- Ca sĩ Bằng Cường đã có thời gian trải nghiệm, sáng tác và trình diễn những ca khúc Phật giáo, có phải Bằng Cường là một Phật tử?
Ca sĩ Bằng Cường: Bằng Cường từ trước đến giờ thường hay đi chùa lễ
Phật, thắp hương vào những ngày lễ, ngày hội khi Bằng Cường còn chưa vào
TP.HCM để lập nghiệp. Cường nghĩ đó là nét đẹp truyền thống đã có từ
rất lâu đời của con người Việt Nam
nói mà mình đã trải nghiệm và thừa hưởng. Bằng Cường thường đi chùa thì
cũng đã được xem như là con của Phật rồi, tuy chưa phải là một Phật tử
có pháp danh.
Ca sĩ Bằng Cường
Bằng Cường viết nhạc và hát nhạc của chính mình bởi vì những dòng tâm
sự, tâm trạng và những gì mình cảm nhận được sẽ được mình thể hiện một
cách tốt nhất. Bên cạnh đó, Cường vẫn hát nhạc của các nhạc sĩ mới gửi
bài cho Bằng Cường và đã thể hiện thật tốt nên trong suốt thời gia qua
Bằng Cường luôn được mọi người gắn cho một cái danh rất dễ thương đó là
“Ca nhạc sỹ”.
- Đời sống của một ca sĩ với những hào quang, sự nổi tiếng
và những lúc thăng trầm mà bạn phải đối mặt hàng ngày. Bạn có cho đó là
đời sống thật để phấn đấu không? Bằng Cường đối phó với những khó khăn
trong cuộc sống như thế nào?
Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng đẹp như bức bức tranh, một
giấc mơ ngọt ngào. Bởi vậy, Bằng Cường luôn cố gắng hết mình qua những
công việc mà mình đang theo đuổi, mặc dù có nhiều lúc cảm thấy có rất
nhiều khó khăn phía trước. Triết lý, tinh thần Phật giáo “tự thắp đuốc
cho chình mình” đã là phương châm sống của Bằng Cường những lúc phải
vượt qua những khó khăn, phải cố gắng điều phục tâm mình, phấn đấu bởi
vì tuổi trẻ là không được chùn bước, không được sợ khó khăn, sống vì mọi
người, biết rằng quanh mình còn có nhiều người giỏi hơn mình, chịu khó
hơn mình... Phật giáo cho rằng mọi thứ đều vô thường, tuy nhiên Bằng
Cường biết rằng mình hiện tại mình đang có mặt và phấn đấu cho những
điều tốt đẹp.
- Ca sĩ Bằng Cường đến với Phật giáo từ cơ duyên như thế
nào, đó có phải là sự trải nghiệm tâm linh với một tôn giáo gần gũi mà
bạn thấy cần thiết trong đời sống của chính bạn?
Trước đây khi còn ở Hà Nội, Bằng Cường thường hay đi chùa cùng bạn bè
thân vào những ngày lễ của Phật giáo, bắt đầu từ khi đặt chân lập
nghiệp tại TP.HCM thì Bằng Cường đã có những trải nghiệm mới tại nơi
đây, có thể nói như làm lại từ đầu. Bao nhiêu vất vả, thất bại Bằng
Cường đều trải qua, có lúc tưởng chừng như không thể nào đi tiếp được,
thế rồi Bằng Cường vẫn làm việc chăm chỉ cho đến một ngày Bằng Cường có
một cơ duyên đặc biệt, năm 2009 có một chị đã đưa Bằng Cường đến chùa
Trung Nghĩa, và nơi đây Bằng Cường đã gặp được thầy Thích Lệ Châu, thầy
đã hướng cho Cường về Phật phápPhật giáo, tặng cho Cường những câu thơ,
những bài thơ viết về Phật thật ý nghĩa và thiêng liêng… Bằng Cường đã
viết thử những ca khúc viết về Phật dựa trên những bài thơ mà thầy tặng,
lúc đi làm nhạc và thu âm Bằng Cường cũng đã nghiên cứu từ những nhạc
sĩ có nhiều kinh nghiệm để Cường học hỏi thêm. Và từ đó những ca khúc
Phật giáo ra đời, đó chính là cái duyên đầu tiên mà Cường đến với cửa
Phật. Tiết lý và tinh thần Phật giáo đã gắn với dân tộc và con người
Việt Nam
hàng ngàn năm, tinh thần đó giúp mọi người sống yêu thương, gần gũi và
bao dung, cuộc sống của Bằng Cường cũng vậy luôn cần những điều ý nghĩa
đó để cân bằng.
trong chương trình ca nhạc " Ngàn năm sen nở" 2009
- Phật đản năm 2009, Bằng Cường đã thực hiện Album ca nhạc
Phật giáo "Ngàn Năm Sen nở", hát ở một sân khấu sôi động với khán giả
trẻ và một sân khấu trong chùa có gì khác nhau? Không gian ở cửa
thiền có ảnh hưởng như thế nào đến giọng hát của bạn?
Sân khấu nhạc trẻ đó là những khát khao cháy bỏng, đầy sôi động,
nhiệt huyết của một người nghệ sỹ, trên sân khấu như thế ca sĩ chỉ cần
hát sao cho thật hay, biểu diễn cho thật tốt để các bạn trẻ yêu mến và
đón nhận mình. Còn đối với sân khấu nhạc Phật giáo thì ca sĩ cần phải có
một cái Tâm đặt lên hàng đầu, qua những ca khúc, ca từ, giai điệu… phải
sao cho nhẹ nhàng, sâu lắng, thanh tịnh, có lúc vui tươi nhưng phải
chừng mực. Không gian ở cửa thiền luôn khiến cho Bằng Cường gạt bỏ những
suy nghĩ phiền muộn trong cuộc sống đời thường, Bằng Cường cảm thấy
lòng mình thanh thản hơn, chú tâm hơn và những bài hát viết về Phật được
Cường thể hiện một cách tốt nhất..
- Nhiều người cho rằng khán giả Phật giáo rất khó tính, với nhạc trẻ thì càng khó hơn. Bằng Cường làm thế nào để chinh phục họ?
Nhạc Phật giáo là một dòng nhạc không phải ai hát cũng được, nên khi
hát những bài hát như thế ca sĩ cần phải có kinh nghiệm, học hỏi từ
những lớp ca sĩ đi trước, Bằng Cường trước khi thu một bài hát nhạc Phật
giáo thì Bằng Cường cũng đã hỏi ý kiến của rất nhiều người. Bằng Cường
đã rút hết “gan ruột” để sáng tác, hát và thể hiện. Bài hát đầu tiên mà
Cường thể hiện đó là bài “Ngàn năm sen nở”, bài thứ 2 là bài “Hạnh
phúc”. Sau khi 2 bài hát được hoàn thiện, Cường đã gửi cho thầy và một
số bạn bè cùng nghe và bất ngờ được thầy gọi điện thoại động viên và
khích lệ rất nhiều. Sau đó, thầy Châu đã giao cho Bằng Cường thực hiện
chương trình nhạc Phật giáo tại chùa năm 2009.
- Điều gì đã làm nên động lực để Ca sĩ trẻ Bằng Cường
"dũng cảm" quyết định tổ chức một liveshow nhạc Phật giáo tại sân khấu
của chùa.
Tất cả sự cố gắng của Bằng Cường như biên tập làm chương trình, viết
nhạc Phật đều được sự hỗ trợ rất lớn của thầy Châu giúp sức nhiều nhất.
Vì thầy là một người rất nhiệt huyết, tận tâm, tận tình nên Bằng Cường
đã thực hiện được thành công đều là nhờ thầy. Bên cạnh đó, nhiều Phật tử
luôn ủng hộ cho Bằng Cường nên 2 năm vừa qua những chương trình mà
Cường thực hiện đều được hưởng ứng, nhiều chùa đã mời Bằng Cường đến
hát. Đây là điều mà Cường cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì những gì mình
đã cố gắng..
- Những bài hát trong liveshow nhạc Phật được bạn nuôi
dưỡng như thế nào, Bằng Cường mang thông điệp gì từ một người trẻ gởi
đến khán giả Phật giáo? Bạn có thể nói rõ hơn về công tác chuẩn bị cho
liveshow nhạc Phật?
Tên chương trình Live show lần này được mang tên “Bằng Cường nhạc
Phật”. Đây là chương trình tuyển chọn những bài hát viết về Phật thật
sâu sắc và rất ý nghĩa, những bài hát nói lên sự tôn kính của những
người con đối với Phật, khuyên các bạn trẻ luôn sống phấn đấu, không sợ
sự nghèo khó, hãy luôn là chính mình, bởi vì xung quanh chúng ta luôn có
Phật chở che… Những bài hát mang đầy ý nghĩa như “Ngàn năm sen nở”,
“Hạnh phúc của con”, “Hạnh Phúc”, “Kính lạy Quán Thế Âm”, “Mẹ Từ Bi”
v..v… Đặc biệt trong chương trình liveshow nhạc Phật lần này Bằng Cường
sẽ hát toàn bộ bằng ban nhạc chứ không hát bằng đĩa Minidisc như những
lần trước nên khán giả đón xem sẽ cảm nhận được một chương trình có sự
chuẩn bị kỹ lưỡng, khác với những năm trước. Hiện tại âm thanh ánh sáng,
sân kháu đang được thiết kế lắp đặt, ban nhạc và ca sĩ cũng đang tập
luyện chuẩn bị cho ngày đó. Bằng Cường thật sự cảm thấy hồi hộp hơn
nhiều so với những lần trước.
- Đây là liveshow nhạc Phật không phải chương có doanh
thu, ước lượng thành công trong liveshow này là gì? Sau liveshow này,
bạn nghĩ mình sẽ tiếp tục gắn bó với khán giả Phật giáo?
Nếu để thực hiện một chương trình như mọi năm thì Bằng Cường đã thực
hiện nhiều rồi nên Bằng Cường chỉ cần biên tập và tham gia 2 tiết mục
của mình là xong, lúc đó chỉ có ngồi mà điều khiển cho chương trình
thôi. Còn lần này, Bằng Cường cũng đang phải ôn luyện bài vở, tập hát và
lo sắp xếp nhiều công việc khác cho một chương trình hoành tráng mà lại
là một chương trình nhạc Phật nữa, nên càng phải cố gắng vượt qua. Sự
thành công ở đây không nói lên điều gì bởi vì đây không phải là một
chương trình doanh thu như những chương trình khác, mà đây là một chương
trình đậm chất Phật giáo mà số đông khán giả là Phật tử khắp gần xa đã
từng ủng hộ cho Cường qua những chương trình lần trước rồi. Năm nay, mọi
người cũng đang hồi hộp chờ đợi giống như Bằng Cường. Bằng Cường nghĩ
rằng phải có duyên mới có thể gắn bó được với khán giả Phật giáo. Bằng
Cường cảm thấy rằng mình đã có duyên với khán giả của Phật giáo và mong
rằng quý Phật tử sẽ luôn ủng hộ cho Bằng Cường bằng những tình cảm chân
thành qua những ca khúc Bằng Cường hát và viết về Phật giáo.
- Chắc chắn trong bạn cũng có dấu ấn tốt đẹp về một không
gian sân khấu khá đặc biệt ở cửa thiền môn, Bằng Cường đã “ngộ” ra điều
gì và chuẩn bị tâm thế như thế nào cho liveshow lần này?
Phật giáo đã cho Bằng Cường những hiểu biết và trải nghiệm mới mẻ,
mình ngộ ra một điều Phật giáo luôn dạy mình biết yêu thương, yêu thương
rộng lớn hơn, biết mình đang hiện hữu, biết buông xả và từ bi. Dấu ấn
tốt đẹp của chương trình Phật giáo không thể có sự so sánh, mọi sự so
sánh đều khập khiển. Hiện tại, Bằng Cường đang nỗ lực chuẩn bị thiết bị
âm thanh ánh sáng hiện đại, thiết kế sân khấu thật đẹp và ý nhĩa và một
kích bản hoàn hảo để bài hát xuất hiện xuyên suốt chủ đề của liveshow.
- Và, dự định tương lai trên con đường âm nhạc (có tiếp tục chinh phục khan giả Phật giáo) của Bằng Cường?
Bằng Cường luôn mong muốn mình sẽ được khán giả tin yêu, cũng như
khán giả cả nước đã dành cho mình qua những bài nhạc trẻ. Đối với Bằng
Cường thì dù ở lĩnh vực nhạc trẻ hay nhạc Phật, Bằng Cường cũng sẽ cố
gắng hết mình, cống hiến cho khán giả và mong rằng quý khán giả sẽ cảm
nhận tình cảm của Bằng Cường qua những ca khúc được thể hiện.
- Xin chân thành cảm ơn Bằng Cường, chúc liveshow của bạn thành công.
Liveshow "Bằng Cường hát nhạc
Phật" diễn ra vào lúc 19giờ, ngày 17-5- 2011 (nhằm này 15-4 Âl), tại
chùa Trung Nghĩa, số 99/1111, đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp,
TP.HCM.
Bằng Cường sẽ trình diễn các ca khúc như: Ngàn
năm sen nở, Mẹ từ bi, Hạnh phúc của con, Kính lạy Quan Thế Âm, Hạnh
phúc, Tâm xuân, Hạnh phúc Phật Đản, Mừng Phật Đản sanh... Chương
trình còn có sự tham gia của: Quách Tuấn Du, Hiền Thục, Uyên Trang,
Quang Hà, Sỹ Luân, Phạm Quỳnh Anh, Tiêu Châu Như Quỳnh, Hoàng Đăng Khoa,
Tùng Anh, nhóm Mắt Ngọc... |
Huỳnh Diệu (thực hiện) Giác Ngộ