đại từ khi ra đời cho đến ngày nay.

Trong bối cảnh đất nước hiện nay đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, tinh thần bác ái, “tương thân, tương ái” một lần nữa được đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy, tương trợ đồng bào vượt qua đại dịch. Dù bị ảnh hưởng ít nhiều do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chung tay hỗ trợ người lao động, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Bác ái và phụng sự đã trở thành những giá trị nhân văn của đội ngũ doanh nhân cấp tiến, cùng xã hội vượt qua khó khăn.

Th.S Võ Phúc Toàn

 

Chú thích:

* Thạc sĩ Sử học Võ Phúc Toàn, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

[1] Lương Khắc Ninh (1901), “Thương cổ luận”, Nông cổ mín đàm, số 1, năm 1901, tr.2.
[2] Trong làng báo Sài Gòn trước 1945 có đến 3 nhân vật cùng mang tên Nguyễn Đức Nhuận: Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận chủ nhiệm báo Sài Gòn; Nguyễn Đức Nhuận của báo Phụ-nữ Tân-văn và Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận, nhà văn.
[3] Phụ-nữ Tân-văn, số 01, ngày 02/5/1929.
[4] Thiện Mộc Lan (2010), Phụ-nữ Tân-văn phấn son tô điểm sơn hà, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr.18.
[5] Bằng Giang (2018), Sài Côn cố sự, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.38-39.
[6] Phụ-nữ Tân-văn, số 3, ngày 16/5/1929, tr.17.
[7] Phụ-nữ Tân-văn, số 3, ngày 16/5/1929, tr.17.
[8] Phụ-nữ Tân-văn, số 18, ngày 29/8/1929, tr.9.
[9] Phụ-nữ Tân-văn, số 18, ngày 29/8/1929, tr.8.
[10] Phụ-nữ Tân-văn, số 68, ngày 04/9/1930, tr.7.
[11] T.V (1930), “Nói chuyện học bổng: một cái gương cho nhà giàu”, báo Phụ-nữ Tân-văn, số 68, ngày 04/9/1930, tr.1 – 2.
[12] Thiện Mộc Lan (2010), Phụ-nữ Tân-văn phấn son tô điểm sơn hà, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr.63.
[13] “Hội Dục Anh”, báo Tân văn, số 01, ngày 04/8/1934, tr.7.
[14] Hà thành ngọ báo, số 842, ngày 28/5/1930, tr.2.
[15] Nguyễn Văn Của (1931), Hội Nam kỳ cứu tế nạn dân. báo Sài thành nhật báo, số 52, ngày 23/01/1931, tr.1.
[16] Việc vận động thành lập Việt Nam ngân hàng, ngân hàng đầu tiên của người Việt diễn ra 2 lần vào năm 1919 và 1927. Trong cả hai lần, Nguyễn Văn Của đều đóng vai trò quan trọng.
[17] Báo Sài Gòn, số 14.672, ngày 15/5/1941, tr.1&4.
[18] Hội Nam kỳ cứu tế nạn dân vẫn tiến hành công việc, báo Sài Gòn, số 1076, ngày 9/4/1937, tr.8.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bằng Giang (2018), Sài Côn cố sự, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
2. Báo Sài Gòn, số 1.076, ngày 9/4/1937.
3. Báo Sài Gòn, số 14.672, ngày 15/5/1941.
4. Báo Tân văn, số 01, ngày 04/8/1934.
5. Hà thành ngọ báo, số 842, ngày 28/5/1930.
6. Lương Khắc Ninh (1901), “Thương cổ luận”, Nông cổ mín đàm, số 1, năm 1901.
7. Nguyễn Văn Của (1931), “Hội Nam kỳ cứu tế nạn dân”, báo Sài thành nhật báo, số 52, ngày 23/01/1931.
8. Phụ-nữ Tân-văn, số 01, ngày 02/5/1929.
9. Phụ-nữ Tân-văn, số 3, ngày 16/5/1929.
10. Phụ-nữ Tân-văn, số 68, ngày 04/9/1930.
11. Thiện Mộc Lan (2010), Phụ-nữ Tân-văn phấn son tô điểm sơn hà, Nxb Văn hóa Sài Gòn.

Các tin đã đăng: