Việt
Trinh dự định làm 20 tập, nhưng nếu kinh phí đủ thì sẽ làm 30 tập, toàn
bộ do mạnh thường quân tài trợ. Phim trước, chị làm từ thiện hết, cả vốn
lẫn lãi, nhưng với phim này, chị sẽ chia ra làm 3 phần: một để làm từ
thiện, một để trả chi phí phát sinh và một để tiếp tục quay vòng.
- Trước đây người ta thấy một Việt Trinh trong phim đầy nước mắt, đa sầu đa cảm. Có bao giờ chị nghĩ mình sẽ làm phim hài?
- Không bao giờ, tôi rất thích làm phim
tâm lý xã hội, thiếu nhi, về những cuộc đời gai góc. Bộ phim của tôi tới
đây cũng về một đề tài rất nóng bỏng, đó là cuộc đời thăng trầm của
những đứa bé không nhận được sự yêu thương, đùm bọc của gia đình, phải
ra ngoài đời va chạm với cuộc sống. Khi đứa bé ấy mới 5-7 tuổi, vẫn rất
hiền, ngoan và đẹp như thiên thần. Nhưng 20 năm sau, không ai có thể
nhận ra nó nữa, đó là một tay giang hồ khét tiếng đâm thuê chém mướn,
người đầy sẹo và nghiện ma túy. Đó là do môi trường sống, do không có
được tình yêu thương của cha mẹ đùm bọc. Nhưng rồi, con người đó đã quay
đầu trở lại, tu dưỡng trong tâm và đẽo tượng Phật rất giỏi. Nhân vật
của tôi xuất phát từ một nguyên mẫu có thật, sinh năm 1973, rất nổi
tiếng trong giang hồ, giờ vào chùa để tu. Tôi rất thân với người đó.
|
Đạo diễn Việt Trinh dự Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam hồi cuối tháng 7 tại Hà Nội. |
- Xuất phát từ đâu chị lấy người đó làm nguyên mẫu cho nhân vật trong phim của mình?
- Tôi hay đi lễ Phật, một hôm tôi tới
chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn, TP HCM, được sư thầy tặng bộ đĩa DVD về Phật
pháp nhiệm màu, nói về những người còn sống, có thật, đã trải qua những
cuộc đời đau khổ và quay về với cửa Phật, trong đó có 4 người để lại cho
tôi nhiều suy ngẫm. “Quay đầu lại là bờ”, họ chia sẻ về cuộc đời mình
như vậy. Nhân vật mà tôi xây dựng thành phim một lần nghe được lời dạy
của Phật trên đĩa, anh ta cảm thấy mình quá ác và hối cải. Chưa từng học
đẽo tượng Phật bao giờ, nhưng chỉ cần đưa một khúc gỗ, miếng gốc cây,
không cần nhìn hình vẽ, anh ta có thể đẽo được bức tượng rất đẹp. Đó
chính là sự nhiệm màu của Phật pháp! Trong phim, nhân vật ấy được hư cấu
thêm với một số chi tiết rất thú vị. Nhân vật giang hồ của tôi rất đẹp
trai nhưng tướng tá không to con. Chị Châu Thổ là người viết kịch bản và
tháng 12 tới sẽ hoàn thành. Chị Châu Thổ viết những kịch bản phim về
Phật giáo rất hay.
- Lý do gì khiến chị quyết định bước sang công việc của một đạo diễn?
- Tôi làm diễn viên đã gần 20 năm nay
rồi, nhưng vai trò của diễn viên trong phim cũng chỉ có khuôn khổ nhất
định. Trong quá trình làm phim, tôi đi nhiều nơi, gặp những mảnh đời có
rất nhiều điều đáng suy ngẫm, từ đó tôi tích lũy làm chất liệu để đưa
vào phim, để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình. Hiện giờ tôi vẫn
chưa hoàn thành khóa học ở Singapore, tôi mới học được hơn 1 năm và giờ
đang bảo lưu kết quả. Tôi nghĩ có những nghề chỉ học trong trường lớp
thôi chưa đủ, mà còn phải có kinh nghiệm thực tế nữa. Bản thân tôi làm
diễn viên nhiều năm, tích lũy được kiến thức ngoài trường đời, còn lý
thuyết trong trường học tuy không nhiều nhưng tôi lại được các cô bác,
anh chị giúp đỡ rất nhiều. Do đó, tôi có cơ hội học hỏi từ những người
đi trước dày dạn kinh nghiệm, kết hợp với học trong trường về những
nguyên tắc và lý thuyết làm nghề.
- Trở thành đạo diễn rồi, chị có điều gì muốn chia sẻ với các diễn viên trẻ bây giờ?
- Tôi rất may mắn là thời của tôi không
có nhiều phim truyền hình nhưng lại được đóng rất nhiều phim nhựa. Mặc
dù người ta hay gọi dòng phim đó là “mì ăn liền”, nhưng đó chỉ là cái
tên gắn vào để gọi dòng phim thị trường, vì nhu cầu cần quá nên cung cố
gắng chạy theo. Người ta làm quá nhiều phim một lúc, diễn viên chạy quá
nhiều sô, có thời điểm nhận cùng lúc 3 phim thì làm sao tâm trí tập
trung vào được. Những bộ phim đầu tiên của tôi là Xương rồng đen, Ngọc
trong đá… khá ấn tượng vì tôi sống hết mình với nhân vật, nhưng những
phim sau này, do nhận nhiều phim nên bị nhàn nhạt. Các bạn diễn viên trẻ
bây giờ rất xinh đẹp và có tài, nhưng hãy nhìn vào gương của chúng tôi
trước đây, nếu cùng lúc nhận quá nhiều phim thì không thể tập trung diễn
được đâu.
Bây giờ tôi làm đạo diễn, dứt khoát diễn
viên phải thuộc lời, không cho nhắc thoại. Cứ nghĩ mà xem, đang quay mà
nhờ người ta nhắc thoại thì làm sao tập trung vào mà diễn tốt được. Dù
một diễn viên có vai nhỏ, chỉ chừng 10 đến 15 phân đoạn cũng phải hiểu
được nhân vật của mình. Tôi có riêng một phó đạo diễn chỉ đạo về diễn
xuất, chỉ đạo diễn viên, không có chuyện để diễn viên đến trường quay
mới xé tờ kịch bản để đọc. Dù là vai một người bồi bàn, bưng nước cho
khách họ cũng phải hiểu mình đang bưng nước cho ai, tâm lý người ta ra
sao, nhân vật là đại gia hay là gì…