"Sự
việc Đặng Ngọc Viết cầm súng lao vào nơi công quyền bắn chết một người
và làm thương 4 người là xuất phát từ lòng tham của mỗi con người.
Lòng tham dẫn đến sự cùng quẫn và bế tắc, dẫn đến những bi kịch trong
cuộc sống. Nhưng lòng tham đó do chính con người tự tạo ra bi kịch cho
nhau, chứ không phải do nguyên nhân nào khác...", Đại đức Thích Thanh
Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật
giáo Việt Nam cắt nghĩa khi nói về vụ việc truy sát cán bộ ở Thái Bình
vào chiều ngày 11/9.
30 phút giày vò ghê gớm dưới chân Phật
PV: Hai ngày
nay dư luận rất xôn xao trước sự việc Đặng Ngọc Viết (42 tuổi), lao
động tự do, thường trú tại số nhà 11, ngõ 345, tổ 48, phường Kỳ Bá, TP.
Thái Bình cầm súng colt tự chế lao vào Trung tâm Phát triển Quỹ đất
TP. Thái Bình để truy sát vì mâu thuẫn trong việc giải phóng mặt bằng.
Sự việc đã khiến cho 2 người chết, trong đó có hung thủ, và 4 người bị
thương.
Hung thủ Đặng Ngọc Viết sau khi gây án đã bỏ trốn về
nhà bà nội ăn cơm tối rồi ra một ngôi chùa ở cạnh đó sám hối khoảng 30
phút, rồi tự sát dưới chân Đức Phật bà Quan Âm.
Đại đức có thể lý giải như thế nào về tâm lý, hành động này của anh Đặng Ngọc Viết?
Đại đức Thích Thanh Huân: Trong
thâm tâm của con người luôn ẩn chứa cái thiện và cái ác. Khi bực tức
thì cái ác luôn lấn chiếm phần thiện trong con người. Đây là điều rất
nguy hiểm, nếu không khống chế được thì ắt sẽ dẫn đến những hậu quả đau
lòng.
Theo tôi được biết qua phương tiện truyền thông đại
chúng, hành động của hung thủ Đặng Ngọc Viết là do quá bức xúc trong
việc giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, sau khi gây ra sự việc, anh
Viết đã nhìn thấy được đó là những cái lỗi của mình nên đã tìm về quê,
gặp người thân thích rồi đến cửa Phật từ bi để sám hối rồi tự tử.
Điều đó khẳng định, sau khi gây ra chuyện, Viết đã nhận ra được những
sai lầm của mình, nhận ra mình đang rơi vào bi kịch của cuộc đời mà
không thể thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật nên đã chuẩn bị cho
những giây phút cuối đời của mình bằng cách tìm về nơi thân thương
nhất, tìm về người gần gũi với mình và mình cũng yêu quý nhất để lấy
lại những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi phút cuối đời.
Có thể thấy, tất cả những hành động đó đều đã được Viết nghĩ đến để chuẩn bị cho giây phút tự tử.
Tuy nhiên, tự tử dưới chân tượng Phật bà Quan Âm cho thấy Viết đã thức
tỉnh nhưng hẳn 30 phút sám hối dưới chân tượng Phật của Viết là sự giày
vò ghê gớm về những điều mà mình gây ra.
Để rồi đi đến quyết định tự kết liễu đời mình để giải thoát khỏi sự dằn vặt của lương tâm.
Tượng Phật Bà Quan Âm, nơi Viết ăn cơm chùa xong ra ngồi và tự sát
PV: Sự việc đã được
cơ quan chức năng xác định là do mâu thuẫn đất đai giữa chính quyền và
người dân dẫn đến sự bực tức của Đặng Ngọc Viết mà khởi lòng hiếu sát.
Sau khi gây ra vụ việc, hung thủ cũng đã sám hối và tự kết liễu đời
mình dưới chân Phật. Vậy linh hồn của hung thủ Đặng Ngọc Viết có được
siêu thoát không thưa thầy?
Đại đức Thích Thanh Huân: Linh
hồn của con người khi chết đi có được siêu thoát hay không phần nhiều
phụ thuộc vào quá trình người đó sinh sống ở cõi dương gian. Nếu hiền
lành, nhân đức, hay làm việc thiện thì ắt khi thác xuống sẽ được siêu
thoát...
Theo quan niệm của Phật giáo, mọi sự việc oan oan
tương báo, nếu giải quyết hận thù bằng việc đánh giết lẫn nhau thì
không thể nào giải quyết hết được mà nghiệp chướng sẽ kéo dài vô tận,
từ kiếp này chuyển sang kiếp khác.
Luật nhân quả cũng không
khác gì pháp luật. Ví như người ta đánh mình trước nhưng mình đánh lại
một cách thái quá thì vẫn phải chịu những hậu quả. Với bất kỳ nguyên
nhân nào, dù ban đầu mình đúng hay mình sai mà gây ra khổ đau thì mình
cũng sẽ phải nhận được những kết quả tương ứng.
Với trường hợp vụ việc ở Thái Bình, hung thủ
gây ra vụ việc cảm thấy không được đền bù thỏa đáng nhưng mà trong lúc
giận dữ đã làm thái quá. Nếu như chỉ làm người bị thương thì quả báo
ít hơn nhưng nếu làm người bị chết thì mức độ quả báo sẽ nặng hơn rất
nhiều.
Tất nhiên, sau khi xảy ra sự việc, anh Viết có đến cửa
Phật để sám hối, điều này sẽ làm cho anh Viết nhẹ đi được phần nào về
mặt tâm thức còn nghiệp chướng vẫn còn tồn tại.
Ngoài ra, việc sám hối có hiệu quả hơn
khi đối phương chấp nhận cho mình sám hối thì cái nghiệp chướng mình
gây ra mới nhẹ đi được.
Hơn nữa, trước khi chết mà tâm mình càng thoải mái thì linh hồn sẽ càng sớm được siêu thoát.
Con người đang tự dồn nhau tới cùng quẫn
PV: Sau
khi vụ việc xảy ra, đã có rất nhiều ý kiến dư luận trái chiều xung
quanh hành động của hung thủ Đặng Ngọc Viết. Đã có nhiều lý lẽ phân
tích cho rằng sự việc là do những bất cập trong quản lý đất đai, mặt
khác nhiều người lại cho rằng do sự thiếu hiểu biết, không còn biết sợ
của hung thủ mà dẫn đến sự việc. Còn nhà Phật nhìn sự kiện này như thế
nào, thưa thầy?
Đại đức Thích Thanh Huân:
Mọi nguyên nhân của sự việc đều xuất phát từ lòng tham của con người.
Từ sự tham lam mới dẫn đến si mê, kéo theo đó là những hành động không
sáng suốt dẫn đến những bi kịch. Có những trường hợp người vợ giận
chồng quá mà dẫn đến hành động tự vẫn và kéo theo cả người con của mình
cũng chịu chung số phận.
Còn về vụ việc ở Thái Bình, theo tôi
sự giải quyết của chính quyền sở tại là quan trọng nhất. Giải quyết sao
cho thấu tình đạt lý để người dân hiểu được, thông cảm được để làm cho
đôi bên thoải mái.
5 người bị bắn và hung thủ thì cũng chỉ là nạn nhân của lẫn nhau, một phần do Luật Đất đai vẫn còn nhiều bất cập.
Chùa Đông Sơn (Kiến Xương, Thái Bình), nơi Viết đến sau khi xả súng
PV: Theo như thầy
nói, thì tất cả những bi kịch trong cuộc sống và cái cùng quẫn, bế tắc
trong xã hội đều do con người tự tạo ra cho nhau?
Đại đức Thích Thanh Huân: Đúng
là như thế! Đất đai, nhà cửa...đều là những thứ vô tri, vô giác. Con
người tự tạo cho nhau những khổ đau, sự thù hận cho lẫn nhau.
Chính những hành xử của con người với
nhau, những điều lệ đề ra trong xã hội gây ra mâu thuẫn xã hội. Đi cùng
với đó là lòng tham luôn có trong mỗi con người khiến cho cái Tâm bên
trong không được trong sáng dẫn đến những hành động trái với đạo lý.
Nếu làm việc gì mà con người cũng nghĩ tới cái chung cho cộng đồng rồi
cùng ngồi với nhau bàn bạc, tìm ra phương án giải quyết chấp nhận được
thì chắc chắn sẽ không dẫn tới bi kịch khiến xôn xao dư luận xã hội.
Nếu như lòng tham vẫn còn thì những bi kịch của con người sẽ luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, thời này sang thời khác...
PV: Vậy làm thế nào để con người tránh được những bị kịch trong cuộc sống, thưa thầy?
Đại đức Thích Thanh Huân: Điều
căn bản nhất là trong mỗi con người cần phải tiêu diệt dần đi lòng
tham của mình và nghĩ đến lợi ích cho cộng đồng để có những hành động
sáng suốt, hài hòa giữa con người với con người.
Bản thân mỗi
cá nhân nên tích đức, làm nhiều việc thiện. Cùng với đó là cần phải
không ngừng tìm hiểu, trau dồi kiến thức để có được những suy nghĩ đúng
đắn, tránh những hành động cùng quẫn, bế tắc....
Xin cảm ơn thầy!
Theo Việt Thành - Đất Việt