Mục đích của đời người
Giác Hạnh Nguyện
13/05/2012 03:25 (GMT+7)


Ngày nay, mọi người sống có xu hướng phung phí tài sản, xài những loại xe siêu sang, quần áo, điện thoại, ví, nữ trang… đắt tiền. Đất nước còn nghèo, nhiều gia đình nông dân khó khăn, đến mùa thu hoạch lúa có khi trả được nợ phân thuốc, có khi không, nếu lúa thất mùa thì nợ khoảng 1 triệu đồng. Trong khi đó các đại gia với chiếc áo mặc có khi lên đến tiền tỷ, chiếc đồng hồ đeo tay trên chục ngàn đô, điện thoại di động vài ngàn đô…

Theo Phật giáo, những người giàu có là họ đã có tạo phước. Nhưng nếu họ biết tiết kiệm phước, không xài xa xỉ những loại hàng quá đắt tiền, để những khoảng tiền đó làm từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khó, đem đến cho người nghèo chút niềm vui thì vừa lợi mình, vừa lợi người, niềm vui được nhân rộng.

Nhiều người quan niệm rằng: Mình làm ra tiền thì mình phải hưởng thụ. Ăn ngon, mặc đẹp, sang trọng, đẳng cấp là nhu cầu của con người, người tại gia lấy đó làm mục đích hướng đến. Theo quy luật tự nhiên, con người không thoát ra khỏi bốn điều: Sinh, già, bệnh, chết. Khi chết, con người chỉ mang theo nghiệp đã tạo chứ không mang theo tài sản. Vậy, chúng ta được phước giàu sang hãy cố gắng tạo thêm nghiệp tốt, làm nhiều việc thiện, không làm những việc ác để đời này và kiếp sau được an vui.

Trong 14 điều Phật dạy có câu: “An ủi lớn nhất của đời người là bố thí”. Trong Tứ nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự thì bố thí đứng đầu. Trong 6 pháp Ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ thì bố thí cũng đứng đầu. Do đó, chúng ta hãy thực hành theo lời đức Phật dạy, hãy mở rộng vòng tay, hãy mở rộng tấm lòng đối với những người nghèo khó, đem đến cho nhiều người niềm vui thì bản thân chúng ta được hạnh phúc.

Đức Phật hay các vị Bồ-tát vượt trội hơn người phàm vì các Ngài có trái tim rộng mở. Các Ngài luôn sống với tinh thần hy sinh để chúng sinh được hạnh phúc. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong nhiều kiếp quá khứ, có khi làm khỉ chúa, nai chúa, chim đầu đàn đều có tinh thần hy sinh vì đồng loại với đạo hạnh cao cả. Đức Phật Dược Sư có 12 lời đại nguyện vì hạnh phúc của nhân loại. Đức Bồ-tát Quán Thế Âm có 12 lời nguyện cứu giúp người khi gặp nạn tai, khổ ách. Hạnh nguyện cao cả của các Ngài làm các Ngài trở thành Phật, thành thánh vượt trội hơn người thường.

Chúng ta học và hành theo hạnh nguyện của các Ngài dù một phần rất nhỏ cũng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mình và người. Chúng ta sống cuộc sống có ý nghĩa thì cuộc đời có giá trị, đem lại lợi lạc cho nhiều người.

Giá trị con người không nằm ở tiền bạc, vật chất mà nằm ở đạo đức. Người có đạo đức càng cao thì giá trị càng lớn. Người có đạo đức phải chuyển hóa nội tâm, chuyển những tâm bất thiện thành những tâm thiện, phải có tín tâm với Tam bảo, giữ giới, có tàm, có quý, có văn, có thí, có tuệ. Đạo đức là nền tảng đưa con người trở thành bậc chân nhân.

Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay số 16

Các tin đã đăng: