Cùng với sự phát triển kinh tế,
mở cửa và hội nhập với thế giới, cuộc sống vật chất của nhiều gia đình
Việt Nam cũng như của xã hội đã được cải thiện. Đó là điều không ai có
thể phủ nhận.
Nhưng cùng với sự đủ đầy về vật chất thì
về mặt tinh thần và đạo đức cũng đã xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực
trong xã hội. Điều đáng lo ngại nhất là các vấn nạn đó đã thâm nhập
nhanh chóng và ngày càng nhiều vào trong giới trẻ.
Nếu dạo qua một dãy phố nằm gần các
trường học, cái cảnh mà người ta thường thấy nhất là trong một gian
phòng rộng vài chục mét vuông có hàng chục đứa trẻ độ tuổi mười bốn mười
lăm đang say sưa trong các trò chơi điện tử. Màn hình lúc nào cũng vang
lên tiếng súng bắn liên hồi, tiếng gươm khua chói tai và những tiếng
kêu khắc khoải.
Cách
đây không lâu trên màn hình tivi cả nước người ta đã công chiếu một
đoạn phim mà ai xem xong cũng phải thắt lòng! Một người mẹ tuổi trung
niên với nét mặt phúc hậu nhưng đau đớn đến tột cùng. Chị phải chứng
kiến cảnh đứa con trai mình ra đứng trước vành móng ngựa vì tội giết
người. Nhưng nỗi đau đớn tận cùng ấy cũng chưa phải là đã hết. Vì người
bị đứa trẻ kia lấy đi mạng sống không phải là ai khác mà lại chính là
người đã thân sinh ra chị, tức là ông ngoại của kẻ tội đồ. Trên đời này
thật không ai có thể tưởng tượng ra một nghịch cảnh đau lòng đến thế!
Nguyên nhân là do trò chơi điện tử!
Tác hại của các trò chơi điện tử mang
tính bạo lực đối với trẻ em là điều hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy,
tưởng như không có gì phải tranh luận nữa. Thế nhưng sự việc lại không
thuận chiều như vậy. Mới đây nhất, thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị cấm
46 trò chơi điện tử mang tính bạo lực. Nhưng khi ra cơ quan Bộ ở Hà Nội
báo cáo và xin phép thì một số người có trách nhiệm tại đây lại yêu cầu
trước hết thành phố phải đưa ra tiêu chí thế nào là bạo lực đã rồi mới
cho phép cấm! Một vị đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí
Minh rất bức xúc đã gọi đó là sự vô trách nhiệm!
Và đây nữa là một số hình ảnh của truyền
thông: Mấy đứa trẻ ngồi dán mắt vào màn hình tivi. Người ta đang tường
thuật cảnh chọi trâu nổi tiếng đến nỗi đã đi vào cả thơ ca dân gian “Nhớ
ngày mồng bảy chọi trâu thì về”. Hai con trâu mộng mắt đỏ quạnh, nhìn
nhau đầy hận thù rồi lao vào nhau với tất cả sức mạnh bản năng. Kết quả
của trận thư hùng thì lần nào cũng thế. Nếu một con trâu không bỏ chạy
chịu thua thì sẽ là cảnh máu me bê bết. Hàng chục nghìn người hò reo.
Người ta say sưa cổ vũ cho trận đấu một mất một còn. Những đứa trẻ ngây
thơ tâm hồn còn như tờ giấy trắng cũng bị người lớn cuốn theo. Chúng
cũng nhảy nhót hò reo trong cuộc ăn thua. Thế là vô hình dung, các em đã
được người lớn dạy cho một bài học về bạo lực và tôn vinh bạo lực!
Một số người ca ngợi đó là tinh hoa văn hóa dân tộc!
Thật đáng thương cho con trâu! Nó hiền
lành như thế, chăm chỉ như thế, lẽ ra nó phải được người ta tôn vinh một
cách hòa bình và nhân bản!
Lại
một cảnh nữa cũng thường được màn hình công chiếu. Đó là cảnh lễ hội
đâm trâu. Một con trâu bị buộc chặt vào cột. Xung quanh rất nhiều người
cầm vũ khí. Người ta nhảy múa và cứ mỗi lần đến gần con trâu thì lại đâm
cho con vật đáng thương một nhát chí mạng. Con trâu đau đớn quá, nó cố
lảng tránh các lưỡi mác sắc nhọn, mắt nó lạc đi, nước mắt chảy ròng
ròng! Nó nhìn xung quanh như cầu cứu, như van xin! Nhưng đã bị buộc
chặt, nó còn chạy đi đâu được nữa. Trống chiêng càng giòn giã, người ta
càng say mê. Con vật đáng thương máu me chảy đầm đìa, từ từ ngã quỵ
xuống rồi trút hơi thở cuối cùng trước con mắt mở to ngơ ngác của hàng
chục đứa trẻ! Có lẽ ngoài những người tham gia lễ hội, không ai có thể
cầm lòng được trước khung cảnh ấy. Người ta lại cũng gọi đó là tinh thần
thượng võ!
Hai nữ sinh của một trường trung học thủ
đô lao vào đánh nhau ngay gần cổng trường, trước mặt bạn bè trong lớp.
Ai nhìn thấy cảnh ấy cũng phải rùng mình khi liên tưởng một trong hai
đứa trẻ kia là con cháu mình. Mà lý do thì đơn giản lắm. Chỉ vì một cái
nhìn không thiện cảm với nhau chẳng hạn!
Có thể kể ra không biết bao nhiêu những
sự việc như thế đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta. Phải thẳng
thắn thừa nhận rằng các hiện tượng tiêu cực trong thanh thiếu niên đã
đến mức báo động. Nhà nước và xã hội nếu không ra tay thì sẽ là quá
muộn!
Phật giáo với tinh thần nhập thế của
mình không thể đứng ngoài cuộc mà phải chung tay cùng xã hội giải quyết
vấn nạn này. Đức Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa
thượng Thích Phổ Tuệ đã nói: "Nhà chùa cần phải chung tay cùng xã hội
góp phần giải quyết các vấn nạn đang nhức nhối, trong đó có vấn đề tha
hóa của thanh thiếu niên. Mầm chồi mà bị thui chột thì làm gì có tương
lai”. ( Phattuvietnam.net)
Giáo dục đạo đức và tâm linh cho giới
trẻ là thế mạnh của Phật giáo. Đạo đức và tâm linh là hai thành phần
quan trọng nhất của mỗi con người cũng như của toàn xã hội.
Có thể nói vấn đề giáo dục đạo đức cho
thanh thiếu niên trong trường học lâu nay chưa được quan tâm đúng mức.
Trong nhà trường chủ yếu tập trung dạy học sinh các kiến thức chuyên môn
để chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, nhất là kỳ thi đại học. Một số
môn về giáo dục công dân dạy các em những điều to tát như yêu tổ quốc,
yêu quê hương, yêu đồng bào. Điều đó không sai. Nhưng nếu các em không
được dạy giỗ chu đáo về lòng kính trọng ông bà, yêu thương bố mẹ, yêu
thương anh chị em, cảm thông và chia sẻ cùng bà con hàng xóm láng giềng,
thân ái với bạn bè cùng lớp thì làm sao các em biết yêu thương những
cái to tát và trừu tượng ấy!
Trong thời gian làm việc ở Canada và
Pháp, tôi hơi ngạc nhiên thấy mỗi khi gặp một đứa trẻ thì câu đầu tiên
người ta không hỏi là: “Cháu học lớp mấy? “hoặc là: “Cháu đứng thứ mấy
trong lớp?” như ở Việt Nam chúng ta. Người ta hỏi các em: "Cháu có nuôi
con vật gì trong nhà không, chó hay mèo chẳng hạn?”.
Dần dần thì tôi đã hiểu ra. Một vị giáo
sư nói với tôi: Chúng tôi quan tâm nhiều nhất đến việc giáo dục lòng yêu
thương cho con trẻ ngay từ tấm bé. Mà vun đắp lòng yêu thương thì tốt
nhất là cụ thể từ những con vật nuôi trong nhà. Khi một đứa trẻ hai ba
tuổi mà biết yêu thương những con vật nuôi, con mèo, con chó yếu ớt thì
khi lớn lên các cháu mới biết yêu thương đồng loại!
Giáo dục đạo đức và tâm linh Phật giáo
cho thanh thiếu niên là một giải pháp có nhiều ưu việt. Phật giáo giúp
con người tĩnh tâm, không chạy theo cái tâm lăng xăng xao động thường
nhật. Các giải pháp Phật giáo giúp cho con người kiểm soát được các hành
vi của mình mọi lúc mọi nơi.
Nếu đạo đức tâm linh Phật giáo được phổ
biến rộng rãi thì chắc chắn sẽ mang lại lợi lạc rất nhiều cho giới trẻ.
Khi được nghe những bài pháp thoại của Phật giáo thấm đẫm tinh thần từ
bi và hỷ xả, tâm hồn các em sẽ trở nên trong sáng hơn. Các em sẽ không
bao giờ làm hại dù là một nhánh cây ngọn cỏ.
Thực hiện theo các điều răn của Phật
giáo như không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá,
không rượu chè bê tha sẽ giúp các em thành những thanh niên đứng đắn,
sống có nhân cách, được mọi người coi trọng!
Ứng dụng được phương châm hành xử của
Phật giáo là không si mê, không tham lam, không sân hận thì các em sẽ
ngày càng được mọi người xung quanh yêu mến hơn và tương lai của các em
ngày càng rộng mở hơn.
Chúng tôi cho rằng, việc phổ cập rộng
rãi chương trình giáo dục đạo đức Phật giáo cho giới trẻ là một trong
những giải pháp căn bản góp phần giải quyết các vấn nạn của thanh thiếu
niên hiện nay.
Được tiếp thu một nền tảng đạo đức Phật
giáo thanh khiết, hạt giống thiện tính mà Phật giáo đã gieo vào lòng các
em sẽ nảy mầm và nở hoa kết trái. Từ đó các em biết làm những việc tốt,
biết xa lánh cái xấu, cái ác một cách tự giác chứ không cần lúc nào
cũng phải có nhà trường hoặc bố mẹ giám sát và kiểm soát.
Được như vậy các em sẽ tự tin vững bước trong cuộc đời!
Source: DPNN