Nhận biết ý nghĩa của cuộc sống
07/08/2011 12:18 (GMT+7)

Trong thiền Tào Động có câu “Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm”. Câu này đến từ một công án nổi danh liên quan đến việc truyền pháp từ vị thầy đầu tiên, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, cho người đệ tử tên là Ma ha Ca Diếp. Trong câu chuyện, Đức Thích Ca Mâu Ni đưa lên một cành hoa, ngài Ma ha Ca Diếp mỉm cười. Khi đó, Đức Thích Ca Mâu Ni nói: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, nay trao phó cho Ma ha Ca Diếp”. Chánh Pháp nhãn tạng và Niết bàn diệu tâm mà đức Thích Ca truyền cho Ma ha Ca Diếp đó là cái gì? Mọi giáo lý Phật giáo đều nhắm đến kho tàng quý giá không gì hơn đó. Nó là đời sống của bạn. Nó là đời sống của tôi.

Có những câu hỏi khác về vấn đề này: “Tôi là ai?”, “Cái đó là gì?”. Những câu hỏi này là những công án nền tảng, quan trọng nhất. Giống như tất cả mọi công án, chúng ta phải trả lời từ chính đời sống của chúng ta. Đời sống của chúng ta là gì? Chúng ta sống đời sống đó như thế nào? Làm thế nào chúng ta thể nghiệm được đời sống mà chúng ta đang sống như là một đời sống vô tận của Niết bàn diệu tâm?

Điều trớ trêu là tất cả chúng ta đều đang sống đời sống đó, tất cả chúng ta đều sống với kho tàng đó, nhưng đồng thời chúng ta không thật sự sống với nó. Nói một cách khác, đời sống của chúng ta không gì khác hơn là Chánh pháp nhãn tạng và Niết bàn diệu tâm, nhưng chúng ta lại coi nó như một thứ gì khác. Chúng ta không thấy rằng đời sống của chúng ta ngay tại đây và bây giờ là Niết bàn. Có thể chúng ta nghĩ rằng Niết bàn là một thứ gì rất đẹp đẽ, một thứ không thể đạt tới. Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng Niết bàn là một thứ gì đó rất khác với đời sống của chúng ta. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng nó thật sự ở ngay đây, ngay bây giờ.

Làm sao có thể như thế? Chúng ta có thể nói rằng sự tu tập của chúng ta là để khép lại khoảng cách giữa cái mà chúng ta nghĩ là đời sống và Niết bàn diệu tâm. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra rằng thật sự không có khoảng cách nào để khép lại?

Hãy đừng khởi tâm nhị nguyên. Hãy thật sự là một với đời sống Niết bàn diệu tâm của chúng ta. Đó là ý nghĩa của diệu. Nó là diệu không phải vì nó ẩn khuất, cũng không phải vì nó khó nắm bắt, nhưng vì nó ở ngay tại đây. Chúng ta không thấy nó rõ ràng vì nó ở ngay trước mắt chúng ta. Thật sự, chúng ta đang sống với nó. Khi chúng ta sống với nó, chúng ta không nghĩ về nó. Lúc chúng ta nghĩ về nó, tâm chúng ta hoạt động trong tính nhị nguyên, chúng ta không thấy đời sống của chúng ta là Niết bàn diệu tâm.

Vì sao việc này quá khó khăn đối với chúng ta? Hãy theo dõi sự khó khăn đó là cái gì và đến từ đâu. Hầu hết chúng ta biết rằng cái Tôi, một cách nào đó, ngăn trở chúng ta nhận ra đời sống của chúng ta là Niết bàn diệu tâm. Tôi là kẻ không thấy đời sống của tôi theo cách đó. Tôi là kẻ không nhận ra từ kinh nghiệm rằng đời sống là một bảo tàng. Cái Tôi ngăn chặn chúng ta nhận ra cái đó là cái gì?

Đó là sự vận hành nhị nguyên của cái Tôi. Không gì sai trái với tính nhị nguyên, đó là cách tâm chúng ta vận hành. Nhưng chừng nào chúng ta vẫn còn bị giam hãm trong tính nhị nguyên, thì chúng ta còn bị thống trị bởi những giá trị đối nghịch như đúng-sai, tốt-xấu,… Đó chỉ là hai phương diện có tính tạm bợ. Một sự việc hiện ra có khi tốt hay xấu, đúng hay sai, dài hay ngắn, lớn hay nhỏ - nhưng toàn thể của nó là cái gì? Đời sống của chúng ta cũng như vậy. Chúng ta phải nhìn thấy cái nằm bên ngoài tính chất nhị nguyên. Đời sống của chúng ta thật sự ở ngay bây giờ. Bây giờ! Ở đây! Đó là cái gì?

Hiểu về sống và chết là sống và chết trong mỗi khoảnh khắc. Theo Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên), vị sáng lập thiền Tào Động Nhật Bản, Đức Thích Ca Mâu Ni nói rằng hai mươi bốn giờ trong đời sống của chúng ta có 6.400.099.980 lần sinh ra và chết đi, khởi lên và diệt mất. Do đó trong một giây, đời sống của chúng ta sinh ra và chết đi khoảng 7.000 lần. Loại đời sống đó là gì?

Chúng ta thường nghĩ về đời sống của chúng ta là năm mươi năm, sáu mươi năm, có thể đến một trăm năm. Có lần tôi đọc ở đâu đó rằng có khoảng ba ngàn ba trăm người sống trên một trăm tuổi, người già nhất là một trăm hai mươi tuổi. Ngài Dogen nói rằng sống một đời sống lâu dài mà không giác ngộ là một tội lỗi. Ngược lại, Ngài nhấn mạnh rằng dù chỉ sống một ngày mà hiểu rõ ý nghĩa của đời sống thì một ngày đó có giá trị hơn nhiều năm sống mà không giác ngộ. Tất cả chúng ta đều quan tâm về việc chúng ta sẽ thọ bao nhiêu. Chúng ta có cảm tưởng rằng sống tám mươi, chín mươi, hay một trăm năm là một đời sống tuyệt vời. Có thể là như thế, nhưng tuyệt vời so sánh với cái gì? Phải chăng là so sánh với những người chết sớm?

Chúng ta cần phải nhìn thấy đời sống của chúng ta một cách rõ ràng. Sự hiện hữu của đời sống này ở ngay trong khoảnh khắc này, có nghĩa là gì? Sinh ra và chết đi sáu hay bảy nghìn lần, sinh ra và chết đi trong khoảnh khắc này - đó là gì? Đời sống đó có khác nhau giữa đàn ông, đàn bà, người trẻ, người già, con người hay một chúng sanh khác? Đời sống đó phải chăng là nhị nguyên? Nó là tương đối hay tuyệt đối? Tất cả mọi sự quan tâm và hiểu biết bình thường của chúng ta về ý nghĩa đời sống đều không có ý nghĩa nếu chúng ta sinh ra và chết đi bảy ngàn lần trong một khoảnh khắc.

Thiền sư Dogen nói rằng vì đời sống của chúng ta vốn chính là cái đó, chúng ta đạt đến giác ngộ. Chúng ta không phải tu tập để đạt đến giác ngộ; trong tu tập, chúng ta không cần kỳ vọng điều gì. Mọi thứ đã sẵn đủ ngay trong đời sống! Đời sống của chúng ta chính là trí tuệ đó! Sự tu tập của chúng ta chính là sự giác ngộ đó. Khi chúng ta nhìn thấy đời sống của chúng ta vượt ra khỏi tính nhị nguyên, vượt ngoài suy nghĩ và không suy nghĩ, khi đó mọi sự đều sẵn sàng, đó là Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm! Khi chúng ta suy nghĩ trong cái thấy nhị nguyên, đời sống của chúng ta bị giới hạn: Tôi là, bạn là, điều này tốt, điều này xấu. Đồng thời, đời sống của chúng ta không có biên giới. Bởi vì chúng ta sinh ra và chết đi trong mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc, đời sống của chúng ta không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Mọi sự ở ngay đây, ngay bây giờ!

Như vậy, đời sống của chúng ta bị giới hạn khi chúng ta suy nghĩ một cách nhị nguyên, và đồng thời nó là không giới hạn. Dù chúng ta là đàn ông hay đàn bà, trẻ hay già, xuất gia hay tại gia đều như nhau. Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm là mỗi người, là mọi người!

Tất cả chúng ta đều có vô số cơ hội để kinh nghiệm đời sống của chúng ta theo cách đó trong mỗi khoảnh khắc. Làm thế nào chúng ta có thể thể nghiệm đại đạo hiển lộ là đời sống của chúng ta? Dù có thể nghiệm nó hay không, sinh ra và chết đi, lặp lại đời sống hàng ngàn lần trong một giây, chúng ta đang luôn luôn sống đời sống không gì hơn này - đúng như chính chúng ta là. Nhưng làm sao chúng ta thể nghiệm điều này? Chỉ việc sống! Chỉ việc hành! Khi chúng ta sống với sự giác ngộ này, chúng ta nhận ra không có sự ngăn cách giữa đời sống này và đạo, không có sự ngăn cách giữa đời sống này và Niết bàn diệu tâm. Chúng ta thể nghiệm đời sống không phân cách!

Đó là đời sống của chúng ta. Đó cũng là sự tu tập của chúng ta. Do đó, nếu sự tu tập của chúng ta là hơi thở, hãy là một với hơi thở! Nếu sự tu tập của chúng ta là shikantaza (chỉ quán đả tọa - chỉ ngồi không làm gì), thì hãy chỉ ngồi! Nếu sự tu tập của chúng ta là công án, hãy là công án! Có khi nào chúng ta thật sự tu tập theo cách này? Nếu chúng ta tu tập shikantaza đặt nền tảng trên sự hiểu biết hay kỳ vọng nào đó, thì sự tu tập của chúng ta không phải là shikantaza nữa. Nếu chúng ta tu tập công án bằng trí thông minh hoặc coi nó như một điều bí ẩn và tìm cách giải đáp, thì chúng ta không tu tập như một công án nữa. Vì sao? Vì vẫn còn sự tham dự của tính nhị nguyên! Vì vẫn còn sự tham dự của ngăn chia!

Làm thế nào chúng ta có thể trải nghiệm và xác nhận đời sống của chúng ta là Chánh pháp nhãn tạng và Niết bàn diệu tâm? Chúng ta đã sẵn như vậy! Bắt đầu bằng việc tin rằng đời sống của chúng ta là cái đó. Hãy tin tưởng vào điều đó! Rồi sống đời sống đó là đời sống của chúng ta! Khi thực hiện như vậy, ngay đó đời sống của chúng ta là trí tuệ Bát nhã Ba la mật. Bát nhã (prajna) là trí tuệ không phân biệt, không tôi, không anh, không tốt, không xấu. Đó là sự vận hành của khoảnh khắc hiện tại, của cái xảy ra ở đây và bây giờ. Ba la mật đa (paramita) có nghĩa là “đến bờ bên kia”. Bờ bên kia nào? Nếu mọi thứ đều ở đây và ngay bây giờ, thì bờ bên kia nào hiện hữu? Một số người nghĩ rằng bờ bên kia là Niết bàn, theo cách chúng ta nghĩ về sự vật, cách chúng ta muốn về đời sống của chúng ta. Nhưng Niết bàn sẵn ngay đây. Khi qua đến bờ bên kia, chúng ta sẽ minh xác rằng đời sống ngay tại đây này là Chánh pháp nhãn tạng và Niết bàn diệu tâm. Đời sống này là một kho tàng quý giá nhất, là đạo tối thượng, con đường chứng ngộ chân thật.

Đức Thích Ca Mâu Ni cũng yêu mến đời sống này. Điều gì khác nhau giữa đời sống của Ngài và của chúng ta? Ngay lúc Ngài chứng Vô thượng Chánh giác, Đức Thích Ca Mâu Ni nói: “Thật là tuyệt vời! Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ và đức hạnh của Như Lai!”. Sự khẳng định của Đức Thích Ca Mâu Ni về chúng ta là gì, đời sống của chúng ta là gì, và sống thế nào là công án của chúng ta. Chúng ta phải sống với nó và tu tập với nó.

Mỗi chúng ta phải chăm sóc Chánh pháp nhãn tạng và Niết bàn diệu tâm này. Chúng ta phải thực hành việc này. Một ngày cũng là đủ. Một lần ngồi thiền cũng là đủ. Ngay cả một giây cũng là đủ. Và ngược lại, một tuần, mười năm, năm mươi năm, hay một trăm năm cũng có thể không đủ. Để thể nghiệm chính mình trong cách này, chúng ta không cần chờ đợi một phút giây nào.

Đừng chờ đợi!

Chúng ta có những bài học tuyệt diệu này về đời sống của chúng ta. Tôi khuyến khích các bạn, hãy cùng nhau vui hưởng đời sống tuyệt vời này, hãy nhận biết giá trị thế giới chỉ như vậy! Ngoài ra không có gì khác. Hãy thật sự nhận biết giá trị đời sống của chúng ta, Chánh pháp nhãn tạng và Niết bàn diệu tâm. 


Maezumi Roshi - Thị Giới dịch từ Tricycle

Maezumi Roshi là vị sáng lập White Plum Sangha và là vị thầy dạy về thiền Tào Động và cả thiền Lâm Tế cho đến khi Ngài tịch vào năm 1995.

Theo: GNO

Các tin đã đăng: