Đức Phật giúp được gì cho nỗi đau khổ này
17/11/2013 19:39 (GMT+7)

Một cậu sinh viên đã lấy lòng tôi bằng một câu nói của Albert Einstein mà cậu ấy đã thuộc làu để mở đầu cho một cuộc đối thoại bên tách trà: “Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh giáo điều và thần học.

Tôn giáo ấy vừa phải bao quát phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm trọng thể gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ điều kiện đó.

Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được mọi nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo.

Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa những khám phá mới của khoa học.

Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.”

Cậu sinh viên ấy bảo đã đọc câu này trên rất nhiều chùa, và cái tên Albert Einstein  đã đủ đảm bảo cho câu nói trên là chuẩn không cần chỉnh. Có điều nó có vẻ vĩ mô, có vẻ triết lý, có vẻ hình như thượng – theo cách dùng chữ của cậu – Vấn đề là sự ra đời của Đức Phật, giáo lý nhà Phật giúp gì được nỗi đau khổ của con trong hiện tại? Một câu hỏi hay, thực tế, cái mà cậu sinh viên cần, mọi người cần.

Tôi hỏi lại: Thế nỗi đau khổ của bạn là gì?

Cậu ấy đáp. Thì nói chung tất cả những khổ đau trong đời sống, tiền tài danh vọng,  biết bao nhiêu thứ.
Tôi đáp: Bạn không thực tế. Mình không thực tế mà đòi hỏi người khác thực tế là vô lý. Tiền bạc không có đau khổ, tình cảm không có đau khổ, danh vọng không có đau khổ, chỉ có bạn đau khổ. Thế thì đâu là nỗi đau khổ của bạn? Hãy nói cho tôi nghe. Nếu bạn biết nỗi đau khổ của bạn, Đức Phật sẽ giúp bạn bớt khổ, thậm chí hết khổ. Bạn chỉ ra đi!
Và thế là, bao nhiêu những khúc mắt trong lòng được dịp dàn trải, chúng tôi được ngắm nhìn Đức Phật trong một tương quan gần gũi hơn, thân thiện hơn.

Cậu sinh viên nói rằng gia đình mình theo đạo Phật. Cậu theo mẹ đi chùa từ nhỏ, cậu biết lạy Phật, niệm Phật, cầu nguyện mãi, nhưng cứ gặp toàn những chuyện bất trắc trong đời sống, công việc, tình yêu. Mọi thứ cứ dằn vặt cậu. Những lúc đau khổ ấy, Phật chẳng giúp được gì cậu cả.

Tôi bảo: Đức Phật dạy:

“Con người là chủ nhân những nghiệp mệnh của mình và là kẻ thừa tự tất cả những nghiệp dĩ mà mình gây tạo”. Bạn phải biết rằng, chỉ cần hiểu được như thế, hiểu đúng như thế, nhân loại này đã bớt khổ đi rất nhiều rồi. Trước khi Đức Phật ra đời, cả nhân loại đem sinh mệnh của mình giao phó cho thần linh. Đến thế kỷ 21 này vẫn còn đến hai phần ba nhân loại vẫn còn nô lệ bởi thần linh. Khi họ hạnh phúc, họ nghĩ rằng do Chúa ban. Khi họ khổ đau, họ nghĩ rằng do Chúa trừng phạt. Bởi vậy họ xì xụp quỳ lạy van xin, cầu nguyện nơi chúa của họ. Mỗi tôn giáo đều có một God của họ, và cứ thế, họ không nỗ lực chuyển hóa nghiệp dĩ của mình mà để mọi sự cho Chúa định đoạt, rồi khi đau khổ, họ than thân trách phận, đổ thừa cho hoàn cảnh ngoại tại, rồi để cho những hạt giống đau khổ nảy mầm tràn lan, cái khổ này chồng lên cái khổ khác, triền miên bất tận. Đức Phật đã chỉ dạy rất cặn kẽ phương thức để chuyển hóa những hạt giống khổ đau, bằng rất nhiều phương tiện, nhiều pháp môn, nhưng vì không thấy được giá trị thực tế đó của đạo Phật nên họ cho rằng đạo Phật không thực tế. Kỳ thực, trên phương diện này, đạo Phật vô cùng thực tế và nhân bản.

Cậu sinh viên lý luận: Mấy năm trước có nạn dịch cúm gia cầm H5N1. Thủ tướng ra lệnh đốt sống hết hàng triệu con gia cầm. Xin hỏi: Nếu đốt hàng triệu con gia cầm ấy thì phạm tội sát sanh, nhưng nếu không hủy số gia cầm ấy thì dịch bệnh lây lan, làm chết người. Đức Phật giải quyết vần đề này như thế nào?

Tôi gặn lại: Đó có phải là nỗi đau khổ của bạn hay không?

Cậu sinh viên đáp: Không phải là nỗi đau khổ của con, nhưng đó là một thực tế đã diễn ra ngay trong đời sống này.

Tôi đáp: Không thực tế. Nếu có một con chó điên đang vồ lấy bạn. Vấn đề bây giờ bạn phải giết con chó điên ấy, nếu không nó sẽ cắn bạn chết, còn nếu giết nó thì bạn phạm tội sát sanh, bây giờ phải làm sao, đó mới là vấn đề của bạn. Nhưng thực tế trước mắt bạn cũng không có con chó điên nào. Thế thì vấn đề bạn đưa ra cũng chỉ là giả định, không thực tế. Bạn cứ đặt ra những giả thiết lẩn quẩn trong lý luận. Còn nỗi khổ của bạn thì bạn không quan tâm, đó là cách học Phật không thực tế.

Cậu sinh viên đáp: “Thực ra chuyện gia cầm chính là vấn đề của con. Con là người được giao thiêu hủy số gia cầm ấy. Đạo Phật giải quyết vấn đề này như thế nào? ”.

Tôi đáp: Đức Phật chưa bao giờ nhận mình là Đấng cứu thế. Ai nhận mình là Đấng cứu thế thì hãy nhờ họ giải quyết việc ấy đi. Ai bảo con người sản sinh ra hàng triệu con gia cầm ấy, rồi bây giờ khổ, bảo Phật giải quyết vấn đề ấy là như thế nào? Phật chỉ dạy cho con người nguyên nhân của khổ. “Đừng mất thời giờ đi sửa lại cho thẳng cái bóng của một cây cong”. Cái cây đã cong rồi thì bây giờ sửa mãi cái bóng cây cho thẳng cũng chẳng ích gì. Nguyên nhân nỗi đau khổ này là gì? Đó là những phiền não căn bản như Tham sân si. Nếu bạn đau khổ, hãy nổ lực chuyển hóa những hạt giống phiền não trong bạn. Bạn hãy thử làm thử đi.

Cậu sinh viên hỏi: Tham sân si là nhân, nỗi đau khổ là quả. Nhân thuộc về quá khứ, quả là hiện tại. Làm sao chạy về quá khứ để điều khiển cái nhân?

Nếu không điều khiển được quá khứ thì hãy chuyển hóa nó trong hiện tại. Hiện tại bạn có tham sân si không? Có không nào? Tất cả những tham vọng, những cơn nổi nóng bất chợt, những sai lầm đáng tiếc, nó chính là những di chứng của quá khứ còn in hằn lên bộ mặt đời sống hiện tại của bạn. Nếu ngay nơi đó bạn chuyển hóa nó, thì nỗi khổ của bạn sẽ vơi đi, điều kỳ diệu là nỗi khổ hiện tại của bạn cũng vơi đi cho đến hết hằn.
Thế thì đâu cần lạy Phật, niệm Phật?

Cần! nếu bạn có một phương cách nào đó có thể dứt được phiền não, đúng là không cần niệm Phật. Còn nếu không có thì tôi chỉ cho bạn phương cách chuyển hóa phiền não hay nhất, đó là niệm Phật. Khi tâm niệm Phật thì sẽ không niệm những thứ khác, tham sân si không có cơ hội hoạt dụng.

Nếu đúng như thế thì con có thể niệm một thứ khác, như niệm tên người con yêu chẳng hạn, vẫn có thể quên được tham sân si. Vì tên của nàng có vẻ thân thiết với con hơn, dễ nhất tâm hơn?

Bạn đúng, nếu bạn làm được như vậy: Tôi e rằng bạn chỉ lý luận: Khi bạn niệm “danh hiệu” của nàng, sẽ có nhiều thứ khác nhảy vào xen giữa “danh hiệu”, như ái dục, chấp giữ, hạt giống tham sân si sẽ trỗi dậy nhiều hơn. Bạn cứ làm thử đi.

Cậu sinh viên ra vẻ gật gù. Rồi hỏi tiếp:

Vậy thì nếu con không niệm Phật mà niệm Chúa thì con cũng có thể có được sự thanh tịnh này?

Chính xác! Nhưng bạn là một Phật tử. Vấn đề là giáo lý của Thiên Chúa là giáo lý cứu rỗi. Bạn niệm Chúa bạn sẽ có cảm giác được cứu rỗi. Nhưng Chúa không cứu được bạn. Phật cũng không cứu được bạn. Chỉ có bạn mới làm cho mình khổ đau hay hạnh phúc mà thôi. Chúa lòng lành. Phật từ bi. Chúa bác ái, Phật vô ngã vị tha. Bạn biết không? Vô ngã chính là cốt tủy của Đạo Phật. Bạn niệm Chúa, có thể bạn được cứu rỗi. Nhưng cái ngã tưởng, ngã chấp của mình ngày một lớn lên. Đó chính là cái ngã khác, lớn hơn gấp nhiều lần. Giáo lý dẫn đường cho phương pháp tu tập. Nếu bạn niệm Phật, điều kỳ diệu là ngã tướng sẽ dần vơi đi. Bạn sẽ thấy mình chẳng là gì, từ đó bạn nhận ra phiền não, vọng tưởng cũng không thật. Biết vọng tưởng không thật là lìa vọng tưởng. Kinh đã dạy như vậy!

“Cậu sinh viên lại thắc mắc?”

Nhưng đức Phật đã ra đời hơn 2500 năm rồi, nhân loại vẫn khổ đau đấy thôi!

Đơn giản vì nhân loại không thực hành lời Phật dạy. Nhân loại chạy theo những đức tin khác một cách cuồng tín, mù quáng. Ai thực hành lời Phật dạy sẽ tìm được sự an lạc. Phật giáo tồn tại đến ngày nay là nhờ những sở chứng của họ đấy!

Hiện nay có biết bao nhiêu người ngày đêm niệm Phật, sao con thấy họ vẫn khổ đấy thôi?

Nếu họ thực sự niệm Phật thì họ sẽ không khổ. Phần đông bây giờ họ không niệm Phật. Họ chỉ nghĩ về một cảnh giới đằng sau kiếp người này, họ chạy trốn nỗi đau khổ này, chứ họ không niệm Phật. Chính họ đã làm cho nhiều người ngộ nhận rằng đạo Phật là một tôn giáo tiêu cực, úp mặt quay lưng với đời, nhắm mắt bịt tai với cuộc đời, chạy trốn cuộc đời. Hơn bao giờ hết, Đạo Phật cần thiết cho cuộc đời nếu mọi người hiểu đúng những giá trị bình đẳng, tự do, từ bi hỷ xả vô ngã vị tha mà đức Phật đã chỉ dạy một cách thực tiễn và vô cùng linh hoạt.

Thích Nguyên Hiền

Theo Người đưa tin

Các tin đã đăng: