Bước đầu tìm hiếu nội dung tư tưởng giáo dục của triết lý Phật giáo (phần 1)
Phạm Thị Thu Thủy
03/03/2010 23:03 (GMT+7)

Trong thời đại ngày nay, khi khoa học – kỹ thuật tiến như vũ bão, khi cách mạng công nghệ luôn được nói đến thì chúng ta cũng phải nhận thức được là cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ, con người không được quên sự tiến bộ của nhân văn. Và, ở bất kỳ thời đại nào, giáo dục con người cũng là một hoạt động đặc trưng nổi bật, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển xã hội, sự tiến bộ nhân văn.

Bước vào thế kỉ XXI, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng – dân chủ văn minh” tiến lên chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân ta không chỉ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn chú ý phát triển giáo dục đào tạo, xem giáo dục là “quốc sách hàng đầu” nên giáo dục trở thành vấn đề có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
 
Bài viết này trình bày những nội dung tư tưởng giáo dục cơ bản của triết lý Phật Giáo nhằm đóng góp phần nào trong việc phát triển giáo dục ở nước ta.
 
I. NỘI DUNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CƠ BẢN CỦA TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO
 
Đạo Phật đặt con người vào vị trí tối thượng, là chủ nhân của chính mình và đặt niềm tin ở con người có khả năng tạo ra một cuộc sống an lạc, hạnh phúc. Mình là vị thượng đế duy nhất toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình. Như trong kinh pháp cú Đức Phật dạy :
 
        “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm . . . trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta. Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch”"Hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình …không nương tựa một ai khác”(2).
 
Nên bao nhiêu luật, bao nhiêu pháp môn Phật Giáo đều tập trung đưa con người đến hạnh phúc an vui. Để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh thì xã hội đó phải được vun đắp bởi những con người sống có giáo dục, có đạo đức. Vì vậy mỗi cá nhân là nhân tố quan trọng cần thiết phải tự ý thức trách nhiệm của mình trước xã hội. Để nhân loại làm được điều này Phật Giáo đã đưa ra “tám vạn bốn ngàn” pháp môn tu khác nhau nhưng tất cả đều qui về những tư tưởng giáo dục cơ bản sau :
 
1.Giáo dục con người sống giàu lòng từ bi và trí tuệ:
 
Phật Giáo trước hết dạy con người quan tâm đến vấn đề khổ và sự diệt khổ, đem lại hạnh phúc cho con người. Nên xuyên suốt giáo lý Phật Giáo là giáo dục con người xây dựng lòng từ bi. Từ bi của nhà Phật chính là sự cảm thông trước nỗi đau của người khác mong muốn được chia xẻ nó. Nói cách khác, từ bi là tình thương giữa con người với con người, con người với muôn loài. Đây là một tấm lòng đạo đức được xây dựng bằng chất liệu tình yêu thương cao cả. Từ nghĩa là cho vui tất cả chúng sinh – Bi có nghĩa là diệt trừ cái khổ cho tất cả mọi loài.
 
Để thực hành hạnh từ bi đòi hỏi con người phải hành động lợi tha cứu đời. Thế nên từ bi ở đây không phải là thụ động, trốn đời hay nhu nhược mà phải tự mình đồng hóa với tất cả không phân biệt giai cấp, chủng tộc. Tâm từ bi của Phật đòi hỏi phải phá tan mọi chấp trước giữa con người với con người, không có thân sơ hay cao sang quyền quý. Mà tình thương ở đây là tình thương lấy khổ vui của người nhưcủa chính bản thân mình. Vì vậy từ bi là một tấm lòng thương yêu rộng lớn vô biên, dạy con người phải vận dụng tất cả tâm tư, phương tiện, khả năng để làm cho mọi người mọi vật thoát khổ được vui.
 
Từ bi và bác ái có những yếu tố giống nhau, nhưng chỉ khác nhau ở chỗ rộng hẹp, sâu cạn mà thôi. Từ là cho vui cứu khổ tất cả mọi sinh vật , chứ không riêng gì loài người. Mọi vật có sự sống đều được hưởng tình thương ấy. Lòng bi vừa xoa dịu vết thương trong hiện tại, vừa chữa gốc nguyên nhân gây ra đau khổ ví như ta làm cỏ không chỉ phát cho sạch mà còn đào sâu tận gốc.
 
Vậy từ bi về phương diện không gian bao gồm tất cả mọi loài, về thời gian gồm cả quá khứ và hiện tại cùng tương lai. Bác ái chỉ chú trọng đến hiện tại và đối với loài người, ít để ý đến sinh vật. Vì vậy Phật Giáo đã đưa giới không được sát sanh lên hàng đầu trong tất cả mọi giới, và trước khi uống nước hoặc nấu ăn phải dùng lọc để lọc nước vừa hợp vệ sinh vừa tránh sát những sinh vật trong nước. Chính lòng từ bi ấy mà cuộc đời con người bớt đi những bệnh tật, bớt đi những khắc nghiệt và khổ đau, sự chém giết bớt tàn khốc, chiến trường được thu hẹp, môi trường sống ngày càng trong sạch.
 
Để thực hành hạnh từ bi một cách triệt để Phật Giáo dạy chúng ta không chỉ cho vui và diệt khổ trong hiện tại mà phải tạo nhân vui và diệt nhân khổ cho cả tương lai. Vì vậy trong kinh Phật đã chỉ tâm chúng ta là một trong những nguồn gốc của mọi quả khổ và niềm vui của chính mình. Bởi thế đạo Phật chú trọng khuyên con người  tu tâm dưỡng tính, phải học và thực hành theo những giới luật và pháp môn của Phật dạy làm cho thân , khẩu, ý… thanh tịnh để diệt tâm sân hận. Vì sân hận là bản chất nằm sẵn trong mỗi người, nó âm ỉ cháy là đầu mối sát hại ghê gớm, là chìa khóa cho tất cả mọi tội lỗi, là nguyên nhân gây đau khổ cho mình và người. Trừ được nó tức là trừ được sự giết hại, dập tắt được cái ngòi biến loạn để xây dựng một xã hội không còn ai là thù địch, không còn giai cấp bóc lột, không còn chiến tranh. Đó là tạo sự đoàn kết quan hệ giữa người và người, giữa người và vật, xã hội không còn cảnh cá lớn nuốt cá bé.
 
Với đạo lý thương yêu đùm bọc lẫn nhau từ bi không chỉ nói đến đạo đức cá nhân mà còn đề cập các mặt quan hệ xã hội. Trong xã hội từ bi là đức tính từ ái hiền hòa yên bình trìu mến. Ở mức độ thấp từ bi phải biết cảm thông nới rộng chủ quan của mình – Ở mức độ cao là tình thương không vụ lợi, không có ý chờ báo ơn trả nghĩa. Muốn phát triển tâm từ bi chúng ta phải tập cảm thông, giúp họ vượt qua mọi sự khổ, chia niềm vui với mọi người. Ta phải lấy cái khổ của người làm cái khổ của chính mình.
 
Hết khổ được vui là hai khía cạnh của cuộc đời không thể rời nhau được. Khi được vui phần nào là bớt khổ phần nào nên Từ Bi là hai cặp phạm trù có quan hệ mật thiết với nhau, đòi hỏi trong Từ phải có Bi và ngược lại trong Bi phải có Từ. Từ bi là động lực làm cho tâm con người rung động trước sự khổ đau của người khác và hành động vì họ. Từ bi thao thức đem nguồn vui cho người khác, không vụ lợi, không điều kiện không đòi hỏi báo ân. Lòng từ bi của Phật Giáo là đạo hạnh tôn trọng sự sống, bao hàm cả ý nghĩa có ý chí bảo vệ sự sống, kiên quyết chống trả lại những hành động giết hại, tàn sát tiêu diệt sự sống. Đó còn là một tình thương không làm hại ai mà còn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tất yếu đưa đến kết quả logic là hành động gạt bỏ những việc làm chà đạp lên phẩm giá và mạng sống con người.
 
Phật Giáo lại dạy rằng: Tình yêu thương chân chính phải được điều khiển bằng trí tuệ, hay nói rõ hơn đó là cái từ bi của những đức tính, của con tim xây dựng trên cơ sở các đức tính của khối óc. Có giác ngộ mới có giải thoát hạnh phúc thật sự. Vì vậy để đưa con người đến giác ngộ hoàn toàn, Phật Giáo khuyên con người phải trao dồi một trí tuệ có khả năng thấu triệt, thể nhập chân lý vũ trụ và cuộc sống nhân sinh. Trên cơ sở của chân lý phổ biến mà xây dựng một tình thương phân biệt thiện ác chánh tà, chứ không sẽ là một tình thương mù quáng chỉ gây thêm tai họa cho cuộc sống. Nếu người ta phát triển mặt tình cảm mà bỏ rơi lý trí người ta có thể trở thành kẻ ngu si có lòng tốt …
 
Bi và trí tức là tình thương có hiểu biết đối tượng, hiểu biết tâm tư nguyện vọng chính đáng của nó thì tình thương này mới không làm đau khổ cho người và ta. Khi trí tuệ phát triển trọn vẹn thì làm sao mìnhø có thể lầm lạc. Khi mọi vật đều sáng tỏ, không còn mù quáng thì đâu còn mê đắm khổ đau. Khi từ bi và trí tuệ đồng phát triển thì không còn sự phân biệt nữa mà từ bi cũng là trí tuệ vá trí tuệ cũng là từ bi.
 
Từ ý nghĩa này Phật Giáo đã xây dựng một tinh thần từ bi vượt lên tất cả mọi tình thương hẹp hòi của thế gian, không bến bờ, không biên cương, không hạn định. Nó không chứa đựng bất kỳ ý niệm kỳ thị nào. Từ đó Phật Giáo giáo dục cho con người một tinh thần khoan dung, cảm thông và tha thứ. Trong thời đại ngày nay, tham vọng nhân loại đang khống chế con người, chiến tranh liên tục xảy ra, những cuộc chạy đua kinh tế, chính trị, quân sự đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Chiến tranh khủng bố đang đe dọa con người. Chính lúc này từ bi là chất liệu cần thiết cho cuộc đời Đức Phật đã dạy:” Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm từ mới dập tắt được lòng sân”
 
   2. Giáo dục con người sống bình đẳng trong xã hội
 
Trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng phức tạp, rối ren bởi hàng trăm trường phái triết học. Đời sống người dân Ấn Độ phải chịu nhiều bất công và đang rên xiết trong xã hội phân chia đẳng cấp và sự đàn áp nặng nề của chế độ nô lệ thời bấy giờ. Ngay trong buổi hoàng hôn tăm tối ấy Phật Giáo đã dũng mãnh gióng tiếng chuông tiên phong phá tan bóng đêm xiềng xích nô lệ và bức tường phi lý của sự phân chia giai cấp.
 
Đạo Phật dạy rằng mọi chúng sanh đều bình đẳng với nhau từ khi mới lọt lòng mẹ, bởi họ đều mang trong mình dòng máu đỏ như nhau và nước mắt của họ đều có vị mặn như nhau. Họ chỉ khác nhau ở vỏ bên ngoài, ở quần áo, ở quan niệm. Chính cái tham, sân, si là ngọn nguồn của mọi sai lầm của sự bất bình đẳng, của mọi đau khổ và sai biệt. Không những thế từ khi sinh ra con người vốn bình đẳng trước mọi qui luật của tự nhiên và xã hội. Trong quá trình phát triển, con người cũng bình đẳng trong sự chịu tác động của những qui luật ấy. Trưởng thành, già rồi chết, dù họ là ai, là dân thường hay vua quan cũng đều không tránh khỏi những qui luật đó, không ai được biệt đãi. Nếu biết rõ được qui luật ấy thìø con người trước hết trừ được tham sân si, vì chúng ta biết rằng cái đau của con người cũng chính là cái đau của mình, cái khổ của người cũng chính là cái khổ của mình. Cũng là cái đau của việc đứt tay thì làm sao phân biệt người nghèo, người giàu, già hay trẻ là đau hơn được.Vì thế Phật dạy: “Ai cũng tham sống, ai cũng sợ chết, chớ giết chớ bảo giết"
 
Và “Ta thế nào chúng vậy, chúng thế nào ta vậy, lấy ngã làm ví dụ, chớ giết chớ bảo giết”.(5)
 
Theo Phật giáo mọi sự sai biệt trên thế gian này đều tùy thuộc vào các nhân duyên mà sanh khởi. Những sự khác nhau về địa vị, hoàn cảnh giàu sang hay nghèo khổ, ngu dốt hay thông minh … tất cả đều do hành vi tạo tác của mình, chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo một qui định nào. Mỗi tư duy hành động của con người là do họ tự tạo lấy chứ không hề có một thế lực quyền năng nào chi phối cả. Mà “Ta là kẻ thừa hưởng kết quả của hành vi tạo tác của ta như một di sản từ quá khứ trở lại”. (6)
 
Để giáo dục tinh thần bình đẳng cho mọi người, trong giáo đoàn của mình hay đối với mọi tín đồ, Đức Phật không bao giờ tự xưng mình là chúa tể đầy quyền uy hay khống chế bằng tư cách giáo chủ. Đặc biệt là từ khi ra đời cho đến nay không giọt máu nào đã bị đổ ra vì danh nghĩa của Ngài. Phật luôn cho mình là người chỉ đường để giúp con người đến hạnh phúc. Và Ngài đã nói thêm đầy tính khách quan là chỉ đường nhưng không đi, cho thuốc nhưng không uống, đó không phải là lỗi của người chỉ đường, người cho thuốc. Mọi giáo lý Phật Giáo chỉ là thuyền bè để ai nấy làm phương tiện qua sông mê khi họ có nhu cầu, không bắt buộc ai tuân theo. Phật đã bình đẳng chỉ ra cho con người: đạo giải thoát là của tất cả chúng sinh và khẳng định chính chúng sinh có khả năng kỳ diệu tự giải thoát cho mình. Như thế chúng sinh nói chung, đặc biệt con người nói riêng đều tiềm ẩn khả năng tự thân và họ đã không những bình đẳng trước giáo lý của Đạo Phật mà còn bình đẳng trước mục đích giải thoát cao cả.
 
Đặc biệt trong xã hội mà thân phận người phụ nữ hết sức thấp kém bất công, bị khinh rẻ ruồng bỏ, cưỡng ép buôn bán, bị xem như một món hàng tiêu khiển của giới đàn ông quyền quý. Họ không được ra khỏi nhà, phải chịu thiêu sống giữa xã hội tràn ngập những hủ tục như thế. Để giáo dục và kêu gọi bình đẳng, đấu tranh cho sự bất công, Đạo Phật đã đề cao vai trò làm mẹ của người phụ nữ, cho những người mẹ tốt là cây thang thích nghi để con cái nương theo đó mà lên tận cảnh trời, khích lệ những người vợ hiền là những người bạn chí thân của chồng”(7).
 
Thái độ tôn trọng người phụ nữ và tư tưởng bình đẳng dân chủ xưa nhất trong lịch sử nhân loại của Phật Giáo, nó không chỉ bao hàm trong giáo lý mà còn được hành động thực tế, Phật Giáo đã cho phép thành lập giáo hội nữ tu.
 
Chính tư tưởng bình đẳng mà Phật Giáo luôn khuyến khích mọi chúng sinh trên con đường tiến tới giải thoát. Đạo Phật luôn kêu gọi các Phật tử hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi bằng chính trí tuệ và hành động của mình.
 
Phật Giáo giáo dục con người sống bình đẳng không chỉ dừng lại ở loài người mà còn tỏa đến muôn loài vạn vật, Đạo Phật luôn dạy rằng tất cả chúng sanh đều có cùng tâm lý tham sống sợ chết, vì vây nên không lý gì cướp đi mạng sống của kẻ khác. Tâm trạng buồn nhớ mẹ của một chú nai con lạc đàn chẳng khác gì sự đau buồn của một người mẹ phải chia lìa với con thơ. Vì vậy, sinh mạng của một con vật cũng quý như sinh mạng của một con người. Cũng từ đó Phật Giáo lên tiếng giải thích và phê phán bọn người mê tín dị đoan làm lễ tế thần bằng cách dâng những con vật sống, những người phụ nữ … để góp phần cứu người vô tội khỏi cái chết hỏa thiêu đau đớn vì một sự tin tưởng mù quáng.
 
3. Giáo dục con người sống vô ngã – vị tha
 
Khi nhận xét về sự vật hiện tượng, Phật Giáo khẳng định rằng tất cả sự vật kể cả con người đều có nguồn gốc như nhau, đều do “nhân duyên” và qua vận động, hợp thành mà có hình thức khác nhau, rồi được người ta đặt cho cái tên để phân biệt. Nó không có bản thể độc lập mà chỉ là sự tổng hợp của nhiều yếu tố tương quan tương liên với nhau mà thành. Mọi sự vật đều chịu sự chi phối của luật vô thường. Nên tất cả đều biến đổi, chuyển động không ngừng. Con người cũng vậy là do hòa hợp, tụ lại thì “có” gọi là “sinh”,”thành”, nhân duyên tán thì “mất” gọi là “diệt”, rồi nhân này hội tụ với duyên khác hình thành sự vật hiện tượng khác. Ngay “sinh” hay “diệt” cũng là sự giả tạm của vạn vật, là tạm thời. Đó là thuyết “vô thường” gắn với thuyết “vô ngã” mà Phật Giáo đã chỉ ra, Phật đã nói với học trò mình :
 
“Trường tồn phải hoại diệt, cao sang sẽ sa cơ, gặp gỡ rồi ly biệt, đã sanh ắt tử vong”(8).
 
Thân và tâm của chúng ta cũng biến chuyển không ngừng, trong từng mỗi “sát na” thân xác chúng ta được khoa học ngày nay chứng minh có hàng triệu tế bào cũ chết đi và tế bào mới sinh ra. Như vậy mỗi “sát na” sự chết và sự sống kế tiếp nhau diễn ra rất nhanh, chúng ta không nhận ra. Ngay cả cái Ta tâm lý, là cái vô hình vô tướng cũng luôn biến chuyển liên tục như nước chảy ở suối, sông, như dòng thác đổ, không một kẻ hở. Nó thể hiện  mừng, giận, biến đổi, vui buồn, thiện ác… nên sống và chết chỉ là hai mặt hợp nhất thành một trong cái vòng “vô cùng vô tận”. Đối với vạn vật là quá trình thành trụ hoại, khôn. Đối với con người là: sinh, trụ, dị ,diệt.
 
Quan điểm vô thường, vô ngã của Phật giáo đã được các nhà tri thức Việt Nam tiếp thu và chuyển tải nó thành những “vần thơ tuyệt tác” như Trịnh Công Sơn đã viết trong một nhạc phẩm của mình:    
                                                                                         
“ Bao nhiêu năm làm kiếp con người
  Chợt một chiều tóc trắng như vôi”
 
 hay Bà Huyện Thanh Quan:
 
“Người xưa cảnh cũ giờ đâu tá
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương”
 
Theo nhận thức thông thường, chúng ta tưởng chừng như mọi sự vật đang thực sự hiện hữu và cố định, kỳ thực tất cả đều đang chuyển động một cách vi tế mà ta khó nhận rõ được. Nó đã tạo thành một ngộ nhận căn bản về sự hiện hữu và giá trị của một con người, từ đó tính chấp nhặt, ích kỷ hình thành, là giềng mối của thảm trạng chiến tranh, hận thù lẫn nhau. Chính sự vật đều vô thường và không có một tướng trạng nhất định, bất di bất dịch vĩnh viễn nên đây gọi là vô ngã tính.
 
 (còn tiếp)
 
 
(Theo ĐH KHXH & NV)
 

 


1) Nàrada: Đức Phật và Phật Pháp. Thành hội Phật Giáo TP.HCM,1994,trang 255
(2) Tương Ưng bộ kinh , tập 3 ,chương I .V.Tự mình làm hòn đảo.Viện nghiên cứu Phật học
 Việt Nam,1996,tr.83.
(3) Nàrada: Đức Phật và Phật Pháp, Thành hội Phật Giáo TP.HCM, 1994, trang 599.
 
(4) Cao Hữu Đính: Phật và Thánh chúng. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996, trang 98.
(5). Tiểu bộ kinh, tập 1, chương III, (XI). Kinh NàLaKa, câu 705, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1982,tr.104
(6) NàRaDa : Sđd, tr.308.
(7)  Sđd, tr.279.
(8) Thích Minh Quang : Kinh Pháp cú thí dụ.Nxb TP.HCM,1998,tr.13.

Các tin đã đăng: