Làm giàu như thế nào để không mất phước báu?
15/04/2016 14:30 (GMT+7)

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, vườn Ghosita, Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn? Có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn?

– Này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn.

Như ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho như đã hứa. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn.

Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa Môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho nhiều hơn như đã hứa. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng đạt được thành tựu ngoài ý muốn.

Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều người tài giỏi, xoay sở kinh doanh nhưng vẫn thất bại hay có người đã thành đạt, giàu có nhưng chỉ được một thời gian rồi sự nghiệp cũng tiêu tan. Trong khi đó lại có những người đi lên từ hai bàn tay trắng dù không có vốn, cũng chẳng có thế lực, địa vị...

Người thành công thì nghĩ mình tài giỏi, khôn ngoan, trong khi người thất bại lại cho rằng mình không may mắn hoặc là do “ý trời”.

Theo quan điểm của nhà Phật, ông trời không can dự vào việc thành bại, được mất của con người mà tất cả là do Nhân Qủa, do chính việc người đó đã làm, nền tảng phước báu người đó gieo trồng trong quá khứ và hiện tại.

Trong đoạn kinh trên, Đức Phật đã chỉ ra một trong số nguyên nhân khiến chúng ta thành công hay thất bại trong việc kinh doanh, đó là bố thí, cúng dường.

Thực tế, việc cúng dường quan trọng hơn bố thí. Bố thí 100 người thường không bằng cúng dường cho một vị giới đức tinh nghiêm. Cúng 100 vị giới đức tinh nghiêm không bằng cúng cho một bậc A La Hán.

Chúng ta sống trong thời cách Phật hơn 2.600 năm, không biết vị nào chứng đắc, do vậy, nên chọn tiêu chuẩn người có uy đức, thanh tịnh, giới hạnh đầy đủ để cúng dường. Vì những vị tu sĩ này mới có khả năng duy trì chánh pháp, mới có khả năng hóa độ chúng sinh. Nhờ đó, ta mới có phước báu.
Theo quan điểm của nhà Phật, ông trời không can dự vào việc thành bại, được 
mất của con người mà tất cả là do nhân quả

Khi một thương gia hỏi Phật về cách phát triển sự nghiệp của mình, Ngài đã trả lời như sau:

- Có năng lực và nghị lực.

- Có sự thận trọng.

- Hợp tác với những người có tài, người có tinh thần xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Cuộc sống được cân bằng

Có năng lực và nghị lực nghĩa là phải có tay nghề và cần cù sáng tạo, siêng năng không để công việc trì hoãn.

Sự thận trọng là cách giữ gìn tài sản của mình không để tổn hao một cách không cần thiết. Của cải dành dụm được có thể tiêu tan vì những thú vui đam mê sau: Quan hệ bất chính với phụ nữ; Nghiện rượu chè, ma túy; Đam mê cờ bạc; Kết thân với những kẻ bất chính, không đạo đức.

Khi có tiền, nên chia số tiền mình có được thành bốn phần.

Một phần dùng để chi tiêu cuộc sống hàng ngày, 
Hai phần kế tiếp dùng để đầu tư sinh lợi,
Phần còn lại hoặc để dành hoặc dùng để giúp đỡ người nghèo khó.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật cũng chỉ ra 5 việc không nên kinh doanh. Đó là "không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán thịt, không buôn bán rượu, không buôn bán thuốc độc".

Những việc kinh doanh làm tổn hại sinh mạng của con người và vật đều làm tổn đức và thọ nhận những quả báo đau khổ ở kiếp sau.

Chúng ta làm giàu trước hết đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người làm công, phục vụ. Kế đến, đem tài sản của mình làm ra cho bà con, thân hữu, bạn bè được an vui hạnh phúc.

Ngoài ra, phải biết bố thí, cúng dường người có đời sống đạo đức, phạm hạnh, người tu sĩ đồng thời học theo đức hạnh của các ngài nhằm xây dựng phước báo tốt đẹp cho bản thân trong đời này và đời sau.

(PGVN)


Các tin đã đăng: