Phật dạy bổn phận của con cái với cha mẹ
Thích Đạt Ma Phổ Giác
26/11/2014 22:37 (GMT+7)

     Đạo Phật là đạo hiếu hay tâm hiếu là tâm Phật, vì đức Phật thường khen ngợi những người con hiếu thảo. Đức Phật thường nói rằng, sở dĩ ta tu hành thành Phật là nhờ công ơn cha mẹ, nếu không có mẹ sinh, cha nuôi dưỡng thì làm sao ngày hôm nay ta mới được thành Phật. 

     Trong kinh Phật dạy: “Mẹ hiền còn gọi là giàu có, mẹ hiền mất đi gọi là nghèo khổ. Mẹ hiền còn là mặt trời mọc giữa trưa, mẹ hiền mất đi là mặt trời lặn buổi chiều. Mẹ hiền còn như đêm trăng sáng, mẹ hiền mất đi như đêm tối không trăng”. Người Phật tử chân chính, khi cha mẹ còn hiện tiền thì ta phải có lòng cung kính hiếu dưỡng để cho cha mẹ được vui lòng. 

     1- Nuôi dưỡng cha mẹ  

     Ngoài những trách nhiệm lo cho gia đình người thân và đóng góp xã hội, thì một người con cần có bổn phận phải chăm lo đầy đủ các điều kiện vật chất và tinh thần cho cha mẹ. Người xuất gia, nếu như không có anh em lo cho cha mẹ thì vẫn được Phật cho phép phụng dưỡng cha mẹ trong khả năng của mình.

     Siêng năng làm việc để có của cải nuôi dưỡng cha mẹ: Trách nhiệm đạo đức trước tiên của một người con đối với cha mẹ, là phải biết làm tăng thêm tài sản của cải, vật chất để nuôi dưỡng cha mẹ. Hay nói cách khác người con phải lấy sự biết ơn và đền ơn, bằng cách chăm sóc cha mẹ đầy đủ về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

     Tăng thêm của cải để bảo đảm đời sống gia đình bằng khối óc và con tim  mình, đó tinh thần trách nhiệm cao của người con biết hiếu thảo. Cuộc sống này nếu thiếu tiền bạc của cải, thì cũng không thể lấy gì mà phụng dưỡng cho cha mẹ khi cần thiết.

     Chúng ta có thể dâng cho cha mẹ những gì cha mẹ muốn, bởi vì sao? Cha mẹ đã suốt đời hy sinh vì con cái, cũng không ai đòi hỏi con cái phải dâng hiến cho mình những gì vượt ngoài khả năng của con cái. Cho nên phận làm con, phải luôn biết vâng lời cha mẹ, tùy theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế của gia đình mà lo cho cha mẹ những gì cha mẹ muốn, không đợi cha mẹ phải đòi hỏi.

     Trong xã hội ngày nay, nhiều người con sống trong cảnh nhà cao cửa rộng vật chất đủ đầy, nhưng vẫn để cho cha mẹ nghèo khổ, thiếu thốn khó khăn. Chính vì thế mà tục ngữ có câu:

       “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng

        Con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày”.

    Đây quả thực là một tình trạng đáng buồn trong xã hội hiện nay, ơn cha mẹ được ví như trời cao biển rộng mà ta nở lòng nào tính tháng ngày khi nuôi cha mẹ. Rồi kế đến là ân nuôi nấng, từ khi mới sinh ra cho đến khi khôn lớn, cha mẹ phải lo lắng tốn kém đủ mọi thứ, để lo cho con ăn no, mặc ấm và an giấc ngủ ngon lành, mong cho con mau lớn nên người.

    Khi con đau ốm, bệnh hoạn cha mẹ phải lo săn sóc, thuốc thang chữa trị cho con, đến nỗi phải quên ăn mất ngủ, cốt làm sao mong cho con được  khỏe mạnh là cha mẹ đã vui lòng.

    Khi con có hiểu biết, cha mẹ phải dạy bảo con trong cách ăn uống, học hành, đi đứng nói năng lễ phép và trong đối nhân xử thế, đến khi khôn lớn bước vào cuộc đời, tự làm việc để nuôi sống bản thân, làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội.

    Cha mẹ là hai đấng sinh thành có ân nghĩa cao cả đối với con cái, có công lao to lớn hơn trời cao biển rộng, cho nên bổn phận người con phải biết hiếu thảo cung kính dưỡng nuôi, ai đã từng làm cha mẹ rồi mới thấy công ơn cha mẹ không gì có thể sánh bằng.          

    Ngược lại làm con phải hết lòng hiếu kính đối với cha mẹ, tùy theo hoàn cảnh cuộc sống mà ta có thể lo lắng, chăm sóc cho cha mẹ đầy đủ các phương tiện vật chất lẫn tinh thần, để cha mẹ được vui vẻ hạnh phúc. Làm con mỗi ngày phải thức khuya dậy sớm, để lo sắp đặt miếng ăn thức uống cho cha mẹ được ăn ngon cảm thấy vừa miệng.  

    Không tự làm gì khi chưa hỏi cha mẹ và không được trái ý cha mẹ: Mỗi một gia đình đều có truyền thống riêng mà các bậc ông bà tổ tiên đã dày công xây dựng. Người con hiếu thảo ngoài việc làm tròn bổn phận, phụng dưỡng vật chất cho cha mẹ đúng pháp, còn là người biết gìn giữ các giá trị văn hóa và di sản truyền thống tốt đẹp của gia đình.

    Bổn phận người làm con khi muốn làm công việc gì cũng phải hỏi ý kiến cha mẹ trước, mục đích để giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình. Đạo Phật không dạy chúng ta phải tin theo các tín ngưỡng lạc hậu, mê tín có tính cách làm tổn hại con người.

    Làm con trước tiên phải nhớ ân sinh sản, mẹ chín tháng cưu mang, ăn uống phải kiêng cử, giữ gìn cẩn thận trong khi làm việc hay đi, đứng, ngủ, nghỉ lúc thai mang. Trước khi sinh con đau đớn trăm bề tính mạng hiểm nguy, có khi phải bị mất mạng. Còn cha phải lo làm lụng vất vả, nhọc nhằn để lo cho mẹ tròn con vuông.

    Người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời cha mẹ, làm việc tốt cho gia đình và xã hội, mà trước tiên là phải lo phần đời sống vật chất cho cha mẹ mình. Chăm lo đời sống vật chất cho cha mẹ như cúng dường thuốc thang, tiền bạc, quà cáp mỗi khi thăm viếng và nuôi dưỡng cha mẹ khi đau ốm bệnh hoạn hay trong lúc tuổi già.

    Ở đây, một người con hiếu thảo khi phụng dưỡng cha mẹ thì cần phải biết quan tâm, cung kính, thương yêu chân thành, khi cha mẹ thải đồ bất tịnh cũng không được than phiền khó chịu. 

    2- Thay thế cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc  

    Con cái chính là sự tiếp nối quan trọng, để duy trì nghề nghiệp, công việc của cha mẹ. Nếu trong gia đình mà không có người kế nghiệp được xem như là một bất hạnh lớn. Để tồn tại trên cuộc đời này, chúng ta cần phải có nghề nghiệp để sống, bất luận sang hèn, hay giàu nghèo. 

    Dù đó là các nghề làm ruộng trồng hoa màu và các loại cây ăn trái, hoặc mua bán trau đổi hàng hóa hai chiều, hoặc chăn nuôi các loại gia súc,  hoặc làm việc cho vua, quan hoặc bất cứ nghề gì dù là thấp kém, trong các nghề ấy, mọi người hãy siêng năng, tinh cần dùng bàn tay và khối óc của mình, để sản xuất làm việc và phục vụ là được.

    Cáng đáng việc nhà, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ: Ý thức trách nhiệm làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo của người tại gia. Có nhiều trường hợp đặc biệt, người con vì thương kính cha mẹ mà làm nhiều điều xấu xa tội lỗi, để chu cấp thức ăn uống cho cha mẹ.

    Khi đã xây dựng hạnh phúc gia đình riêng, việc làm tròn bổn phận của người con là sống đúng chánh pháp, không làm các điều ác, mà hay làm các việc lành, thay cha mẹ làm các việc nặng nhọc.

    Như chúng ta đã biết, ai cũng phải ăn uống mới bảo tồn sự sống, cho nên  một người con phải có hiểu biết chân chính và làm được những nghề nghiệp mà cha mẹ đã làm và đã truyền dạy lại cho ta. Thay thế cha mẹ phát triển và mở mang nghề nghiệp thêm lớn mạnh, là nhiệm vụ cao cả của phận làm con.

     Trong bổn phận làm con, ngoài mục đích mưu sinh để đảm bảo đời sống vật chất đủ đầy cho bản thân, ta còn phải gánh vác, đỡ đần công việc cho cha mẹ. 

      3- Giữ gìn truyền thống gia phong 

     Truyền thống gia phong là truyền thống đạo đức gia đình, của dòng tộc được giữ gìn và truyền thừa qua nhiều thế hệ tiếp nối. Truyền thống này có thể bao gồm cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, truyền thống gia phong ở đây là chúng ta phải hiểu rõ và thấm nhuần những giá trị đạo đức tốt đẹp. 

     Đạo đức tốt đẹp thuần thiện là chất liệu sống, cần phải có trong các mối quan hệ giao tế, trong cách đối nhân xử thế giữa con người và các đối tác xung quanh. Chất liệu tốt đẹp đó được chắt lọc, tích lũy qua nhiều thế hệ trước đó, để rồi cuối cùng kết thành truyền thống gia phong của từng gia đình người thân và quyến thuộc. 

     Giữ gìn truyền thống gia phong tốt đẹp còn được hiểu là mọi người chúng ta phải tự hoàn thiện tư cách đạo đức cá nhân. Phận làm con, việc giữ vững gia phong bằng cách chuyển hóa những thói xấu của bản thân, sống đúng, sống tốt theo lời Phật dạy cũng là một trong những phương cách giữ gìn truyền thống gia phong, được bền vững và lâu dài. 

     Một nhân cách sống được người trí tán thán và khen ngợi, đó chính là chúng ta biết từ bỏ sát sinh hại vật, trước tiên là không được giết người, kế đến là biết hạn chế giết hại từ con vật lớn cho đến các loài nhỏ nhít. Rồi chúng ta không gian tham trộm cướp hay lường gạt của ai, rồi sống chung thủy một vợ một chồng, không nói dối hại người và không uống rượu say sưa và dùng các chất độc hại như xì ke ma túy. 

     4- Bảo vệ tài sản được kế thừa từ cha mẹ 

     Tài sản mà cha mẹ để lại bao gồm tất cả những giá trị vật chất lẫn tinh thần. Việc giữ gìn truyền thống gia phong chính là chúng ta biết sống tốt, không làm tổn thương đến người khác và còn hay giúp đỡ sẻ chia khi có nhân duyên. Ngoài ra, việc quản lý, giữ gìn và phát triển tài sản vật chất mà cha mẹ đã để lại cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với con cái. 

     Bằng mồ hôi và nước mắt, bằng con tim và khối óc với đôi bàn tay siêng năng, cha mẹ đã để lại một gia tài cho ta thừa hưởng. Việc quản lý giữ gìn tài sản gia phong được bền vững và lâu dài, là bổn phận quan trọng và cần thiết của những người con. 

     Chúng ta cần phải biết, việc tạo ra tài sản không phải dễ, nó đòi hỏi con người phải có đầy đủ năm yếu tố cơ bản: thứ nhất siêng năng tinh cần, thứ hai là tiết kiệm, thứ ba là không phóng túng hoang phí, thứ tư là khộng trộm cướp của ai và thứ năm là biết giúp đỡ, sẻ chia khi có nhân duyên. Việc tích lũy tài sản đã khó nhưng việc giữ gìn, bảo vệ tài sản đó được tồn tại lâu dài lại càng khó hơn. 

      5- Khuyến khích cha mẹ hướng thiện và biết quy hướng về Tam bảo 

     Con cái có thể báo đáp thâm ân cao cả của cha mẹ qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Theo Phật giáo, phương diện tinh thần tức là phần tâm linh của chúng ta rất quan trọng và cần thiết, vì tâm ý suy nghĩ rồi mới nói năng và hành động. 

      Giáo lý đạo Phật ngoài việc chỉ dạy cho người xuất gia được giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, mà Đức Phật còn chỉ dạy cách đối nhân xử thế để hoàn thiện đạo lý làm người trong gia đình và xã hội. Một con người sống có nhân cách đạo đức dù bất cứ ở hoàn cảnh nào, cũng có thể giữ mối quan hệ tốt đẹp bằng tình người trong cuộc sống.

    Ngoài việc phải gánh vác tất cả công việc nặng nhọc, thay thế cho cha mẹ, để cha mẹ được phấn khởi vui vẻ trong lúc tuổi già. Người con hiếu lúc nào cũng nhớ ơn sanh thành, dưỡng dục, mà ráng lo báo đáp khi cha mẹ còn sanh tiền. Khi cha mẹ đau ốm, phải hết lòng săn sóc, hầu hạ bên giường, không nài khó nhọc, lo thuốc thang điều trị cho cha mẹ sớm mau hết bệnh mà không sợ hao tốn.

     Mối quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái là mối quan hệ thiêng liêng và cao quý mang tính từ bi và hỷ xả. Các bậc cha mẹ không chỉ chăm lo về đời sống vật chất cho con cái mà còn lo về phần tinh thần, giúp cho con cái có hiểu biết chân chính để sống tốt cùng với mọi người. Và bổn phận người con cũng phải chăm sóc đầy đủ cho cha mẹ phần vật chất lẫn tinh để cha mẹ được an vui, hạnh phúc, trong giờ phút hiện tại.

                                 Kinh Bổn sự nói:

                                 Trên đời có hai người

                                 Ân sâu khó đền đáp

                                 Đó là cha và mẹ

                                 Sinh ta, nuôi lớn ta.

     Giả sử dùng hai vai đến trăm kiếp ngàn đời cõng cha mẹ, thường cung kính cúng dường cho ăn uống đầy đủ, cũng không đền đáp hết ân cao cả của mẹ cha. Vì cha mẹ đối với con cái sinh thành và dưỡng nuôi, dạy dỗ điều hay lẽ phải, thương yêu con cái chẳng nệ hà thân mình, để lo hạnh phúc cho con.

     Phận làm con nếu khuyên cha mẹ biết quy hướng Tam bảo, tin sâu nhân quả tu học theo chánh pháp Phật đà, như vậy mới chân thật đền đáp ân sâu. Có cha mẹ biết đi chùa tin sâu Tam bảo là phước báo lớn cho gia đình người thân. Tu học Phật pháp giúp cho cha mẹ an vui nơi chánh pháp, sống ít phiền muộn về tuổi già, vui hưởng an lạc hạnh phúc hiện tại và mai sau.

     Chúng ta có cha mẹ biết tin sâu nhân quả hay đi chùa là phước báo to lớn cho gia đình người thân. Kinh Báo hiếu Đức Phật dạy:

     “Ví có người ơn sâu dốc trả, cõng mẹ cha tất cả hai vai, giáp vòng hòn núi Tu-Di, đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền”.

      Sự sống của chúng ta hiện nay là đã mang ơn, thọ ơn trong nhiều đời kiếp. Nhất là thâm ân cao cả, ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong nhiều đời.

      Tục ngữ Việt Nam có câu “thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, điều đó nói lên tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của văn hóa gia đình, đối với đạo đức Phật giáo trong thời đại hiện nay.

      Đạo thờ ông bà tổ tiên là một truyền thống của người Việt Nam từ ngàn xưa cho đến nay, đã tôn vinh sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, được thể hiện qua ca dao: 

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta

Làm con nên phải xót xa

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”. 

      Đạo Phật là đạo hiếu, tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Đối với người tu theo đạo Phật, hiếu thuận là hành trang cơ bản của nhân loại trên bước đường dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. 

     Trong kinh Phật dạy: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn tu hành đến nay mới thành Phật, toàn là nhờ công ơn của cha mẹ. Vậy nên người học Phật phải nên cung kính hiếu thảo cha mẹ”. Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ nên vô ngã vị tha, vậy người học Phật phải ý thức rằng: 

“Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ
 Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha”.  

     Cho nên người Việt Nam sống với nhau theo truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, đó cũng là một biểu hiện của tính tương thân tương trợ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống, con người nếu không có lòng hiếu thảo thì không thể làm được mọi việc tốt đẹp. 

     Biết ơn và đền ơn là giáo lý nền tảng của người Phật tử chân chính, khi thọ ơn ai dù là việc nhỏ nhặt nhất cũng không bao giờ quên. Nếu ai làm được như vậy người thế gian gọi đó là người tốt vì chúng ta biết sống có tình, có nghĩa đối với mọi người. 

      Biết ơn là nền tảng đạo đức sống của nhân loại, nên ơn nghĩa là cái gốc của đạo làm người. Con cái luôn hiếu kính với cha mẹ vì biết ơn mang nặng đẻ đau, công sinh thành dưỡng dục. Học trò quý kính, biết ơn thầy cô giáo nên cố gắng siêng năng, chăm chỉ học hành. 

      Trong cuộc sống, Phật thường nêu lên bốn ơn lớn là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn đàn na tín thí để khuyên nhủ và răn dạy mọi người. Công ơn cha mẹ là một trong bốn ơn trọng, chúng ta phải có trách nhiệm đáp đền. 

     Một người con hiếu kính thì sẽ ăn nên làm ra, công thành danh toại, kẻ bất hiếu thì ít khi làm nên sự nghiệp. Đa số người con bất hiếu đều dính vào vòng tệ nạn xã hội, cha mẹ mà còn không biết ơn nghĩa, thử hỏi làm sao mở rộng tấm lòng giúp đỡ người xung quanh. Do đó, người con bất hiếu luôn thất bại trong cuộc sống và thường xuyên bị người đời chê trách, chính vì vậy mà hay làm khổ sở mẹ cha. 

    Phật dạy, niềm vui của bậc hiền Thánh là biết hiếu kính với cha mẹ, nhiều người không hiểu cứ nghĩ cúng dường cho người tu là có phước nên nghe đồn ở đâu có linh ứng một chút thì đùng đùng kéo đến cúng dường, bỏ mặc cha mẹ ở nhà khổ sở, thiếu thốn. Tu như vậy là đi ngược lại lời Phật dạy. 

     Trên đời này ai còn đủ mẹ cha là một phước báu to lớn, người con ấy thật hạnh phúc vì còn có cơ hội báo hiếu, chăm lo phần vật chất lẫn tinh thần, giúp cha mẹ an vui trong tuổi già nhờ biết quy hướng Tam Bảo. Phận làm con phải biết quan tâm, lo lắng, giúp đỡ để cha mẹ được an vui, hạnh phúc và một lòng tôn kính, quý trọng. Người con hiếu trước tiên phải biết vâng lời và kính trọng cha mẹ, nên ca dao có câu:

Thương cha mến mẹ con làm,
Không sợ tốn kém, không nề gian nan.
Công cha nghĩa mẹ khó đền,
Vào thưa, ra hỏi mới là đạo con. 

     Song bên cạnh đó, ở mỗi nhà Phật tử, bàn thờ Phật thường được trang trọng ở giữa nhà cao hơn bàn thờ gia tiên, để người con hiếu thảo tỏ lòng tôn kính Tam Bảo và ông bà tổ tiên. 

     Chính vì vậy hàng năm, ngày lễ Vu Lan nhắc nhở những người con hiếu thảo tỏ lòng biết ơn cha mẹ hiện tiền, tưởng nhớ cha mẹ nhiều đời để ngày càng sống tốt hơn, trong tình thương yêu bình đẳng với tất cả mọi người bằng trái tim hiểu biết. 

     Bổn phận con cái đối với cha mẹ là hiếu thảo kính yêu, cung cấp và nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ vật chất lẫn tinh thần, giúp những việc cha mẹ cần làm, giữ danh dự và truyền thống gia đình, giữ gìn tài sản, sự nghiệp của cha mẹ.  

     Cha mẹ cũng có bổn phận nuôi nấng con khôn lớn và giáo dục con nên người, giúp con có nghề nghiệp, hướng con theo đường lành, dựng vợ gả chồng cho con, trao của thừa tự cho con đúng lúc.

Các tin đã đăng: