Ðức hạnh & trí tuệ: Hành trang của người Phật tử
Bài viết: "Ðức hạnh & trí tuệ: Hành trang của người Phật tử" HT.Thích Trí Quảng - Vườn hoa Phật giáo
04/01/2017 19:37 (GMT+7)



Trong Phật pháp có nhiều pháp môn và pháp môn nào cũng được diễn đạt qua các bộ kinh. Người tu Đại thừa thường chọn các bộ kinh lớn như Pháp hoa, Hoa nghiêm, Bát-nhã để lập chí tu hành.

Riêng tôi, vào đạo bằng con đường Bát-nhã, nghĩa là làm sao quét sạch được phiền não nhiễm ô. Tất cả mọi hiện hữu coi như không có, để tâm chúng ta đứng yên. Đó chính là hướng vào đạo của người xả tục xuất gia, an trú Bát-nhã, bỏ ý thức sở hữu, kể cả thân mạng của mình cũng không màng, dẹp sạch trần cấu. Người tu ở bước ban đầu cầu đạo phải lập chí như vậy.

Và qua giai đoạn hai, lòng chúng ta không nghĩ đến sở hữu riêng tư thì giới thân, huệ mạng bắt đầu xuất hiện. Các Tỳ-kheo tu hành khác nhau và hơn nhau ở giới thân huệ mạng, không phải hơn ở chùa cao Phật lớn, tu lâu hay mới tu. Vì người tu có trí tuệ và đức hạnh mới thực sự tiêu biểu cho đạo.

Khi đạt được trí tuệ Bát-nhã, quét sạch phiền não nhiễm ô và đức hạnh được sanh ra, khi đó Báo thân của Bồ-tát thành tựu và người này đến đâu đều làm lợi ích cho dân chúng nơi đó, mang an lành cho họ.

Người xuất gia phải nỗ lực rèn luyện đức hạnh ở giai đoạn đầu. Đối với tôi, điều này nghĩa là trên bước đường tu, chúng ta phải lần lần chuyển thân tứ đại thành Pháp thân. Chuyển bằng cách nào?

Đức Phật dạy trong kinh Hoa nghiêm rằng nhứt thiết duy tâm tạo. Tâm tạo nên Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền và cũng tạo nên ma quỷ. Chúng ta cần hiểu ý này để ứng dụng trong cuộc sống.

Trên bước đường tu, sơ tâm nhập đạo, phải làm cho tâm đứng yên, đừng cho tâm khởi theo vọng trần. Nói cách khác, chúng ta tu thiền định trước và tu quán sau.

Riêng tôi, thường đặt một vật trước mặt làm đối tượng để tập trung và hay tạo cảnh để quán sát, tu hành. Pháp tu này tôi cũng thấy các Thiền sư Nhật Bản thường áp dụng.

Thí dụ, trong phòng, họ trồng cây tùng trên hòn đá trong một bể nước nhỏ. Mặc dù cây tùng nhỏ xíu, nhưng tuổi thọ của nó đến 300, 400 năm do Tổ sư của họ đã trồng. Đó là đối tượng để Thiền sư quan sát. Nhìn cây tùng sống trên hòn đá đơn sơ mà nghĩ đến Tổ, đến thầy và nhận ra công phu tu hành của bậc tiền bối. Tổ và thầy đã từng quán sát cây cảnh này mà đắc đạo. Nay đến phiên họ, cũng tiếp tục pháp quán sát này.

Cây tùng sống hàng trăm năm, hay thực tế cuộc sống tu hành từ thời chư Thiền Tổ cho đến thời của họ, đã trải qua ba đời, từng thế hệ nối tiếp nhau hành đạo, tạo thành sức sống Phật pháp tồn tại, lợi lạc cho đời.

Cây tùng sống mấy trăm năm trên hòn đá không cần phân, đất gợi chúng ta liên tưởng đến bậc Thiền Tổ đắc đạo, không cần ăn uống như người thường, chỉ ăn pháp, hay sống với pháp Không của Như Lai, chứng được tuệ giác. Pháp Không của các ngài hiện hữu trong tuệ giác, không phải Không là trống không. Từ đó, các nhà sư tu không cần gì, không có gì, nhưng không ai hơn họ. Họ bỏ tất cả để được tất cả, không phải bỏ rồi trắng tay.

Tùng ăn đá, sống mấy trăm năm, nên chùa thường được gọi là tùng lâm. Mỗi vị Thiền sư được tiêu biểu như một cây tùng sống cao thượng, vượt hơn người bình thường, không kẹt ăn uống hay bất cứ thứ gì.

Ngoài ra cây tùng xanh tươi bốn mùa tiêu biểu cho sức sống của Tỳ-kheo. Tỳ-kheo thì không được buồn giận, gặp bất cứ hoàn cảnh nào, lòng vẫn hoan hỷ, thanh thản, giống như cây tùng luôn luôn xanh biếc, dù đứng trong giá lạnh, băng tuyết mùa đông.

 Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu, Ngài bảo người xuất gia lên đó, mỗi người trồng một cây tùng. Đến nay, vẫn còn những cây tùng tuổi thọ đến 700, 800 năm từ thời Ngài để lại.

Tùng sống trên đá, có cây sống cả vạn năm, nên gọi là vạn niên tùng. Nhật gọi là La-hán tùng, nghĩa là ví cuộc sống thanh đạm của người tu giống như cây tùng. Vì vậy, cuộc sống kiểu mẫu của Thiền sư là ăn ít, nhưng khỏe mạnh và tuổi thọ cao.

Thiết nghĩ theo tinh thần này, ngày nay chúng ta nên bớt ăn thực phẩm nấu nướng, nên ăn trái cây hoặc ăn một bát cơm đơn giản, nhưng không có độc tố, thường gọi là cơm La-hán, có gạo, đậu, mè, mà vẫn khỏe mạnh.

Thật vậy, thử nghĩ các sư ở Thiếu Lâm tự đâu cần ăn uống cầu kỳ, không ăn nhiều, nhưng phải công nhận là sức mạnh và sự nhanh nhẹn của họ thật không ai bằng.

Quan trọng của người tu là biết cách tiếp thu không khí để giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Rõ ràng không khí là thức ăn và hơi thở là sức sống chính của con người.

Đức Phật cũng từng dạy mạng sống của chúng ta tùy thuộc ở hơi thở. Vì vậy, nếu chúng ta hít toàn không khí dơ bẩn thì bệnh sanh, phải mau chết. Xưa kia, Đức Phật đi du hóa, Ngài ít ở trong đền đài cung điện, mà thường ngồi dưới gốc cây trong khu rừng, nơi đó không khí trong lành hơn. Ngày nay, chúng ta tu thiền, nếu luyện tập được nhịp thở, chắc chắn chữa được nhiều bệnh.

Quán sát cây tùng chỉ ăn đá và nước mà sống lâu, gợi chúng ta nghĩ đến thầy, Tổ định lực như thế nào, trí hạnh như thế nào và mình nỗ lực phấn đấu tu theo.

Và bể nước nhỏ (có cây tùng trong đó) mang hình dáng ra sao, tùy theo sáng kiến của Thiền Tổ. Chúng ta cũng lấy đó làm thoại đầu để quán sát. Bể nước làm chúng ta liên tưởng đến biển Pháp giới tánh của Hoa nghiêm, hay biển khổ sinh tử, điều đó tùy ở sự quán tưởng của ta. Nếu là biển khổ thì người ta thường xây hồ có mười hai cạnh, tiêu biểu cho mười hai nhân duyên tạo nên muôn vàn sự thọ nhận của thân và tâm chúng sanh trong vòng sinh tử luân hồi.

Người tu mượn cảnh để làm sống dậy tâm, nhìn nước trong mát, lòng ta mát theo là tâm thủy, hay nước và tâm trở thành một. Tất cả Thiền sư đều có đời sống theo ý nghĩa tâm thủy.

Thật vậy, nước không có hình dáng cố định, đựng vô ly thì có hình dáng của ly, để vô tô thì ra hình tô. Tâm người tu là nước, nên cũng không có khuôn cố định, ở đâu cũng được, gọi là tùy duyên. Người đời thường nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, người tu tùy hoàn cảnh, tùy duyên mà sống; nếu muốn khác hơn, phiền não sanh ra liền.

Ngoài ra, tâm người tu là tâm thủy, nên đòi hỏi chúng ta phải có tâm dung hóa, sống hài hòa được với mọi người, mọi chỗ, tùy theo yêu cầu của người, đáp ứng lợi lạc cho họ, còn bản thân mình là nước trong, không cần gì. Được như vậy, mới có thể hành đạo dễ dàng.

Hoặc người tu đi vân thủy, tức đi hành đạo cũng theo tinh thần quán sát như trên. Vân là mây, thủy là nước, nước bốc hơi thành mây, mây tụ lại thành mưa rơi xuống. Người tu không trụ xứ, đi vân thủy, tự nỗ lực nâng con người chúng ta thành mây. Mây bay ngang núi, núi không cản được mây, nhưng mây bay qua rồi, núi vẫn như cũ, không bị hư hại gì.

Đức Phật nhắc các Tỳ-kheo vào làng cũng giống như vậy, ta không làm trở ngại việc của người và ngược lại, người cũng không làm vướng bận lòng ta, không phá hư được việc của ta. Luyện cho tâm ta như mây, như nước. Cái gì của trần thế bay qua rồi, trả lại cho trần thế, không tác động nhơ bẩn tâm ta. Tâm ta trong sạch, hoan hỷ tưới mát cho người bớt oi bức khổ đau, lo sợ. Quán sát và điều chỉnh tâm cho được nhẹ nhàng như mây, trong mát như nước để chúng ta tiến tu, phát huy đời sống tâm linh.

Hoặc quán sát hòn đá tiêu biểu cho người tu có tánh gan dạ, có sức chịu đựng mọi thử thách. Ở chùa Huê Nghiêm, tôi đặt các hòn đá trên bãi cỏ, mang ý nghĩa người tu phải có gan như đá, phải bị lăn, muốn lăn đâu thì lăn, nhưng đá vẫn là đá, hay tư chất của thầy tu không thay đổi, dù trải qua biết bao thử thách trên nhân gian.

Người tu sống trong cuộc đời, nếu không đủ gan, không vượt khó, không thể thành công việc lớn, vì cuộc đời này đủ thứ quái ác, lắm việc phiền hà, không đơn giản. Tuy nhiên, hòn đá của thầy tu phải không có góc cạnh, tức không làm phiền ai, không chống chỏi  ai.

Hòn đá đặt trong bể nước hay trên bãi cỏ trần gian nhắc chúng ta nhớ đến quá trình hành đạo của Thiền Tổ chất đầy sự chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, mới giữ vững được Phật pháp sống còn dài lâu.

Có Thiền sư bố trí cảnh vật khác, chẳng hạn như quét cát trong sân chùa, nhưng thực ra họ đang tu Thiền. Từ tâm hồn vắng lặng, thể hiện thành những dòng chổi quét cát, tạo thành những hình ảnh thực sống động trên sân cát, người trông thấy phải liên tưởng đến thế giới vô tác diệu lực của bậc chân tu giải thoát thực sự.

Tóm lại, đó là cách tu tạo cảnh, để luyện tập phát huy đời sống tâm linh theo hướng thánh thiện. Tùy theo hoàn cảnh và năng lực riêng của chính mình, mỗi người tự cân nhắc pháp tu tương ưng, thăng hoa trí tuệ và đức hạnh. Dùng trí tuệ và đức hạnh tu tạo được làm hành trang trên lộ trình giáo hóa người, đến nơi nào cũng đem an vui, lợi ích cho người, xứng đáng là đệ tử Phật, thay Ngài hiện hữu trên cuộc đời, mang an lạc cho chúng hữu tình

Các tin đã đăng: