Sống với thực tại
Hoàng Tá Thích
05/01/2015 21:49 (GMT+7)

Mong thời gian qua mau thì có tâm trạng nôn nóng, sẽ cảm thấy thời gian chờ đợi đi qua chậm rì, đáng ghét, như một thi sĩ nào đó đã than: “Thuở chờ đợi, ôi thời gian rét mướt”.

 Đứa trẻ nào cũng mong chóng lớn để được làm những điều mình thích, để thực hiện ước mơ, để ý kiến của mình được tôn trọng. Bậc cha mẹ nào cũng mong con cái mau lớn để đến trường. Học sinh nào cũng mong chóng xong chương trình trung học để vào bậc đại học, để được gọi là sinh viên. Bậc cha mẹ nào cũng mong con sớm ra trường, thành đạt. Đi làm việc thì mong chóng đến ngày lãnh lương, mong cho những dịp lễ tết để được những khoản tiền thưởng. Nam nữ yêu nhau không bao giờ thoát khỏi hai chữ đợi chờ: khi yêu nhau thì chờ dịp để gặp nhau. Mong cho đêm qua mau, cho trời chóng sáng để đến chỗ hẹn hò. Rồi mong làm đám cưới để được chính thức chung sống với nhau. Bậc cha mẹ thì mong có cháu để bồng ẵm… Thế rồi thời gian trôi qua, nhìn lại con cháu mình lớn lên nhanh quá, lại chắc lưỡi: “Ôi thời gian qua chóng thật…”. Tất cả những mong ước đó là những đợi chờ, đều mong cho thời gian qua mau để sớm đạt được điều mình mong đợi. Đến khi đạt được điều mình muốn, thì lại trách thời gian sao qua nhanh quá. Thậm chí, những người đến phút lâm chung, không được ra đi an lành, mà còn bị những cơn đau hành hạ, thì lại mong… được chóng chết.

 Một dòng đời cứ như thế mà tiếp diễn không ngừng, nhưng chắc chắn một điều là chẳng ai không thấy trăm năm đời người quá ngắn ngủi, không đủ dài để hưởng thụ hết cuộc sống.

 Con người vốn mâu thuẫn là thế. Ai cũng sợ già, sợ chết, nhưng ai cũng muốn thời gian qua mau để đến được với cái mình mong đợi. Mong đợi một điều gì chưa đến cũng là một trạng thái tham lam của con người. Ngay chỉ chuyện đăng ký mua một món hàng độc đáo mới ra, mà cũng mong mau đến ngày nhận được. Trong thời gian chờ đợi, không những có phần nôn nao, mà chắc chắn không ngừng nghĩ tới, nói tới. Đi đón một người thân ở phi trường, cũng nôn nao mong máy bay mau hạ cánh. Những điều đó cũng đã mất một khoảng thời gian vô ích vì sẽ chẳng muốn làm điều gì khác. Đọc một cuốn truyện, xem một cuốn phim hay, ai cũng muốn chóng biết được hồi kết cuộc, nhưng cũng không muốn chỉ bật đoạn phim cuối, lật những trang sách cuối để biết ngay kết quả, mà chỉ ngồi than trong lòng phim dài quá, cuốn sách dày quá… Đang làm việc này chưa xong nhưng đầu óc đã vội nghĩ đến chuyện khác, không bao giờ sống được trong thực tại cả.

 Có những người suốt đời chưa sống một giây phút nào an lạc cũng chỉ vì luôn luôn “hối thúc thời gian”.

 Triết lý “ở đây và bây giờ”, hiện thể, thực tại… được đề cao bởi các triết gia hiện đại của thế kỷ 20, vốn đã được thể hiện rõ qua lời Phật dạy trong kinh Nhất dạ hiền giả (kinh số 131, tuyển tập kinh Trung Bộ):

 Quá khứ không truy tầm

 Tương lai không ước vọng

 Quá khứ đã đoạn tận

 Tương lai lại chưa đến

 Chỉ có pháp hiện tại

 Tuệ quán chính là đây.

 Sống phải là sống với thực tại, với hiện tại, ngay đây; tức là làm sao để thể nhập thực tại. Hạnh phúc chỉ có thể được cảm nhận bằng cái tâm an nhiên, tự tại và hiện tại, chứ không phải với cái tâm tiếc nuối hay mong chờ. Nếu không như vậy thì sự việc đang sống, đang làm việc, đang tu tập… chỉ giống như cái bóng chập chờn.

 Tâm dao động thì ăn không ngon, ngủ không yên. Giây phút tĩnh lặng của tuần trà còn khó cảm nhận được thì nói gì đến những thời gian hạnh phúc dài hơn, nói gì đến chuyện tu, chuyện thiền…

 Muốn có những giây phút có thể tìm được sự an lạc trong thực tại thì con người phải buông bớt những tham lam, bỏ bớt những vướng bận trong đời sống tục luỵ. Có người vì công việc đa đoan không phút nào an lạc được, nên phải tập toạ thiền để mong tìm được những giây phút yên lắng trong tâm hồn. Tuy vậy, làm sao có thể thiền định được khi trong lòng luôn luôn dấy lên những tạp niệm, và việc ngồi thiền như vậy chẳng những không ích lợi mà còn phí phạm thì giờ vô ích. Họ chỉ nghĩ rằng thiền là phải ngồi một chỗ để thiền định và không bao giờ nghĩ ra rằng thiền không chỉ là toạ thiền mà có thể hành thiền bất cứ lúc nào. Bất cứ thời khác nào ý thức được việc mình đang làm thì cũng là thiền vậy.

 Cũng vì không có sự tỉnh thức, không sống trong thực tại, nên con người lại luôn luôn mâu thuẫn với chính bản thân mình và không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Chưa ăn thì đói bụng, cũng than phiền, ăn quá no, cơ thể nặng nề mệt mỏi, cũng than phiền. Khi có sức khoẻ thì không lo giữ gìn, đến khi có bệnh thì đau khổ. Nghèo khó phải bươn chải để kiếm sống, chỉ mong có một cuộc sống thư thả. Đến khi làm ra tiền, trở thành giàu có thì cũng vẫn tiếp tục bươn chải làm giàu thêm, cũng không một phút nào được ngơi nghỉ.

 Người càng tham lam, càng mong muốn có nhiều thứ, càng không để ý đến thì giờ qua nhanh như gió thổi, nhưng ngược lại, luôn luôn mong cho thời gian qua mau để chóng đạt được kết quả đang mong đợi. Và khi biết quay đầu nhìn lại thì đã muộn mất rồi.

 Đọc trong một cuốn sách về Thiền, có câu chuyện:

 Một thiền sư đang đàm thoại với một ông Tăng:

 – Hoà thượng tu có dụng công chăng?

- Có
- Dụng công thế nào?
- Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.
- Tất cả mọi người đều như vậy, có thể nói là đồng chỗ dụng công với thầy chăng?
- Chẳng đồng.
- Tại sao chẳng đồng?
- Họ khi ăn chẳng chịu ăn, lo nghĩ trăm thứ, khi ngủ chẳng chịu ngủ, tính toán ngàn chuyện, do đó mà chẳng đồng.

Người nghèo khổ ăn để mà sống và có thể suốt cả cuộc đời cũng chỉ ăn để mà sống, nhưng cũng có những người giàu có cũng chỉ ăn mà sống để không ngừng tham công tiếc việc cho đến khi không còn sức khoẻ để làm việc nữa, thì lại cũng không đủ sức khoẻ để hưởng trọn vẹn cái thành quả của mình, xem ra cũng không khác gì những người nghèo khổ vậy.

Văn hóa Phật Giáo

Các tin đã đăng: