Cội nguồn hạnh phúc là cho chứ không phải là nhận
13/03/2010 21:58 (GMT+7)

Trong cuộc đời, có lẽ ai cũng từng giúp người và từng được người giúp. Hiệu quả giúp đỡ phụ thuộc nhiều yếu tố như: khả năng, thiện chí, cách thức… Khả năng thì có hạn vì trong đa số trường hợp, ta không thể vượt quá khả năng của mình. Thiện chí giúp đỡ có thể là vô hạn tùy thuộc tâm từ bi của mỗi người. Cách thức thì rất đa dạng như giúp công sức, tiền bạc, chia sẻ kiến thức, tình cảm,... đến đối tượng hoặc dựa vào các mối quan hệ để giúp người việc này chuyện kia như xin hộ việc làm, giới thiệu khách hàng. Tuy nhiên, khi nói giúp đỡ, người ta thường hay nghĩ đến giúp về vật chất, gọi một cách nôm na là cho hoặc bố thí.

Hạnh phúc là cho chớ không phải là nhận - Ảnh minh họa

Có người cho thật dễ dàng, sẵn lòng ban phát tiền của khi bắt gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, đáng thương. Họ giúp đỡ một cách tự nhiên, tự nguyện và có thể bố thí đến những đồng bạc cuối cùng.

Trái lại, có người hiếm khi cho và nếu có thì rất khiêm nhường. Khó khăn lắm họ mới có thể mở hầu bao, trong một số trường hợp gần như là miễn cưỡng. Họ thường viện dẫn các lý do để từ chối như chưa đủ khá giả, đối tượng chưa thực sự đáng giúp, chưa đúng lúc, chưa đúng nơi v.v… Và lý do phổ biến nhất là lo cho người thân còn chưa xong nên chưa nghĩ đến việc giúp người khác. Lý do này thoáng nghe có vẻ hợp tình, hợp lý nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì vẫn thấy dường như chưa ổn.

Lo cho người thân cũng vô chừng như lo cho chính mình. Hơn nữa, không chắc ta đã thực sự lo cho người thân trừ khi giúp họ giải quyết rốt ráo một số khó khăn cụ thể như giúp mua thửa đất, ngôi nhà, chiếc xe, trợ vốn làm ăn. Còn thỉnh thoảng biếu người thân, bạn bè một ít tiền, quà vào dịp lễ lạt hay khi cơ nhỡ thì chỉ là sự giúp đỡ tạm thời. Không thể dựa vào đó để từ chối giúp đỡ những hoàn cảnh như đói khát, thất học, bệnh tật không tiền thang thuốc, chết không tiền ma chay, bị thiên tai, hỏa hoạn. Bởi thực tế, ngay khi đó, ta đâu có giúp người thân mà chỉ nghĩ đến những lần giúp đỡ trước đó hoặc hình dung sau này có thể sẽ phải giúp. Đôi khi còn tự trấn an vĩnh viễn rằng thiên hạ nghèo khổ đầy dẫy trong xã hội, lo sao cho xuể.

Tôi có đứa cháu bị liệt hai chân. Cha mẹ cháu đều là công nhân, nếu khéo gói ghém thì cuộc sống cũng tạm đủ dù phải cưu mang cháu suốt đời. Bởi cháu cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng như khoản trợ cấp hàng tháng từ chính quyền xã, tiền và quà từ các tổ chức từ thiện, sự giúp đỡ thường xuyên của bà con thân tộc. Một bữa nọ, được tin người thầy cũ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, nếu không lo đủ viện phí để tiến hành phẫu thuật thì thầy sẽ bị liệt. Tôi nhanh chóng trích một khoản tiền nhỏ nhưng cũng chiếm đến 1/5 tiền lương tháng để giúp thầy.

Đứa em gái biết chuyện đã trách hơi lớn tiếng:

- Sao không để dành giúp cháu, người nhà không lo, lo làm chuyện bao đồng.

Thực ra nếu không giúp thầy lần đó thì tôi cũng đâu có chi số tiền trên để giúp cháu, bởi tôi đã giúp gia đình cháu rất thường xuyên. Một cách ấm ức, tôi hỏi lại:

- Giả sử hôm nay ra chợ gặp ba người ăn xin, nếu có thể giúp được ba đồng thì ta sẽ cho mỗi người một đồng hay cho luôn một người cả ba đồng, rồi không giúp hai người kia?

Em tôi đáp:

- Hãy giúp người nghèo khổ nhất trong ba người đó!

Tôi hỏi:

- Làm sao biết ai là người đáng giúp nhất?

Em sốt sắng đáp:

- Người có bề ngoài thảm hại, thần sắc tiều tụy, đầy thương cảm là người cần được giúp trước. Cũng có thể ưu tiên theo thứ tự trẻ con, người già, phụ nữ rồi mới đến đàn ông, người bị tật nguyền nặng hay nhẹ,… Khó tả lắm! Tùy thực tế cảm nhận lúc đó mà thôi!

Tôi ôn tồn giãi bày:

- Người ăn xin có nỗi khổ của họ, vừa khổ thân do phải lăn lóc xó chợ đầu đường, dãi nắng dầm sương, vừa khổ tâm do phải cam chịu thân phận thấp hèn, đôi khi còn bắt gặp ánh mắt, thái độ thiếu thân thiện thậm chí khinh khi. Và không hẳn người có bề ngoài tiều tụy nhất là người có hoàn cảnh khó khăn nhất! Bởi có người cố tạo bề ngoài đầy thương cảm thậm chí trông gớm ghiếc để khơi dậy lòng trắc ẩn của người khác nhưng cũng có người do cảnh ngộ bức xúc, phải nén lòng cầu xin sự giúp đỡ và họ không muốn làm ô nhiễm môi trường qua việc phơi bày các thương tật, họ thể hiện chừng mực nỗi khốn khó, tình trạng bi đát của mình đủ để những ai có từ tâm hiểu và giúp họ. Cho nên, thật khó mà đánh giá sự việc chỉ qua bề ngoài hay cảm nhận cá nhân nếu như chưa có được sự cảm nhận sâu sắc hay cái nhìn chính xác. Thôi thì vui giúp tất cả, có thể giúp lầm nhưng cố gắng đừng bỏ sót hay không giúp kịp thời, cố gắng giúp được chừng nào hay chừng nấy, được ngày nào hay ngày ấy, để kẻ khốn khó bớt phần vất vả, qua cơn đói lòng hay thoát cảnh hiểm nguy.

Đứa em gái tuy chưa thừa nhận ngay cách lý giải của tôi nhưng cũng không nói gì thêm nữa. Tôi tin rằng em sẽ nghĩ lại quan niệm về bố thí của mình.

Hôm khác, chị hàng xóm thân thiết sang chơi, phàn nàn với tôi:

- Thỉnh thoảng, vợ chồng chị biếu má chút tiền tiêu vặt nhưng bà cụ cứ gom góp để dành cúng chùa hoặc bố thí không hà! Bực mình ghê!

Tôi biết bác bên nhà được anh chị quan tâm và chăm sóc chu đáo. Tiền anh chị biếu để tiêu vặt, không phải là bác không có nhu cầu ăn uống hay mua sắm nhưng do bác cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn khi được cúng chùa hoặc giúp đỡ ai đó. Chẳng lẽ đó không phải là cách xài tiền hợp lý ư?

Tôi hỏi chị hàng xóm:

- Chị có thực rõ ý nghĩa của việc cúng chùa không?

Chị hàng xóm cũng là Phật tử nên mau mắn trả lời:

- Cúng chùa là cúng dường Tam bảo, phụng dưỡng Tăng để hướng dẫn chúng sanh tu học cũng là phổ biến Phật pháp. Tuy nhiên, tùy thuộc từng chùa và mỗi Tăng Ni mà người cúng dường sẽ được hưởng phước nhiều hay ít. Vì vậy, người ta thường tham gia các chuyến hành hương đến những ngôi chùa nổi tiếng có đông đảo Phật tử và các bậc cao tăng đạo cao đức trọng để cúng dường.

Tôi tiếp lời:

- Chị nghĩ có phần đúng, có phần chưa đúng. Cúng chùa chẳng phải vì chùa lớn hay nhỏ, chùa có nhiều hay ít Phật tử. Cúng dường Tăng chẳng phải vì Tăng giỏi hay dở, tốt hay xấu, chẳng phải vì ưa hay ghét và cũng chẳng phải vì chùa hoặc Tăng có giúp mình, giúp người hay không. Mà cần hiểu rõ ý nghĩa cao cả tột cùng của việc cúng chùa, cúng dường chư Tăng là bảo tồn và lưu truyền Phật pháp, là việc thiêng liêng, cao quý nhất trong đời người làm Phật sự. Hiểu được như vậy thì dù chùa có hưng thịnh hay suy sụp, chư Tăng có sáng đạo hay không cũng chẳng phải là chuyện để tâm, chỉ một lòng vì Phật pháp là trọn đời, tròn đạo!

Chị hàng xóm tỏ vẻ hân hoan vì nhận ra ý nghĩa cúng chùa.

Tôi lại hỏi:

- Còn việc bố thí thì sao?

Chị vui đáp :

- Bố thí tất nhiên mang lại niềm vui và lợi ích cho người rồi nhưng mà mình thì hơi "hao" đó !

Tôi mỉm cười:

- Bố thí mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Trước tiên là cả hai đều vui. Người nhận vui đã đành, người cho nghĩ đến việc góp phần giúp người qua cơn cơ nhỡ nên cũng cảm thấy hân hoan, hài lòng, đôi khi còn có chút hãnh diện nữa bởi có khả năng, có điều kiện mới có thể bố thí được. Bố thí là gieo nhân lành nên sẽ hưởng quả ngọt trong hiện tại và nhiều kiếp sau nữa. Có thể xem bố thí là cách sử dụng đồng tiền được nhiều lần thậm chí vô lượng lần bởi nhân bố thí gieo đi sẽ mang lại sự sung túc, hạnh phúc trong nhiều đời.

Ảnh minh họa

Giúp đỡ cần phải kịp thời mới có ý nghĩa và hiệu quả cao. Việc làm tuy nhỏ bé, bình thường lại mang lợi ích, ý nghĩa lớn lao không cùng. Tấm lòng càng bao la thì càng cứu giúp được nhiều người, càng ban phát thì lại càng giàu lòng từ bi hơn.

Một người sẵn lòng giúp đỡ, rồi chục người, trăm người, ngàn người,… cũng dễ dàng bố thí thì xã hội đâu còn những con người quá khổ đau hay những hoàn cảnh ngặt nghèo. Không phải chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, không còn trăn trở, suy tư về nỗi thống khổ của con người, hạnh phúc nơi ta mới thật sự trọn vẹn, trong sạch và thăng hoa.

Cách đây nhiều năm, do sống đời kham khổ, tôi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, cái chết như đã cận kề. Nằm bệnh viện hơn một tháng trời, lòng tôi ngổn ngang trăm thứ, chẳng ham sống cũng chẳng có ý niệm hay sợ hãi về cái chết, mọi thứ cứ lững lững, lờ lờ. Một đồng nghiệp cũ đến thăm, tặng tôi một món tiền khá lớn để có thể chữa trị căn bệnh ngặt nghèo ấy. Nhờ số tiền đó mà tôi đã qua khỏi cơn bệnh. Người đồng nghiệp kia không thân thiết lắm, đã nghỉ việc từ lâu, mức sống chưa thể gọi là khá giả nhưng nhờ giàu từ tâm nên đã cứu mạng tôi.

Khi bắt gặp hoàn cảnh đáng thương, bế tắc, nếu có điều kiện giúp đỡ thì đừng chần chừ gì nữa, hãy nhanh chóng mở lòng và mở hầu bao, dù đó là người không thân thiết lắm hay kẻ xa lạ. Khi cả cộng đồng biết sẻ chia, biết quan tâm đến nhau thì xã hội sẽ thực sự an lành, tốt đẹp. Và biết đâu, ngày nào đó chính bạn hay con cháu, người thân của bạn lại đón nhận sự giúp đỡ từ người khác, dù bạn chẳng hề mong đợi. Vì hiện tại bạn khỏe mạnh, giàu sang nhưng những rủi ro, bất trắc,…. đều có thể xảy đến với gia đình bạn lắm chứ. Một trận hỏa hoạn, chẳng hạn, thiêu rụi toàn bộ gia sản của bạn hay con bạn vướng phải căn bệnh nan y đến nỗi phải dốc toàn bộ gia sản để chữa trị và gia đình lại rơi vào cảnh khốn cùng...

Người đồng nghiệp giúp tôi năm xưa hiện đang sống rất hạnh phúc, an lành, của cải dư thừa cho dù bạn ấy không ngừng bố thí. Âu đó cũng là hệ quả tất yếu của luật nhân quả!

Do vậy, đừng do dự nữa, hãy trải lòng ra, hãy bố thí một cách dễ dàng, sẵn sàng cho dù có phải vét đến những đồng xu cuối cùng bởi vì "Cội nguồn của hạnh phúc là cho chứ không phải nhận"!

Tân Phước Đạt

Các tin đã đăng: