Quà tặng lưu niệm - món quà nhỏ, ý nghĩa văn hóa lớn
16/06/2015 10:57 (GMT+7)

Vấn đề trên tưởng rất đơn giản và nhỏ nhưng dường như nhiều năm qua, nó vẫn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm.

Điều đó được thấy qua các lần Giáo hội tiếp các đoàn khách quốc tế. Quà lưu niệm có thể thấy khá đa dạng và ngẫu hứng mang tính cá nhân. Có thể là hình ảnh hoa sen, bức thư pháp tiếng Việt, hình ảnh chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, và có khi là ảnh tượng Đức Phật theo phong cách nước ngoài.

Nếu ai từng đi dự các sự kiện quốc tế đều biết rằng quà lưu niệm thường mang một thông điệp văn hóa hết sức rõ ràng. Chúng ta dễ dàng nhận diện sắc thái văn hóa của từng quốc gia qua món quà lưu niệm, dù đó là những biểu tượng nhỏ, cho đến các tôn tượng Phật, Thánh Tăng mang phong cách mỹ thuật đặc thù của từng quốc gia, và dễ dàng nhận biết đâu là tượng pháp Thái Lan, Nhật Bản, Miến Điện, Trung Quốc…

Trong Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới tại Nhật Bản lần thứ 6, món quà tâm linh mà Hòa thượng Chủ tịch sáng lập trân trọng tặng đến các phái đoàn tham dự chính thức là tôn tượng Đức Phật đản sinh theo phong cách Nhật Bản, đứng trên kim tượng, có lọng che. Quà tâm linh gởi đến các đại biểu quốc tế trong các kỳ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan cũng vậy, như thông điệp trong tuyên bố bế mạc của Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 12 vừa rồi của Hòa thượng Chủ tịch Phra Brahmapundit: “Qua Đại lễ này, chúng tôi, đại diện nhân dân Thái cũng mong muốn các bạn bè Phật tử trên thế giới hiểu hơn về đất nước và con người Thái, rằng văn hóa Thái chính là văn hóa Phật giáo. Nó thể hiện sự gắn kết chặt chẽ không thể tách rời giữa Phật giáo và đời sống con người Thái”.

Đó không chỉ là ước mong của Hòa thượng Phra Brahmapundit của Thái Lan, mà cũng chính là ước mong chung của Hòa thượng Chủ tịch sáng lập Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới tại Nhật Bản, của cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu, hay của những nhà lãnh đạo Phật giáo các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Chúng ta tự hào rằng Phật giáo Việt Nam có hơn hai ngàn năm lịch sử, gắn bó và làm phong phú cho văn hóa dân tộc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức đặc thù, có hệ thống từ Trung ương đến khắp các tỉnh thành, đến cấp quận/ huyện/ thị xã của cả nước; nhưng những gì chúng ta trình diện trong các dịp có ý nghĩa giao lưu văn hóa, chẳng hạn qua những món quà lưu niệm không thôi, rõ ràng là không hề xứng tầm với những gì mà chúng ta đã thừa kế và đang có. Ở đây chưa nói đến việc khách quốc tế sẽ nghĩ gì về Phật giáo Việt Nam qua các hiện vật đại diện là món quà lưu niệm đã được nhận.

Mong rằng Giáo hội lưu tâm điều này, để mỗi món quà lưu niệm, tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa văn hóa lớn, giúp người tiếp nhận qua đó có dịp hiểu hơn về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam.

Hoàng Độ

Các tin đã đăng: