Tôi có may mắn gắn bó ít năm với đào tạo của một số trường
đào tạo Phật giáo ở phía Bắc cả ở hệ Trung cấp và Đại học và nhận thấy
rằng, Phật giáo Việt Nam đã có bước phát triển lớn về cả Phật học và thế
học. Tuy nhiên, để tránh trùng chéo và đặc biệt để được xã hội công
nhận về văn bằng theo tôi cần phải có sự đổi mới, điều chỉnh nhằm nâng
cao chất lượng giảng dạy và xác định tính pháp lý của văn bằng. Xin được
trao đổi đôi điều về vấn đề trên.
1. Về mặt đào tạo của Phật giáo
Việt Nam hiện nay có hai Hệ chính là hệ Trung cấp và hệ Đại học (ngoài
ra còn có các lớp Sơ cấp và lớp Cao đẳng Phật học). Quy trình để theo
học các hệ trên cũng rất chặt chẽ, phải qua sơ cấp Phật học và qua
trung cấp Phật học mới được thi tuyển vào Học Viện Phật giáo. Điều này
tạo một nền học vấn từ thấp lên cao, từ những tri thức cơ bản đến kiến
thức căn bản và chuyên sâu của Phật học. Trong quá trình học tập tại
trường nhờ có sự giao lưu học hỏi mà các Tăng, Ni sinh có thêm những
hiểu biết về tu đạo, hành đạo của các bạn đồng môn. Nhờ vậy mà sau khi
học, Tăng, Ni có một nền tảng kiến thức tốt cho việc tu đạo và hành đạo
trong Phật sự của mình.
2. Thời gian đào tạo hệ trung cấp là 3
đến 4 năm, hệ đại học là 4 năm, như vậy để có bằng tốt nghiệp đại học
của học viện cần có 7 đến 8 năm, đây là khoảng thời gian không nhỏ đối
với một nhà tu hành. Song theo chúng tôi được biết về chương trình đào
đạo giữa hai hệ Trung cấp và Đại học đã có sự liên thông, song sự liên
thông chưa cao và ít nhiều còn trùng chéo cả ở các môn Phật học và thế
học, điều này có thể khắc phục được nếu có sự thống nhất quan tâm của
các trường, các học viện của Phật giáo. Khắc phục được điều này vừa
nâng cao được chất lượng đào tạo, vừa có thể rút ngắn được thời gian
đào tạo.
3. Trong các chương trình đào tạo của
học viện Phật giáo, chúng tôi thấy các môn thế học rất được quan tâm,
đặc biệt là những môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (và
xét về mặt xã hội tri thức của tôn giáo cũng là tri thức của khoa học
xã hội và nhân văn), điều này giúp cho Tăng, Ni sinh có được những kiến
thức cần thiết để hành đạo trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam tốt
hơn, hiệu quả hơn theo hướng gắn đạo pháp với dân tộc, với chủ nghĩa xã
hội. Theo thống kê sơ bộ về các môn thế học của hai học viện Phật giáo
tại Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh thì các môn thế học được dành một
thời lượng đáng kể (HVPG Hà Nội có 17 môn học với 810 tiết, HVPG tại
TP. Hồ Chí Minh trong chương trình đại cương có hơn 1.000 tiết về thế
học). Chúng tôi thấy rằng, đây là cơ sở để tìm một lộ trình thiết lập
một văn bằng cấp đại học của Nhà nước. Xin luận giải sơ bộ như sau: Có
thể xếp chương trình đào tạo của Học viện Phật giáo Việt Nam vào ngành
Khoa học xã hội và nhân văn, và đương nhiên các môn thế học trong
chương trình thuộc kiến thức của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Để Nhà nước thừa nhận văn bằng của Học
viện Phật giáo hiện chưa thực hiện được bởi đòi hỏi của chuyên môn và
của quy định pháp luật, do vậy có thể đi theo lộ trình:
Thứ nhất: Cần chuẩn hóa về giáo viên,
về chương trình, về kiểm tra đánh giá các môn thế học theo chuẩn chung
của hệ đại học để được thừa nhận như là một sự tích lũy tín chỉ của hệ
đại học thuộc Nhà nước.
Thứ hai: Bổ sung một số môn học theo
chương trình của một số ngành khoa học xã hội và nhân văn và theo nhu
cầu của Học viện, của học viên để có một chương trình hoàn thiện của hệ
đại học theo quy định của Nhà nước, đồng thời thực hiện việc thi tuyển
theo luật giáo dục đại học. Như vậy, trong một thời gian nhất định
Tăng, Ni sinh - học viên này có được hai bằng, một là của Học viện Phật
giáo, một là của trường đại học cụ thể mà Học viện liên kết đào tạo.
Theo cách này, bằng của đại học của Học viện Phật giáo đã được công
nhận một phần và được bổ sung để có một bằng đại học ngành khoa học xã
hội và nhân văn được Nhà nước thừa nhận.
Đây là một vài suy nghĩ cá nhân với
mong muốn việc đào tạo của Phật giáo ở Việt Nam hiện nay có hiệu quả
hơn, thiết thực hơn để làm cho Phật giáo ngày càng phát triển với phương
châm: Duy tuệ thị nghiệp.
Nguồn: Đại Đoàn Kết