Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học,
liền học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, cuối cùng cũng đã hoàn
thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.
Một hôm người đồ đệ này trở về, thưa với ngài Tinh Vân: “Bạch
Sư Phụ nay con đã có học vị Tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa?”
Ngài Tinh Vân bảo: “Học làm người”, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể
nào tốt nghiệp được.
Ngài Tinh Vân cho rằng, bất luận là sĩ nông công thương, người
ở tầng lớp nào có học tập là có tiến bộ, nay cùng chia sẻ với mọi người về những
điều cần phải học.
Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không
chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản
thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn. Đối
tượng mà mình nhận lỗi có thể là cha mẹ, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm
chí nhận lỗi với con cái hay là người không tốt đối với mình, nhận lỗi như vậy
bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản
thân. Học nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu tập lớn.
Thứ hai “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi
người ta lại mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn
còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có
thể tồn tại dài lâu được, chứ cứng làm chi cho chịu thiệt thòi. Tâm nhu hòa là
một tiến bộ lớn trong việc tu tập. Người ta thường hình dung những người cố chấp,
thì tấm lòng của họ, tính cách của họ rất lạnh, rất cứng y như một miếng sắt vậy.
Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở, điều hòa thân tâm, dần dần điều phục tâm
như ngựa hoang, như vượn chuyền cành này khiến cho nó nhu hòa mềm mại, thì cuộc
sống mới vui tươi hơn, mới lâu dài được.
Thứ ba “học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn
được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn,
vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và
năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Các vị
muốn sống, muốn sinh tồn, muốn sinh mạng này thì cần phải biết nhẫn, có thể hiểu
rõ những đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí chấp nhận nó.
Thứ tư “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu lẫn nhau sẽ nảy
sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn
nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc va
li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt
xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại
chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm
cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể tự tại được.
Thứ sáu “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người
khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động.
Cảm động là tâm thương yêu, tâm bồ tát, tâm bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm
của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi
cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
Thứ bảy “học sinh tồn”. Để sinh tồn chúng ta phải duy
trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản
thân, mà còn làm cho gia đình bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu để
với người thân.
Chúc bạn bè thân hữu cùng cố gắng!
Liên Hải dịch
(theo hoalinhthoai.com)