Khi dịch bệnh lan đến thị trấn Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, nơi chị Yến Thu và gia đình đang sống, mọi thứ dần bị xáo trộn, không chỉ là chuyện đi lại khó khăn, người dân hoang mang lo sợ mà là những câu chuyện thiếu thốn về mọi mặt trong đời sống, sinh hoạt.
Khi hay tin từ bác sĩ quản lý một bệnh viện gần nhà cho biết đang cần khẩu trang, nước muối, cồn kháng khuẩn, không suy nghĩ lâu, chị Yến Thu nhận lời hỗ trợ vì hiểu rằng giúp bệnh nhân đang đối diện với bệnh dịch là việc làm cấp bách. Chị đã sử dụng quỹ từ thiện Tâm Thuận An được gia đình lập ra sau khi ba của chị qua đời, để nối tiếp tinh thần phụng sự của người ba kính yêu.
|
Chân dung chị Yến Thu |
Thế nhưng, mọi việc không đơn giản chút nào. Lúc đó giao thông gần như “đóng băng” nên để mua được những vật dụng trên cũng trở nên khó khăn hơn, nhưng từ những trải nghiệm thực tế, chị luôn tin rằng việc thiện sẽ được lắng nghe, nhất là khi bản thân luôn suy nghĩ điều tích cực, hướng đến điều tốt đẹp cho mình và mọi người.
Qua nhiều lần liên hệ, kết nối, cuối cùng những chiếc khẩu trang, nước muối và cồn cũng đã đến tay bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bến Đình và bà con có hoàn cảnh khó khăn. “Không thể nào tả hết niềm vui của bệnh nhân và Ban quản lý bệnh viện khi họ nhận được thứ mình cần, nhất là trong lúc gian khó. Họ vui một, mình vui mười”, chị Yến Thu nhớ lại.
Gieo hạt giống bình an
Chị Yến Thu có tham gia một đạo tràng nhỏ, đó là nơi cô bác, chị em Phật tử trong làng chia sẻ, sách tấn nhau tu học. Những ngày dịch bệnh, chị cũng trở thành nơi “nương tựa”, tiếp sức cho các cô, chú có tuổi. Chị mở cuộc thi nho nhỏ, khuyến khích mọi người tham gia “Thực hành chép kinh - giữ tâm yên bình” trong thời khắc nhiều biến động.
“Nhiều người hưởng ứng, không chỉ quý cô chú lớn tuổi cần được hỗ trợ mà có nhiều bạn trẻ đang thất nghiệp, gặp không ít khó khăn tại TP.HCM và các tỉnh. Mọi người tham gia chương trình này chia sẻ, họ thấy tâm bớt lo lắng khi tập trung vào viết câu Phật hiệu và phần tiền hỗ trợ giúp được gia đình có cái ăn trong lúc túng quẫn. Đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc”, chị Yến Thu chia sẻ.
|
Chị Yến Thu (trái) chia sẻ phần quà đến cô bác Phật tử chép kinh trong những ngày dịch bệnh |
Thực hành lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày, quan niệm của chị Yến Thu là mỗi ngày mang đến cho người niềm vui, có khi thông qua việc giúp đỡ bằng vật chất, có khi là tinh thần.
“Tháng trước, mình quẫn trí vì nhiều thứ. Nhờ Yến Thu động viên, gợi mở cho nên mình nhìn nhận mọi việc tích cực hơn. Mình thực hành chép kinh, hành trì kinh Phổ môn, dần dần tinh thần đã khá hơn. Hiện nay, dù khó khăn vẫn còn đó nhưng nhờ suy nghĩ tích cực, mình đã có hướng giải quyết”, chị Tú Châu, một bạn đạo của chị Yến Thu cho biết.
Mặc dù giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh trong lúc khó ngặt là vậy nhưng chị luôn khiêm cung và giản dị. Sự nhẹ nhàng và tinh thần chia sẻ, lắng nghe mà chị gọi là “việc phải làm của người Phật tử” cũng được hiện diện ngay trong công việc của một giáo viên.
Lớp dạy tiếng Anh của chị Yến Thu vì các em học trò hiếu học mà được mở ra, em nào cũng được chị theo sát, kèm cặp. Ngoài việc học, các em còn dễ dàng chia sẻ với “cô Thu” những chuyện vui, buồn và phụ huynh an tâm trao gửi niềm tin. Cũng vì đó, lớp học của chị Yến Thu không chỉ là nơi các em học chữ mà còn học về những câu chuyện tình người ấm áp. “Cuộc sống thật vi diệu dành cho những ai sống với tâm chân thật, yêu thương”, chị Yến Thu nói.
Chị luôn tự nhắc mình và khuyên người bên cạnh thực hành chăm sóc thân tâm mình mỗi ngày, cùng người thân tham gia các khóa thiền, khóa thanh lọc thân tâm online để giúp mình lấy lại quân bình và đủ năng lượng tích cực để làm việc và phụng sự.
|
Ngồi bình yên cùng thầy và đại chúng trước và sau khi lên lớp dạy online |
Mỗi sáng trước khi vào lớp dạy cho các em và tối trước khi đi ngủ, chị đều cố gắng sắp xếp ngồi bình yên cùng thầy và đại chúng, để thanh lọc cơ thể, nạp năng lượng. Với chị, bình yên là điều vô giá. Mình chỉ có thể thương mình và giúp người thật sự khi mình có bình yên.