Ngược dòng lưu chuyển
16/04/2016 09:58 (GMT+7)


Như đã nói, hiện tại mình đang ở đây nhưng tâm mình thì đang lang thang ở quê người, đó gọi là xa quê, xa nhà, là mất gốc. Lang thang đây là lang thang ở trong các trần, đuổi theo các duyên, nó buông cái này, bắt cái kia hoài không chịu dừng. Chính đó là tâm sinh tử, là tâm biến động. Do vậy mà trôi theo dòng luân chuyển sinh tử luân hồi. Vua Trần Thái Tông tuy là vua nhưng ông cũng tu thiền, sáng tỏ được tâm nên trong bài kệ "Núi Thứ Nhất", vua nói rằng:

Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,
Liền trái không sanh nhận có sanh.
Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,
Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm trình.

Đang sống trong cái vô niệm, vô sanh nhưng chợt khởi niệm nên thành có. Gọi là "chỉ sai hữu niệm quên vô niệm". Quên vô niệm mà thành có niệm. Sai chút xíu đó thôi nên thành ra "liền trái không sanh nhận có sanh". Tức là trong cái vô sanh lại nhận có sanh, từ đó mà xa nhà, xa quê. Rồi "Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị" tức đi theo sáu trần. Bởi vậy, "lang thang làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trình", là lang thang trong sáu trần, sống nơi quê người, mà lang thang trong sáu trần như vậy tức là mất gốc. Chính vì vậy, ở đây mình tu là để trở về. Trong Mười Bức Tranh Chăn Trâu, bài kệ thứ tư là "Được Trâu", nhưng cũng chưa xong mà còn phải chăn nữa. Trong bài kệ đó có câu:

Đem hết thần thông bắt được rồi,
Bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi.
Có khi vừa đến cao nguyên đứng,
Lại chạy sâu vào chốn khói mây.

"Đem hết thần thông bắt được rồi", tức dùng hết công phu để bắt được trâu. Nhưng "bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi", tuy bắt được rồi nhưng vẫn còn bị lôi, tâm trí cũ vẫn còn chuyển theo cảnh. Bởi vậy, "có khi vừa đến cao nguyên đứng", mới thấy nó đứng ở trên cao nguyên, an ổn đó; nhưng quay đầu lại thì thấy nó "lại chạy sâu vào chốn khói mây" rồi! Đó là chưa làm chủ được. Bởi vậy, thấy được trâu, bắt được trâu rồi mà nó còn chạy huống là chưa thấy, chưa bắt được thì nó còn chạy cỡ nào! Đó là nhắc nhở cho mình, làm sao khéo tinh tấn tu để đưa trâu về nhà. Nếu sống như vậy, nó chạy hoài thì làm sao được an! Khi được hỏi: "Đâu là bản tâm của mình?" thì đều không rõ, không biết. Là vì trâu đang chạy, là tâm đang lang thang! Sống ở đây mà giống như đang sống ở đâu vậy, hỏi: ‘Bây giờ đang ở đâu?" thì không biết. Thử hỏi có ai sống mà không có tâm, nhưng khi được hỏi: "Bản tâm là gì? Ở đâu?" thì đều lờ mờ không rõ. Bản tâm mình mà lại không biết! Trái lại, chỉ lo biết chuyện của người khác, đó là sống mất gốc, sống thiếu ý nghĩa. Bởi vậy, đây là nhắc để cho mình biết mà chịu đưa tâm về nhà. Lâu nay đưa tâm đi lang thang, bây giờ phải đưa tâm về nhà, trả về gốc.

Nhưng đây không phải chỉ là lý luận thôi, nói đưa nhưng phải đưa như thế nào? Đây là phải đưa theo chỗ từ đó nó đi ra, theo dấu nó đi ra mà đưa nó về thôi, chứ có gì đâu! Nó đi ra theo cái dấu nào thì phải theo cái dấu đó mà đưa nó về, thì về trúng nhà. Đó là khéo, là ngược dòng đó. Mà tâm mình đi ra thì đi theo cái dấu gì? Đó là theo sáu căn mà đi ra sáu trần, cái dấu là ở đó. Vậy nên, vua Trần Thái Tông nói: "Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị", tức là từ chỗ thấy, nghe, hiểu, biết này, nó đi ra sáu trần. Bây giờ muốn đưa nó trở về thì cũng theo chỗ thấy, nghe, hiểu, biết đó rồi đưa về. Theo dấu đó nó đi ra thì cũng theo dấu đó mà đưa nó về. Thay vì nó hiểu biết theo duyên, theo niệm (đi ra các trần) thì bây giờ cho nó biết trở lại trước khi khởi niệm, trước khi động niệm. Bởi vậy, vua Trần Thái Tông nói: "Chỉ sai hữu niệm, quên vô niệm". Trong vô niệm đó chỉ sai vì động niệm thì nó đi ra; nên bây giờ muốn đưa nó về thì phải trở lại trước khi động niệm, đó là đưa nó về nhà. Tức là nó biết nhưng lìa các duyên, chưa có đối tượng thì đó là trở về bản tâm, là đưa nó về nhà. Bởi vậy, ngồi thiền mà khéo biết cách thì mình ngồi thiền dễ yên lắm. Ngày xưa, có vị tăng hỏi Thượng tọa Tỉnh ở chùa Quốc Thanh:

- Đệ tử mỗi đêm ngồi thiền tâm niệm lăng xăng, tán loạn, chưa rõ phương pháp nhiếp phục, xin thầy từ bi chỉ dạy cho.

Thượng tọa Tỉnh trả lời:

"Hoặc là đêm vắng ngồi yên, tâm niệm lăng xăng, tán loạn thì liền đem cái tâm lăng xăng đó xét tìm trở lại cái chỗ lăng xăng. Xét tìm lại thấy nó không có chỗ thì tâm lăng xăng đó đâu còn".

 Tức là thay vì tâm mình lăng xăng theo này kia thì mình đem cái tâm lăng xăng đó xét tìm cái chỗ lăng xăng xem thế nào? Đem cái tâm lăng xăng đó xét tìm trở lại thì mình đã trở lại rồi. Nó lăng xăng là theo duyên theo cảnh, bây giờ đem tâm lăng xăng xét tìm trở lại tức là ngược dòng luân chuyển. Tức là buông duyên, buông cảnh khiến nó không có chỗ để duyên thì chỗ nào lăng xăng được. Có duyên thì nó có chỗ bám, có chỗ lăng xăng, còn bây giờ hết chỗ bám thì nó lăng xăng chỗ nào? Bởi vậy, xét tìm trở lại thì niệm lăng xăng đó đâu còn.

"Xét tìm trở lại cái tâm tìm xét thì cái tâm hay tìm xét đó đâu thể có"ù.

 Tức là mình xét tiếp cái tâm hay tìm xét, mà tâm là cái đang hiện hữu đây thì còn cái tâm nào tìm xét nữa, là nó bặt dấu thôi!

"Lại nữa, trí hay chiếu vốn không, cảnh bị chiếu cũng lặng, lặng mà chẳng phải lặng, bởi vì không có người hay lặng; chiếu mà chẳng phải chiếu, vì không có cảnh bị chiếu".

 Tức là có cái năng chiếu này thì phải có cảnh sở chiếu đó, còn bây giờ cái cảnh không có thì lấy năng chiếu cái gì? Tâm có chỗ duyên thì mới phát, còn không có chỗ nào duyên hết thì sao? Hòa thượng Dược Sơn dạy: "Hãy suy nghĩ cái không suy nghĩ!", thì lấy gì suy nghĩ? Tức năng sở liền bặt dứt. Vậy nên:

"Cảnh trí đều lặng, tâm tự an nhiên. Ngoài chẳng theo cảnh, trong không trụ định, hai đường đều dứt, một tánh yên vui. Đây là yếu đạo trở về nguồn vậy".

 Con đường đưa tâm về nhà là vậy. Thay vì tâm mình lăng xăng theo cảnh, theo duyên, giờ đem ngay cái tâm lăng xăng đó xét tìm trở lại cái chỗ lăng xăng, chứ không phải là theo nó mà đi ra. Đó là khéo trở về. Mỗi vị khéo ứng dụng thì có cách đưa tâm về nhà của mình. Mê cũng từ tâm đó. Mình nói thức, nói trí, trên danh từ thì có hai nhưng trên thể thì đâu có hai. Do vậy, trong Duy Thức, khi chuyển thức thành trí thì đó là chuyển cái tên chứ không phải là chuyển cái thể. Xưa nó là thức, sau tu thì nó thành trí. Chỉ đổi cái tên chứ cái thể thì không phải chuyển nữa.

Như người có đi biển, nhìn ra biển thì thấy rõ. Lúc đầu mặt biển yên, nhưng có gió thì sóng to sóng nhỏ, lượn sóng trước sóng sau đều nổi lên từ biển. Lúc nó nổi lên thì mình thấy giống như có lượn sóng to sóng nhỏ, có lượn sóng trước sóng sau. Lượn sóng trước sau, lớn nhỏ, lên xuống giống như là có sanh có diệt. Nhưng xét kỹ thì cũng chỉ là mặt biển thôi chứ có truớc sau gì! Cuối cùng, nó cũng tan trở về biển. Từ biển mà nó nổi sóng rồi cũng trở về biển, đâu có cái nào khác sanh diệt trong đó! Nhưng con mắt thường của mình thì bị gạt. Cũng mặt biển đó, bao nhiêu nước đó, nhưng con mắt mình bị cái tướng đó gạt. Tâm mình cũng vậy, các thức cũng khởi từ tâm (biển tâm). Từ biển tâm, khi gió cảnh thổi vào thì tâm động theo duyên nên nổi thành sóng. Đây là sóng gió ở trong tâm, nhưng khi sóng yên thì cũng trở về tâm. Tức cũng chỉ là biển tâm thôi chứ chưa ra khỏi biển tâm. Do vậy, khi thấy sắc hoặc nghe tiếng, nó từ trong tâm đi ra sắc hay tiếng. Mình thấy sắc thì tâm đi ra theo sắc, nghe tiếng thì đi ra theo tiếng. Nhưng đi đâu đi nữa thì nó có ra khỏi tâm không? Cái thức biết đó, nó biết theo sắc theo tiếng, biết cái này cái kia, biết đủ thứ v.v… nhưng nó có đi ra khỏi tâm không? Nếu nó ra khỏi biển tâm này thì thành khúc cây, khúc gỗ chắc hết còn biết gì rồi! Như vậy, nó đâu tách rời khỏi tâm, nên mình ngay đó khéo léo mà trở về. Làm gì thì làm, nó cũng không ra khỏi biển tâm này, khéo ngay đó mà trở về thì có hay hơn không! Bởi vậy, trong nhà Thiền các Thiền sư hay nhắc nhở: "Thấy sắc liền sáng tâm". Khi thượng đường, các Ngài khai thị ngay cái sắc bằng cách đưa phất tử hay chỉ cây bách. Đó là để đánh thức mình, ngay đó mà thấy sắc liền sáng được tâm tức là khéo trở về. Đó là đưa tâm về nhà. Hiểu rõ như vậy thì mình không có gì lạ khi đọc sách Thiền.

Trong nhà Thiền, có vị tăng hỏi Ngài Triệu Châu: "Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?". Ngài bèn đáp: "Cây bách trước sân". Mình mà chưa có kinh nghiệm học thiền thì cứ theo đó suy nghĩ: ‘Cây bách trước sân đó ý nghĩa là sao? Tại sao hỏi vậy mà lại đáp là cây bách trước sân?’. Mà càng suy luận thế này thế kia thì càng lúc càng xa. Người khéo thì phải biết ý Thiền sư, nói cây bách nhưng ý không phải ở cây bách mà là ở nơi ông. Được như vậy gọi là "đưa tâm về nhà". Đây là cái thực tế, mỗi người hiện tại đây, đang ngồi, đang nghe rõ ràng nhưng là đưa tâm về nhà hay là đang đưa đi đâu? Nhà đây mà không chịu về, còn tìm nhà ở đâu nữa! Đó là lẽ thật, mình kiểm nghiệm, xét kỹ thì thấy được đường đi, thấy được pháp tu của mình. Thật hết sức thực tế, hết sức gần gũi! Sống thực ngay đây, đang ở nhà nhưng mình thì lại đi chỗ khác! Đó là sống theo tướng. Cho nên, trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo Ngài A-nan:

"Ông cũng lại như vậy, nếu lấy cái phân biệt theo tiếng của tôi nói pháp làm tâm của ông, tâm ấy tự rời cái phân biệt theo tiếng nói pháp, nó vẫn có tính phân biệt, thì chính cái đó mới thật là tâm của ông!".

Còn mình thì theo tiếng nói pháp đó: nghe thì có phân biệt nhưng tiếng đó qua mất thì hết phân biệt! Chính đó là tâm sanh diệt, là nổi sóng. Còn bây giờ buông chỗ đó mà quay lại, thì gọi là trở về nhà. Cho nên ngay sắc, ngay thanh là chỗ mình đưa tâm về nhà. Thiền Sư Thanh Tủng dạy chúng:

"Thấy sắc là thấy tâm, hãy nói cái gì là tâm? Núi sông, đất ruộng, vạn tượng sum la, xanh vàng đỏ trắng, nam nữ v.v… là tâm hay chẳng phải tâm? Nếu là tâm thì sao lại trở thành vật tượng? Nếu chẳng phải tâm thì sao lại nói thấy sắc là thấy tâm?".

 Hai chỗ đó, mình khéo xét lại thì thấy đường về.

"Lãnh hội chăng? Chỉ vì mê cái này mà thành điên đảo các thứ chẳng đồng. Trong cái không đồng dị mà ép thành đồng dị. Hiện nay thẳng đó thừa đương, chóng ngộ bản tâm thì rõ ràng không có một vật có thể làm thấy nghe".

 Đã không một vật có thể làm thấy nghe, vậy cái gì thấy nghe? Ngay khi thấy bình hoa này thì tâm ở đâu? Ở bình hoa chăng? Cái bình hoa đâu làm ra cái thấy, cũng như tiếng nói đâu làm ra cái nghe. Vậy cái gì làm ra cái thấy, cái nghe? Từ đâu mà nó có thấy nghe? Bấy nhiêu đó thôi, sáng tỏ được chỗ đó thì thấy được đường về liền! Mình học đạo mà tiêu hóa đuợc chút xíu đó thôi là đã thấy hay rồi. Còn cứ lo theo đó mà phân biệt, suy luận cái này cái kia thì còn xa. Có người học Thiền bắt chước "thấy sắc là thấy tâm", rồi ở trên cây bách, cây thông mà suy luận về tâm, thì cũng chạy ra ngoài. Còn ở đây khéo soi trở lại thì thấy được đường về của mình. Đó là "đưa tâm về nhà". Như vậy, lẽ thật là ngay đây, hết sức gần gũi, mà mình thì sống với cái tưởng nhiều quá nên thành đi xa. Thiền sư Huyền Sa - Sư Bị, một hôm đang ngồi, thấy cái chấm trắng trên nền đất, Sư bèn hỏi vị tăng đứng bên cạnh:

- Ông có thấy không?
Ông tăng thưa:
- Dạ thấy.
Ngài nhấn mạnh lại:
- Ông có thấy thật không?
Ông tăng thưa:
- Dạ thấy.
Ngài hỏi lần nữa:
- Quả thật là thấy không?
Ông tăng nói:
- Dạ thấy.
Ngài Huyền Sa bèn bảo:
- Ta cũng thấy, ông cũng thấy, vì sao nói chẳng lãnh hội?

Nói thực tế hơn, ngay cái bình hoa này tất cả mỗi người có ai không thấy bình hoa không? Ai cũng thấy bình hoa hết, vậy tại sao có người ngộ, có người không ngộ? Vậy điểm khác biệt ở chỗ nào? Rõ ràng, tất cả đều thấy cái bình hoa đó, nhưng thường mỗi người thấy bình hoa thì chỉ nhớ bình hoa, chứ không nhớ cái gì ngay nơi mình. Đó là đưa tâm đi ra, nên bây giờ đây mình phải khéo để đưa tâm về nhà. Được vậy thì hằng ngày thấy tất cả cảnh đều là chỗ để mình đưa tâm về nhà, thì không có cái gì che mờ được.

Trích "Đưa Tâm Về Nhà" - TT. Thích Thông Phương

Các tin đã đăng: