Giang hồ phố núi quy y cửa Phật
22/08/2010 23:15 (GMT+7)

Cuộc sống của giới giang hồ rất khốc liệt. những cuộc đâm chém, bạo lực, sự xảo trá… dễ xô đẩy tâm hồn con người đến chỗ bế tắc, máu lạnh. Tôi buộc lòng phải tìm một con đường khác để khai phóng tâm hồn mình và tôi đã chọn cửa Phật” - sư Chơn Hữu nở nụ cười thân thiện bắt đầu cuộc trò chuyện về cuộc đời mình.

Đại ca phố núi

Sinh ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, lên năm tuổi cậu bé Huỳnh Thiện Hữu rời mảnh đất cố đô để cùng gia đình vào Đà Lạt lập nghiệp. Mê văn chương, Hữu thường xuyên có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi văn thành phố Đà Lạt cấp tiểu học, là niềm kỳ vọng của cả gia đình. Nhưng rồi những năm cuối cấp hai, những trang văn hay cứ thưa dần, thay vào đó là những trò quậy phá, đánh nhau và bỏ học. “Do một xích mích nhỏ, một số bạn cùng lớp đã thuê giang hồ vào đánh tôi một trận thừa sống thiếu chết. Uất ức, tôi nuôi chí trả thù. Từ đó tôi bỏ trường để đi học võ ở Thiếu lâm Nam Sơn và Hiệp khí đạo. Tại đây, tôi đã kết thân với những thành viên của băng giang hồ khét tiếng Ánh Sáng. Một năm sau, tôi đã trả sòng phẳng món nợ trước đó. Người đánh tôi lúc trước đã bị tôi quy phục. Mặc dù gia đình hết lời can ngăn nhưng tôi đã bỏ học và gia nhập băng Ánh Sáng” - rót nước mời khách, sư Chơn Hữu nhớ lại con đường đưa thầy vào giới giang hồ. Giỏi võ nghệ, cùng với máu liều lĩnh và bản tính “chơi đẹp” nên chỉ một thời gian ngắn, Hữu đã được anh em trong băng Ánh Sáng tín nhiệm bầu làm đại ca.

Với sư Chơn Hữu: “Chỉ có hướng thiện mới giúp con người giải thoát khỏi lỗi lầm và thù hận”. Ảnh: NGUYÊN LINH

Với tài dụng binh của Hữu, băng nhóm này luôn giành phần thắng trong những trận huyết chiến giành lãnh địa và thể hiện đẳng cấp. Từ đó, tiếng tăm Hữu nổi cả vùng, Ánh Sáng trở thành nỗi khiếp sợ của giới giang hồ và người dân phố núi với những phi vụ thanh toán, đánh mướn, đòi nợ thuê và bảo kê các vũ trường, gái bán thân. Giới giang hồ càng nể phục Hữu hơn bởi những nghĩa cử nhân đạo với chính đối thủ của mình. Trong một lần chạm trán với giang hồ quận 4 (TP.HCM), chính tay Hữu đã hứng cho đối thủ nhát chém cuối cùng, cứu mạng đối phương, còn Hữu thì phải nhập viện cấp cứu.

Lãnh chúa bãi vàng Tà In

Có danh tiếng, Ánh Sáng kiếm được khá nhiều tiền nhưng rồi đều ném vào vũ trường và những cuộc nhậu thâu đêm.

Sau những trận thanh toán kinh hoàng, một phần vì rơi vào tầm ngắm của công an, một phần muốn đổi gió vì chán ngấy cuộc sống ở vũ trường, Hữu và một số đệ tử đã tách ra khỏi băng Ánh Sáng để về tung hoành tại khu vực bãi vàng Tà In (xã Tà In, Đức Trọng, Lâm Đồng). Tại đây, Hữu bắt tay với Hải cẩu - một thủ lĩnh trong giới giang hồ chuyên bảo kê sòng bài ở Đà Lạt để cai quản bãi vàng.

Sau một hồi trầm ngâm như muốn kéo quá khứ lại gần, thầy kể tiếp: “Để xưng bá tại bãi vàng, Hải cẩu đã mời tất cả anh em trong giới giang hồ ở bãi vàng Tà In đến dự tiệc rượu để thị uy. Trong tiệc rượu, Hải cẩu lên giọng hỏi: “Ở đây, ai không phục tao thì đứng dậy!”. Tất cả ngồi im phắc, duy chỉ có một người đứng dậy. Đó là Hoàng - thủ lĩnh băng Hoàng nháy. Thấy có kẻ dám phạm thượng, Hải cẩu tung cú đấm như trời giáng vào mặt Hoàng để răn đe. Lập tức, Hoàng nháy đáp trả bằng một cái ly thủy tinh vào đầu Hải cẩu gây sát thương rồi bỏ chạy khỏi lán”. Từ đó, băng Hải cẩu và băng Hoàng nháy thề không đội trời chung. Nhiều đêm băng của Hữu thực hiện các vụ đột nhập, tập kích vào lán trại để trừng trị Hoàng nháy nhưng bất thành vì tên này đã đề phòng, bỏ lán đi ngủ chỗ khác. “Kế hoạch trừng phạt gặp bế tắc vì băng Hoàng nháy có đến 70 tên giang hồ, ban ngày không thể đụng đến nó, còn ban đêm thì tìm không ra chỗ nó ở để trị” - sư Chơn Hữu kể.

Sư thầy Chơn Hữu bên lớp học tình thương dạy ngoại ngữ cho trẻ em nghèo. Ảnh: NGUYÊN LINH

Một thời gian sau, băng Hải cẩu thu nạp thêm Việt lựu đạn, có vũ khí nóng và như hổ mọc thêm cánh, băng này làm mưa làm gió ở bãi vàng. Khi biết chắc Hoàng nháy ở trong lán trại, quân Hải cẩu do Việt lựu đạn cầm đầu mang theo súng AK, lựu đạn đã tập kích vào lán trại, bắt sống tên Hoàng. Để đổi lại mạng sống và tạ lỗi đã phạm thượng với Hải cẩu, Hoàng nháy đưa ra một chai đựng toàn vàng. Nhóm Hải cẩu không lấy số vàng đó mà đưa ra yêu sách trong hai ngày Hoàng nháy phải rút hết quân trên mảnh đất được coi là “rốn vàng” tại bãi vàng Tà In để giao lại cho băng Hải cẩu khai thác. Từ mảnh đất màu mỡ này, băng Hải cẩu khai thác được rất nhiều vàng, đẳng cấp, quyền lực ngầm ở bãi vàng càng phân rõ hơn.

Bỏ giang hồ làm việc thiện

“Một tháng 30 ngày tôi chìm ngập trong ăn chơi, men say và thấy cuộc đời mình nhàm chán quá. Tôi càng chán chường hơn khi chứng kiến những cuộc thanh toán, tàn sát đẫm máu, những cái chết đau lòng của bằng hữu. Có lần vì giận bản thân, tôi đã cắn nát ngón tay mình rồi bỏ đi lang thang. Sau khi đọc xong tập thơ Chèo vỡ sông trăng và tập truyện Người trồng hoa và chàng tu sĩ của thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, tôi bắt gặp hình bóng của mình trong tác phẩm này. Lúc đó tôi mới ngộ ra rằng chỉ có hướng thiện mới giúp con người giải thoát khỏi lỗi lầm và thù hận ” - sư Chơn Hữu tâm sự.

Hằng ngày sư Chơn Hữu đi khất thực để giúp trẻ em nghèo và những gia đình bất hạnh. Ảnh: NGUYÊN LINH

Khi biết đại ca khét tiếng ở phố núi Đà Lạt đã quy y cửa Phật, nhiều giang hồ ở các miền đã về chùa tìm sư Chơn Hữu để xin lời khuyên. Nghe lời sư thầy, nhiều người cũng đã quy y cửa Phật hoặc hoàn lương. Sư Chơn Hữu luôn tâm đắc với câu thơ:  Tình yêu thương màu non của lá, giúp cây đời mãi mãi xanh tươi, xin đừng để trái tim hóa đá, cho mùa xuân bất tận tinh khôi.

Năm 1999, Hữu bỏ lại cơ nghiệp giang hồ, trở về Huế để xin vào tu ở chùa Huyền không sơn thượng. Ý nguyện đó đã được thiền sư Minh Đức chấp thuận bằng hai năm thử thách làm công quả ở chùa với việc làm đầu bếp và quét dọn. Hai năm sau, Hữu được xuất gia và sau này trở thành Tỳ kheo Chơn Hữu. Đến năm 2005, sư được bổ nhiệm về làm giám tự chùa Định Quang, một ngôi chùa bỏ hoang từ lâu. Hằng ngày sư Chơn Hữu phải đi khất thực, xin hỗ trợ để gây dựng lại ngôi chùa sụp nát, hoang tàn thành ngôi chùa rộn rã tiếng cười vui con trẻ và ấm áp tình thương, nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh.

Nhiều người còn biết đến sư là một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa. Năm 2008, sư Chơn Hữu xây dựng một phòng học khang trang gọi là Tuệ học đường trong khuôn viên chùa và mời giáo viên giỏi về dạy chữ và dạy ngoại ngữ cho các em. Để có tiền duy trì lớp học, ngoài đi khất thực, sư Chơn Hữu còn trồng hoa lan và triển lãm ảnh bán lấy tiền. Dù còn nhiều khó khăn, gặp eo hẹp về kinh phí nhưng khóa học tiếng Anh đầu tiên với 240 học trò nghèo cũng đã tốt nghiệp sau 18 tháng theo học. Mới đây, sư Chơn Hữu tiếp tục khai giảng khóa 2 lớp tình thương dạy ngoại ngữ cho 300 em học sinh, sinh viên nghèo và trao học bổng cho 200 học sinh nghèo vượt khó.

“Lớp học tình thương hiện gặp một số khó khăn, những người đã hứa hỗ trợ kinh phí để duy trì lớp học thì chưa thấy phản hồi. Chi phí thuê giáo viên, mua giáo trình và tiền điện nước mỗi tháng hết 5-7 triệu đồng. Nhưng dù khó khăn mấy thì sư cũng phải cố gắng để giúp đỡ các em có được cái chữ. Tới đây, có thể sư phải bán những bức ảnh quý của mình để có tiền duy trì lớp học, chứ để mấy em thất học thì tội lắm!” - sư Chơn Hữu trăn trở.

HÀ LINH ( Pháp Luật TPHCM)

Các tin đã đăng: