(TT.TS. Thích Phước Đạt)
Vị thế của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc
30/12/2021 19:20 (GMT+7)


Trình chơi Audi
Sử dụng các phím mũi tên Lên/Xuống để tăng hoặc giảm 

Ngay từ buổi đầu, Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình nên đã có sự gắn bó và hòa nhập với dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Mặt khác, cốt tuỷ tinh thần của đạo Phật là dân chủ, rộng mở, từ bi và hỷ xả nên nhanh chóng được tiếp nhận và ăn sâu vào trong tâm thức cộng đồng người Việt vốn là cư dân nông nghiệp hiền hòa chất phác. Phật giáo được xác định như là một thực thể văn hóa tinh thần, góp phần tạo ra sức mạnh kết đoàn của cả dân tộc, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và mở nước. Hay nói khác Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay bao giờ cũng tự xác lập vị thế và vai trò của mình trong lòng dân tộc Việt Nam.

Phật giáo với lịch sử dân tộc

Cụ thể, Phật giáo được xác định như là con đường thể nhập “mà ra ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước, còn ở nhà thì có thể thờ phụng mẹ cha và lúc ở một mình có thể dùng để hoàn thiện bản thân”. Như thế, Phật giáo từ thuở ban đầu đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với một dân tộc.

Đấy là một tôn giáo có nếp sống đạo không chỉ giáo dục tự thân đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một hệ tư tưởng giúp tổ tiên chúng ta chống lại sự đồng hóa xâm lược phương Bắc, bảo vệ độc lập, tự chủ.

Xuất phát từ nhận thức như thế, từ thời Phật giáo mới du nhập, đến khi nước nhà chuyển sang thời kỳ độc lập tự chủ, tiếp nối thời đại hôm nay, đất nước đã thống nhất, hội nhập toàn cầu, Phật giáo Việt Nam, bao giờ cũng đặt mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa, đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn song hành với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước.

Thực tế, dân tộc Việt đã mất gần nghìn năm đấu tranh chống lại sự đồng hóa phương Bắc và Phật giáo hẳn nhiên cũng trực tiếp tham gia đồng hành cùng cả dân tộc để bảo vệ sự tồn vong chính mình. Đến khi nước nhà độc lập, ý thức tự chủ của dân tộc càng được phát huy cao độ thì Phật giáo càng có điều kiện phát triển và ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng.


Ảnh: Tượng đức Phật A-di-đà tại chùa Phật tích, bắc Ninh

Bước vào thời kỳ tự chủ, Tăng lữ Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định triều chính, hưng khởi nền học vấn của Đại Việt vì chư Tăng Ni là những viên ngọc tri thức sáng ngời trong bối cảnh bấy giờ. Do đó, Phật giáo thời này không chỉ bó hẹp trong khuôn viên nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc phần hồn cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết đất nước. Có thể nói, Phật giáo đến thời nhà Lý, nhà Trần đã được “bản địa hóa” sâu sắc, gắn bó chặt chẽ với triều đình và nhân dân, trở thành một lực lượng xã hội góp phần củng cố nền tự chủ của đất nước.Cụ thể Phật giáo thời Lý – Trần đã định hình cho một nền văn hóa Phật giáo Lý – Trần. Và hệ quả tất yếu là Phật giáo Trúc Lâm ra đời sau khi hợp nhất ba Thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường để tạo nên một Phật giáo Nhất tông vào đời Trần.

Đến thời nhà Lê và nhà Nguyễn, tiếp nối truyền thống Phật giáo Lý – Trần, các thiền sư Phật giáo dòng Trúc Lâm đã hóa thân vào dòng Lâm Tế, Tào Động kinh qua bao biến động thời cuộc, đặc biệt là hành trình mở đất phương Nam. Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ này với tinh thần hộ quốc an dân đã thực thi nhiệm vụ kiến tạo một thế giới an bình trong ý niệm mỗi người dân là một vị Phật sẽ thành để chung tay xây dựng kiến tạo Phật quốc ngay giữa cõi đời.

Đến thời kỳ hiện đại, khi đất nước đối diện hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các thiền sư đã cởi áo cà sa, khoác chiến bào tham gia kháng chiến với tinh thần yêu nước cao độ. Chính tinh thần yêu nước là yêu đạo mà Phật tử từ trong chốn thiền môn u tịch, cho đến thị thành đô hội, ai ai cũng đem hết tấm lòng mình ra để phụng sự đất nước, phụng sự đạo pháp. Kết quả đất nước Việt Nam thống nhất – hòa bình vào năm 1975, các tổ chức Phật giáo bao gồm 13 hệ phái theo đó cũng thống nhất.

Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo thời hiện đại, một Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào 1981, đại diện cho Phật giáo Việt Nam duy nhất, điều hành mọi Phật sự từ trung ương cho đến địa phương. Từ đó đến nay, trải qua 39 năm hình thành phát triển của Giáo hội, Phật giáo Việt Nam càng có điều kiện thuận lợi để thể hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là mục tiêu, đích đến của Việt Nam hôm nay.

 

Chính tinh thần đồng hành cùng với dân tộc mà mối quan hệ giữa Phật giáo và Nhà nước qua các thời kỳ bao giờ cũng có sự gắn kết keo sơn. Sự thật này đã được quy định rõ từ thời Mâu Tử về chức năng và nhiệm vụ của Phật giáo thông qua sự phát biểu về con đường Phật giáo như đã nói trên. Các nhà lãnh đạo Phật giáo sau này đã kế thừa và vận dụng tinh thần này một cách triệt để nên không bao giờ có sự tranh chấp quyền lực giữa Phật giáo và triều đình. Tinh thần vô trụ, vô ngã đã cung cấp cho người Phật tử một cái nhìn duyên sinh, duyên diệt trong tiến trình vận hành bao la của vũ trụ, kể cả cuộc đời con người. Đây chính là cơ sở, động lực mà Phật giáo Việt Nam làm nên các kỳ tích, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Do đó, sự thiết lập giáo quyền trong đạo Phật là không bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, chư Tăng Ni Phật tử đóng góp cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước, mở cõi không bao giờ đòi hỏi điều gì cho bản thân. Chính điều này đã vun đắp niềm tin của triều đình và lãnh đạo đất nước đối với Phật giáo. Điều này càng khẳng định chủ trương của Phật giáo trước sau như một là đặt sự tồn vong của chính mình trong sự tồn vong của dân tộc. Từ đây, con người có một cái nhìn bao dung độ lượng với con người xung quanh và thế giới hiện hữu, nhất là ý thức sự cần thiết của niềm tin, của ý niệm hòa bình, đoàn kết và thân ái cùng nhau xây dựng một đời sống hạnh phúc thật sự.

Từ một tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam với cơ cấu tổ chức Hội đồng Chứng minh, Hội động Trị sự và 6 ban ngành chuyên môn Trung ương, trải qua 39 năm hoạt động, ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và thể nhập vào đời sống thực tiễn trên mọi lĩnh vực. Trụ sở Trung ương Giáo hội với 2 Văn phòng, đã kết nối với 13 Ban, Ngành, Viện Trung ương và Văn phòng Trị sự của 63 tỉnh thành các cấp Giáo hội để điều hành Phật sự. Nói như thế, để minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ về phương diện quản trị hành chánh của Giáo hội lớn mạnh đến chừng nào.

Có thể khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài để đối thoại với Phật giáo các nước thân hữu trên thế giới. Trong vòng 39 năm, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham dự và đóng góp cho các diễn đàn Liên hợ p quốc vì mục tiêu hòa bình của nhân loại, cũng như các tổ chức Phật giáo quốc tế thân hữu.

 

Lễ tốt nghiệp Học viện PGVN tại TPHCM năm 2019

Quan trọng hơn nữa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn được tổ chức Liên hợp quốc trao quyền đăng cai tổ chức Vesak vào năm 2008, 2014, 2019, đặc biệt Vesak năm 2019 có đến 112 quốc gia và vùng lãnh thổ là quý vị đại biểu khách quý, lãnh đạo các Giáo hội và Tổ chức Phật giáo trên thế giới, các học giả lỗi lạc và hàng vạn Phật tử Việt Nam tham dự đại lễ tại chùa Tam Chúc. Rõ ràng vị thế Phật giáo Việt Nam hôm nay không chỉ trong lòng dân tộc Việt Nam mà còn có thế đứng và tầm vóc trên thế giới trong xu hướng hội nhập toàn cầu.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng có đủ điều kiện lan tỏa khắp mọi nơi trên hành tinh này nhờ nền Quản trị hành chính tiên tiến với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Vì thế, vị thế và vai trò của Phật giáo Việt Nam càng vươn xa hơn nữa, xứng đáng là thực thể trung tâm của kết nối khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam với các đồng bào dân tộc khác hiện hữu trên trái đất này.

Trên phương diện giáo dục, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy nền giáo dục Phật giáo truyền thống mà cha ông đã xây dựng và phát triển xa xưa, không chỉ đóng góp cho đạo pháp mà cho cả đất nước trong sự nghiệp trồng người. Trong thời Phật giáo mới du nhập, Phật giáo Việt Nam đã đảm đương sứ mệnh giáo dục tự thân khi nhà chùa chính là nhà trường, nhà sư chính là nhà giáo. Khi nước nhà độc lập, vào năm 1076, vua Lý Thánh Tông – một Phật tử đắc pháp với thiền phái Thảo Đường, đã đứng ra xây dựng Quốc Tử Giám. Đây được ví như trường đại học đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Quyết định này khẳng định sự lớn mạnh giáo dục Đại Việt, trong đó nhân tố quan trọng là Phật giáo đã sẵn sàng “hội nhập” mọi trào lưu tư tưởng bấy giờ kể cả Nho giáo.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Giáo dục và văn hóa Phật giáo Việt Nam đã đóng góp cho nền giáo dục quốc dân với sự ra đời 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, tại Huế, tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Các Học viện Phật giáo đều có chương trình đào tạo Cử nhân Phật học, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học. Ngoài ra còn có 9 cơ sở đào tạo Cao đẳng Phật học, 36 Trường Cao – Trung Cấp Phật học, trên 30 cơ sở đào tạo Sơ cấp Phật học khắp cả nước, 2 cơ sở giáo dục đào tạo chương trình Giảng sư Cao cấp và Trung cấp ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các diễn đàn trao đổi học thuật Phật giáo không chỉ Phật giáo Việt Nam đứng ra tổ chức tại nước nhà mà con đề cử các Học giả, thiền sư tham dự ở các nước Phật giáo thân hữu.

Có thể nói, chỉ trong 39 năm dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ngành Giáo dục Phật giáo phát triển rực rỡ và có sự thành tựu nhảy vọt vượt bật bằng cả mấy thập kỷ, đã cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho Giáo hội để phụng sự Đạo pháp và đóng góp cho công cuộc xây dựng quốc gia Việt Nam hưng thịnh, dân giàu nước mạnh, xã hội yên bình.

Về phương diện văn hóa, trong vòng 39 năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chung tay cùng với mọi người dân kiến thiết quốc gia, bảo lưu văn hóa nước nhà thông qua chương trình hành động cụ thể mà giới Phật giáo khuyến khích làm là:“Xây chùa, dựng tượng, đúc chuông, Trong ba việc ấy thập phương nên làm”. Xây chùa là xây dựng tâm thức đời sống người dân Việt Nam sống theo nếp sống đạo. Chùa là cơ sở sinh hoạt văn hóa, giáo dục, đạo đức, tín ngưỡng cộng đồng để giải quyết các yêu cầu nhỏ nhất của mỗi người, và cả việc quốc gia đại sự. Chùa chiền được xây dựng để góp phần phát triển đất nước, bởi vì nội lực cộng sinh cả dân tộc đều hình thành và lớn mạnh xuất phát từ trong đời sống sinh hoạt và tu tập ở các ngôi chùa. Dựng tượng là dựng lại hình ảnh ông Phật ở trong lòng phải được hóa hiện qua việc tu thân sửa tánh, hiếu thảo mẹ cha và đóng góp cho nước nhà mà Mâu Tử từng nói. Đúc chuông là đúc kết quá trình thực nghiệm tâm linh trong đời sống vốn biến động không ngừng để tỉnh thức mà hành xử cho đúng đạo lý làm người.

Đại lễ Vesak LHQ 2019 – Biểu diễn nghệ thuật tại Đại lộ di sản văn hóa các quốc gia tại chùa Tam Chúc, Hà Nam

Nhờ bao nỗ lực xây dựng và gìn giữ, hệ thống chùa chiền được trùng tu, xây dựng mới từ trung tâm thành thị đến biên cương hải đảo, vùng sâu vùng xa, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Tất cả minh chứng văn hóa Phật giáo đã góp phần bảo lưu mọi giá trị văn hóa nước nhà và tạo ra bản sắc văn hóa Việt trong xu hướng toàn cầu.

hóa. Phật giáo Việt Nam đã từng bước hoàn thiện Bộ Đại tạng kinh Việt Nam và hình thành hệ thống Văn học Phật giáo Việt Nam được trước tác, biên soạn và phiên dịch một cách khoa học. Trên nguyên lý tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, được vận dụng cụ thể hóa, ngành Văn hóa Phật giáo Việt Nam đã hướng đến việc xây dựng nền văn hóa dân tộc chủ lưu, trong đó yếu tố văn hóa Phật giáo Việt Nam là nhân tố quan yếu trong quá trình hội nhập trước vận hội mới của nước nhà.

Sự hợp nhất, thống nhất ý chí và hành động của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã góp phần tạo ra hợp nhất tư tưởng dân tộc trong công cuộc kiến tạo đất nước với những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Và lần nữa, Phật giáo Việt Nam luôn luôn năng động tùy duyên, tùy thời để đề ra những chương trình hoạt động cụ thể trước những vận hội mới, những cơ hội và thách thức mới mà những biến động xã hội, thời cuộc đưa lại. Tinh thần đoàn kết toàn dân, thương người như thể thương thân, và từ bi hỷ xả được hòa quyện trong mỗi người Phật tử đã thể hiện rõ rệt trong khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo qua hình ảnh các nhà sư, Phật tử tham gia hưởng ứng công tác từ thiện, xây nhà tình thương, nuôi trẻ cơ nhỡ, ủng hộ người nghèo trên khắp mọi nẻo đường. Điều này càng cho ta thấy vị trí của Phật giáo Việt Nam luôn nằm trong khối óc và con tim người dân Việt Nam hôm nay.

Tóm lại, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới. Đời sống sinh hoạt của Phật giáo cũng nằm bối cảnh theo xu hướng toàn cầu hóa mà vận hành. Huống chi thuộc tính của Phật giáo là duyên khởi tính, vì thế Phật giáo cũng năng động uyển chuyển trong quá trình hội nhập trên mọi phương diện. Vấn đề là trong quá trình hội nhập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức và vận hành mọi hoạt động Phật sự vẫn giữ sắc thái riêng của Phật giáo và của dân tộc, nhưng đồng thời cũng mang những tính chung của cộng đồng quốc tế, nhân loại. Đó là vị thế, thế đứng, vai trò của Phật giáo Việt hôm nay và cả mai sau mãi mãi phát huy và thành tựu vững chắc.

Chú thích:

[1] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, Sài gòn, 1982, tr.511.

* TT.TS Thích Phước Đạt – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN.

Các tin đã đăng: