Đạo Phật - con đường hạnh phúc
07/11/2017 20:24 (GMT+7)

Con đường hạnh phúc - Ảnh: FB

Với những ai yêu chuộng đời sống nhân sinh, đạo Phật dạy đạo lý làm người, chỉ dẫn con đường xây dựng hạnh phúc mà con người mong đợi. Với những ai hướng đến đời sống an vui hạnh phúc hơn cõi người, hướng đến thế giới tuyệt mỹ với những an lạc vượt xa cõi người, thì đạo Phật dạy con đường sinh lên cõi trời (thiên giới) để hưởng phước báo thù thắng. 

Tuy nhiên, sự an lạc hạnh phúc ở cõi người và cõi trời cũng còn có hạn lượng, cũng chịu sự chi phối của quy luật vô thường cho nên có những chúng sinh giác ngộ được điều đó mà hướng đến sự an lạc hạnh phúc cao quý hơn, thắng diệu hơn, đó là cảnh giới siêu trần thoát tục của các bậc Thánh xuất thế như A-la-hán, Bích-chi, Bồ-tát, Phật. Đối với những ai có ý chí cao thượng này, giáo lý đạo Phật chỉ ra con đường giác ngộ rốt ráo, giải thoát khỏi mọi phiền não khổ đau, không còn luân hồi sinh tử.

Nền tảng căn bản của nấc thang hạnh phúc trong đạo Phật là đạo lý làm người, điều kiện để có được đời sống an vui hạnh phúc trong hiện tại và tiếp tục trở lại làm người trong tương lai. Đạo lý này gồm có quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), giữ gìn năm điều đạo đức căn bản (Ngũ giới), tin luật Nhân-quả, Nghiệp báo, Luân hồi, sống đời sống chân chính.

Cõi nhân gian cũng có nhiều thân phận, địa vị khác nhau, người muốn có được đời sống an vui hạnh phúc, có được thân phận, địa vị cao quý cần phải thuận theo luật Nhân-quả mà tạo tác các nghiệp lành: không làm các điều ác, siêng làm các việc thiện lành, biết bố thí, phóng sinh, thương người mến vật, làm các việc có ích cho đời, sống có trách nhiệm, làm tròn bổn phận đối với gia đình và xã hội.

Những ai muốn hướng đến hạnh phúc của các cõi trời, muốn sinh lên thiên giới phải đi theo con đường Thập thiện nghiệp (thân có 3 nghiệp lành, miệng có 4 nghiệp lành, ý có 3 nghiệp lành, tổng cộng thành 10 nghiệp lành), tu tạo nhiều công đức, phước báo. Con đường sinh thiên giới cũng lấy nền tảng đạo lý làm người, từ đó phát triển, nâng cao hơn bằng pháp tu bố thí, cúng dường, phóng sinh, hành Thập thiện, tu tập thiền định (nếu muốn sinh lên các cõi trời cao hơn sáu cõi trời Dục giới).

Chúng sinh có nhiều phước báo được sinh lên các cõi trời, nhưng đến một thời gian nào đó hết phước (dù rất lâu) lại bị đọa lạc, tiếp tục trôi nổi trong biển khổ sinh tử luân hồi. Vì thế, giáo lý đạo Phật chỉ ra con đường thoát khổ, giúp chúng sinh đạt được nguồn an lạc hạnh phúc vô biên là Niết-bàn, trạng thái vô sinh, bất diệt. Giáo lý đạo Phật đã dạy Bốn chân lý mầu nhiệm (Tứ diệu đế), dạy pháp quán Vô ngã, Duyên khởi, để từ đó con người có thể đoạn trừ vô minh lậu hoặc, giác ngộ và giải thoát khỏi phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử, chứng nhập Niết-bàn, nguồn an lạc tối thượng.

Trên bước đường kiến tạo hạnh phúc cho mình và làm lợi lạc chúng sinh, đạo Phật đã chỉ ra con đường tự lợi và lợi tha song hành, đó là Bồ-tát đạo, đây là con đường giúp chúng sinh vun bồi công đức phước báo và trí tuệ, những gì cần có để trở thành một vị Phật trong tương lai. Con đường Bồ-tát đạo gồm có Lục độ vạn hạnh, phát tâm Bồ-đề (Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh), tu tập Tứ vô lượng tâm, hành Tứ nhiếp pháp. 

Con đường của đạo Phật rất rõ ràng, không mơ hồ, viển vông, không tưởng. An lạc hạnh phúc không phải ở cuối con đường mà có mặt ngay trên con đường ấy. Bước chân lên đúng con đường ấy thì lập tức có được an lạc hạnh phúc, đi đến đâu thì hạnh phúc có mặt ở đó. An lạc hạnh phúc nhiều hay ít, ở mức độ nào đều tùy thuộc vào tự thân mỗi hành giả; hành giả có hướng đi đúng, có đặt bước chân trọn vẹn, có siêng năng tinh tấn đi trên con đường đó hay không? 

Một người cư sĩ chưa hoàn toàn từ bỏ đời sống thế tục vẫn có an lạc hạnh phúc nếu như thực hành đúng Chánh pháp mặc dù mức độ an lạc hạnh phúc đó không cao như của người đã hoàn toàn rũ bỏ mọi sự ràng buộc của thế gian. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có được đời sống hạnh phúc nếu như đi đúng con đường đạo Phật. Chính vì thế mà đệ tử của Đức Phật gồm có bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam và nữ cư sĩ.

Dù là tại gia hay xuất gia cũng đều tu tập, hành trì trên nền tảng giới pháp. Giới là những điều đạo đức. Một trong những ý nghĩa của giới là Biệt giải thoát, có nghĩa là ai thọ trì thì người đó có giải thoát; thọ trì giới nào thì được phần lợi ích của giới đó. Giữ giới cũng gọi là Phạm hạnh, Thánh hạnh, là đi trên con đường của bậc Thánh. Trên nền tảng của giới, người tu học Phật tu thiền định, trí tuệ. Tuy cấp độ giới, định và tuệ của hành giả xuất gia và tại gia có khác nhưng đều mang lại giá trị an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Diệu Thể

Giacngo.vn

Các tin đã đăng: