Người ta tự hỏi rằng, phải chăng chủ nghĩa nhân văn đang
bị thách thức bởi chủ nghĩa bạo lực, và người ta cũng ít nhiều ưu tư cho
vận mệnh của thế giới này khi không biết thế giới này sẽ đi về đâu nếu
chủ nhân tương lai của nó là những con người vô cảm, coi bạo lực như một
trò chơi tiêu khiển, coi việc hành hạ thể xác con người như một sự dằn
mặt đích đáng?.
Ngày càng có nhiều vụ học trò đánh nhau
Lý giải về vụ việc đau lòng trên, mọi người tìm cách đổ tội cho nền
giáo dục đang đổ vỡ thảm hại, một nền giáo dục đã bị mất đi nền tảng căn
bản từ gia đình, nhà trường và xã hội trong nhiều năm qua. Và người ta
cũng đổ lỗi cho sự định hướng sai lầm của nghành công nghiệp nghe, nhìn
…Phân tích dưới bất cứ góc độ nào thì có những sự thật dù không muốn mất
lòng chúng ta vẫn cứ phải, thừa nhận.
Thứ nhất sự thiếu môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển thể lực,
trí lực, tinh thần cho các em. Như chúng ta đã biết thế giới tuổi thơ
là thế giới cần phải thẩm thấu những giá trị tốt đẹp nhất từ thế giới
người lớn, từ mội trường xã hội bên ngoài. Thế nhưng, một thực tế không
thể phủ nhận là thế giới tuổi thơ của các em đang bị thu hẹp dần khoảng
cách. Nó chỉ còn hiển hiện trên online với những trò chơi bạo lực với
cảnh xả súng “pằng pằng”, cảnh chém giết điên cuồng bởi những bộ mặt
lạnh đằng đằng sát khí mà kết cục bao giờ cũng là cảnh máu me be bét.
Hoặc nếu không cũng là cảnh ăn mặc hở hang, khiêu gợi của các nhân vật
nữ trong game…Thâm nhập một số địa điểm chuyên kinh doanh dịch vụ
Internet vùng ngoại ô TP. Hồ Chí Minh, hoặc Hà Nội hay các tỉnh, thành
phố lớn khác, bất cứ khoảng không gian nào, thời gian nào cũng trong
tình trạng “phủ sóng” toàn các em học sinh mặt còn búng ra sữa. Cá biệt
có những em thậm chí “ngồi đồng’ cả mười bốn tiếng đồng hồ trong một
ngày để game online. Vì công việc, người viết bài này có lần phải vào
một tiệm Internet đã ngượng, đỏ mặt và không thể tưởng tượng nổi khi
phải nghe những câu chửi thề, những lời tục tĩu được phát ra từ chính
những khuôn mặt “baby” cỡ cấp phổ thông cơ sở ấy. Điều đó cho ta thấy
môi trường văn hóa lành mạnh, sự giải trí đơn thuần trong sáng của các
em đang bị người lớn chúng ta kinh doanh một cách triệt để. Chúng ta có
rất nhiều dự án dành đất cho việc xây dựng các cao ốc, các khu thương
mại sầm uất nhưng chúng ta lại thiếu hẳn những khu đất … “sạch” dành cho
việc xây dựng, định hình nhân cách, sự nhận thức các giá trị sống,
chuẩn mực đạo đức cho các em thông qua các khu vui chơi giải trí văn
hóa. Chính việc bị bội thực về văn hóa nghe, nhìn, bị “nhốt” trong một
môi trường văn hóa đầy dẫy những bất cập như thế mà tuổi thơ của các em
cứ thế trôi đi một cách vụng dại, hoang dã, bản năng. Sự bản năng đó đã
khiến cho các em trở nên vô cảm và có thể rơi vào bất cứ tội ác nào. Thế
nên, không có gì ngạc nhiên khi nghe chuyện em A, em B, ăn cắp tiền của
bố mẹ để đi chơi game, chuyện em Q, em H, giết người để lấy tiền cứu
“net”, cảnh đánh hội đồng một học sinh trong khi các học sinh khác ngồi
ngay bên cạnh mà không hề tỏ thái độ can ngăn, vì chuyện đó phải chăng
đã trở nên quen thuộc, đã trở thành “chuyện thường ngày ở …các học sinh”
khiến con người ta trở nên dễ dàng thỏa hiệp với cái ác, cái bất công
vô nhân đạo ở đời?. Khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói “Cho tôi xin một
vé đi tuổi thơ” điều đó như một dấu chấm hỏi lơ lửng đặt ra cho các
bậc làm cha, làm mẹ, những nhà giáo dục về trách nhiệm của mình trong
việc nuôi dưỡng tâm hồn, thể lực, trí lực cho các em. Việc rời bỏ quá
nhanh thế giới tuổi thơ, việc chưa thể cảm nhận trọn vẹn hết những vẻ
đẹp long lanh, thánh thiện đầy nhân bản, kỳ diệu của thế giới cổ tích
ấy, là một sự nguy hiểm vô cùng cho tâm hồn của cả một thế hệ trẻ khi
sau này chúng lớn lên, chúng là chủ nhân tương lai của đất nước.
Hình ảnh này đã trở thành.....chuyện thường ngày
Thứ hai, sự thiếu giáo dục nghiêm khắc, sai lầm ngay từ trong môi
trường gia đình. Ai cũng biết, gia đình là tế bào gốc của xã hội, xong
dường như những tế bào gốc ấy ngày nay lại đang bị sâu bệnh, hoặc ít
nhất cũng đang ở thời kỳ ủ bệnh. Sự mặc cả một cách sòng phẳng, không hề
thương tiếc mà chúng ta có thể dễ dàng “nghe” được không ít ở các gia
đình đại loại như : “Hôm nay con được hai điểm mười đấy, mẹ phải cho con
hai chục ngàn”, “Con đã tiêu hết tiền rồi, nếu ba không cho con thêm
mai con không đi học đâu”, “Nếu con rửa hết đống chén, bát đó mẹ cho con
năm chục ngàn nhé !”, “Con đi mua thuốc 555 cho bố, bố phải cho con năm
ngàn đấy !”, “Tối qua con thấy bố đi với cô D ở trên đường E, cho con
trăm ngàn đi không thì con mách mẹ đấy.”,….
Thế nhưng, không ít những bậc làm cha, làm mẹ lại vui vẻ chấp nhận
những đòi hỏi vô lý ấy một cách tự nguyện, hài lòng mà không hề nghĩ
rằng sự đáp ứng những đòi hỏi tưởng như đơn giản kia lại là những nấc
thang giúp trẻ leo lên sự thống trị người khác bằng những đòi hỏi bất
công vô lý khác. Một khi, không được thỏa mãn, không được phục tùng
trong môi trường gia đình, chúng sẽ sẵn sàng dùng đến bạo lực như là một
công cụ để khống chế người khác thỏa mãn những yêu cầu vô lối của chúng
ở môi trường xã hội. Và việc lao vào cấu xé nhau, rồi quay video clip
để tự tung lên mạng coi đó như là một thú vui tiêu khiển, một sự thể
hiện cho cái tôi, cái ông trời con của mình, thật sự khiến những ai có
tâm huyết khi nghĩ về thế hệ trẻ không khỏi bàng hoàng đau xót.
Đức Phật từng dạy, giả sử tâm của chúng ta là mảnh ruộng, những hành
vi, nhận thức của chúng ta là những hạt giống, nếu ruộng đất vô minh kia
phủ đầy những cơn mưa tham ái, gieo đầy những hạt giống vị kỷ, thì
những ưu buồn, sầu khổ lầm lạc từ đó sẽ phát sinh. Cũng vậy, việc định
hướng, truyền thông, giáo dục thế hệ trẻ chỉ biết hướng đến các tiêu chí
theo kiểu: “Bạn có muốn con bạn lớn lên trở thành thiên tài, ca sĩ,
người mẫu … hãy dùng sữa X, Y, bạn muốn thể hiện đẳng cấp của mình hãy
thử xài S, H … hãy ăn C, V…” chẳng hạn, chỉ đưa đến sự nhận thức lệch
lạc, sự thụ hưởng, và thái độ vô trách nhiệm của cả một thế hệ tương lai
đối với cộng đồng xã hội mà thôi. Việc “xử” nhau trong học đường không
phải là chuyện bây giờ mới kể, thực tế nó đã diễn ra từ lâu dưới nhiều
dạng thức khác nhau. Chỉ vì ghét tia nhìn của một học sinh nam mà bọn
trẻ cho đó là nhìn đểu – đánh. Vì thấy một học sinh nữ duyên dáng đáng
yêu, trong khi mình hầm hố, cục cằn – đánh, vì không cho bạn bên cạnh
nhìn bài – đánh, vì không chịu nhập cuộc sinh nhật bằng rượu bia – đánh,
vì tỏ ra ngoan hiền, đạo đức – đánh …Tuy nhiên, vẫn còn kịp để chúng ta
có thể cùng ngồi lại, cùng suy ngẫm và trả lời câu hỏi điều gì sẽ xảy
ra nếu những chủ nhân tương lai của đất nước không thể dùng chủ nghĩa
nhân bản, nhân văn, tình yêu thương để hành xử với nhau, để dẫn dắt thế
giới này ?.
Vụ việc hành hung em học sinh nữ cấp phổ thông cơ sở ngay tại chốn
vui chơi công cộng vừa qua, nó cho chúng ta nhận ra một sự thật đau lòng
rằng, “mảnh đất tâm” của thế hệ trẻ hiện nay đang bị khô cằn – sa mạc
hóa theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Để những mảnh đất tâm ấy luôn được
tươi mát, phát triển một cách cân bằng, rất cần sự tưới tẩm, sự ươm mầm
bằng những hạt giống tốt, những chất liệu của tình thương yêu, và trách
nhiệm giáo dục của những người lớn chúng ta cũng như toàn xã hội.