|
Đại đức Thích Viên Hải, Trưởng Ban TTTT PG tỉnh Quảng Nam |
Đức Phật dạy rất rõ về 3 nghiệp: thân, khẩu và ý, trong 3 nghiệp này thì quan trọng nhất vẫn là tâm. Tâm làm chủ. Tâm dẫn đầu các Pháp. Tất cả bắt đầu từ tâm. Tâm nghĩ điều lành thì miệng sẽ nói điều lành và thân sẽ làm điều lành. Vì vậy, phật tử phải nhìn nhận sự việc bằng tâm. Từ tâm thiện – các thông điệp được truyền tải qua các bài viết, qua những ý kiến bình luận… sẽ được mọi người cảm thông và trân trọng.
Khi chia sẻ một vấn đề nào đó, chúng ta cần hiểu sự tác động của nó tới cộng đồng và nên kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn một cách kỹ lưỡng, để nguy cơ sai lệch thấp nhất có thể; luôn coi trọng rằng cần phải "like", "share" có ý thức và "comment" trao đổi một cách bình tĩnh, văn hóa.
Hiện nay, pháp luật và Hiến chương Giáo hội chưa có điều khoản cấm việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Người dùng mạng được tự do chia sẻ thông tin cho người khác, đưa ra những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về bất kỳ vấn đề nào. Song, phật tử khi đối diện với những tin đăng tải thất thiệt, hình ảnh không đẹp về tu sĩ Phật giáo, việc chia sẻ cần phải được chọn lọc, cân nhắc kỹ.
Thiết nghĩ, từ những bài học về hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội đã được các phương tiện thông tin đại chúng chia sẻ, phật tử tham gia mạng xã hội cần phải luôn tỉnh táo, có chính kiến, cẩn trọng với việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội; không bình luận ai đúng, ai sai bởi vấn đề không thuộc thẩm quyền của riêng mình; nên giới thiệu rộng rãi với mọi người những bài viết về nghiên cứu Phật học, lịch sử Phật giáo, ứng dụng Phật pháp vào đời sống hiện tại… và nhất là cần có sự tu tập để làm hành trang vững chắc, khi tiếp cận những thông tin mang hình ảnh không đẹp về tu sĩ Phật giáo”.