Đi một mình
23/08/2014 20:20 (GMT+7)

 “Con sẽ không đợi một ngày kia…

khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc

Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?”

                                                                               (Mẹ - Đỗ Trung Quân)

Thế rồi những ngày nắng rát cũng đi qua. Sài Thành đang trong mùa mưa, có khi mưa nhè nhẹ, khi ồ ạt đến rồi đi nhanh. Sài Gòn mùa lá đổ, những cơn mưa chiều dài lê thê, có khi đến tận nửa đêm mới tạnh… Mưa ở đây làm cho con người ta phải cứ vội vã, con đường về nhà cảm thấy xa hơn. “Tam nguyệt kiết hạ an cư” cũng đã đến ngày viên mãn. Rồi con sẽ về! Tháng Bảy. Vẫn luôn là như thế, không bao giờ gọi điện thoại để báo trước là sẽ về. Bởi con muốn bước thật chậm để hít một hơi dài là nghe mùi của đất ở quê mình, để lắng nghe tiếng hò hét inh ỏi của mấy đứa nhỏ cứ tụ tập ở đầu xóm đều đều mỗi ngày. 

Không báo trước, bởi vẫn muốn được gọi “Má ơi” hoặc giả vờ gõ nhẹ vào cách cửa hỏi “Chị H. ơi! Có ở nhà không rứa?”, rồi được nghe tiếng bước chân dồn dập của mẹ từ phía sau nhà đón chào, trên môi nụ cười như tỏa nắng, ánh mắt bất ngờ, ấm lòng con những ngày dài trông đợi. Để biết, ở nhà, luôn có mẹ. Ở nhà, vẫn còn có bà ngoại, người đã nuôi tuổi thơ con lớn lên bình yên. Tuổi thơ cũng chân trần lấm đầy bùn đất nhưng không đến độ lam lũ. Về nhà, chẳng bao giờ mẹ hỏi con thích ăn cái gì, chốc chốc là thấy trong nhà có ngay món mì Quảng.


Con lại trở về, vẫn chỉ đi một mình, mang theo trong túi 
một đóa hoa màu hồng. Lòng vui sướng lạ! - Ảnh minh họa

Còn nhớ hồi lên 9 tuổi, ngày tôi bước ra khỏi nhà, mẹ cứ ngồi lặng thinh ở đó và bảo tôi hãy nghĩ cho thật kỹ nghe. Thế rồi tôi phải năn nỉ anh Hai chở đến chùa xin thầy ở lại để tu học. Bắt đầu từ đó, mẹ đã dạy cho tôi biết tự lập, biết tự đi bằng đôi chân của mình, biết đứng lên sau những lần té ngã. Mặc dù, rất lâu sau này tôi mới hiểu ra điều đó. Mẹ giải thích rằng: Mẹ không dắt con đi vì đó là điều mà con yêu thích, là đường mà con đã chọn, nên con cần phải xác định, nên chi tự con phải bước đi. Dù cho bản thân mẹ tôi là một người Phật tử thuần thành. Rồi tôi khóc, nhớ mãi câu nói đó của mẹ, đã lớn lên thêm một chút…

Hồi con bé xíu, vô ưu vô lo làm sao mà tôi hiểu? Chỉ có thể nhớ, lúc chỏm tóc còn vén ngang tai, mỗi lần sau giờ tụng kinh tối, tiếng mõ vừa dứt hồi, tôi cởi vội chiếc ào tràng máng lên cửa sổ, rồi chạy ra phía trước sân, níu chiếc xe đạp của mẹ, nức nở, nước mắt ngắn dài… Có thể hiểu như là: giữa tình yêu thương của mẹ và con đường lý tưởng lúc này hãy còn chênh vênh lắm!

Cho đến ngày 20-10 năm đó, năm tôi 19 tuổi, trong dịp lễ, cô giáo đọc cho cả lớp nghe một bài viết Ba hạt đậu xanh của mẹ. Trong câu chuyện đó, người mẹ đã dạy con rằng:“Các con là những cây đậu xanh ở ngoài sân, dù không được chăm sóc tốt, không được ở những nơi sung sướng nhưng đã lớn lên vững chãi. Đó là sự tự lập các con hiểu không?” Lúc đó, tôi đã rất xúc động, không hẳn chỉ là một sự đồng cảm, mà hơn ai hết, tôi hiểu rõ mình. Tách ra khỏi đám đông, tự tìm cho mình một nơi an toàn, tôi ẩn đi những giọt nước mắt đang tự trào. Như vậy, là tôi hiểu: anh em của mình cũng là ba hạt đậu xanh của mẹ. Như vậy, là tôi biết: những cành hoa dại ngoài trời kia thì chẳng bao giờ có cảm giác “ngại gió e sương”. Tôi lớn lên từ đó. Chỉ có thể tạm gọi là như vậy.

Lúc nhỏ, hình như nhìn tôi, lúc nào cũng với cái dáng vẻ lì lợm, ít nói, chậm chạp, nhưng thật ra cũng mang chút điềm đạm, ưu tư. Cứ mỗi khi nhìn trời mưa, tôi lại nghĩ, lại tưởng tượng nhưng mà không thể nào tưởng tượng ra được, những cơn mưa xối xả, cuồn cuộn ngoài kia có bao giờ giống như những ngang trái và gian nan của cuộc đời mẹ? Bão tố có bao giờ qua đây không? Mẹ tuyệt đối là người rất mạnh mẽ, chịu thương, chịu khó, nên con cũng sẽ là như vậy! Riêng bản thân tôi đã từng nghĩ: Có khi khóc cũng là một cách nương tựa vào chính mình. Và sự thật là tôi đã lớn lên từ những giọt nước mắt. Ngày ấy xa dần, xa dần…

Người bạn đã nhắc nhở, tình thương dành cho mẹ có nói bao nhiêu, lo nghĩ chừng nào thì cũng mênh mông, rộng lớn, mãi mãi là như vậy, “vô bờ bến” không bao giờ nói hết. Thế là... Tôi tiếp nghĩ... hạt giống yêu thương thì lúc nào cũng sẵn có, thay vì cứ ưu lo thì ta hãy biểu hiện cho tình thương đó được trọn vẹn như lời của Bụt đã dạy. Mình đã rất hạnh phúc vì đã có đường đi. Như thế cả con và mẹ, khi nghĩ về nhau, lại cảm thấy rất an lòng, phải không mẹ?

Đi học xa, thỉnh thoảng tuần một đến hai lần thì tôi gọi điện thoại về hỏi thăm mẹ. Cứ như thế để mẹ cũng cảm nhận được mình vẫn luôn có mặt xung quanh đâu đó, để phòng lỡ có đúng lúc “trái gió trở trời” mẹ lại đỡ thấy tủi lòng, để mẹ thấy con dù lớn, hay đi đâu, vẫn là con của mẹ.

Thu về. Đã trung tuần tháng Bảy. Những lời kinh, khúc nhạc về ơn sinh thành của cha mẹ lại vang vọng khắp nơi, bằng tấm lòng của những người con hiếu thảo. Vu lan về là dịp để nhắc nhớ, là dịp để cho những đứa con lưu lạc khắp muôn phương, vì cuộc mưu sinh cơm áo, vì sự nghiệp..., cả là vì lý tưởng, quay về để gần gũi, để yêu thương, để thể hiện trọn sự hiếu nghĩa của mình. Tháng Bảy, con cũng được về bên mẹ. Đó là những ngày rất ngắn, nhưng niềm hạnh phúc với con, lại rất dài.

Buổi sáng cùng mẹ thức dậy, đón chào một ngày mới trong tiếng gà gáy sớm, tiếng chuông chùa phía bên kia đồng, vang lên, dội ra từ “bức tường” núi chắn. Tiếp đó thì làm những việc mà rất lâu mình không được làm, lau chùi bàn thờ, quét cái nhà, nhổ cỏ sau vườn, bắt chước mẹ, sửa soạn mấy dây bí, dây đậu, hỏi đủ thứ chuyện, nói líu lo như con chim hót giữa khu vườn rau xanh. Thỉnh thoảng cũng có cảm giác cứ hơi loanh quanh, nhưng không hề lo nghĩ, ở nhà dọn dẹp, đợi mẹ đi chợ về như một đứa con nít, nấu cho mẹ những bữa cơm chay đạm bạc. Những ngày bình yên ở “xóm núi” thật giản dị…

“Đôi khi lẩn thẩn trên non vắng

Mà vẹn ân tình với núi sông".

Hạnh phúc của những người làm nông ở quê tôi vốn đơn sơ; hạnh phúc của họ là được gieo trồng, được chăm sóc, nuôi dưỡng, rồi thu hoạch những ngày mùa. Người ta bằng lòng với những gì mình làm nên, đó là kết quả của đôi bàn tay, của sức lao động, là “gieo nhân và gặt quả”. Buổi chiều về, men theo những con đường làng là ruộng lúa hai bên, tiếng cuốc, tiếng cày va vào nhau leng keng, tiếng bước chân lớn dần…của những người nông dân trên đường đi đồng về, ghé lại hỏi thăm nhau, vang vang cả một xóm nhỏ bình yên. Tôi nép sau song cửa sổ, ngắm nhìn, “đây là mặt đất, đây là trời cao, đây là nơi đã sinh ra con…”.

Một ngày bình yên trôi.

Về nhà, tối đến không còn tiếng xe cộ chen chúc nhau, không còn đèn xanh đỏ thắp lên mọi nơi cao thấp. Thật ra, cuộc sống nơi Sài Gòn tôi vẫn cảm thấy không quen, không gần gũi. Tối ở quê xung quanh bầu trời đêm đen tịch tĩnh, vài tiếng côn trùng đâu đó, trăng ở quê chắc cũng sáng hơn trăng thành phố. Chuyến tàu đêm sẽ đi ngang qua xóm nhỏ này, tiếng còi tàu từ xa xa lại gần, rồi nhỏ dần, xa tít, chìm hẳn trong đêm. Tôi nhắm mắt niệm rằng: những gì đang xảy ra là quan trọng nhất, từng bước chân, từng hơi thở của mình đang tiếp nhau, là mầu nhiệm. Hiện tại là tuyệt vời. Quá khứ hay tương lai là ảo tưởng, không mang đến cho ta bất kỳ hạnh phúc nào trong cuộc sống của bây giờ.

Ngày mai con lại vác ba-lô lên mà đi tiếp, chỉ mong mẹ, đừng nhìn tiễn con như lưu luyến, mắt vừa ngấn lệ, trong ngần. Cuộc đời con cứ thế sẽ là những lần đến đi thầm lặng. Những chuyến đi chỉ có một mình.

Nhớ đến bài kinh con vừa đọc lại, kinh Người biết sống một mình, Đức Phật đã dạy cho chúng đệ tử lúc Ngài còn ở tịnh xá Kỳ Viên:

“Ðừng tìm về quá khứ / Ðừng tưởng tới tương lai / Quá khứ đã không còn / Tương lai thì chưa tới. / Hãy quán chiếu sự sống / Trong giờ phút hiện tại / Kẻ thức giả an trú / Vững chãi và thảnh thơi. / Phải tinh tiến hôm nay / Kẻo ngày mai không kịp / Cái chết đến bất ngờ / Không thể nào mặc cả. / Người nào biết an trú / Ðêm ngày trong chánh niệm / Thì Mâu Ni gọi là / Người biết sống một mình”.

Con cũng đã chứng kiến những lần ra đi vĩnh viễn của một đời người, mắt điềm tĩnh hơn xưa. Vì mình là con Phật, phải học cách an nhiên giữa vô thường, mẹ nhỉ? Bởi quy luật là nghiệp duyên, sinh-diệt, hợp-tan. Phải chân thành đối diện với sự thật cuộc đời. Con cũng đã không còn đánh rơi những giọt nước mắt trong mưa. Những cơn mưa ngày hôm qua đã làm mới và nuôi dưỡng cho con ngày hôm nay.

Con lại trở về, vẫn chỉ đi một mình, mang theo trong túi một đóa hoa màu hồng. Lòng vui sướng lạ!

Tạp bút TN.Tịnh Tâm

theo :GNO

Các tin đã đăng: