Bước đầu tìm hiếu nội dung tư tưởng giáo dục của triết lý Phật giáo (phần 2)
Phạm Thị Thu Thuỷ
09/03/2010 04:27 (GMT+7)

Phật đã chỉ ra nguồn gốc nổi khổ của nhân loại. Ta đau khổ không phải vì vạn vật biến đổi vô thường, mà đau khổ chính là chủ quan tham đắm. Từ đó giáo dục con người một sự thật về tướng trạng của con người và thế giới.

 Thật vậy, với cái lẽ“vô thường vô ngã” của cuộc đời con người đã giáo dục ta nắm bắt được qui luật vận động tất yếu của cuộc sống, thấu hiểu vị thế của mình để có phương thức hành xử đứng đắn. Con người là một thực thể sống, là chủ thể của xã hội song lại bị chi phối bởi luật vô thường. Cuộc đời nay thịnh mai suy. Địa vị, quyền chức chẳng qua cũng chỉ mong manh như “hạt sương đầu ngọn cỏ”. Nếu không hiểu điều đó con ngưởi sẽ tham lam ích kỷ chỉ biết vun vén cho lợi ích cá nhân bé nhỏ tầm thường, quên đi lợi ích chung của cộng đồng dân tộc. Con người trở thành nô lệ cho chính dục vọng của mình, thành kẻ nô dịch và bóc lột nhân dân. Trong cơ chế thị trường hiện nay, biểu hiện của tư tưởng chấp ngã là sự tham nhũng.

Tuy nhiên, “vô thường” là cách giáo dục để con người nhận chân ra qui luật cuộc sống, qui luật vận động và biến đổi, chứ không phải để con người nhìn cuộc sống là ảo ảnh. Như vậy, “vô thường” là một cặp mắt nhìn vào hiện thực để phát hiện ra những qui luật đang rì rào chảy dưới nơi địa tầng sâu thẳm của cuộc đời. Qui luật nằm ở nơi đáy sâu tiềm tàng, tiềm ẩn chi phối con người. Còn vô ngã là một kết quả của ý niệm “vô thường”. Có nhận biết cuộc sống vô thường thì mới nhận ra phép “vô ngã”. Tiến đến vô ngã, con người sẽ thoát khỏi phạm trù vốn trói buộc con người từ muôn thuở, muôn nơi … con người sẽ thực thi được một thăng hoa từ mặt đất cuộc sống. Niết bàn là vô ngã, cái nơi mà con người vẫn sinh hoạt với mọi người, vẫn ăn cơm, vẫn ở với người khác. Nhưng sống bằng cái “thân” của chính mình một cái thân cạn cợt. Con người để giải thoát tinh thần cũng được tập trung ở nơi đây, chứ không phải là một tinh thần thoát ly cuộc sống trần tục, mà ngược lại là một thái độ nhập thế tích cực, một thái độ nhập cuộc. Đó mới là một cuộc sống lý tưởng.

Nếu sống trong xã hội này nhiều khi con người mất hạnh phúc vì cảm thấy bực tức khi cuộc sống vật chất của gia đình mình thua kém những người bất tài, lười biếng hơn, hoặc buồn phiền khi xung quanh không ai hiểu mình. Tất cả những tâm trạng đó hình thành trên cơ sở ý thức cá nhân cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng Đạo Phật dạy chúng ta nếu hiểu, bỏ cái ngã thì ngoại vật chỉ tác động chỗ trống không. Trong nghèo hèn cũng như trong giàu sang, trong yên bình cũng như trong uy vũ…  vẫn bình thản tự tại mỉm cười. Chúng ta sống tự do, con người làm chủ được chính mình. Ranh giới ngăn cách giữa ta và người bị phá vỡ.

Một khi ý thức cá nhân quá mạnh dễ dẫn đến thái độ “ ngã mạn”. Cái này sẽ tạo nên bao nhiêu phiền phức không hay cho cuộc sống. Con người có thể trở nên chủ quan, thiếu khiêm tốn, gây những điều khó chịu cho những người xung quanh, không tốt cho quan hệ giao tiếp giữa người và người. Trước hết bản thân người mang cá tính này phải chịu thiệt thòi. Họ có thể luôn mang tâm trạng bất mãn vì cảm thấy bị đối xử bất xứng. Những cuộc cãi vả, xét cho cùng, không thể loại trừ nguyên nhân chấp ngã. Ta sẽ lập tức thấy những hành động của mình là vô nghĩa đến dường nào khi đã để phí hoài bao thời khắc đáng giá của cuộc đời. Cũng do tính hẹp hòi ích kỷ mà chúng ta thường bó hẹp tư tưởng vị tha trong một giới hạn nào đó.

Vì vậy xuất phát từ quan điểm vô ngã, Phật Giáo khuyên chúng ta nên mở rộng phạm vi của cái ta bằng phương pháp sống vị tha, vị tha là một nội dung của hạnh từ bi. Nó vừa thể hiện tình đồng chí, tình đồng hương, tình đồng đạo, vừa cao quí, mãnh liệt, trong sáng như tình thương của người mẹ sẵng sàng hy sinh tất cả cho con mình.

Tư tưởng “vô ngã- vị tha” đồng nghĩa với tư tưởng “mình vì mọi người” của xã hội mới, bao hàm hai ý nghĩa: không thản nhiên thờ ơ trước nỗi khổ đau của người khác, không chỉ lo riêng cho lợi ích của bản thân, đồng thời là nguồn sức mạnh gạt bỏ mọi sự bất công, áp bức bóc lột, san bằng mọi chướng ngại trên con đường mưu cầu cuộc sống hạnh phúc chung.

Tư tưởng “vô ngã vị tha” không phải là chỗ ẩn mình cho những người ích kỷ lợi dụng chiêu bài tu hành hay từ bi để đứng ngoài cuộc chiến chống lại những lực lượng phản động lạc hậu, mà chính là vì hạnh phúc của loài người mà người tu Phật phải sống vị tha, dứt khoát đứng hẳn về phía lực lượng tiến bộ đấu tranh cho hòa bình, cho công bằng tiến bộ xã hội và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Vì vậy trong nội dung giáo dục căn bản của học thuyết này mọi ý niệm về cá nhân chủ nghĩa, tôn thờ một thực thể tuyệt đối đều bị loại bỏ.”Ai đề cao tự ngã, khi miệt giá trị người, hạ mình với tự cao, được biết là bần tiện”(9 )

Tư tưởng giáo dục của triết lý Phật Giáo về vô ngã vị tha là sự quên mình vì người khác, mở rộng tấm lòng bao dung độ lượng với muôn loài. Vị tha của  Đạo Phật không chỉ là một sự ban phát bố thí. Nó là sự vong thân, một xả thân mà không đòi hỏi sự đền bù đáp trả. Con người vị tha cảm nhận chính mình nơi thái độ hy sinh này. Hiện thực cuộc sống của cá nhân được nâng lên tầm lý tưởng. Nhưng đó là lý tưởng từ hiện thực, của hiện thực. Một tư tưởng vô ngã vị tha, một tư tưởng giáo dục nhập thế của Phật học. Đây cũng gợi cho ta liên tưởng đến ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn :”Sống trên đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không ? Để gió cuốn đi …”
Làm ra thành tích mà không ở lại để hưởng thụ. Đó chính là đích thực của vô ngã vị tha, Phật Giáo đã kêu gọi con người hãy thử đôi lần buông bỏ để thấy thế giới này xanh hơn, bầu trời trong trẻo hơn, vạn vật đáng yêu hơn, và lòng mình hòa điệu với tha nhân, vũ trụ trong một niềm hạnh phúc tuyệt vời.

 

II. GIÁ TRỊ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

 

Nội dung giáo dục của triết lý Phật giáo – một giá trị nhân bản sâu sắc

Đạo Phật đã ra đời trong một thực tại đa diện, phồn tạp của nền văn minh Ấn Độ, xuất hiện để dung hòa các trào lưu tư tưởng đối nghịch, để san bằng những ngăn cách xã hội giữa các đẳng cấp. Rồi từ những căn bản đó, Phật giáo đã duỗi dài nguyên lý vào cuộc sống con người khắp mọi nơi. Trong cội rễ sâu xa, ngay từ khởi thủy tư tưởng giáo dục của triết lý Phật giáo đã mang trong mình những giá trị nhân bản chung toàn nhân loại. Đặc trưng cơ bản nhất đó là tính toàn vũ trụ, toàn diện, tổng hợp. Trong đó lòng Từ bi – Bình đẳng – Vô ngã cùng sự hướng thiện mà đạo Phật muốn giáo dục con người với mục đích “cứu khổ” là quan trọng nhất.

Theo Đạo Phật, chính “chấp ngã” đã gây ra cho lịch sử loài người những cuộc chiến tranh núi xương sông máu, chiến tranh tội ác và bạo lực đã và đang là điều nhức nhối của toàn nhân loại. Trong tình hình này Phật Giáo kêu gọi mọi người hãy dứt các việc làm ác mà hãy hành thiện, khuyên con người dang rộng vòng tay ôm vũ trụ vào lòng và đừng bao giờ khép kín tâm tư lại. Hãy phát triển nhân đạo và từ bi quên đi những cái ta ích kỷ, nhỏ hẹp để được yêu vũ trụ rộng lớn. Vì thế giáo dục Phật giáo đã đến với nhân loại với tinh thần khoan dung kêu gọi mọi người nhường cơm xẻ áo, nhìn nhau bằng ánh mắt từ hòa, góp phần hình thành nên nền đạo đức xã hội, để hòa điệu với cái “ta rộng lớn” của toàn thể vũ trụ vô biên, Đức Phật đã từng dạy: Một hạnh phúc vĩnh cửu chỉ sống mạnh trong một tâm hồn giải thoát và tâm hồn giải thoát chỉ có thể thực hiện một khi cá nhân chịu nhường bước. Một bản ngã đứng tách riêng ra ngoài là không thể tồn tại khỏe mạnh được. Đó là mục đích giáo dục con người hoàn thiện cả về tài lẫn đức trong một xã hội văn minh. Vì vậy nội dung giáo dục của triết lý Phật giáo chẳng khác gì lời kêu gọi hòa bình – một nhu cầu luôn cần cho mọi người, mọi nhà, và là tài sản quý báu nhất của nhân loại. Đây là giá trị nhân đạo nhất và khác với mọi tôn giáo khác, trong suốt lịch sử tồn tại và phát triển Phật giáo luôn xuất hiện và thâm nhập vào các dân tộc như sứ giả của hòa bình và an lạc.

Giáo dục con người sống có đạo đức và đạt được hạnh phúc

Phật giáo cho con người là hơn cả vì có thể thực hiện được tất cả sự tốt đẹp để có thể sống hài hòa. Để giáo dục đạo Phật đã đưa ra bốn chân lý kỳ diệu, với yếu tố biện chứng, kết cấu chặt chẽ khi đưa ra lý thuyết “ngũ uẩn”, chỉ rõ căn nguyên của khổ đau là do thâm, sân , si cùng với lý luận về thập nhị nhân duyên, đồng thời khẳng định con đường diệt khổ đó là “trung đạo”, “bát chánh đạo”... chứa đựng sự lý đầy thuyết phục và hướng con người đến nếp sống thiện lánh xa cái ác. Dạy con người sống cảm thông, hỷ xả với nhau một cách hòa mục. Vị tha dạy con người sống vì người khác, bao dung độ lượng đó là phương pháp giúp con người đạt được đức hạnh. Đây là động lực nảy sinh mọi điều tốt lành. Phật giáo khẳng định tất cả mọi người đều có “Phật tính” sẽ đạt được nếu thực hành đúng theo giáo lý trao dồi đạo đức trong cuộc sống của chính mình sẽ được hạnh phúc.

Từ đó ta thấy giá trị tinh thần đạo đức toàn diện của giáo dục Phật giáo là trình bày sự thật về những mối tương quan giữa sự vật hiện hữu trong cuộc đời để giúp con người có được chính kiến hòng tạo lập cuộc sống của mình và chuyển đổi hoàn cảnh, để có thể chinh phục và cảm hóa được mọi người xung quanh.

Xây dựng một xã hội văn minh và tự do

Thế giới này đang sôi sục chiến tranh, mọi bảng giá trị hầu như được con người quy chiếu bằng thước đo đồng tiền. Thái độ “chấp thủ” của từng cá nhân ngày càng nhân lên, thay vì “xả ly” họ lại tự trói mình bằng gông cùm trong hiện hữu. Con người hiện đại ít nhiều đã tự đánh mất phẩm chất cao quý của mình để chạy theo lợi nhuận. Dù vậy, Đạo Phật đã dạy một đời sống tốt đẹp không chỉ tạo bằng thức ăn ngon, áo mặc đẹp, mái nhà xinh xắn, mà còn được sinh động bởi ý định trong sạch, một lòng từ bi không giáo điều cũng không triết lí bác học. Mà đó là lòng kính trọng phẩm giá quyền lợi của mọi người. Để hết chiến tranh, xây dựng xã hội văn minh, con người phải hết tham lam, thù hận cố chấp. Muốn sống hòa bình an lạc, con người phải có tình thương và hiểu biết. Hòa bình không thể có được chỉ bằng cầu nguyện, ký tên, hay hội thảo kêu gọi suông mà phải làm sao cho mọi người tỉnh thức và chuyển hóa. Những lời kêu gọi đó hết sức có giá trị và nhắc nhở cảnh tỉnh nhân loại hãy đoàn kết góp phần tích cực vào công cuộc giữ gìn hòa bình.

Mặt khác trong điều kiện sản xuất chưa phát triển mạnh của xã hội, nhu cầu vật chất ngày càng cao, nên cuộc sống con người gặp khó khăn, nên cái khổ vẫn là điều tất yếu, đôi khi con người cảm thấy bi quan thất vọng. Do vậy, sự giải thích cuộc đời con người chỉ quẩn quanh trong nổi khổ “nhân sinh là khổ” hết sức có ý nghĩa. Việc đưa ra con đường diệt khổ, tự giải thoát mà không chờ bất kỳ cứu nhân độ thế nào đã trở thành tự tưởng giáo dục đầy khích lệ hấp dẫn, mang tính nhân văn sâu sắc.
 
Tư tưởng giáo dục này cũng có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhằm xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà trong đó quần chúng nhân dân là hạt nhân cơ bản để xây dựng nên tòa lâu đài văn minh của xã hội, đem lại hòa bình cho toàn thể nhân dân ta.
 
III. KẾT LUẬN
 
Nói chung, nội dung tư tưởng giáo dục của triết lý Phật giáo là triết lý sống, là lý luận đấu tranh của quần chúng, là hơi thở và cứu cánh của mỗi con người. Nên một nhà nghiên cứu đã viết: “Sự xuất hiện của Đạo Phật trên lịch sử thế giới thực là một quan trọng bậc nhất. Đạo Phật là đạo của hạnh phúc và tình mến bao la”. Do tư tưởng giáo dục của triết lí Phật giáo chưa hoàn chỉnh trong việc xác định nguồn gốc của nổi khổ nên việc giải quyết để đạt hạnh phúc chủ yếu dừng lại ở mặt tâm lý, tinh thần, đạo đức cá nhân hơn là bằng cải biến xã hội hiện thực bằng hành động cách mạng.
Dù vậy, triết lí Phật giáo đã dạy con người thức tỉnh trong hành động tạo tác của mình để xa lánh việc ác. Giáo lý nhân quả đã chú trọng đặt ra trách nhiệm cá nhân của mỗi người đối với các điều kiện sống của mình. Chẳng hạn một người phạm tội, luật pháp sẽ trừng phạt khi hành vi phạm tội được xác định. Trong khi đó, với nội dung giáo dục Phật Giáo, anh ta sẽ có tội ngay khi ý niệm xấu ác phát sinh, mặc dù đó chỉ là ý niệm chưa phải là hành vi. Ở đây trách nhiệm cá nhân là trách nhiệm cao nhất đối với thái độ tâm lý đạo đức của mỗi người, mà không phải là trách nhiệm theo quy ước luật pháp trong xã hội.
 
Trong một số trường hợp, những người khôn ngoan có thể chạy trốn pháp luật, nhưng với luân lý đạo đức họ không thể chạy trốn lương tâm của mình. Đứng trên phương diện này thì giáo dục Phật giáo là vô cùng lành mạnh, tích cực. Nó đã thu hút sự chú ý, niềm say mê và lòng ngưỡng mộ của nhiều nhà tư tưởng trên thế giới. Nó đã đem lại cho nhân loại một quan niệm mới, một cách nhìn mới về thế giới nhân sinh. Vì thế, trong quá trình phát triển giáo dục để đưa đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa, chúng ta có thể chọn lọc kế thừa những yếu tố tích cực của nội dung tư tưởng giáo dục của triết lý Phật giáo. Ta có thể vạch ra con đường để cá nhân tự cải tạo bản thân mình, chuyển cuộc đời vốn khổ đau bị cuốn trôi theo ham muốn thành cuộc đời hạnh phúc, bình an. Làm được như thế, tự chúng ta yêu quý cuộc đời này, góp phần khắc phục được những khủng hoảng xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên con đường hội nhập và phát triển hiện nay.
 
 
(ĐHKHXH&NV)
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Doãn Chính, Lịch sử triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb Thanh Niên, 1999.
2. Đoàn Trung Còn, Từ điển Phật học (3 tập), Trí Đức- Sài Gòn, 1966.
3. Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Văn hóa Thông tin, 2003.
4. Cao Hữu Đính, Phật và thánh chúng, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996.
5. Narada, Đức Phật và Phật pháp, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, 1989.
6. Thôi Liên Trọng, Lịch sử thế giới thời cổ đại (tập 1), Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2002.
7. Tăng Chi Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996.
8. Trung Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992.
9. Tương Ưng Bộ Kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993.
10. Tiểu bộ kinh, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1987.
11. Thích Minh Quang, Kinh pháp cú thí dụ, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
 
THE FIRST STEP TO STUDY THE EDUCATION IDEOLOGY OF THE BUDDHIST PHILOSOPHY
At the beginning of XXI century, our country continues developping the education to progress to socialism. The Buddhist philosophy in the name of a member also set forth the education ideology with the basic content:
- To educate human live with benevolence and intelligence;
- To educate human live properly in the society;
- To educate persons to live without shely altruistic.
Buddhist education has a deep humanity value. It has a part in educating human beings living virtuously and happily.
 

Các tin đã đăng: