Làm
kinh tế theo quan điểm Phật giáo
Nhà sư làm kinh tế không nhất thiết phải là người ngồi bán sản phẩm
và đếm tiền. Mà có thể là nhà quản trị, hay nhà tư vấn về sức khoẻ tinh
thần cho những nhân viên đang mệt mỏi, lo âu, bất an trong đời sống. Và
với những phương pháp thực hành hữu hiệu, công ty nào áp dụng sự rèn
luyện Phật giáo vào trong quản trị kinh doanh thì hiệu quả kinh tế mang
lại cũng không hề nhỏ.
Chẳng hạn một công ty có thể ký kết hợp đồng với các nhà sư về các
khoá tu thiền, hay các buổi thuyết giảng về đạo đức công dân, triết lý
sống hay tạo thêm niềm tin vào xã hội... thì đó chính là nhà sư đã tham
dự vào công việc chung của một guồng máy kinh tế. Và chỉ có như vậy mới
tạo ra sự bình đẳng trong cơ cấu khách quan của "kiến trúc thượng tầng"
xã hội.
Sự đảm bảo cho các giá trị được xuất hiện mà đem đến niềm tin, sự an
lạc thì chính khi ấy sản phẩm sẽ tiến dần đến cái đẹp và sự thăng hoa,
bởi sản phẩm không đơn thuần chỉ mang một công dụng thuần vật lý hay chỉ
là "cái hữu ích" mà còn tiến tới cái đẹp, cái cao cả.
 |
Nhà sư có thể tư vấn sức khỏe
tinh thần cho những nhân viên đang mệt mỏi, lo âu. Ảnh minh họa |
Chính lý do này mà từ lâu, một đất nước có 2.000 năm văn hoá Phật
giáo lại gặp phải những khủng hoảng trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân
văn, triết lý sống. Và thật khó để xác định một nền đạo đức quốc gia,
trong khi Phật giáo có khả năng bù đắp rất nhiều vào khoảng trống của
một nền luân lý xã hội.
"Tri và hành" hợp nhất, chính là vận dụng hiệu quả những nguyên tắc
giáo lý theo đúng con đường Chánh nghiệp. Vì bản thân sự hiện diện và
kết thúc cuộc đời tu hành của nhà sư cũng được đánh giá bằng những "công
đức" (có thể gọi là những đóng góp phúc lợi) mà nhà sư ấy đã tạo ra cho
đời sống hạnh phúc của xã hội: Vì hạnh phúc của số đông.
Nếu một công việc kinh doanh có thể tạo ra hạnh phúc cho số đông thì
không cần phải đặt câu hỏi: Nhà sư làm kinh tế - tại sao không? mà chắc
chắn lúc đó chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Làm thế nào để kiếm được nhiều tiền
giúp ích cho cộng đồng mà vẫn giữ được sự an lạc, thanh thản như các
nhà sư? Đó mới là đích hướng cho những câu hỏi liên quan đến việc làm
kinh tế theo quan điểm Phật giáo.
Nên kinh doanh dựa vào thực tiễn các giá trị hơn là để ý vào các
nguyên tắc tranh luận nên hay không nên, bởi con đường Bồ tát đạo là con
đường dấn thân vào các lĩnh vực cuộc sống để làm lợi cho cuộc sống, mà
nhà sư không thể dửng dưng.
Tăng nguồn "vốn xã hội" chính là làm kinh tế một cách hiệu quả, nói
như Phật hoàng Trần Nhân Tông của báu đó vốn sẵn đủ trong mỗi người,
đừng nhọc lòng tìm kiếm ở bên ngoài. Thúc đẩy sự tự thắp sáng, tự điều
chỉnh của mỗi cá nhân, chính là khai mở nguồn vốn xã hội sẵn đủ đó.
Chẳng hạn, những thiệt hại về kinh tế do nạn phá thai, do tàn phá môi
trường, do tai nạn giao thông, do hôn nhân đổ vỡ... không chỉ giảm tốc
nền kinh tế mà còn gia tăng sự đau khổ trong đời sống tinh thần.
Nhà sư có thể tham gia một cách hiệu quả vào lĩnh vực này bằng các dự
án cụ thể, khi ấy họ thực sự tham dự vào guồng máy phát triển kinh tế
quốc gia bằng chính thước đo của hạnh phúc. Vấn đề ở đây là những cơ chế
pháp luật và giáo luật nào sẽ được áp dụng để thúc đẩy những nhà sư và
người Phật tử tham gia vào các dự án có khả năng định hướng và làm đổi
thay lối sống cộng đồng.
Trong kinh Kutadana - Trường Bộ kinh, Đức Phật nói với vua Mahàvijita
rằng: "Những vị nào trong quốc độ của nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và
mục súc, tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hạt giống và thực vật. Những
vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, tôn vương hãy cấp
cho những vị ấy vốn đầu tư. Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực
quan chức, tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Khi
những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình thì sẽ không nhiễu
hại quốc độ nhà vua. Và khi ngân quỹ nhà vua được dồi dào, quốc độ sẽ
được an cư lạc nghiệp".
Khủng hoảng triết lý sống thì cần phải có những triết lý có khả năng
chống lại sự khủng hoảng này. Và Phật giáo gần đây, không phải ngẫu
nhiên được Liên Hiệp Quốc lựa chọn như một nguyên tắc sống, có khả năng
định hướng cho sự phát triển hài hòa. Sự thâm nhập giữa kinh tế và cạnh
tranh giống như một "cuộc chiến" giành thị phần. Chính vì vậy nguồn gốc
của những tư tưởng "bạo lực" trong kinh tế đã trở thành một quán tính
sống mà sau này người ta lý thuyết hoá nó trở thành những "quy luật".
Không dễ để trở thành nhà quản trị kinh tế tài ba
Sự cạnh tranh trong lợi nhuận đã khiến cho thế giới trở nên mất cân
bằng và thiếu sự dung hòa. Chính sự thiếu dung hoà trong cạnh tranh kinh
tế đang dẫn đến sự thiếu dung hoà trong các lĩnh vực khác của cuộc
sống. Hãy nhìn vào cách người ta đi đường, xếp hàng trong mua bán, tranh
nhau lên tàu xe... thì sẽ tỏ mờ nhận ra những tác động của việc khủng
hoảng triết lý sống.
Vì vậy giữ vai trò dung hoà để làm cho nguồn vốn xã hội tự phát sinh
thì đó chính là mục đích phát triển nền kinh tế xanh. Kinh tế xanh là
kinh tế đảm bảo được những yếu tố phi bạo lực, phi cưỡng đoạt. Lợi nhuận
là một sự chia sẻ cho những hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Nguyên tắc
đạo đức quốc gia là một phần để chuyển biến nền kinh tế khi theo đuổi
những mục đích hài hoà và hạnh phúc. Một phần đáng kể đó là một nền kinh
tế cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công khai, ít những tiếng than thở
về bóc lột, tham nhũng, hối lộ, chạy chức quyền, chạy dự án... Đó cũng
chính là một nền kinh tế giảm thiểu khổ đau.
Trong kinh Ánh sáng hoàng kim, Đức Phật giảng: "Quốc dân tạo
ác nghiệp, quốc vương không cấm đoán, thế là phi chánh pháp, không đúng
cách trị đuổi. Thấy ác mà không chặn, phi pháp tự tưới lớn, thế là trong
vương quốc, gian trá ngày càng nhiều. Quốc vương thấy quốc dân, làm ác
mà không ngăn, thì chư thiên Đạo Lợi, cùng sinh ra phẫn nộ. Nên quốc
chính thương tổn, dối trá lan khắp nước, bị ngoại thù xâm lược, huỷ diệt
cả quốc vương. Nhà ở với đồ dùng, tài sản đều tan hoang, nịnh và láo đa
dạng, chiếm đoạt hại lẫn nhau...".
Trả lời câu hỏi xu hướng sống hiện nay của con người luôn hướng về
lòng vị tha hay ích kỷ thì sẽ trả lời được câu hỏi cho một nền đạo đức
quốc gia. Và chính nó sẽ tháo gỡ cho cuộc khủng hoảng triết lý sống mà
nhiều người đang cảnh báo. Khắc phục trước tiên chính là ưu tiên cho văn
hoá, nhằm cân bằng lại sự phát triển kinh tế đã khiến cho chiếc đòn
gánh đời sống trở nên mất cân bằng nghiêm trọng.
Sự mất cân bằng đó lại chính là cơ sở của những xung đột xã hội ở các
tầm mức khác nhau. Chính vì vậy cần phải hiểu vấn đề nhà sư "làm kinh
tế" bằng cách khai mở nguồn vốn xã hội sẵn đủ ở nơi mỗi con người, không
phân biệt là tại gia hay xuất gia. Nguồn vốn đó có sinh lời hay không,
còn tuỳ thuộc vào khả năng và sự nỗ lực dấn thân của mỗi cá nhân vì
những giá trị và ích lợi chung của cộng đồng.
Do đó, nếu chỉ hiểu đơn giản, hạnh phúc chỉ là sự tìm kiếm vật chất,
hay cần phải làm giàu tiền bạc cho thật nhiều để giúp đỡ người khác, thì
chính bản thân nền kinh tế sẽ trở nên khập khiễng. Đó không phải là một
nền kinh tế mà các quốc gia tiến bộ mong đợi, và khi đánh giá sự tăng
trưởng GDP cũng nên tiến hành song song với việc đánh giá sự tăng trưởng
của chỉ số hạnh phúc quốc gia.
Quyền "chiến thắng chính mình" được thử thách qua các trở ngại, đó là
bản lĩnh được tôi rèn của bất cứ nhà kinh doanh nào muốn bước chân vào
thương trường, nhà sư cũng không ngoại lệ. Như vậy, người dấn thân không
thể mơ hồ về khả năng của mình hay ỷ lại vào một sự ban phát vô hình.
Quyền tự chủ con người khi làm ra đồng tiền cũng chính là quyền tự chủ
của con người khi sử dụng đồng tiền.
Và quyền tự chủ ấy không cho phép lãng phí đồng tiền vào "lòng thương
hại" không do mình tự chủ, ở đó lòng từ bi phát khởi ngay khi ích lợi
được chia sẻ một cách có trí tuệ và hữu ích. Lười biếng, ưa hưởng thụ mà
mong bước chân vào làm giàu thì chính bản thân nó đã trái ngược với các
nguyên tắc nhân quả trong hành động.
 |
Nếu chỉ hiểu đơn giản, hạnh
phúc chỉ là sự tìm kiếm vật chất, hay phải làm giàu tiền bạc cho thật
nhiều để giúp đỡ người khác, thì chính bản thân nền kinh tế sẽ trở nên
khập khiễng. Ảnh minh h |
Vấn đề cần đặt ra là sự ích kỷ trong bản thân mỗi con người có thể
khiến nhà sư kiếm tiền và sử dụng đồng tiền đúng mục đích hay không?
Điều đó tồn tại chủ yếu vào triết lý sống mà các giá trị Phật giáo đã
tạo nên trong quá trình nhà sư nhận thức và trải nghiệm đời sống tu hành
trước những cảnh bất hạnh hay khổ đau của đồng loại.
Nhà sư có triết lý sống thì bước vào kinh doanh sẽ không khủng hoảng,
nao núng ngay cả khi nhà sư không thể làm tốt hơn để duy trì một công
ty. Nhưng nếu nhà sư tham dự vào nền kinh tế bằng trách nhiệm xã hội và
những ràng buộc của cơ sở pháp lý thì nhất định sẽ không cho phép nhà sư
thất bại, vì đồng tiền đó là công sức của rất nhiều người.
Không dễ để một nhà sư trở thành nhà quản trị kinh tế tài ba. Cũng
không dễ để nhà sư quản lý hết các bộ óc thế tục, bởi tiến trình "thế
tục hoá" diễn ra ngay trong chính bản thân nhà sư, đặc biệt khi các mối
quan hệ xã hội thân tộc, huyết tộc còn ảnh hưởng nặng nề. Sự tham lam,
ích kỷ và lối sống hưởng thụ thực dụng chính là rủi ro lớn nhất trong
kinh doanh của người tu hành. Dù giáo lý Phật giáo luôn mang đậm tinh
thần "khế lý, khế cơ" nhưng đứng trước pháp luật mọi người đều bình
đẳng.
Cho nên chúng ta khó có thể khuyến khích nhà sư làm kinh tế theo cách
suy nghĩ đơn thuần là làm giàu của cải. Vì bản thân nhà sư muốn tham dự
vào guồng máy kinh tế, nhà sư cần phải được đào tạo về cơ bản những
lĩnh vực thuộc về kinh tế học (nói theo tinh thần Phật giáo là "ngũ
minh").
Và nếu như vậy chắc chắn sẽ xảy ra sự phân loại trong các nhà sư và
dẫn đến phá vỡ dần cấu trúc của tăng đoàn, bởi vốn dĩ người Phật tử luôn
đòi hỏi nhà sư cần phải chú trọng nhiều hơn đến việc làm giàu cho đời
sống tinh thần, cũng như hạnh phúc tinh thần của chúng sinh.
Nhà sư không nên làm kinh tế, vì...
Nhà sư muốn chạy đuổi theo thế gian qua sự cạnh tranh kinh tế, thì
bản thân nhà sư phải xác định được, hay chí ít có một lý thuyết về giá
trị làm điểm tựa cho những mục đích kinh tế xanh, làm lợi cho cộng đồng.
Có thể thông qua nhà sư mà huy động các nguồn vốn xã hội để thực hiện
những mục tiêu này. Lúc đó, cần phải nhắc đến những giá trị xuyên suốt
mà Đức Phật đã chỉ dạy.
Ngay cả khi làm kinh tế để yêu nước, làm lợi cho tổ chức... cũng
không thể đi ngoài những mục tiêu của kinh tế "phi bạo lực", và không
thể làm kinh tế để khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên,
chống lại tự nhiên, hay chống lại tương lai lâu dài của loài người.
Không những thế cần tuân thủ luật Phật và những nguyên tắc của Tăng
đoàn về việc thụ dụng của cải. Nếu tài sản kinh doanh chỉ thuộc về sở
hữu của cá nhân nhà sư đó thì sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực, nếu
không muốn nói là di hại cho mai sau. Thế nên, việc kinh doanh của nhà
sư phải được hiểu như việc thực hành Bồ tát đạo, trong đó có sáu nguyên
tắc: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Tài sản
đó cần được tư tưởng "Bố thí ba la mật" dẫn dắt với một cộng đồng Tăng
già có uy tín đảm bảo.
Trong kinh Bố thí, Đức Phật dạy: "Các Tỳ Kheo, có hai loại bố thí -
tài thí và pháp thí; trong hai loại bố thí này, pháp thí là cao nhất.
Các Tỳ kheo, có hai sự phân phát: Phân phát của cải và phân phát đạo
pháp; trong hai sự phân phát này, phân phát đạo pháp là cao nhất. Các Tỳ
kheo, có hai cách giúp đỡ (nhiêu ích - anuggaha): Giúp đỡ của cải và
giúp đỡ đạo pháp; trong hai cách giúp đỡ này, giúp đỡ đạo pháp là cao
nhất".
Ở Kinh Tăng Nhất A Hàm, Ðức Phật cho biết có bốn pháp đưa con người
đến hạnh phúc trong đời hiện tại:
1) Phải mẫn cán và cương quyết, tận tâm và hăng hái trong nghề
nghiệp, bất cứ nghề nào, và phải thông thạo nghề ấy.
2) Phải gìn giữ lời lãi chính đáng làm ra do mồ hôi công sức của
mình, đừng để cho kẻ gian tham trộm cắp.
3) Phải có bạn lành, trung thành, học thức, đạo đức, quảng đại,
trí tuệ để giúp mình giữ vững con đường chân chính và xa lánh nẻo tà.
4) Phải tiêu xài cho có chừng mực, tùy theo hoa lợi của mình.
Không phung phí, không bủn xỉn, nghĩa là chẳng nên tích trữ vì bủn xỉn
và cũng chẳng nên buông thả xa hoa. Nói cách khác, phải sống cho vừa
phải với tài sản sự nghiệp của mình.
 |
Không
thể làm kinh tế để khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên thiên nhiên,
chống lại tự nhiên. Ảnh minh họa |
Ðức Phật chỉ dạy bốn đức để đưa đến sự hạnh phúc: a) Phải có đức tin
và tín nhiệm nơi giá trị cao thượng của đạo đức, tinh thần và trí tuệ.
b) Không sát sinh hại vật, không trộm cắp, không lường gạt, không tà
dâm, không nói dối, không sử dụng các chất gây nghiện, gây say. c) Phải
bố thí, quảng đại, không tham luyến. d) Phải khai thông tuệ giác để tận
diệt nguồn gốc của sự khổ hầu tiến đến đạo quả Niết Bàn.
Kinh tế Phật giáo còn được nhìn nhận trong những lý giải vô thường,
mà chính dân gian đã đúc kết "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời".
Nên hiểu "họ" và "đời" ở đây là một sự phiếm chỉ cho những khả năng
thay đổi bất ngờ và vai trò của cá nhân trong việc duy trì và sử dụng
tài sản. Sự huỷ hoại của cải có thể đến trong một vài giờ, một vài năm,
cho đến một vài chục năm. Hiện thực chỉ ra, trong khi nắm giữ của cải,
sự do dự khi chia sẻ (kinh tế) giữa ngôi chùa lớn với ngôi chùa nhỏ, đã
cho thấy không đơn giản để nhà sư làm kinh tế khi những động lực hành Bồ
tát đạo còn chưa thuần thục.
Bằng không, việc nhà sư làm kinh tế cũng không ngoài cuộc chạy đua để
dồn tụ của cải nhằm phát triển ngôi chùa của mình giống như một "công
ty" không hơn không kém. Nếu không trả lời được câu hỏi này, có lẽ nhà
sư không nên làm kinh tế, vì trước sau, chính nhà sư là người sẽ khoét
sâu thêm khoảng cách giàu nghèo vốn đang gia tăng trong xã hội, mà vốn
dĩ của cải được nhìn nhận theo tinh thần Phật giáo là luôn luôn vô
thường, không bền vững.
Mặt khác, những cơ sở pháp lý hay hệ thống kinh tế liên quan, chưa có
nhiều điều kiện để nhà sư phát triển mô hình "kinh tế xanh" của mình,
đặc biệt khi nó được các đối tượng cạnh tranh khác nhắm tới vì mục đích
lợi nhuận chứ không phải vì xây dựng một giá trị nhân văn hay một nền
đạo đức quốc gia.
Nhà sư không bao giờ là người đứng ngoài mọi nền kinh tế, nên việc
tham dự của nhà sư vào nền kinh tế không ai có thể phủ nhận hay ngăn
cản, nhưng khi nhà sư đã dấn thân trực tiếp "kinh doanh" thì sẽ không
thừa khi lặp lại câu hỏi: Làm cái gì, làm như thế nào và làm ích lợi cho
ai?
Đại đức Thích Thanh Thắng (tuanvietnam.net)