Từ Trai đàn cầu siêu thai nhi đầu tiên tại Hà Nội: Hãy tha lỗi cho cha & mẹ, con nhé !
07/04/2010 03:55 (GMT+7)

 Ngày 4-4 vừa qua, (tức ngày 20 tháng 2 năm Canh Dần), tại chùa Phổ Linh, số đường 42c Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ - Hà Nội, đã tổ chức Đại lễ Trai đàn chẩn tế - Cầu siêu thai nhi cho hơn hai trăm hộ gia đình. Đây là lễ cầu siêu được tổ chức lần đầu tiên tại miền Bắc.

Việc tổ chức Đại lễ trai đàn không chỉ nhằm mang lại sự bình an trong tâm hồn cho các bậc làm cha, làm mẹ, vì bất cứ lý do gì đã phạm vào nghiệp sát mà nó còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội khi nó chủ trương khuyến khích lối sống lành mạnh đến với mọi thanh niên nam, nữ thông qua các buổi giảng kinh, thuyết pháp về ngũ giới, thập thiện.

Rất đông bố mẹ trẻ đến dự đại lễ

Tuy trời mưa, lại là ngày chủ nhật - ngày nghỉ xả hơi sau một tuần làm việc căng thẳng, thế nhưng tất cả các hộ gia đình đã có mặt tại cùa Phổ Linh – Tây Hồ từ 7 giờ sáng đến tận 20 giờ tối để tham dự trọn vẹn buổi lễ. ĐĐ. Thích Giác Thiện - trụ trì chùa Từ Quang, huyện Bình Chánh, TP.HCM, người vừa tổ chức thành công Đại lễ cầu siêu cho gần 3000 các sinh linh bị bỏ rơi vào thượng tuần tháng 10 năm 2009, đã chia sẻ đề tài thuyết pháp nhan đề “Ý nghĩa về lễ sám hối cầu siêu thai nhi” gây xúc động cho đông đảo quần chúng nhân dân đến dự lễ. Sự trao đổi về tư tưởng sống buông thả, không trách nhiệm đang có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận giới trẻ hôm nay đã gây nên không  ít hệ lụy đau thương hiện tai và ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai hạnh phúc, gia đình sau này được Đại đức khéo léo thuyết giảng một cách chân thành, sâu sắc.

Một vài người đã bật khóc vì ân hận cho những lỗi lầm của mình đã gây ra trong quá khứ, còn người khác thì cảm thấy tâm trạng u uất, dằn vặt như được chút bỏ khi hiểu thêm về ý nghĩa của việc ăn năn lỗi trước, từ bỏ lỗi sau của nhà Phật. Như thế chứng tỏ đạo Phật đã thực sự là chỗ dựa vững chắc về mặt tâm linh, tinh thần cho mọi người dân. Tiếp xúc với chúng tôi nhiều nam, nữ thanh niên đã không ngần ngại thổ lộ cả những điều sâu kín, tế nhị nhất mà từ xưa đến nay tưởng chỉ chôn chặt tận đáy lòng hoặc “sống để dạ chết mang theo”.

Chùa Linh Phổ

Sư cô Thích Đàm Chung - Trụ trì chùa Phổ Linh cho hay mặc dù đã chuẩn bị sẵn 250 cuốn kinh Trường thọ diệt tội & Bảo hộ Hài nhi thế nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho các hộ gia đình đọc, tụng. Không chỉ các bà, các cô, các chị những người trực tiếp mang nặng, đẻ đau là tâm đắc với những lời Đức Phật đã dạy trong Kinh mà cả cánh mày râu cũng tỏ vẻ thích thú và “tâm phục khẩu phục” với cái nhìn đầy nhân bản, nhân văn của Đức Phật, của đạo Phật về vấn đề quyền con người. Sau khi đọc Kinh, được biết giết thai là một trong năm đại tội theo quan điểm của đạo Phật khiến nhiều người thực sự “giật mình” về nghiệp sát quá nặng của mình. Với những ai chỉ phạm nghiệp sát từ một đến hai hoặc ba lần thì lương tâm có thể quẳng gánh lo đi mà vui sống sau khi đã nhất tâm sám hối . Nhưng với những người mà số lần phá hủy thai nhi lên đến con số …22 theo đúng như trong bản đăng ký với nhà chùa thì quả thật là điều day dứt, ân hận nhất trong suốt buổi chiều tà của cuộc đời.

Những sinh linh nhỏ bé vô tội được thai nghén bởi tình yêu thương, trách nhiệm của những con người đã đủ độ chín về vật chất, tinh thần cũng như kiến thức về hạnh phúc lứa đôi; nhưng vì lý do sinh học hoặc y học không phát triển bình thường phải bỏ đi để bảo toàn cho sức khỏe của người mẹ thì không nói làm gì. Có biết bao sinh linh nhỏ bé vô tội đã được hình thành bởi dục vọng thấp hèn, vị kỷ, đời sống bản năng, thụ hưởng chỉ biết kiếm tìm các khoái lạc xác thân của người lớn chúng ta, thì sự sám hối ăn năn qua Đại lễ cầu siêu thai nhi ngày hôm nay có thể thay đổi được cả một thói quen hay quan niệm sống đã ăn mòn vào tầng sâu ý thức?. Đây cũng là một vấn nạn lớn thách thức nền tảng đạo đức xã hội, hệ thống an sinh nước nhà khi Việt Nam được nhận định là một trong những nước có tỷ lệ nạo, phá thai đang thuộc hàng thứ 5 trên thế giới. Đó không chỉ là hàn thử biểu để chuẩn đoán một cách trung thực nhất về chỉ số phát triển con người, mà nó còn cho chúng ta thấy một lỗ hổng lớn về vấn đề giáo dục kiến thức giới tính trong các trường học hiện nay.

Nghe thuyết giảng và hiệp lực cầu nguyện

Hai bạn V và B, sinh viên tại một trường Đại học lớn của Hà Nội thế nhưng lại rất mơ hồ về kiến thức giới tính và kết quả khi cả hai chưa đủ tâm thế để chuẩn bị bước vào sống một đời sống gia đình theo đúng nghĩa thì việc phải xảy ra những hậu quả đáng tiếc đau lòng là điều không tránh khỏi. Kết thúc buổi lễ, những lời khấn nguyện xin hãy tha lỗi cho cha và mẹ đã được mọi người gửi gắm vào những ngọn hoa đăng, gió sẽ mang theo những lời sám hối tự đáy lòng này đến các vong nhi xấu số tội nghiệp trong mười phương ba cõi.

Được làm thân người đã khó, được nghe chính pháp của Phật lại càng khó hơn. Khi thiết lập năm giới cho hai chúng đệ tử xuất gia, tại gia cùng thọ trì Đức Phật đã mặc nhiên công nhận quyền con người được sinh ra, lớn lên và tồn tại là không được sát sinh. Trên từ Thánh nhân, sư Tăng phụ, mẫu, dưới cho đến loài bò bay, máy cựa côn trùng…Để không phải sống trong mặc cảm của tội lỗi dù vô tình hay cố ý đã phạm vào nghiệp sát, mong rằng qua Đại lễ cầu siêu hôm nay hàng Phật tử chúng ta nói riêng và các bạn trẻ chúng ta nói chung sẽ tự biết trang bị cho mình hành trang tri thức, cùng đạo đức để không còn phải nghe những lời than thân, trách phận, những lời oán hận đến quặn thắt tâm can từ các sinh linh bé bỏng tội nghiệp !

 “Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ, lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng" [1]

Bài, ảnh Linh Thuần (Giác Ngộ )

[1] Trích Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du

Các tin đã đăng: