Lẫm chẫm biết đi, tôi níu áo mẹ đòi đi chợ. Mẹ tôi bỏ tôi vào một đầu quang gánh và gánh cùng với khoai sắn, thóc, gạo… Lần đầu trong đời tôi đi ra chợ đó là chợ Cộôc dân trong vùng thường gọi là chợ Trường Dục hoặc chợ Cổ Hiền. Lên năm, sáu tuổi, tôi chạy lon ton theo mẹ, khi chân không bước nổi, mẹ cho tôi lên thúng quảy đi.
Chợ xưa - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Chợ Cổ Hiền nằm ở ngã ba giữa thôn Cổ Hiền và Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trước mặt chợ là bến sông, thuyền ken dày đặc. Giữa chợ có hai cây đa cổ thụ như hai cột đình sừng sững chống trời, tán xòa rộng như đám mây che nắng. Nhà Nguyễn xây lũy Trường Dục vào khoảng năm 1630, cách chợ vài trăm mét. Nơi mua bán nông lương gần nơi tụ tập quân sĩ, nếu chợ có từ đó thì cũng gần bốn trăm năm rồi.
Khi tiếng chuông chùa Bình Thôn thong thả nhỏ giọt vào không gian tiếng boong boong nhẹ như giọt sương rơi vào cành lá lẫn trong tiếng cầu kinh mơ màng trong bàng bạc khói sương. Khi vầng trăng khuyết gối đầu lên đỉnh Thần Đinh, khi tiếng gà canh cuối vừa dứt, chợ bắt đầu họp.
Người Nguyệt Áng, Hữu Lộc, Bình Thôn phía Đông ngược lên. Người Long Đại, Trường Sơn phía Tây đổ xuống. Người Trung Quán, Hiển Lộc theo đò sang ngang.
Người Lộc Long, Kim Nại, Hoành Phổ theo hướng Bắc đổ về. Như đàn kiến tha mồi về tổ. Chợ quê, đặc sản là khoai, đặc biệt là khoai Nguyệt Áng, củ to, mập ú, bột nghẹn cổ. Sắn Vạn Ninh, củ dài thon như cánh tay con gái, nõn nà, dẻo như kẹo kéo. Chanh Cổ Hiền trái to như trứng vịt, xanh biếc mắt trời, mọng nước, vị chua thanh thoát, dịu dàng, mùi thơm tinh khiết. Bắp Đồng Tư, lớn lên từ bãi bồi ngã ba sông Đại Giang, áo lót cồi màu xanh lơ mỏng cánh chuồn chuồn, hạt tròn căng đều như răng con gái. Uống một bát nước râu bắp ngọt như pha đường phèn, thấm vào cổ họng rồi đọng ở đó, xua tan cái rát bỏng của gió Lào.
Mít Vạn Ninh, múi ươm màu mỡ gà, thơm nức. Cua, rạm từ Hỏa Lò, Quảng Xá theo đò dọc đưa về, chất đầy oi, chen chúc như tổ ong. Vào cuối tháng, khi ánh trăng yếu dần đi, cua rạm vào độ cứng, chắc nịch, gạch vàng nghệ. Rau muống, rau cải, bầu, bí, cà… từ Lộc Long, Hoành Phổ, Đại Phúc sau chuyến đường xa, ngồi nghỉ riêng một góc. Rau còn ngậm sương, chập chờn run rẩy dưới làn mưa mỏng như khói, non tơ xanh ngắt. Muống nấu canh đam (cua đồng), bầu nấu canh tép, cà um tỏi.., là phần thưởng tuyệt vời mà thiên nhiên dành cho vùng đất nghèo khó.
Tôi nhớ, nép bên góc chợ là hàng bánh. Bánh rán thơm lừng, bánh bột lọc trong vắt ôm con tôm co mình. Bánh sắn nhân đam hoặc thịt ba chỉ, láng mỡ, dai, cắn ngập chân răng. Bánh đúc mọc đầy lạc, núng nính, nằm tròn trịa trên mủng, phía dưới lót là chuối, xắn từng khúc dày dặn, bỏ lên đĩa, chan muỗng nước chấm chua ngọt, chưa ăn đã no. Rẽ qua hàng bánh, đồng tiền ngọ nguậy trong túi, vì cái bụng bắt đầu réo gọi, mắt thèm khát, nước miếng ứa ra, chân bước mà đầu còn ngoái lại, thế nào mẹ cũng cho vài xu để tôi thưởng thức của ngon vật lạ.
Bỗng đâu mọc lên một ông già mặc áo dài thâm nâu ngồi trước cửa chợ. Ông già đến trễ hơn các hàng xén. Bu quanh ông là cầu vồng bảy sắc, là chong chóng, là tò he. Lũ trẻ chúng tôi chỉ chờ trong vài ba phút là có một ông voi, ông ngựa, có cả lính hầu màu xanh đỏ với giá vài xu. Về nhà ngắm nghía, khoe mẽ với bạn bè chán chê rồi ôm chúng ngủ vùi trong giấc đông lạnh lẽo. Khi tỉnh dậy, ông voi mất vòi, ông lính mất đao,…và chúng tôi làm thịt các ông bằng miệng.
Những năm chiến tranh phá hoại, chợ dời về thành Lũy. Nấp trong bụi có dây leo ken dày là quán lá đơn sơ được làm vài cọc rào thưa thớt bằng tre phía trên đội vài miếng vải bố rách như cờ phướn trong trận gió. Chợ nằm trên đường đi. Từ chợ cũ về bến đò Trung Quán (cạnh trường cấp 3 Quảng Ninh) cách vài trăm mét. Chợ lẫn trong xóm làng tan tác vì bom đạn. Họp chớp nhoáng rồi tan, nhanh đến nỗi người mua chưa lấy hàng người bán đã quẩy gánh. Đi nhanh về chóng là khẩu hiệu cũng là mệnh lệnh. Chợ họp trong vài ba mươi phút, khoảng từ bốn rưỡi đến năm giờ sáng. Cái giờ đó, đêm còn yên tĩnh, lũ phi công còn ngái ngủ. Sương giăng mờ ảo, trăng cũng vừa đủ sáng để thấy cái màu của đồng tiền mà đoán trị giá của nó. Người bán không thách, người mua không trả giá. Bó rau, con cá đã định trước rồi, bao nhiêu ai cũng biết. Người mua, kẻ bán chạm mặt nhau hàng ngày, lỡ có đắt chút xíu thì hôm sau bù lại.
Cái tình người thời ấy là thế. Đi chợ, người ta thạo tin chiến tranh hơn cả đài. Đêm qua rốc-két bắn Lộc Long có ba người chết, bom bi thả ở Long Đại, trúng vào xe chở quân, bị thương mười mấy bộ đội mà toàn con gái. Rồi Hoành Phổ, Phúc Lương* chưa đầy một tháng mà có mấy cái báo tử. Có nhà làm lễ truy điệu anh rồi tiếp truy điệu em, tang chồng lên tang. Nhưng cũng có những niềm vui từ chợ. Có người báo tử lại khoác ba-lô về lành lặn, có người tưởng bị cụt chân hóa ra không phải, vì tin tức chiến trường qua năm lần bảy lượt nó hao hụt hoặc vống lên là lẽ thường.
Chúng tôi lớn lên trong khói lửa đạn bom, chợ cũng dăm ba lượt di dời.
Bẵng mấy chục năm đất khách quê người, tôi trở về tìm lại hơi ấm tuổi thơ thuở trước. Tôi ra chợ, một mình với mái tóc già nua, phiêu lãng trong nắng nhạt mùa đông. Tôi chầm chậm bước in lên dấu chân mình, bàn chân khổ ải chạm vào dấu chân xưa nhỏ nhắn, hoang sơ một thuở như còn vương mùi bùn đất. Văng vẳng nghe tiếng mẹ hối thúc bước nhanh cho khỏi nắng, mặt trời đã một cây sào.
Con đường mòn vẹt lối ngoằn ngoèo thay bằng bê-tông dày cộp, thẳng tắp. Người ta đi chợ bằng xe máy, người ta chở hàng bằng công nông. Hai cây đa như hai cột chống trời đã bị đốn, để lại khoảng trống vắng mênh mang dù quán hàng ken dày như phố.
Tôi đi tìm những con thuyền trên bến, tìm ông già ngồi nặn tò he, tìm chong chóng, tìm hàng khoai, hàng sắn,…tìm mãi, tìm mãi, không còn. Nhưng, mùi hương cỏ mật, tiếng dế đồng vẫn văng vẳng đâu đây, mùi bánh rán ngày nào thức giấc, vài xu bánh tráng vừng mẹ mua tròn như mặt trời tuổi thơ hiện lên trong tâm thức.
Tôi gặp chợ như gặp lại đồng quê, cũng cánh đồng có gió và nắng, cũng cây lúa xanh rì nhưng không tìm ra cánh cò, không tìm ra tiếng chim sẻ đồng chiêm chiếp. Một chợ ô vuông rubic bê-tông, san sát hình ảnh kiêu sa của người mẫu quảng cáo, ồn ã, chào mời những món Tây, Tàu.
Thời gian làm tôi già đi nhưng chợ thì trẻ lại. Cái già nua của chợ cách mấy chục năm trước là bạn của tuổi thơ tôi. Sự trẻ trung của chợ hiện thời như đối lập với tôi dù tuổi tôi chỉ bằng phần trăm tuổi chợ. Tôi lạc lõng trong đông vui của thiên hạ. Cô đơn như cánh chim không biết đậu vào đâu trong hoàng hôn.
Nhìn cụ già miệng nhai trầu chầm chậm bước ra từ chợ. Mẹ tôi còn sống chắc bà cũng như thế, cũng đi chợ hàng ngày, cũng tằn tiện từng đồng xu cắc bạc. Tôi thấp thoáng nhớ về miền xa lắc trong giấc ngủ vùi dưới cơn gió từ bàn tay mẹ:
Ồ ô ồ ôộc
Cà côộc lá lay
Cổ Hiền đơm xay
Bình Thôn nấu náng
Nguyệt Áng rọn ràng
Mời làng tới ăn...
Câu hát nửa thế kỷ đã trôi qua mẹ hát ru tôi vẫn nguyên vẹn, vĩnh hằng. Nhưng đau đớn thay, trên mảnh đất này, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, quê hương yêu dấu của tôi, có còn ai hát nữa câu hát ngày xưa.
Tạp bút Từ Sâm