Phụ huynh “đặc biệt”
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhiều học sinh
được phụ huynh đưa đến đăng ký dự thi. Dù gần vào đến phòng thi nhưng
nhiều sĩ tử vẫn nắm chặt tay bố mẹ cho đến khi được sinh viên tình
nguyện nhắc nhở khu vực riêng chỉ có thí sinh được vào. Một vị phụ huynh
“đặc biệt” đã tập trung sự theo dõi của nhiều người. Đó là vị sư thầy
mặc bộ quần áo cà sa màu vàng dẫn theo ni cô mang bộ quần áo màu nâu
đến tìm phòng thi. Không nắm chặt tay phụ huynh như nhiều học sinh khác
nhưng ni cô luôn đưa ánh nhìn về phía sư thầy của mình cho đến khi
được dặn dò ”Con cứ bình tĩnh nhé!”
Trong khi chờ con, nhiều phụ huynh khác tụm lại thành từng nhóm
chuyện trò, chia sẻ từ câu chuyện mùa vụ ở quê đến chuyện tìm nhà trọ,
tắc đường thì sư thầy lại tìm một chỗ ngồi dưới bệ cây, lặng lẽ dõi
mắt về phía phòng thi.
Sự thầy Thích Nữ Liên Vy lặng lẽ dõi về phía phòng thi
Sư thầy tên Thích Nữ Liên Vi, tu hành tại chùa Quán Tình (Long Biên,
Hà Nội) đưa ni cô có tên Thích Nữ Mỹ Huyền đến dự thi vào khoa Hán Nôm
của trường.
Dù đây không phải lần đầu chùa có người đi thi đại học nhưng sư thầy
lo lắng và muốn đưa ni cô tới tận phòng thi: “Mỹ Hạnh nhút nhát và hay
run lắm. Đi một mình lại run quá có khi không đi thi được”- Sự thầy
chia sẻ bằng chất giọng Miền Nam pha chút hài hước.
Để chuẩn bị cho sĩ tử “đặc biệt” đi thi, sư thầy Liên Vy đã thức dậy
từ 3 rưỡi sáng để cầu kinh, mong ni cô Mỹ Huyền có tinh thần tốt bước
vào kỳ thi quan trọng. Sư thầy cũng chia sẻ sự thiệt thòi của sĩ tử đã
xuất gia theo phật, không có sự liên lạc động viên từ phía gia đình:
“Không giống như các em học sinh khác, có cha mẹ đi theo lo lắng, chăm
sóc. Mỹ Huyền đã xuất gia, cũng ít liên lạc với gia đình. Thầy có trách
nhiệm chăm lo, quan tâm đến Mỹ Huyền trong những ngày đặc biệt thế
này”.
Nói từng câu từng từ chậm rãi, vừa kể về Mỹ Huyền, sư thầy vừa vuốt
cho ngay ngắn hồ sơ giấy tờ của sĩ tử, sư thầy đã cẩn thận mang theo.
Nhắc đến năng lực học tập của ni cô, ánh mắt sư thầy sáng lên và câu
chuyện trở nên sôi nổi: “ Mỹ Huyền học văn tốt lắm nên việc học ôn cũng
không đến nỗi vất vả. Chẳng cần phải để ai nhắc nhở, ni cô cứ thấy góc
nào yên tĩnh là ôm quyển sách ngồi học bài”.
Trong suốt thời gian ôn thi, ni cô đã được các sư thầy quan tâm chăm
sóc. Kể ra thời gian tụng kinh cũng được miễn để Mỹ Huyền chuyên tâm ôn
thi và nghỉ ngơi.
Con đường tu hành khổ luyện
Ni cô Thích Nữ Mỹ Huyền (tên thật là Thêu) xuất gia từ năm lớp 9.
Trong suốt mấy năm cấp 3, Mỹ Huyền vẫn học cùng bạn bè đồng trang lứa ở
trường THPT Lê Văn Thiêm (Long Biên). Theo quy định, các ni cô và chú
tiểu đều phải thi vào ĐH Phật giáo và theo học chuyên sâu tại đây. Tuy
nhiên sư thầy Liên Vy muốn ni cô có thể hoà đồng với bạn bè: “Ni cô nhút
nhát lắm, trong suốt thời gian học cấp 3 đều không tham gia các hoạt
động ngoại khoá của nhà trường. Thầy khuyên ni cô thi vào đây để có thể
học với bạn bè cùng tuổi.”
Rụt rè trước mọi người xung quanh, ni cô Thích Nữ Mỹ Huyền luôn đi cạnh sư thầy
Ni cô Mỹ Huyền mơ ước có thể tự mình dich được sách kinh mà không cần
sự trợ giúp hay những quyển sách dịch sẵn. Theo học chuyên ngành Hán
Nôm chính là chìa khoá để Mỹ Huyển mở ra những giáo lý sâu sa của đạo
Phật.
Con đường học của ni cô không dừng tại đây. Sau khi tốt nghiệp ĐH Hán
Nôm, Mỹ Huyền tiếp tục phải thi vào ĐH Phật giáo.Tốt nghiệp ĐH Phật
giáo, Mỹ Huyền cũng như nhiều người xuất gia khác sẽ theo học chuyên sâu
tại các quốc gia đạo phật như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan… Con đường
học trung bình kéo dài khoảng 12 năm.
Nhắc đến việc học của Mỹ Huyền, sư thầy Liên Vy trìu mến: “Ngày nào Mỹ Huyền cũng học từ 7 giờ sáng đến tầm 11 giờ tối”.
Trong kỳ thi tốt ghiệp THPT vừa qua, do căng thẳng , Mỹ Huyền đã bị
ngất trong phòng thi. Sư thầy Thích Nữ Liên Vy lo lắng cho sức khoẻ của
ni cô:” Tôi không gây áp lực gì cho Mỹ Huyền mà dặn dò cứ để tinh thần
thật thoải mái. Thua keo này ta bày keo khác. Không được thì năm sau,
thầy lại đưa ni cô đi thi”.