Cầu Truyền hình Quốc tế: “Hà Nội – Viêng Chăn- Paris/ UNESCO: Hoà điệu văn hoá, khát vọng hoà bình” lần đầu tiên tại Việt Nam đã diễn ra lúc 20h ngày 31/7 tại Hà Nội. Đây là một sự kiện có ý nghĩa được Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong đợi tham gia, chia vui cùng đồng bào trong nước, là hoạt động thiết thực thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Biểu diễn quan họ tại điểm cầu Hà Nội
|
Đầu cầu Hà Nội được tổ chức tại khu vực Hồ Tây cạnh chùa Trấn Quốc. Đầu cầu Viêng Chăn, Lào được tổ chức tại Đại học Quốc gia Lào. Đầu cầu Paris, Pháp được tổ chức tại Trụ sở Tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc).
Nối Hà Nội - Viêng Chăn – Paris, chương trình giao lưu giữa ba thủ đô trong Câu lạc bộ các thành phố 1000 năm tuổi là hoạt động trọng tâm của Chương trình “Kiều bào và tuần lễ văn hóa dân tộc hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” từ 27/7-2/8/2010 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đài Truyền hình VTC, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Cổ phần truyền thông HTV và các cơ quan hữu quan thực hiện.
Chương trình nhằm đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài được đóng góp vào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời khẳng định sự quan tâm của trong nước đối với đời sống văn hóa - tinh thần của kiều bào, khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam”.
Tới tham dự Chương trình, tại đầu cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Văn Núi; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các vị đại sứ Lào, Australia, New Zealand, đại diện trong Đoàn Ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội; các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Nhật Bản.
Tới tham dự tại đầu cầu Viêng Chăn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thong - lun Xỉ - xu – lít; tại đầu cầu Paris có đại diện Lãnh đạo UNESCO Saturnino MUNOZ GOMEZ và các vị khách quý đại diện chính quyền thành phố Viêng Chăn và Paris, đại diện đại sứ quán Việt Nam và đại sứ quán các nước tại Lào và Pháp, cùng đông đảo khách mời và kiều bào ta tại hai nước.
Đặc biệt, tham dự chương trình, còn có 150 thanh thiếu niên đại diện cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài. Các em về tham dự chương trình Trại hè Việt Nam 2010 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Trước Cầu Truyền hình, các đại biểu đã dâng hương tại chùa Trấn Quốc và dự Lễ thả hoa đăng cầu quốc thái dân an tại sân khấu nổi trên Hồ Tây, cạnh chùa Trấn Quốc.
Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu trong chương trình Cầu truyền hình
|
Phát biểu tại Cầu truyền hình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hy vọng rằng: thông qua chương trình này, kiều bào ta ở nước ngoài, nhân dân các nước và bạn bè quốc tế sẽ hiểu biết thêm về một Việt Nam năng động và hội nhập với sức mạnh “đại đoàn kết toàn dân tộc” đang phấn đấu xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; hiểu biết thêm về dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình và truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, mong hòa hiếu trong quan hệ với các nước trên tinh thần “Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Thời gian qua kiều bào ta ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê Cha đất Tổ, đã có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong thời gian tới, bà con hãy tiếp tục hướng về quê hương, đất nước cùng với đồng bào cả nước góp công, góp sức nhiều hơn, phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn Phát biểu khai mạc chương trình
|
Phát biểu khai mạc chương trình Cầu truyền hình, Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: Cầu Truyền hình Quốc tế: “Hà Nội – Viêng Chăn- Paris/ UNESCO: Hoà điệu văn hoá, khát vọng hoà bình” là sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam và tôn vinh Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch và 20 năm ngày UNESCO vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Cầu truyền hình cũng là dịp để chúng ta tự hào giới thiệu một phần di sản văn hoá và truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam trong mối tương tác cùng hướng tới các giá trị nhân văn cao cả chung của nhân loại”.
Hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
Tại điểm cầu Paris, dàn đồng ca Quê Hương thể hiện tác phẩm "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Chỉ huy: nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo
|
Với chủ đề Hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chương trình nghệ thuật và giao lưu gồm 3 nội dung chính: Chia vui mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Hòa điệu văn hóa và Khát vọng hòa bình; Việt Nam – Thăng Long – Hà Nội và thời đại Hồ Chí Minh.
120 phút chương trình với nhiều phóng sự ngắn và các cuộc toạ đàm, giao lưu với các chính khách, nhạc sỹ, nhà sử học, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài... với những hình ảnh sinh động, hấp dẫn, nội dung sâu sắc, chan chứa tình cảm của đồng bào ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế đối với với Hà Nội, Việt Nam và với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong một phóng sự được thực hiện tại Pháp, bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO đã đề cao Chủ tịch Hồ Chí Minh và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong UNESCO. Bà rất tự hào được tham gia trong lễ kỷ niệm lớn của Việt Nam. Bà bày tỏ: cách đây 20 năm, UNESCO đã tham gia tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lần này là Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là lễ kỷ niệm trọng đại với mỗi người dân Việt Nam, nhưng cũng rất quan trọng đối với tổ chức UNESCO. Nó minh chứng cho sự phát triển và sức sống của đất nước Việt Nam. Bà nhấn mạnh: những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của tính nhân văn và có sức chi phối.
Bà đã gửi đến nhân dân Việt Nam thông điệp về tình hữu nghị và sự khâm phục bởi Việt Nam không chỉ được cả thế giới biết đến trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc và hòa bình mà còn được biết đến là một đất nước rất năng động với những tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng.
Giao lưu tại đầu cầu Viêng Chăn, ông Hoàng Văn Diểu – Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào cho biết: Nói đến kiều bào tại Lào là nói đến lòng yêu nước, đặc biệt là tình đoàn kết gắn bó thương yêu lẫn nhau. Trong dịp này, Tổng hội người Việt Nam tại Lào đang phát động phong trào hướng về cội nguồn, tìm hiểu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Kiều bào ta đang sinh sống trên đất bạn Lào với gần 30.000 người trên 11 tỉnh thành luôn gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam cũng như bản sắc văn hóa dân tộc Lào, chấp hành các nội quy chính sách, luật pháp của đất nước Lào, tạo nên một hình ảnh đẹp đẽ, tạo nên sự đoàn kết đặc biệt Lào – Việt mãi mãi san tươi, đời đời bền vững.
"Hát về Người – Hồ Chí Minh"
Với sự tham gia giao lưu, biểu diễn của các nhà sử học, nhà ngoại giao, nghệ sỹ,… Việt Nam, Lào và Pháp tại các đầu cầu là một nét đặc sắc của Chương trình. Với những tình cảm sâu đậm, tha thiết của mỗi người trong số họ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam đã để lại những ấn tượng xúc động khó quên cho khán giả Cầu truyền hình.
Nhà sử học người Pháp-Giáo sư Phillip Deville năm nay đã 90 tuổi xúc động nói: Cả cuộc đời ông đã làm rất nhiều nghề từ phóng viên báo London thường trú tại Sài Gòn, Hà Nội đến Giám đốc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp, tất cả đều là để tự tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam. Trong ngôi nhà của ông tuy không có một chiếc bàn thờ như các gia đình Việt Nam, nhưng trong tâm tưởng ông luôn có một bàn thờ, ở đó trọn đời ông dành để tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại điểm cầu Viêng Chăn, các nghệ sĩ Lào biểu diễn bài “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời”
|
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010), tại Lào đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, trong đó có cuộc vận động sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã có nhiều bài hát hay của các nhạc sĩ Lào sáng tác về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là những tài sản quý báu của tình hữu nghị Việt – Lào. Tại chương trình giao lưu này, khán giả thật xúc động khi được thưởng thức ca khúc “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” của Thứ trưởng Bộ Thông tin – Văn hóa Lào Bua – ngân Xa – phu – vông với những lời ca thật sâu sắc:
"Vừng sáng lung linh ánh sao sáng ngời đêm tối
Soi cho ta đi bước chân vượt muôn ngàn chông gai
Vác gậy mau kết đoàn giúp ta như thác đổ, triều dâng
Hồ Chí Minh ơi Bác Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời
Hồ Chí Minh kính yêu sáng ngời thế giới
Hiến dâng thân mình vì hạnh phúc của nhân dân
… Khắc ghi trong lòng người người kính yêu Hồ Chí Minh
Sáng trong tấm gương Bác Hồ mãi mãi không bao giờ quên".
Thăng Long – Hà Nội đã trải qua 1000 năm thăng trầm từ sự kiện trọng đại Vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010) để đến thời đại Hồ Chí Minh là thời đại phát triển nhất. Nói về vai trò của thời đại Hồ Chí Minh trong sự phát triển của đất nước, tại đầu cầu Hà Nội, giáo sư sử học Phan Huy Lê cho biết: Thời đại Hồ Chí Minh mở ra đến hôm nay là 65 năm, 65 năm ấy lịch sử đã in đậm những thành tựu to lớn. Đó là, Việt Nam đã giành được trọn vẹn độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước, đây là một thành tựu rất vĩ đại của thời đại Hồ Chí Minh, đặt nền tảng cho sự phát triển toàn diện của đất nước sau này. Chúng ta ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, tình cảnh nghèo nàn lạc hậu của đất nước và gần đây chúng ta đã thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu nhất trên thế giới. Thời đại chúng ta sẽ vươn lên thành một nước công nghiệp phát triển sánh ngang với các nước châu Á và trên thế giới.
Với những tình cảm sâu đậm, tha thiết của mình, các thanh thiếu niên kiều bào tham dự chương trình Trại hè Việt Nam 2010 đã thể hiện những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh và để lại những ấn tượng thật đặc biệt.
“Thế giới hát về Người. Việt Nam hát về Người. Bao nhiêu năm qua những bài ca hay nhất của Việt Nam là những bài ca về Người là những bài ca viết bằng trái tim… Cùng hát lên tên Người, hát tên Người Hồ Chí Minh”.
Thông qua Chương trình này, khán giả có dịp hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử 1000 năm văn hiến của vùng đất kinh kỳ đã được biết bao thế hệ người Việt Nam dày công xây dựng, cũng như cuộc đời bình dị và tình cảm sáng trong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nhân dân và bè bạn quốc tế.
Cầu Truyền hình là sợi chỉ xuyên suốt gắn kết 3 thủ đô với những nét văn hóa đặc trưng vừa cổ xưa vừa hiện đại, trong đó có những điểm tương đồng giữa các nền văn hóa ấy. Đây cũng là thông điệp gửi tới bạn bè quốc tế một nước Việt Nam thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa, ưa chuộng hòa bình và rất thủy chung với bạn bè.
Một số hình ảnh của Lễ dâng hương và Lễ thả hoa đăng:
Một số hình ảnh của Cầu truyền hình quốc tế tại điểm cầu Hà Nội:
Phương Thuận