Cha mẹ & con cái
Ajahn Jayasaro- Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
01/10/2014 15:53 (GMT+7)

     Nhiều năm trước khi xuất gia, tôi đã tin rằng kinh nghiệm mang đến trí tuệ. Vì thế tôi rời bỏ quê hương Anh quốc để đi Ấn Độ, lang thang đó đây để thu thập kinh nghiệm sống ở châu Âu và châu Á. Cuộc hành trình càng khó khăn, tôi càng thích thú vì tôi cảm thấy những gian nan đó giúp tôi hiểu về bản thân hơn và chúng sẽ đem lại lợi ích cho cuộc đời tôi.

   Nhưng cuộc hành trình đến Ấn Độ khiến tôi khá thất vọng.  Nó chẳng có nhiều thử thách như tôi mong đợi, nên trên đường quay trở về, tôi quyết định đi từ Pakistan về Anh quốc trong khi túi không có đồng xu.  Tôi muốn thử xem tôi có thể đi xe nhờ suốt chặng đường về đó không, và tôi cũng muốn thử xem cảm giác sẽ thế nào khi không sở hữu gì cả.

   Thật là một cuộc mạo hiểm, có nhiều chuyện tôi sẽ không bao giờ quên.  Tôi muốn kể cho bạn nghe một trong những chuyện đó.  Lúc tôi đến được Tehran –thủ đô của Iran –tôi hoàn toàn kiệt quệ.  Tôi ốm như cây sậy, quần áo thì bẩn thỉu, nhàu nát, chắc tôi trông ghê tởm lắm.  Chính tôi cũng bị sốc khi soi mình qua tấm gương ở một nhà vệ sinh công cộng.  Còn tâm tôi thì càng ngày càng giống quỷ đói, nó luôn lo lắng về cái ăn: “Liệu hôm nay ta có được gì để ăn hay không?”  Bụng tôi được no hay bị đói tùy vào lòng tử tế của đồng loại.  Tôi phải dựa vào parami (Ba-la-mật) của mình vì không có gì khác để dựa vào.

   Cuối cùng cũng có một người Iran cảm thấy thương hại tôi, đồng thời anh ta cũng coi đây là cơ hội để thực tập tiếng Anh.  Anh ta đãi tôi uống trà và cho tôi một ít tiền.  Ban đêm, tôi ngủ ngoài đường, giấu mình trong những con hẻm nhỏ, vắng vẻ.  Tôi sợ cảnh sát sẽ đánh đuổi nếu họ bắt gặp tôi.  Buổi sáng, tôi đến một quán súp mà tôi nhớ là họ cho ăn bánh mì miễn phí.  Khi đi dọc theo đường phố, cố gắng không liếc nhìn vào các quán ăn hấp dẫn và không ngửi theo những mùi đồ ăn ngào ngạt trong không khí, tôi phát hiện một phụ nữ đang tiến bước về phía tôi.  Bà có vẻ kinh hoàng khi nhìn thấy tôi.  Bà dừng bước lại, trố mắt nhìn tôi một lúc, rồi bước đến chắn phía trước với vẻ mặt cau có.  Bà ra dấu bảo tôi đi theo bà, với kinh nghiệm của kẻ xin ăn, tôi làm theo ngay.  Đi bộ khoảng mười phút, chúng tôi đến một khu chung cư, rồi lên thang máy đến tầng thứ tư.  Tôi đoán là lên phòng bà, nhưng bà vẫn chưa nói tiếng nào.  Không có nụ cười thân thiện nào, chỉ có vẻ mặt đầy sát khí.

   Khi mở cửa ra, tôi thấy đúng là phòng bà.  Bà dẫn tôi vào nhà bếp, chỉ vào một chiếc ghế, ra hiệu cho tôi ngồi xuống.  Sau đó bà mang ra cho tôi đủ loại thực phẩm.  Tôi tưởng chừng mình đang ở thiên đàng.  Tôi bỗng nhận ra rằng món ngon nhất trên đời là món bạn được ăn khi thực sự đói khát, bao tử réo gọi từng hồi.  Người phụ nữ gọi con trai ra, nói gì đó với cậu mà tôi không hiểu, nhưng tôi thấy cậu khoảng tuổi tôi.  Sau một lúc, cậu con trai trở lại với một bộ quần áo.  Khi thấy tôi đã ăn xong, người phụ nữ chỉ về hướng nhà tắm, ra hiệu cho tôi đi tắm và thay bộ đồ mới.  (Tôi đoán có lẽ bà định đốt bộ đồ cũ của tôi).  Bà không nói gì, chẳng hề cười, chỉ ra dấu cho tôi hiểu bà.  Trong lúc tắm, tôi nghĩ có lẽ người phụ nữ nhìn tôi mà chạnh nghĩ đến con bà: “Sẽ ra sao nếu con ta đi đến một xứ sở xa lạ và bị khốn khổ như thế?”  “Nếu như con ta cũng lâm vào hoàn cảnh đáng thương như thế, thì sẽ như thế nào?”  Tôi nghĩ là bà đã giúp đỡ tôi với tình thương của một người mẹ.  Tôi quyết định tặng cho bà danh hiệu ‘Người Mẹ Ba-tư đáng kính’ và tự mỉm cười một mình trong buồng tắm.  Khi tôi đã xong xuôi mọi thứ, người phụ nữ dẫn tôi về chỗ cũ, và bỏ tôi ở đó. Rồi bà hòa vào dòng người đang trên đường đến chỗ làm.  Tôi đứng đó nhìn bà lẫn vào đám đông, và tận đáy lòng tôi biết rằng mình sẽ suốt đời không bao giờ quên ơn bà.  Tôi rất cảm động, mắt tôi đẫm lệ.  Bà đã cho tôi quá nhiều dầu chúng tôi là hai người hoàn toàn xa lạ.  Lúc đó tôi ốm như một xác chết khô, quần áo thì bẩn thỉu, hôi hám, tóc tai dài thượt, bù xù.  Nhưng người phụ nữ ấy không hề quan tâm, bà còn dẫn tôi về nhà và chăm sóc cho tôi như thể tôi là con bà, mà không hề mong đợi bất cứ sự đền đáp nào –dầu chỉ là một lời cảm ơn.  Đã hơn hai mươi năm qua, giờ tôi muốn nói cho mọi người biết về vị bồ tát có nét mặt quạu quọ này, để mọi người biết rằng dầu trong các thành phố lớn, cũng có những người tốt, và người tốt có thể còn nhiều hơn chúng ta nghĩ.

   Người phụ nữ đó không phải là người tốt bụng duy nhất mà tôi đã được gặp.  Tôi đã nhận được sự tử tế và giúp đỡ của nhiều người ở những quốc gia mà tôi đã đặt chân tới trên bước đường tìm kiếm kinh nghiệm sống, dầu tôi không hỏi xin họ bất cứ điều gì.  Điều đó khiến tôi quyết tâm là trong tương lai nếu tôi ở vào hoàn cảnh có thể giúp đỡ người khác giống như thế, tôi sẽ làm.  Tôi muốn giúp đỡ để duy trì lòng tử tế của con người trên thế giới.  Xã hội đôi khi có vẻ như là một nơi không có tình người, quá lạnh lùng, nhẫn tâm, nhưng tôi nghĩ là mỗi người chúng ta ít nhất có thể cố gắng làm một ốc đảo nhỏ trên sa mạc.

   Tôi đã không về được tận Anh quốc.  Tôi đánh mất hộ chiếu gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nên phải quay về Tehran.  Ở đó tôi làm quen được với một số người và kiếm được công việc dạy tiếng Anh.  Sau vài tháng, với ít tiền dính túi, tôi quay trở về Ấn Độ.  Ngày sinh nhật mười chín tuổi tôi trải qua bên bờ hồ với một đạo sĩ Ấn Độ.  Ông là một vị thầy tâm linh với cách tu hành tương tự như của Phật giáo và ông đã dạy tôi rất nhiều điều.  Khi sống cạnh ông, tôi có rất nhiều thì giờ để quán chiếu về cuộc đời mình.  Những buổi chiều tôi thích leo lên ngọn núi gần đó, ngồi dưới một cây cổ thụ, tận hưởng làn gió mát.  Nhìn xuống dòng suối bên dưới và bãi sa mạc trải dài đến tận chân trời giúp tôi suy nghĩ thấu đáo.  Một ngày kia tâm tôi tràn đầy các câu hỏi.  Tại sao tôi luôn xúc động mỗi khi nhớ đến sự tử tế của những người đã giúp đỡ tôi trong suốt cuộc hành trình của mình, những người đã cho tôi ăn hay ngủ một hay hai đêm- nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với sự tử tế của cha mẹ tôi.  Họ đã chăm sóc cho tôi suốt mười tám năm, cho tôi ăn từng ngày –ba hay bốn lần một ngày- vậy mà họ vẫn lo rằng thức ăn không đủ ngon cho tôi.  Họ đã cho tôi quần áo, chỗ trú ngụ.  Khi tôi ấm đầu xổ mũi, họ đem tôi đi bác sĩ, còn khi tôi bệnh nặng dường như họ còn khổ hơn tôi.  Vậy tại sao tôi chẳng bao giờ xúc động với những việc như thế?  Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình bất công một cách đáng xấu hổ.  Tôi nhận ra rằng tôi đã coi thường sự hy sinh của cha mẹ biết bao nhiêu.  Lúc đó, dường như có một bờ đê vừa vụt vỡ tung.  Nhiều tấm gương về lòng biết ơn (boon khoon) của cha mẹ tôi, lòng độ lượng, tử tế của họ tràn đầy tâm trí tôi, quá ấn tưọng, quá bao la.  Đó là khởi đầu cho lòng biết ơn của tôi đối với cha mẹ.

   Tôi tiếp tục quán tưởng đến việc mẹ tôi hẳn đã phải chịu bao khó nhọc khi mang thai tôi.  Lúc đầu chắc bà đã bị hành buồn nôn mỗi sáng, thời gian sau thì đi đứng trở nên khó khăn.  Mọi chuyển động đều đau đớn và không thuận lợi.  Nhưng mẹ tôi đã chấp nhận cái khổ này vì bà tin rằng có điều gì đó rất đáng công, và điều gì đó chính là tôi.

   Khi còn nhỏ, việc gì tôi cũng phải nhờ đến cha mẹ, vậy mà không hiểu sao tôi coi chuyện đó là bình thường –phải đâu bổn phận của họ là phải cung cấp, cưu mang, còn tôi chỉ có quyền nhận?  Sau cùng, tôi nhận thức được rằng tôi có duyên được tu tập theo Phật giáo để phát triển một nơi nương tựa thực sự ở bên trong, là nhờ cha mẹ đã tạo cho tôi một chỗ nương tựa bền vững, đáng tin cậy ở bên ngoài khi tôi còn trẻ.  Họ đã thiết lập cho tôi một nền tảng vững chắc để tôi có thể toàn tâm toàn trí tu tập, chiến đấu với uế nhiễm.

   Năm 20 tuổi, tôi đến Thái Lan để thọ giới xuất gia.  Cha mẹ tôi không phản đối vì họ muốn cho con trai có thể sống theo ý nó muốn và được hạnh phúc.  Cha mẹ tôi đã chọn điều đó thay cho những kỳ vọng họ đã đặt vào tôi.  Năm ngoái, mẹ tôi đã thú nhận rằng ngày tôi ra đi là ngày buồn nhất trong đời của mẹ.  Nghe vậy tôi rất xúc động.  Điều gây ấn tượng ở tôi là mẹ đã rất chịu đựng và che giấu nỗi khổ đau này suốt hai mươi năm vì mẹ không muốn tôi phải bức rức vì chuyện này.

   Sau khi đã trở thành tu sĩ, đôi khi tôi không thể không tự trách mình.  Khi còn sống bên cạnh mẹ cha, mỗi ngày tôi đều có cơ hội để làm điều gì đó, hầu đáp lại chút tình thương mà họ đã dành cho tôi, nhưng tôi hầu như chẳng làm gì cả.  Giờ tôi ước muốn bày tỏ lòng biết ơn bằng trăm ngàn cách thì lại không thể vì tôi đã là tu sĩ và sống cách xa họ hàng ngàn dặm.  Thật tệ hại.  Tôi chỉ còn có thể làm những gì mà các vị tu sĩ vẫn làm hơn hai ngàn năm nay, là rải tâm từ đến cho họ mỗi ngày.

   Ở Thái Lan chúng tôi thường nghĩ tưởng đến ‘boon khoon’ (công ơn) cha mẹ.  Boon Khoon là niềm tin rằng mỗi khi ta nhận được sự giúp đỡ, lòng tử tế của ai đó –nhất là khi được ban tặng- là chúng ta đã mang một cái ơn.  Thiện nhân là người biết trọng ơn nghĩa, và ơn nghĩa sâu dày nhất trong tất cả mọi ơn nghĩa là ơn nghĩa đối với cha mẹ.  Đức Phật đã dạy chúng ta phát triển lòng biết ơn sâu sắc đến với cha mẹ, và ý hướng đáp trả ơn cha mẹ bằng những phương cách tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện.

   Lúc nhỏ, tôi đã không được dạy dỗ về các giá trị này.  Dĩ nhiên, trong nền văn hóa phương Tây cũng có tình thương yêu, gắn bó giữa cha mẹ và con cái, nhưng nói chung sự quan tâm, lòng biết ơn lẫn nhau thường ít được coi trọng.  Trong khi các giá trị khác như là sự tự do cá nhân, tính tự lập thì lại được chú trọng hơn.  Tình cảm thâm sâu, gắn bó giữa cha mẹ và con cái có thể cũng được nhiều người cảm nhận, nhưng nó không được truyền thông rộng rải như một đạo lý chung trong xã hội như trong văn hóa Phật giáo, thí dụ như ở Thái Lan.

   Việc chúng ta phải coi trọng công ơn cha mẹ có thể được tìm thấy trong giáo lý của Đức Phật về Chánh kiến trong đời sống thế tục, nền tảng giúp ta hiểu điều này điều nọ trong cuộc sống.  Trong kinh điển Pali, Đức Phật dạy rằng ta phải tin rằng cha ta là thật, mẹ ta là thật.  Có thể bạn sẽ bỡ ngỡ khi đọc điều này phải không?  Tại sao Đức Phật phải dạy chúng ta một điều quá hiển nhiên?  Có ai không biết rằng mình được sinh ra trong cõi đời này là vì cha mẹ mình thực sự có?

   Chúng ta cần phải hiểu rằng những lời dạy đó chỉ là ẩn dụ thôi.  Điều Đức Phật muốn dạy là chúng ta cần phải biết rằng có một ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, một ý nghĩa mà ta phải chấp nhận và tôn trọng.  Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái thật sâu sắc và huyền bí.  Đức Phật dạy rằng không có nghiệp báo nào nặng hơn hành động giết cha hay mẹ.  Trong từ ngữ Pali đó là anantariya kamma –nghiệp này nặng nề đến nỗi người gây nghiệp không thể nào tránh khỏi những hậu quả gớm ghê, dầu người đó có thật tâm hối hận đến mức độ nào.  Như thế khi Angulimala có thể trở thành một vị A-la-hán dầu đã giết 999 người, thì điều đó sẽ không thể xảy ra nếu ông giết chỉ một người, mà người đó là cha hay mẹ ông.

   Đức Phật không dạy về mối liên hệ thâm sâu này như là một phương tiện thiện xảo để quảng bá các giá trị trong đời sống gia đình.  Nhưng đó là một chân lý vượt thời gian mà Ngài đã khám phá ra và sau đó truyền dạy lại vì lợi ích của chúng sanh.  Giáo lý quan trọng đó dạy rằng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái rất sâu dày và có thể đã diễn ra qua nhiều kiếp sống.  Do đó, chúng ta phải chấp nhận, tôn trọng, và gìn giữ mối liên hệ đó.

   Tóm lại, có thể nói rằng chúng ta được sinh ra trong kiếp này là để tiếp tục ‘công việc còn dang dở’ đối với mẹ cha.  Có khi công việc còn dang dở này được thể hiện ra một cách không tốt đẹp, như khi đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi, hay bị cha mẹ bạo hành thân xác hay tâm hồn.  Có những hoàn cảnh như thế, và dường như ngày càng nhiều hơn.  Nhưng những điều tệ hại mà cha mẹ có thể mang đến cho con cái như thế cũng không xóa bỏ được mối liên hệ thâm sâu này.  Kiếp sống này chỉ như là một cảnh trong một trường kịch, chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trong những kiếp quá khứ.  Sống trong một xã hội nhân ái, dĩ nhiên chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm phạm.  Chúng ta phải tỏ rõ việc không thể chấp nhận những điều đó, và phải đối xử với các bậc cha mẹ phạm tội này đúng theo quy luật xã hội hiện hành.  Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải bảo vệ tâm khỏi sự sân hận và thất vọng bằng cách tự nhắc nhở rằng chúng ta chỉ thấy một phân cảnh ngắn của một thiên trường kịch phức tạp, mà nhiều thứ đều xa tầm mắt nhìn của ta.  Quán chiếu dựa trên chân lý này giúp nạn nhân của những việc bạo hành, xâm phạm có thể tìm được phương cách để tha thứ cho những người có liên quan.

   May thay, có rất ít các cha mẹ hoàn toàn nhẫn tâm với con cái.  Theo các kinh điển, phần đông cha mẹ đều như các đấng Phạm Thiên đối với con cái, với tình thương yêu không lay chuyển, với tâm từ bi và niềm hoan hỷ.  Trong một số kinh, Đức Phật đã dạy chúng ta làm thế nào để đáp trả tấm lòng trời biển của cha mẹ.  Một trong những bài kinh nổi tiếng nhất là bài Sáu Phương Hướng (The Six Directions), mà Đức Phật đã thuyết để dạy thanh niên Sigalaka.  Một đoạn kinh đó nói:

Này thanh niên Sigalaka (Thi Ca La Việt), người con phải xem cha mẹ là ở về hướng Đông (tự nhủ lòng), có năm việc phải làm:

- Đã được cha mẹ chăm sóc, tôi phải chăm sóc lại họ
-Tôi sẽ giúp đỡ cha mẹ trong công việc của họ
-Tôi sẽ gìn giữ danh dự và truyền thống gia đình.
-Tôi phải cố gắng để xứng đáng với gia tộc.
-Tôi sẽ dâng cúng phẩm vật, hồi hướng công đức cho cha mẹ sau khi họ qua đời.  (Trường Bộ Kinh III.189-192)

   Giáo lý trong kinh này phản ảnh cấu trúc lý tưởng trong một xã hội Phật giáo.  Kinh nhấn mạnh vào trách nhiệm của mọi người đối với nhau, vào bổn phận hơn là quyền lợi.  Thật ấm lòng khi biết ngày nay vẫn có nhiều người ở Thái Lan cố gắng tu tập theo những lời dạy trên.  Nhưng có một bản kinh khác mà tôi muốn nhắc đến ở đây, dầu nó ít được biết đến và ít được thực hành theo hơn.  Trong bản kinh đó đức Phật dạy rằng dầu cho con cái có cõng cha mẹ trên hai vai, trong khoảng trăm năm, chu cấp cho họ cao lương mỹ vị mà họ ưa thích, tắm rửa họ, để họ bài tiết trên vai mình, hay dâng cho họ tài sản lớn, đem lại cho họ những vị trí cao sang, quyền lực –dầu con cái đã làm tất cả những điều đó cho cha mẹ, cũng không thể trả đủ công ơn mà cha mẹ đã làm cho con cái.

   Tuy nhiên, nếu cha mẹ không có hoặc ít có lòng tin vào Phật pháp, thì người con có thể khơi dậy lòng tin đó nơi cha mẹ, hoặc nếu cha mẹ không biết tuân giữ giới hoặc trì giới không nghiêm mật mà người con có thể giúp cha mẹ chuyển đổi, sống đạo đức: thí dụ người con có thể giúp cha mẹ keo kiệt tìm được niềm vui trong việc bố thí, giúp đỡ người khác hay giúp cha mẹ phát triển trí tuệ để chiến thắng tâm uế nhiễu, chấm dứt khổ đau, thì người con đó đã hoàn thành được những nhiệm vụ được coi là thực sự trả được công ơn mà người đó đã mang đối với cha mẹ.

   Có rất nhiều điều cần bàn đến trong bài kinh này.  Trước hết, tôi nghĩ là đức Phật đã chỉ ẩn dụ.  Vì hãy thử hình dung làm sao bạn có thể chăm bón cha mẹ khi họ ngồi trên vai bạn.  Hơn nữa bạn sẽ không thể chịu nổi sức nặng của họ trên vai trong năm phút, nói gì đến một trăm năm.  Nhiều bà mẹ (như là mẹ tôi chẳng hạn) chắc chắn sẽ không muốn trèo lên đó vì họ sợ té gãy tay, gãy chân.  Đức Phật đã sử dụng những hình ảnh đó để ta thấy rằng, dẫu ta có thể làm được những chuyện không thể tưởng tượng như thế thì vẫn chưa đủ trả ơn cha mẹ, nói gì đến những điều ta đang làm cho họ hiện nay.  Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng ơn cha mẹ thật vô cùng to tát, cho nên dầu ta có chăm lo cho cha mẹ bao nhiêu bằng những cung cách bình thường thì cũng vẫn không đủ, vẫn giống như chúng ta chỉ trả phần lãi của món nợ.  Khi chúng ta mắc nợ, chủ nợ không quan tâm chúng ta đã trả được bao nhiêu nợ trong quá khứ, nhưng là chúng ta còn phải trả họ bao nhiêu trong tương lai.  Tương tự, khi nghĩ đến công ơn cha mẹ, thay vì nhớ đến bao nhiêu điều chúng ta đã làm cho họ trong quá khứ, hãy nghĩ đến những gì ta còn chưa làm cho họ, những gì ta còn nợ họ.  Món nợ ta mang từ cha mẹ không phải là thứ nợ bình thường, mà là một bổn phận thiêng liêng.

   Đức Phật dạy chúng ta rằng ngoài những điều ta cần làm cho cha mẹ như đã ghi trong kinh Sáu Hướng (The Six Directions), người Phật tử còn cần phải sách tấn cha mẹ làm điều thiện.  Người con cần phải cố gắng để làm một ‘bạn lành’ (kalyanamitta)đối với cha mẹ.

   Do đó, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng ở đây là, một xã hội Phật giáo là nơi mọi người cố gắng để trở thành bạn tốt của nhau.  Cha mẹ cần cố gắng làm bạn tốt đối với con cái, và con cái cũng phải cố gắng làm bạn lành đối với cha mẹ mình.

   Anh chị lớn cần cố gắng làm bạn tốt với các em của mình, và ngược lại các em cũng cần làm thế với anh chị mình.  Người chồng cần cố gắng làm thiện hữu tri thức đối với vợ, và vợ cũng phải là bạn lành của chồng mình. Chúng ta cần giúp đỡ nhau trong việc làm giảm bớt đi những tình cảm tiêu cực trong lòng và cùng nhau tạo ra một đời sống, một xã hội dựa trên từ, bi và trí tuệ.

   Trong bài kinh trên, đức Phật kê ra bốn đức hạnh.  Giờ tôi xin lặp lại và khai triển thêm về ý nghĩa của chúng.

   Saddha(Tín Tâm) là niềm tin rằng đức Phật là một chúng sanh hoàn toàn giác ngộ, rằng giáo lý của Ngài là chân lý, và chúng sẽ đem lại giải thoát cho những ai thực hành chúng nghiêm mật.  Đó là niềm tin rằng có những người hành theo lời Phật dạy một cách đầy đủ và nhờ đó được giải thoát.  Đó là niềm tin rằng trong tất cả chúng sanh ở cõi ta bà này, những chúng sanh cao thượng đã được giải thoát này là đáng được coi trọng nhất.  Đó là niềm tin rằng với tư cách là một chúng sanh, chúng ta có quyền đối với nghiệp của chính mình: sự việc có tốt hay xấu, chúng ta trải nghiệm khổ đau hay hạnh phúc, đều tùy thuộc vào chúng ta.  Cuộc sống của chúng ta không tùy thuộc vào thần linh, ma quỷ, chư thiên, thượng đế hay quyền lực thần bí nào, mà tùy thuộc vào chính thân, khẩu và ý của chúng ta –cả trong quá khứ và quan trọng nhất, là trong hiện tại.  Saddha chính yếu có nghĩa là niềm tin vào khả năng giác ngộ của chúng ta, và tin tưởng rằng việc quan trọng nhất trong cuộc đời của một chúng sanh là giải thoát khỏi khổ đau và gốc khổ đau.

   Sila (đạo hạnh hay giới luật) là nét đẹp, sự thánh thiện trong hành vi.  Nó là khả năng kiềm chế lời nói hay hành động gây hại cho mình hay cho người.  Sila là sự giải thoát khỏi nghiệp xấu gây ra qua thân hay khẩu.  Sila càng thêm vững bền khi chúng được bảo vệ bởi cảm giác xấu hổ đầy ý thức đối với những hành động bất thiện (hiri), và sự sợ hãi đầy ý thức về các nghiệp quả của những hành động như thế (ottappa).  Sila tạo ra các chuẩn mực đạo đức cần thiết cho những ai quyết tiến xa trong Phật pháp.

   Caga (Xả, rộng lượng) muốn nói đến sự xả ly khỏi vật chất, hoan hỷ trong sự xả bỏ, từ bi, và giúp đỡ người khác.  Người có tâm xả bỏ thường tử tế, quan tâm đến người, chứ không keo kiệt hay tự mãn.

   Panna (trí tuệ) là cái biết phân biệt được khổ đau và những uế nhiễm tạo ra khổ đau.  Con người luôn phải đối mặt với khổ đau, dầu không ai muốn có chút đau khổ nào.  Chúng ta khổ vì chúng ta không biết khổ phát khởi như thế nào và làm sao để dừng nó lại.  Tại sao chúng ta không biết?  Bởi vì chúng ta không hiểu bản thân mà chúng ta cũng không cố gắng để hiểu hết sức mình.  Khi nào chúng ta còn không hiểu bản thân thì chúng ta sẽ luôn là nạn nhân của cảm xúc.  Điều đó giống như bạn ở trong căn phòng tối với một con rắn độc.  Liệu ta có thể đi qua lại trong một căn phòng như thế mà không bị rắn cắn?  Chỉ việc tránh đụng chạm bàn ghế đã là khó.

   Ở giai đoạn bắt đầu, trí tuệ dựa trên tưởng.  Nhờ sự vận hành của ký ức mà ta có thể tàng trữ những điều mình đã được nghe, được đọc về Phật pháp.  Chúng ta điều kiện hóa cảm xúc của mình –cả tốt lẫn xấu- bằng tưởng và ý nghĩ.  Những ai từng lắng nghe Pháp và nhớ đến chúng, có thể quán tưởng về Pháp cho đến khi thông đạt, rồi sau đó họ có thể thiết lập con đường của sự suy nghĩ chín chắn.  Đã được huân tập bằng cách đó, khi tâm rơi vào một trạng thái bất thiện, nó không hoàn toàn trở nên hoảng loạn, nó không rơi vào hố sâu, nó có thể nhanh chóng tự điều chỉnh lại.  Một người chưa hề biết đến Phật pháp, khi bị đối xử bất công, thì người đó thường trở nên giận dữ, thất vọng.  Nhưng với người đã biết Pháp, người đó có thể suy nghĩ rằng ngay chính đức Phật còn bị lăng nhục, làm hại, thì làm sao ta có thể tránh khỏi điều đó?  Quán tưởng được như thế sẽ giúp ta có thể chấp nhận hoàn cảnh.  Bằng phương cách hồi tưởng lại những suy nghĩ khôn ngoan, chúng ta có thể bắt đầu buông bỏ các tình cảm tiêu cực, bắt đầu tách xa sự sa đà vào rượu và chất gây ghiện.  Giai đoạn có trí tuệ phân biệt giữa tốt và xấu, giữa cái có ích và cái có hại.  Nó giúp chúng ta có một cái nhìn thực tế, bình tĩnh về cuộc đời và thế giới.  Nhưng nó cũng không phải là chốn nương trú an toàn, nhất là khi ta phát khởi các cảm xúc mãnh liệt.  Ở một mức độ cao hơn của panna là trí tuệ mang đến kiến thức và sự hiểu biết trong tâm của những ai giữ được giới luật thanh tịnh và định kiên cố (Samadhi).  Ở giai đoạn này, trí tuệ không còn là suy nghĩ.  Nó nhanh hơn suy nghĩ nhiều, nó giống như một chiếc siêu phản lực, bay nhanh hơn cả âm thanh.  Trí tuệ là thấy được sự vật rõ ràng như chúng thực sự là, đến nỗi chúng ta không còn muốn bám víu vào chúng như là tôi hay cái của tôi.  Đó là trí tuệ cuối cùng có thể khám phá được sự thật là tất cả mọi thứ, kể cả tư tưởng, tình cảm của ta, đều thuộc vể thiên nhiên, không có ai là chủ thể.  Đó là trí tuệ nhận thức ra rằng cuộc đời của chúng ta không phải là một thành lũy trên đất hoang hóa, mà là một dòng sông chảy êm ả qua khu vườn đời.  Khi chúng ta phát triển trí tuệ để nhìn ra được điều ấy, chúng ta có thể buông xả.  Đức Phật dạy rằng việc khơi dậy lòng tin, hành vi đạo đức, tâm xả và trí tuệ trong lòng cha mẹ là cách phục vụ cha mẹ tốt nhất, nhưng Ngài cũng không bỏ qua những cách phục vụ, chăm sóc cơ bản hơn.  Phật dạy rằng người con tốt phải biết chăm sóc cha mẹ.  Việc chăm sóc này có thể bắt đầu bằng vật chất, nhưng đó không phải là tất cả.  Tặng quà cáp hay tạo cho cha mẹ sự thoải mái là biểu hiện của tình thương yêu, nhưng đó không phải là bằng chứng của tình thương yêu, và ta không thể dùng chúng để thay thế cho tình thương yêu thực sự.

   Cách hành xử của con cái đối với cha mẹ thay đổi theo từng gia đình, vì điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố; thí dụ như số con cái trong gia đình, độ tuổi của con cái; con cái còn sống trong gia đình hay đã ra riêng, ở gần hay ở xa cha mẹ, vân vân.

  Khi cha mẹ già yếu, người con có hiếu phải chăm sóc họ.  Nếu thực sự điều này không khả thi (chứ không phải là viện lý do), thì họ phải thăm viếng cha mẹ thường xuyên, hay chí ít cũng phải gọi điện thoại hay viết thư thăm hỏi cha mẹ đều đặn, cũng như thông tin cho cha mẹ biết cuộc sống của mình thế nào.  Biết rằng con cái vẫn tưởng nhớ, quan tâm đến mình là liều thuốc có thể mang đến cho cha mẹ tâm bình an, liều thuốc này còn hiệu lực hơn cả các loại thuốc do bác sĩ kê toa.  Chúng ta phải giúp đỡ cha mẹ trong tất cả khả năng của mình.  Khi cha mẹ đau yếu, nếu ta có thể giúp tiền chữa bệnh thì quá tốt, nhưng nếu ta nghèo, không thể làm điều đó thì hãy mang đến cho cha mẹ những gì ta có –thí dụ như thời gian.  Hãy ngồi bên họ, đọc cho họ nghe hay chăm sóc họ theo cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm (thí dụ tắm rửa, làm vệ sinh, đút ăn hay bóp tay bóp chân cho họ) –những việc làm này đối với cha mẹ đôi khi còn giá trị hơn tiền bạc hay bất cứ món quà vật chất nào mà ta dành tặng cho họ.

   Bài kinh mà tôi dẫn ở trên cho ta thấy rằng yếu tố lớn nhất để tạo ra hạnh phúc hay khổ đau trong cuộc đời chúng ta là tư tưởng và cảm xúc hay nói cách khác chính là tâm chúng ta.  Vì lý do đó đức Phật dạy rằng những ai có thể giúp cha mẹ mình phát triển các đức tính thiện lành và trải nghiệm được các trạng thái tâm hỷ lạc thì người đó được vô vàn công đức.  Đó là cách trả ơn khiến cha mẹ chúng ta được có món quà vô giá.

   Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi mang đến cho cha mẹ những món quà vật chất, hay đối xử đặc biệt với họ, thí dụ, dẫn họ đi ăn tiệm hay đi chơi vào những ngày lễ, nhưng các loại quà tặng đó luôn có giới hạn.  Đặc biệt là các thứ quà vật chất, chúng có thể bể, tan hoại và còn có thể là nguyên nhân đưa đến sự bất ổn cho những người già đến nỗi chúng có thể là con dao hai lưỡi.  Sự chăm sóc, lo lắng cho cha mẹ chỉ giúp họ ngay trong kiếp sống này.  Vì thế đức Phật dạy rằng bên cạnh những cách bày tỏ tình thương yêu, lòng biết ơn đáng tán thán như vậy đối với cha mẹ, chúng ta không nên coi nhẹ việc lo cho phần tâm linh của họ.  Những hạnh lành phát xuất từ trong lòng cha mẹ hoàn toàn không có mặt tiêu cực.  Chúng không dựa vào các điều kiện bên ngoài, không ai có thể tước đoạt chúng, và chúng là tư lương cho kiếp sống tương lai.  Vì lý do đó, đức Phật gọi các đức tính bên trong ta là tài sản cao thượng, là của cải quý báu.  Chúng tối cao vì chúng là phương tiện giúp ta đạt được sự cao thượng thực sự của việc được hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau.  Chúng ta cần mang thật nhiều hạnh phúc và sự thoải mái đến cho người ân của mình, nhưng đồng thời cũng đừng quên những thứ cao xa hơn thế.  Làm giảm những khổ đau mà cha mẹ ta phải gánh chịu khi lang thang trong cõi luân hồi vẫn không bằng làm giảm thiểu các nhân gốc gây ra khổ đau đó.

   Tóm lại, những quy tắc trong Phật giáo về vấn đề làm thế nào để trả món nợ thâm tình mà chúng ta mang đối với cha mẹ tùy thuộc vào những điều chúng ta tin.  Thí dụ:

  1.   Luân hồi tái sinh là khổ, và được giải thoát khỏi sinh tử mới là chân hạnh phúc.
  2.   Tái sinh là do ái nhiễm (kilesa)
  3.   Chúng sanh có thể diệt trừ ái nhiễm, nên chúng ta phải làm được điều đó.
  1.   Buông bỏ uế nhiễm, vung trồng hạnh lành là cách tu tập đưa đến chân hạnh phúc.

   Vấn đề là: làm thế nào chúng ta có thể khuyên cha mẹ vung trồng tín tâm, giới hạnh, từ bi và trí tuệ như lời Phật dạy?  Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận thất bại.  Có thể chúng ta không thực hiện được tất cả, hay chỉ đạt được phần nào kết quả.  Con chúng ta, “những cành non” còn khó uốn, thì “cây già” làm thế nào dễ được?[1]  Vì thế đừng bực bội hay bức xúc đối với cha mẹ, đừng bỏ rơi họ, nếu không tâm bạn sẽ u ám, đầy tiêu cực.  Thường không ai muốn thay đổi.  Vì thế hãy hành động, cư xử tế nhị, khôn khéo, và đừng đặt quá nhiều kỳ vọng.  Hãy làm vì đó là bổn phận con cái phải làm, nhưng đừng để tâm chúng ta bất an khi đang làm việc tốt.

   Điều quan trọng là chúng ta phải làm gương cho cha mẹ.  Giống như câu, “Hành động còn lớn tiếng hơn lời nói”, nên đôi khi cách tốt nhất để thuyết phục người khác không phải bằng lời nói.  Nếu chúng ta có thể để cho cha mẹ thấy được những lợi ích mà chúng ta đạt được khi hành theo Phật pháp; nếu họ có thể thấy trong ta những đức tính từ bi, trầm tĩnh, yêu thương, kiên trì và chu đáo, thì họ có thể có được tín tâm và động lực để thực hành theo.  Tóm lại, nếu chúng ta muốn giúp đỡ cha mẹ, thì đồng thời chúng ta cũng phải tự giúp mình.

Có lẽ điều dễ nhất là giúp cha mẹ chúng ta vung trồng đức tính thứ ba: xả, vì điều này cũng được đề cao trong xã hội Thái.  Tôi không thể nghĩ là có một đất nước nào trên thế giới mà người dân nơi đó lại hoan hỷ trong việc bố thí hơn là ở Thái Lan này.  Một người con tốt sẽ mời cha mẹ cùng đi cúng dường, dâng tặng phẩm vật cùng với mình đề thực sự làm lợi ích cho Phật pháp và cho xã hội nói chung.  Chúng ta cần phải có trí tuệ trong việc lựa chọn địa điểm và phẩm vật cúng dường hay bố thí.  Thí dụ, nếu cúng dường cho tăng đoàn, ta cần phải biết là kinh Luật cấm người tu sĩ được đòi hỏi người cư sĩ tại gia không có liên hệ  với mình, bất cứ điều gì, trừ trường hợp người cư sĩ đó đã trang nghiêm thỉnh cầu (pavarana) vị tu sĩ làm thế.  Bạn không nên cảm thấy áy náy, áp lực nếu người tu sĩ muốn kêu gọi bạn cúng dường cho họ.  Làm thế là vị ấy đã phạm giới, nên ta không cần phải sợ gây ra ác nghiệp nếu như ta không làm theo lời yêu cầu.  Trái lại, bố thí, cúng dường trong trường hợp này không được công đức gì vì ta đã hỗ trợ cho hành vi trái đạo và bôi nhọ tăng đoàn của người tu sĩ.  Hãy trao tặng, bố thí phẩm vật phù hợp –giá trị của món đồ không tương ưng với công đức được tạo- và trao tặng trong cung cách để bạn có thể cảm nhận được niềm vui trước, trong khi và sau khi hành động. Ít có điều gì có thể làm cho sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình tốt đẹp thêm bằng việc cùng nhau làm điều thiện như bố thí.

   Thêm nữa, chúng ta cũng có thể làm gương cho cha mẹ bằng cách sống giản dị, không tiêu xài phung phí và không mê đắm vật chất quá mức.  Nhắc nhở cha mẹ bằng cách đó (chứ không phải bằng cách thuyết giảng cho họ), có thể khiến cho họ xét lại thái độ của họ đối với vật chất.  Chúng ta có thể là tấm gương để cha mẹ soi lại bản thân và như thế là chúng ta đã biết cách phụng sự cha mẹ, vì được giải thoát khỏi sự bám víu vào vật chất là một ý nghĩa khác của thuật ngữ caga (xả).  Có những người cha khi nhìn thấy một chiếc xe xịn đời mới thì cũng háo hức như mấy cậu choai choai, ngược lại cũng có những bà mẹ khi ngắm những chiếc áo thời trang hiện đại, cũng xuýt xoa như các cô gái trẻ.

   Do lòng ham muốn hưởng thụ vật chất cuồng nhiệt, ngày nay không còn là chuyện lạ khi các vị trung niên có những hành động mà các vị lão niên ngày xưa sẽ coi là thiếu chín chắn.  Do đó chính là việc chúng ta biết khi nào để dừng, biết đâu là đủ, có thể nhắc nhở cha mẹ chúng ta làm theo.

   Mặt khác, cũng tùy theo cá tính của người làm cha mẹ.  Nếu cha mẹ là người thỉnh thoảng cũng biết đến chùa, nghe Pháp, thì khá dễ cho chúng ta đàm luận những vấn đề có ý nghĩa với họ khi có cơ hội.  Nhưng nếu họ không quan tâm đến Phật pháp; nếu họ vẫn còn đầy đủ sức khỏe và chưa bao giờ nghĩ đến cái chết không thể tránh khỏi, thì họ có thể sẽ khó chấp nhận.  Những vị xem các phiền não của mình như của quý, như một thứ gì đó thêm gia vị vào đời sống của họ, sẽ cảm thấy Phật pháp như là can thiệp vào cuộc sống của họ, và họ sẽ cố gắng tránh né hay chối bỏ nó.  Trong trường hợp này, chúng ta phải chấp nhận và tôn trọng quyền tự do của họ.  Đừng cằn nhằn hay o ép họ.  Phật pháp không phải là thứ mà bạn có thể đem áp đặt lên người khác, dầu bạn muốn cho họ được lợi ích.  Nếu cha mẹ ta có không chấp nhận Phật pháp, chúng ta cũng phải cho qua trong lúc này, và lúc nào cũng sẳn lòng, cũng hoan hỷ để chia sẻ với họ những gì ta có thể bất cứ khi nào, nếu như họ có đổi ý.

   Riêng đối với những bậc cha mẹ có ý hướng muốn tìm hiểu Phật pháp, chúng ta có thể đem họ đến chùa để họ tạo công đức, nghe Pháp, và hành thiền trong không gian tĩnh lặng.  Nếu họ vẫn còn mê tín về bùa phép, bói toán, đồng bóng, phù thủy, vân vân, thì nên trao đổi với họ khi có thể.  Tuy nhiên, bạn cần phải trao đổi đúng nơi, đúng lúc, đừng làm cho cha mẹ cảm thấy là bạn hiểu biết hơn họ, là bạn khôn ngoan hơn họ.  Hãy khuyến khích họ thường xuyên tập thể dục: Khí công rất tốt vì nó cũng là một hình thức thiền tập.  Hãy tìm cho họ những quyển sách hay về Phật pháp để họ đọc, hay những băng đĩa về Phật pháp để họ nghe.  Trao đổi với họ về sinh, già, bệnh và chết một cách tự nhiên, để họ thấy đây không phải là những đề tài ta cần tránh né khi trò chuyện.  Tín tâm và trí tuệ phát khởi từ sự can đảm đối mặt với những sự thật trong cuộc sống.  Không phải là ta có thể trốn tránh những sự thật này chỉ bằng cách phớt lờ chúng.

   Điều quan trọng cần phải nhớ là đức Phật không dạy rằng một người con tốt là phải làm tất cả những gì cha mẹ bảo hay yêu cầu ta làm.  Từ chối không làm như cha mẹ muốn không phải lúc nào cũng sai.  Vì sao?  Vì có những cha mẹ bảo hay bắt con cái phải làm những điều không hợp đạo lý.  Nếu cha mẹ bảo chúng ta làm những việc phạm pháp hay tạo các ác nghiệp như uống rượu, cờ bạc, thì không có gì sai, nếu ta trái ý họ.  Chúng ta không chỉ có bổn phận báo ơn đối với cha mẹ.  Chúng ta còn là con của Phật, và lòng từ bi của Ngài đối với chúng sanh còn lớn hơn các bậc cha mẹ.  Do đó bổn phận báo đáp của chúng ta đối với Ngài còn phải to lớn hơn.  Vì vậy nếu những nỗ lực để bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với cha mẹ trái ngược lại với nguyện ước được làm việc thiện và sống chân thật, thì người trí, với sự cẩn trọng, từ tốn nhất, nên đem những gì đúng, thiện lành làm kim chỉ nam cho mình.  Làm người con hiếu thảo đối với cha mẹ không có nghĩa là bằng mọi giá phải làm theo ý họ.  Tuy nhiên, chúng ta phải có những quy tắc rõ ràng, đúng đắn và phải cố gắng trung thực, không được tỏ ra vô cảm, cứng nhắc. 

   Nếu có thì giờ vào buổi sáng hay chiều, hãy mời cha mẹ cùng tụng kinh hay hành thiền với bạn.  Sự bình an, tĩnh lặng mà ta có thể trải nghiệm qua thiền tập mang đến cho ta hạnh phúc, sức mạnh và sự sáng suốt tuyệt vời.  Người có tâm bình lặng thường được sống lâu vi sức mạnh của tâm bình ổn có thể chế ngự sự buồn phiền, ưu tư và lo lắng làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm của chúng ta.  Nếu cha mẹ chúng ta biết tập hành thiền cho đến khi trở thành nhuần nhuyễn, thì họ sẽ có được chốn nương tựa nội tại vững chải khi họ bệnh hoạn.

   Công phu thiền tập của chúng ta chỉ có hiệu quả khi nó được phát triển cùng với nỗ lực kiềm chế lời nói và hành động.  Một phương cách dễ dàng để giúp cha mẹ giảm thiểu các uế nhiễm của họ là đừng đắm chìm vào những câu chuyện bất thiện với họ.  Thí dụ, nếu cha mẹ ta bắt đầu nói dèm pha hay nói xấu ai đó thì chúng ta chỉ cần giữ im lặng.  Nếu chúng ta không góp chuyện hay hùa theo, thì họ sẽ sớm nản lòng với những chuyện đó và có thể sẽ có được chút ít tỉnh giác.

   Con cái khi còn sống trong gia đình phải giữ thái độ trung dung, không bênh vực bên nào khi thỉnh thoảng giữa cha mẹ có xảy ra sự cãi vả.  Trong lúc căng thẳng, cả hai cha mẹ thường cố gắng kéo con cái về phía mình.  Người con biết đạo sẽ không để tình huống này xảy ra, mà cố gắng làm người hòa giải công bằng.  Chúng ta lúc đó phải cố gắng xoa dịu người đang giận dữ, và cần cẩn thận để không nói hay làm điều gì khiến tình thế thêm phức tạp.  Chúng ta cần cố gắng giúp cha mẹ hóa giải những sự khác biệt, dằn co giữa họ mà không để cho bên nào cảm thấy là mình thắng cuộc hay thua cuộc.  Chúng ta cần kiên nhẫn lắng nghe cha mẹ càu nhàu, than vãn.  Lắng nghe cha mẹ, giảng hòa khi họ tranh cãi, khuyến khích họ nói lời chánh ngữ: đây cũng là những cách mà chúng ta có thể dùng để trả công ơn mà ta đã nợ cha mẹ.

   Nếu chúng ta có thể làm bạn lành đối với cha mẹ trong một thời gian dài, thì họ sẽ bắt đầu tin cậy, nể trọng ta ngày càng nhiều hơn.  Ảnh hưởng của chúng ta đối với họ và cơ hội để hướng dẫn họ hành thiện sẽ ngày càng tăng trưởng.  Nhưng việc này cần có thời gian, chúng ta không nên vội vã.  Chúng ta cũng cần ghi nhận là bản thân mình đã được lợi ích như thế nào từ những nỗ lực trên vì ta cần rất nhiều nhẫn nại để đối xử với người lớn tuổi đúng cách.  Vì lớn tuổi, người ta thường trở nên khó chịu, hay quên và hay cằn nhằm.  Chúng ta dễ bực mình vì những điều này khi ở bên họ, vì thế chúng ta cũng cần có chánh niệm để duy trì nội tâm bình ổn.  Do đó, bằng cách giúp đỡ cha mẹ, chính là ta cũng tự giúp bản thân.

   Thật ra sống trên thế giới này là ta đã nhận rất nhiều ân sủng.  Chúng ta có trồng thực phẩm mà mình dùng hôm nay không?  Do đâu mà chúng có?  Chúng ta có tự may bộ quần áo mình đang mặc không?  Vải vóc từ đâu mà ra?  Chỉ một mảnh vải sợi cũng cần phải có người trồng vải sợi, người hái trái vải, người dệt vải, thợ may, người thiết kế, người chế tạo ra máy dệt và máy may.  Nếu ta sử dụng điện thoại, xem truyền hình hay ngồi trong xe hơi, là chúng ta đã dựa vào trí thông minh, tính cần cù của bao nhiêu người trong bao nhiêu xứ sở?  Biết trân trọng nguồn gốc của những gì mình sở hữu có thể giúp tâm ta lắng đọng và giúp ta cảm nhận về mối liên chằn chịt giữa con người trên thế giới này với nhau, mà mắt thường sẽ không nhìn thấy được.

   Chúng ta không chỉ phải hàm ân người đồng loại mà cũng phải mang ơn cả những sinh vật khác.  Thí dụ, nếu không có sâu bọ ăn đất, chúng ta sẽ không thể trồng trọt, mà không có canh nông thì con người cũng không thể tồn tại.  Vì thế chúng ta cũng mắc nợ sâu bọ.  Rồi đến những con trâu nước, bò, và nhiều giống thú nuôi khác.  Có bao giờ chúng ta cảm thấy hàm ân chúng không?

   Thật ra, tôi còn nghĩ là nếu con người biến mất khỏi mặt đất, chắc là tất cả các sinh vật khác sẽ tụ hội lại mà reo hò đến khản tiếng.  Con người quả thật rất vô ân: chúng ta tàn phá thiên nhiên, làm hao mòn tài nguyên thiên nhiên, và gần như biến trái đất thành nơi không thể sống –tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân.  Đằng sau những hành động đó là ảo tưởng rằng chúng ta là chủ trái đất  này, nên không có trách nhiệm gì đối với các sinh vật và cây cối đang cùng sống trên đó.  Là người Phật tử, chúng ta cần phải có trí tuệ hơn thế, vậy mà phần đông cũng hấp thụ một cách vô thức theo phương Tây cách nhìn cuộc đời điên rồ như thế.  Kết quả là chúng ta sống vô cảm.  Trong tương lai chúng ta và con cháu chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả từ những nghiệp do ta tạo ra ngày hôm nay, vậy chúng ta còn trách được ai ngoài bản thân?  Giờ cũng không quá trể để sửa chữa vấn đề, nhưng chúng ta cần phải thay đổi thái độ để có thể nhận thức sâu rộng về sự tử tế và ân sủng mà trái đất này ban tặng cho ta.  Chúng ta cần hợp tác, cần đoàn kết để làm giảm thiểu sức mạnh của tánh ích kỷ của con người.  Và chúng ta có thể bắt đầu điều đó trong chính gia đình của mình.

  Đức Phật dạy rằng thật khó để tìm được ai không từng là cha, mẹ, anh, chị, em của chúng ta trong những kiếp sống trước.  Do đó, khi quán chiếu về công ơn ta mang đối với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, thì hãy nhớ đến lời dạy này.  Hãy nỗ lực thêm để bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả nhân loại.  Hãy huân tập để làm bạn lành đối với tất cả những ai ở quanh ta và trên trái đất ta đang sống.

   Cuối cùng, xin nguyện cho tất cả được sống làm người bạn lành.  Hãy là bạn lành đối với bản thân bằng cách chỉ hành động, nói năng và suy nghĩ những điều tốt lành cho bản thân và cho người.  Hãy là bạn lành đối với những người đã giúp bạn, nhất là cha mẹ mình.  Hãy mang đến cho họ những gì bạn có thể, hãy giúp họ sao cho xứng đáng với những gì họ đã giúp bạn.  Quan trọng nhất là, với sự gia hộ của Tam Bảo, mong rằng các bậc cha mẹ và tất cả chúng ta luôn được tăng trưởng, được sung túc trong các hạnh lành của tín tâm, giữ giới, bố thí và trí tuệ.

 Diệu Liên Lý Thu Linh

 (chuyển ngữ theo sách Daughters & Sons, với sự đồng ý của ngài Ajahn Jayasaro, thông qua Monastery Secretary Amaravati,ngày 25.8.2014).


[1][1] Câu nói trong dân gian Thái rằng “Cây non dễ uốn hơn cây già”

nguon: thuvienhoasen

Các tin đã đăng: