Phép tính cho hạnh phúc
25/11/2010 00:40 (GMT+7)

Bà Elizabeth, một khách hàng của tôi, có lần đã bày tỏ những thắc mắc của bà về tâm lý bản thân: “Cô biết không, mỗi lần có chuyện gì lo lắng là tôi nóng ruột ghê lắm. Còn khi tôi cảm thấy có điều gì đó thật hạnh phúc thì y như rằng lòng dạ tôi cũng cảm thấy xốn xang. Nếu lũ trẻ trong nhà tôi chơi đùa ồn ào quá thì tôi phải ngăn bớt chúng lại, vì trong lòng tôi cũng cảm thấy náo nức theo chúng. Còn cô có vậy không?”.

Tôi rất hiểu những gì bà Elizabeth chia sẻ, bởi bản thân tôi cũng đã nhiều lần cảm nhận như vậy. Tôi nghĩ, cảm xúc trong lòng mỗi người chúng ta cũng giống như chiếc kim đồng hồ gắn trên xe vậy. Vạch kim thay đổi tùy thuộc vào tốc độ của xe. Tương tự như vậy, cảm xúc trong từng ngày cũng thay đổi tùy thuộc vào tâm trạng chúng ta vui hay buồn.

Chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này cho cuộc sống của mình. Bạn sẽ thấy rằng, trong một ngày, không phải lúc nào cũng có những chuyện khiến bạn thất vọng, buồn nản, mà còn có rất nhiều điều mang lại cho bạn niềm vui sướng, hy vọng. Cảm xúc của ta có thể thay đổi rất nhanh, chuyển từ tích cực sang tiêu cực và ngược lại. Những cảm xúc tích cực có tác dụng hóa giải, giảm bớt những cảm xúc tiêu cực của bạn. Chẳng hạn, khi bạn đang căng thẳng, mệt mỏi, bất chợt bạn nhìn thấy một bông hoa đẹp bên cửa sổ, tâm hồn bạn bỗng trở nên thư thái, nhẹ nhàng và những mệt mỏi, căng thẳng sẽ dịu lại. Bạn đang tiếc rẻ, tức tối vì vừa đánh mất một số tiền, nhưng nếu bạn nhận được điện thoại của chồng báo tin rằng anh ấy vừa được đề bạt một chức vụ cao hơn hay con bạn báo tin vừa nhận được một giải thưởng thì ngay lập tức, tâm trạng bạn sẽ thay đổi và nhẹ nhàng ngay.

Tôi đã đưa ra một thang điểm để tự định lượng cảm xúc của mình trong từng ngày. Những lúc quá vui, hạnh phúc, tôi cho điểm mình là +5. Một người vừa trúng số độc đắc thì chắc chắn anh ta sẽ phải tự cho mình điểm +5 trong ngày hôm đó. Tùy vào mức độ của trạng thái vui vẻ, hạnh phúc mà điểm số có thể là từ +1 cho đến +5 điểm. Ngược lại, những lúc tôi cảm thấy quá buồn phiền, tuyệt vọng, tôi tự cho điểm của mình là -5. Và cũng tùy theo mức độ buồn nhiều hay ít mà điểm số sẽ dao động trong khoảng từ -5 đến -1. Điểm 0 được coi như điểm thăng bằng trong cảm xúc mỗi ngày của tôi. Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cộng lại tất cả điểm số dương và điểm số âm của mình. Điểm số dương càng cao, chứng tỏ ngày hôm đó tôi cảm nhận được nhiều điều hạnh phúc. Nếu là điểm số âm thì đó là kết quả của một ngày tồi tệ!

Việc tính toán điểm số như vậy sẽ giúp chúng ta có tiêu chí cụ thể để rèn luyện thái độ sống của chính mình. Đừng bao giờ để cho điểm số của bạn tụt xuống số âm. Trong thực tế, rất ít khi tổng số điểm của bạn là con số âm. Tôi hoàn toàn tin rằng, mỗi người chúng ta đều có khả năng duy trì cho mình một tâm trạng tốt trong ngày. Nếu giả sử tổng số điểm trong ngày của mình là điểm 0 đi chăng nữa, thì điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn còn giữ được sự thăng bằng cảm xúc, chứ chưa hẳn là tuyệt vọng. Mọi chuyện rồi cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn vào những ngày kế tiếp. Một thái độ sống như vậy sẽ tích cực hơn so với việc suốt ngày chỉ nghĩ đến những rủi ro, tai họa… Bạn cần phải thấy - một cách cụ thể, rõ ràng - những may mắn mà mình đã có.

Mọi thứ trong cuộc đời ta sẽ thay đổi rất nhanh, thay đổi từng ngày từng giờ. Bạn sẽ thấy rằng, thật là vô lý nếu mình cứ sống buồn bã triền miên từ ngày này sang ngày khác. Một thái độ bi quan tiêu cực như thế hoàn toàn không phù hợp với cuộc sống thực tế quanh bạn.

Trong cuộc sống, niềm vui rồi sẽ thay thế cho nỗi buồn, những niềm hy vọng sẽ thay thế cho tuyệt vọng. Nếu phải làm một phép tính cho cả đời mình, bạn sẽ thấy kết quả không bao giờ là một con số âm! Do vậy, bạn đừng bao giờ lo sợ rằng phần thiệt thòi sẽ nghiêng về bạn cả. Cách tính này sẽ giúp bạn thấy từng ngày sống của mình có rất nhiều điều hạnh phúc!
(ST)
Cảm ơn bạn Oanh LT đã chia sẻ bài viết này

Các tin đã đăng: