Vào chùa làm lễ cưới
28/10/2013 20:07 (GMT+7)

Là cư sĩ tại gia thì việc đến tuổi, làm lễ cưới xin là chuyện bình thường và tất nhiên quan trọng đối với đời người. Đó là quyết định mang tính chất bước ngoặt để ta trở thành người lớn, trong ý nghĩa thành nhân, tự quyết định cuộc sống của mình với gia đình nhỏ, chung tay dựng xây một mái ấm chứ không phải một “tổ lạnh” với nhiều xung đột dẫn tới những hệ lụy đau lòng. 


Cưới ở cửa chùa cũng là lúc quay về nương tựa Tam bảo, thực tập sống một đời sống giản dị... - Ảnh: GD

Trước thực tế của mối quan hệ gia đình ngày một lỏng lẻo bởi đời sống hôn nhân ít nhiều bị tác động bởi “cơ chế thị trường”, quyền lực đồng tiền cộng với văn hóa phương Tây chi phối, đề cao lối sống cá nhân dẫn tới những mặt trái khó lường, như hiện tượng sống thử, ly hôn, ngoại tình, bạo hành… đang trở nên phổ biến thì tính truyền thống, nền đạo đức Phật giáo trở thành cứu cánh, những mong tháo gỡ những nút thắt, làm liền sẹo những ung nhọt có tính thời đại. 

Có lẽ vì vậy mà việc hướng tới một đời sống hôn nhân lành mạnh, tốt đẹp bắt đầu từ việc cưới xin nơi cửa chùa đã ngày một trở thành xu thế, để những đôi vợ chồng trẻ trang bị cho mình không phải chỉ là kỹ năng mà còn là đạo đức, sự cao thượng trong vai trò làm chồng, làm vợ.

Tổ chức lễ cưới ở chùa (lễ hằng thuận), các bạn trẻ sẽ được chư Phật, chư Bồ-tát chứng minh và chư Tăng Ni hiện tiền thực hiện các nghi thức tâm linh, nhắc nhớ đạo nghĩa vợ chồng theo truyền thống của người Việt. Đồng thời, chia sẻ quan điểm của Phật giáo về hôn nhân gia đình được Phật dạy trong kinhThiện sanh cũng như trên tinh thần năm giới quý báu của người cư sĩ tại gia. Trong đó, giới thứ 3, về việc gìn giữ tiết hạnh, thủy chung, một vợ một chồng vốn hợp với luật pháp của tất cả các quốc gia văn minh, càng trở thành then chốt trong việc giữ nếp nhà ấm êm trong ngoài. Từ sự gìn giữ năm nguyên tắc đạo đức (năm giới) sẽ giúp thăng hoa đời sống tinh thần-tâm linh (tu thân) thì việc tề gia, trong đó có việc làm ăn, giáo dục con cái, tương kính giữa vợ và chồng trở nên suôn sẻ.

Không thể có một gia đình thật sự ấm êm khi mà nhân cách của mỗi thành viên ít nhiều bị khiếm khuyết, vợ chồng lăng nhăng hoặc sáng xỉn chiều say, làm ăn chụp giựt, dối gian với người ngoài lẫn người nhà, bởi cái “uy” đã không có thì mọi thứ khác đều chỉ là “xây nhà trên cát”, thiếu một cái móng vững bền. Do vậy, khi đôi bạn trẻ dắt nhau quay về mái chùa, cúi xuống trước Tam bảo thiêng liêng, nghe lời chư tôn đức dặn dò chuyện sống tử tế với nhau và với cuộc đời, trong chức nghiệp với xã hội cũng như trong vị trí làm vợ, làm chồng rồi tới làm cha làm mẹ… sẽ là lúc các bạn mở cánh cửa bước vào cuộc sống mới với ánh sáng từ bi-trí tuệ soi đường. 

Hiểu rõ nhân quả cũng như nắm bắt được những giá trị thiện lành sản sinh ra từ chính lối sống của mình và người bạn đời, từ đó biết gói ghém, sửa mình, giúp nhau cùng tiến theo chiều hướng thanh cao, giải thoát thay vì cứ phải lẩn quẩn trong những thói thường, để cuốn theo chiều của số đông bên ngoài.

Cưới ở cửa chùa cũng là lúc quay về nương tựa Tam bảo, thực tập sống một đời sống giản dị, bình an, chung tay nuôi dưỡng “tế bào” của xã hội. Mỗi một đám cưới được làm lễ hằng thuận vì thế trở thành nét đẹp mà mỗi người trẻ khi chính thức bước vào đời sống hôn nhân tin tưởng, và chắc chắn từ bước đầu tốt đẹp này sẽ tạo đà cho những bước đi tốt đẹp tương lai, theo quan niệm “Đầu xuôi đuôi lọt”. 

Hơn nữa, việc cùng chung một đời sống tâm linh, cùng hướng về một điều tốt đẹp, thánh thiện thì đó cũng chính là thuận duyên cho nhiều cái nhìn về mọi hướng khác của đời sống hôn nhân vốn được ngợi ca bằng câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”…

Lưu Đình Long

Thông báo về lễ hằng thuận

HT.Thích Thanh Hùng, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư ký thông báo hướng dẫn tổ chức lễ hằng thuận gửi các tự viện, các đạo tràng vào ngày 10-10 vừa qua. Thông báo yêu cầu chư tôn đức nên tích cực động viên khuyến khích và hướng dẫn tân lang, tân nương về chùa đăng ký tổ chức lễ hằng thuận. Trong dịp lễ này, chư tôn đức Tăng Ni sẽ trân trọng nhắc lại những lời dạy của Đức Phật về đạo vợ chồng; bổn phận làm dâu, rể và cha mẹ tương lai; chúc phúc cho cô dâu chú rể được “Loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hợp”. 

Đồng thời, yêu cầu buổi lễ hằng thuận tại tự viện cần được tổ chức ngắn gọn nhưng phải trang nghiêm, trọng thể, gây ấn tượng tốt cho tân lang tân nương, hai họ và khách mời; hạn chế mọi chi phí tốn kém; chỉ tổ chức tiệc trà, không trai tăng hoặc đãi cơm. Ngoại trừ có lời thỉnh cầu ân cần của tín chủ hoặc lễ hằng thuận được tổ chức tại tư gia của Phật tử.

H.Diệu

Theo Giacngo.vn

Các tin đã đăng: