Có người trong lòng khởi vọng tưởng như: “Không biết đến lúc già, mình
có bị chết đói, chết rét hay không nữa?” Đây là lối suy nghĩ chẳng có
ích lợi gì. Là đệ tử chân chánh của Phật dù cho bị chết đói, chết rét
chúng ta cũng chẳng thấy sao mà lại nghĩ rằng, nếu mình hy sinh vì Phật
giáo, thì không còn gì quang vinh bằng.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)
Trong
thời quá khứ Đức Phật Thích Ca đã từng trải qua ba a tăng kỳ kiếp
tu phước huệ, và trăm kiếp gieo tướng tốt. Tất cả các đại địa, đất đai
trong tam thiên đại thiên thế giới, không có chỗ nào, dù nhỏ như hạt bụi
mà không phải là chỗ của đức Phật đã xả bỏ tánh mạng Ngài. Chúng ta nên
xét lại lòng mình, xem chúng ta đã xả bỏ được cái gì rồi? Ngay cả mấy
thứ đồ vật ngoài thân mà mình còn bỏ không nỡ. Chúng ta vẫn cứ bị cái
tâm riêng tư, ích kỷ làm chủ, cho nên cái nầy bỏ không đặng, thứ kia bỏ
không xong, huống chi đến chuyện xả bỏ sanh mạng mình thì lại càng không
thể nói đến!
Quý vị nên biết rằng: bởi vì chúng ta không thể xả, không chịu bố
thí,
không có lòng thông cảm, không biết thương xót, cho nên chúng ta mới
không ngớt xoay chuyển trong vòng luân hồi. Chúng ta cả ngày chỉ lo nghĩ
đến chuyện khi mình già thì phải làm sao, nhưng không bao giờ nghĩ đến
vấn đề khi mình chết thì sẽ như thế nào. Giống như có người ở nước Kỷ cứ
ưu sầu cả ngày, đến nỗi mặt mày ủ rũ không bao giờ lộ vẻ vui tươi. Có
người hỏi: “Tại sao anh lại buồn rầu vậy?” Anh ta đáp: “Nếu như trời sập
thì làm sao, há không phải là chúng ta sẽ bị đè chết hay sao?” Đúng là
lối suy nghĩ thật quá ấu trĩ đi thôi!
Chúng ta là người tu hành, nên sống một ngày là một ngày có ý nghĩa
và
đừng để vọng tưởng áp đảo. Nếu chúng ta suốt ngày cứ vọng tưởng lung
tung. Há đó không phải là người ngu lắm sao? Vì nếu nghĩ tưởng đến những
chuyện không thể có, không cần thiết, đó mới thật là tự mình làm khó
lấy mình, tự chuốt khổ cho mình thôi!
Bây giờ chúng ta cần phải phản cái mê để quay về giác ngộ, nên buông
cái
giả để bắt lấy cái chân thật. Tôi thường nói với quý vị là: “Nếu không
bỏ được cái giả, sẽ không thành đạt được cái thật; nếu không bỏ được cái
chết, sẽ không đổi được cái sống.” Pháp thế gian là tương đối vậy thôi!
Nếu bên kia là nghiệp chướng nặng nề, thì bên đây là thanh tịnh nhẹ
nhàng. Còn như bên đây là thanh tịnh hơn, thời nghiệp chướng bên kia sẽ
nhẹ bớt. Chỉ là xem quý vị muốn làm thế nào. Đây đều do quý vị tự quyết
định theo ý thích của mình, chớ kẻ bàng quan không có cách gì can thiệp
được.
Phàm là người xuất gia, chúng ta nên có nhân cách cao thượng, nên là
người xuất chúng, vượt hẳn mọi người. Người xuất gia đừng nên hùa nhau
đồng lõa với kẻ xấu, chỉ biết ăn rồi chờ chết, khiến cho khí thế Phật
giáo trở nên nặng nề, không có khí thế hăng hái chút nào.
Hòa
Thượng Tuyên Hóa - Giảng ngày 15 tháng 7 năm 1984