Con người ai cũng vậy, được "sinh ra" và "lớn lên".
Tới tuổi thì vào lớp, vào trường để học tập. Đó là khả năng ưu việt của
loài người mà con không thể thấy ở loài nào khác. Con có thể hiểu được
sự học và ích lợi của nó thì con mới dấn thân vào. Mà sự dấn thân đó sẽ
hoàn toàn có lợi cho con.
Con yêu dấu,
Đây là bài quan trọng nhất trong loạt bài Ba viết cho con, và cũng là
bài cần thiết nhất mà lứa tuổi của con cần phải có khái niệm, ý thức,
mục đích để theo đuổi. Nó sẽ giúp cho con có một tương lai vững chắc,
sung sướng, hạnh phúc; đồng thời hổ trợ con trong việc nuôi, dạy con ở
sau nầy. Ba chỉ sợ rằng ba không đủ khả năng diễn tả, lột hết ý nghĩa về
tầm quan trọng của nó. Nhưng Ba cũng sẽ "ráng" với mọi khả năng sẵn có
của Ba!
Con ạ,
Con người ai cũng vậy, được "sinh ra" và "lớn lên". Tới tuổi thì vào
lớp, vào trường để học tập. Đó là khả năng ưu việt của loài người mà con
không thể thấy ở loài nào khác. Con có thể hiểu được sự học và ích lợi
của nó thì con mới dấn thân vào. Mà sự dấn thân đó sẽ hoàn toàn có lợi
cho con. Nhưng cuộc đời không đơn giản như vậy! Vì ở trong con, trong
lứa tuổi của con có hai hướng đi trái ngược: "Học tập" và "Đi chơi". Học
tập là một thái độ, một tập tánh của xã hội; còn đi chơi là bản năng
của con người.
Trước hết, có lẽ Ba phải viết về "Đi chơi": Bản năng của con người!
Con người từ lúc khi còn là con vật, là vượn người thì nó chẳng có học
hành gì cả, sống rất thoải mái, đi chơi, đùa giỡn. Đói thì đi kiếm trái
cây, khoai củ; khát thì đến bên giòng nước uống nước; chỗ trú là những
nơi hang động. Sống thì cũng có thể dăm ba người rời rạc, chưa kết đoàn.
Nhưng sau vì kinh nghiệm, bản năng sinh tồn phải kết hợp từng nhóm đông
hơn để chống chọi lại thú dữ: Voi, cọp, sư tử, báo... Đá, cành cây là
vũ khí; qui ước ngôn ngữ là sự thông tin. Rồi, bước tiến đầu tiên xa hơn
là vấn đề kinh tế. Con cứ nghĩ với số đông người như vậy thì trái cây,
khoai củ lâu ngày tất phải hết, đoàn vượn người đó di chuyển đến nơi
khác. Và sự di chuyển đó gặp một nhóm khác thì theo con nghĩ sự việc gì
sẽ xảy ra: Một là chiến tranh giành lấn chiếm đất; hai là bỏ đi. Mỗi năm
nhân số sinh sản mỗi đông hơn, thức ăn hạn hẹp đi, thì tới giai đoạn
phải tìm thêm thức ăn khác: Săn bắn, bắt cá, bắt thú vật nhỏ. Và qua quá
trình tiến hóa từ loài vượn người biến thành người; từ nhóm nhỏ kết
đoàn thành bộ tộc; từ ăn sống đến chín qua ngọn lửa; con người sống với
bản năng của mình: Ăn và chơi. Nhưng cũng từ các biến chuyển đó, con
người đã có kinh nghiệm, biết cách nào hái trái cây dễ hơn, biết chỗ nào
có củ để ăn; biết làm sao để bắt được cá; cách nào để bắt được chim,
thú. Sự truyền thụ, dạy dỗ, hướng dẫn cũng theo đó mà càng ngày càng
phong phú. Các điều ấy trở thành "giáo dục" và "học tập". Giáo dục, dạy
dỗ là phương cách của những người lớn tuổi, có kinh nghiệm truyền đạt
lại cho người khác, trẻ nhỏ. Học tập là cách thức của người nhận, của
trẻ con. Đó là khái niệm, hình thức đầu tiên hình thành về giáo dục:
Khởi nguồn từ vấn đề kinh tế. Nhưng con nên nhớ rằng con người còn có
trí khôn và suy nghĩ nữa, cho nên bộ óc con người đã ghi nhận rất nhiều
sự kiện về kinh tế, sinh hoạt, xã hội lẫn suy tư. Vì vậy, mà kiến thức
của loài người truyền lại hiện nay thật phong phú và đa dạng. Do nơi tìm
kiếm thức ăn càng ngày càng khó khăn, phải di chuyển từ nơi nầy đến nơi
khác, và với điều kiện thời tiết bắt buộc phải làm chỗ trú ngụ. Từ đó,
con người phải tận dụng những gì sẵn có ở tại chỗ để làm chòi, chỗ trú
ngụ tạm. Đời sống du mục mãi cũng không đủ ăn. Cuối cùng đoàn người phải
tìm nơi nào đất tốt, điều kiện sinh sống dễ dàng để dừng lại, bắt đầu
hình thức làng mạc ra đời. Song song vào đó, kinh tế cũng có khác đi:
Trồng cây ăn trái, chăn nuôi thú rừng biến chúng thành gia súc, đào ao
thả cá, trồng khoai tỉa đậu, và khai khẩn đất để trồng lúa, lúa mì... Sự
truyền đạt kinh nghiệm lúc nầy lại càng đa dạng, phong phú thêm, trẻ
con được chỉ dạy nhiều hơn. Từ ngôn ngữ khó nhớ, biến thành qui ước về
chữ viết để ghi lại những điều muốn truyền thụ cả cho người dạy lẫn
người học.
Và con có biết không? Với sự thành hình của chữ viết loài người đã
ghi lại những kiến thức, suy nghĩ, kinh nghiệm của mình trên các phiến
đá, trên gỗ, trên các tấm da, trên vỏ cây hay trên trang giấy để lại đời
sau. Đó là các di tích văn hóa, văn chương hay thể hiện nền văn minh
của các vùng. Tất cả cùng góp sức chung vào sự tiến hóa của nhân loại!
Bây giờ con được đi học, đi vào trường con có biết vì sao không? Con
có bao giờ nghĩ là con đi học để làm gì không? Nếu con càng hiểu được rõ
ràng cái mục đích, cái nội dung mà con học thì con mới càng thích thú
và chăm chỉ học hơn. Ba nghĩ rằng con cũng có được chút ít về khái niệm,
nhưng Ba sẽ cố gắng ghi lại để con thấy chương trình mà con đang học
không phải là đơn giản, cũng không phải là một ngày một buổi mà hình
thành được đâu.
Con ạ,
Trước hết Ba sẽ lướt qua về hình thức giáo dục; rồi sau đó Ba sẽ đưa
con đi vào một số điểm nội dung.
Con thấy nhà trường hiện nay thường có cơ sở nguy nga, tổ chức rất
tươm tất, phương tiện đầy đủ. Con có thể bình phẩm trường nầy giàu,
trường kia nghèo; trường nầy dạy hay, trường kia dạy dở... Nhưng có một
lúc, con xem trên truyền hình thấy chiếu cảnh học trò ở các xứ nghèo hay
ở những làng quê xa xôi nào đó: Thầy cô giáo phải ngồi ghe thuyền, đi
xe vào tận làng quê xa để dạy. Lớp học chỉ có vài đứa học trò, thầy trò
cùng ngồi dưới bóng mát của cây to. Lớp học là thế đó! Đó là những lúc
rỗi rảnh, nếu gặp vụ mùa, học trò phải đi làm phụ giúp cha mẹ nữa thì
lớp học đành phải đóng cửa. Thật giống như cái cảnh mà nhà thơ Cao Bá
Quát đã ghi:
Một thầy, một cô, một chó cái,
Trò thì nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Sự hình thành trường lớp bắt đầu từ sự hướng dẫn, giảng dạy của những
người có kinh nghiệm, có hiểu biết cho một số người hay trẻ con trong
thôn xóm về một số kinh nghiệm làm việc, sinh hoạt, săn bắn... nào đó.
Rồi qua sự thông thương qua lại giữa các bản làng, thôn xóm, các nơi;
kinh nghiệm, kiến thức của con người càng ngày càng phong phú. Trường
lớp được mở rộng thêm, chương trình dạy nhiều hơn và trẻ con cũng được
cha mẹ cho đi học đông hơn. Cái kết quả thực tiển là những kẻ "có đi
học" làm việc, suy nghĩ hay lãnh đạo gặt hái nhiều thành công, làm cho
kinh tế giàu có, phồn thịnh; cách giải quyết được lẹ làng, nhanh chóng.
Từ đó, lớp học ngày càng mở thêm nhiều, học trò lại đông hơn và phương
pháp truyền thụ cũng phải biến chuyển theo: Sao cho "kết quả truyền đạt"
được kết quả khả quan nhất và thích hợp với tâm sinh lý của trẻ con
trong từng giai đoạn nào đó.
Con có biết không? Thời trước người ta dùng roi, hình phạt nghiêm
khắc để bắt học trò phải học. Dần dần cách thức ấy có vẻ hành hạ học trò
quá! Nên người ta, hay đúng hơn là những nhà nghiên cứu về giáo dục
thấy cần phải tìm ra các cách giáo dục khác "hay và tốt hơn" giống như
phương pháp giáo dục hiện nay mà con đang được đối xử trong nhà trường.
Song song vào đó, người ta tiến đến một hình thức quản lý mới: Ấy là sự
quản lý bằng tổ chức và những quy ước về luật lệ hay là kỹ luật. Tựu
chung là làm thế nào để cho học trò đi học được vui vẻ, thoải mái; hân
hoan mà tiếp nhận các kiến thức được truyền thụ tới mức tối đa tùy theo
lứa tuổi, trình độ của chúng.
Sự thay đổi như vậy, kéo theo sự thay đổi của các thầy cô. Họ cũng
phải được đào tạo từ các trường dạy "dạy học" (Teaching school), sư phạm
(Pedagogy) với những đòi hỏi trình độ kiến thức nào đó về kiến thức phổ
thông, tâm lý, tổ chức... mà một người "giáo chức" cần phải có. Đến
đây, chắc con không thể ngờ rằng sự việc con tưởng là đơn giản mà lại
qua một quá trình gay go và phức tạp, lâu dài đến thế!
Chưa đâu con ạ! Ngay cả cơ sở trong trường học cũng vậy, nó cũng thay
đổi theo phương pháp cả từ việc bắt học trò học thuộc lòng như ngày
xưa, dần dần việc giảng dạy cần có học liệu, hình ảnh chứng minh, thí dụ
cụ thể, chuyện kể; và bây giờ lại có thêm máy vi tính, truyền hình, máy
chiếu... Sự tốn kém để dạy cho các con học hiện nay phải chi phí rất
nhiều. Con thử nghĩ: Nếu có kẻ nào phá hoại trường học, thì biết bao
nhiêu đứa học trò sẽ bị thiệt thòi và mức thiệt thòi sẽ là bao nhiêu?
Con có thể ước lượng được không?
Này con! Đó mới chỉ là hình thức, tổ chức, phương tiện để thầy cô
giảng dạy con học thôi. Chứ về nội dung thì còn trải qua quá trình rất
dài và tổng hợp của biết bao nhiêu là người tài giỏi trên thế giới từ
xưa tới nay. Nói chung, đó là những tri thức của nhân loại. Chỉ riêng về
khoa học thôi, một điều con học ở nhà trường nó phải mất bao nhiêu thời
gian để kiểm nghiệm về tính chính xác của nó. Trước tiên người ta phải
quan sát về một hiện tượng như Newton thấy trái táo rơi xuống đất, liền
đặt một câu hỏi: Tại sao nó lại rơi? Tại sao rơi xuống đất mà không rơi
theo chiều khác? Sau vài lần quan sát các vật khác nữa, rồi người ta mới
đặt ra giả thiết, Newton đã nghĩ: Có thể có một sức hút nào đó từ trong
trái đất! Tiếp theo là các kiểm nghiệm để chứng minh điều ấy, cuối cùng
mới đưa đến một kết luận; ta mới có Định luật Newton về vật rơi. Con có
thấy không, con chỉ học về Định luật Newton trong vài phút đồng hồ mà
Newton đã tốn thời gian biết là bao lâu. Và còn... còn nhiều nữa. Trong
mỗi môn học đều là tổng hợp vốn hiểu biết của con người từ lúc khởi thuỷ
cho đến ngày nay. Con học bao nhiêu môn học là con tiếp thụ vốn của bao
nhiêu "dòng tri thức" của nhân loại mà ngành giáo dục, người viết sách,
người soạn chương trình đã sắp xếp vào đề mục, có hệ thống, thích hợp
theo từng lứa tuổi cùng sự mở mang trí óc của con.
Đến đây con có thấy sự học của con rất có ích, và không đơn giản lắm
không? Vậy con hãy suy nghĩ, phải quyết định thế nào: Học hay là đi
chơi? Dù thế nào con cũng phải học xong lớp 12, tốt nghiệp bậc Trung học
đi đã: Tức là sau bậc nhà trẻ, mẫu giáo và 12 năm trong trường học. Bao
nhiêu người cùng đi học, đều phải bỏ thời gian như nhau; không lẽ mình
lại học dở, quá tệ thì con không thấy uổng phí thời gian lắm ư? Chỉ cố
gắng một chút, một chút ít thôi sự học của con sẽ có kết quả, với kết
quả tốt nghiệp lớp 12 khả quan, con sẽ chọn được một ngành học, sau nầy
nó sẽ là nghề vững chắc, một nghề có ích cho xã hội mà lương bổng lại
hậu hỹ. Con có hiểu được chiều hướng tiến mà Ba viết cho con chưa? Hãy
ráng lên con ạ! Tương lai tươi sáng đang chờ con đó!
xXx
Trong lứa tuổi trưởng thành của con, con gặp phải hai chướng ngại lớn
sẽ ảnh hưởng vào sự học của con. Tại sao là hai chướng ngại lớn? Vì nó
là hai "bản năng". Con có biết Bản năng là gì không? Bản năng là khả
năng, là bản tánh tự nhiên của con người, là tự nó có trên bước đường
trưởng thành của thân xác và trí óc. Đó là "Sự ham vui, đi chơi"; và
"Tình yêu".
Ba sẽ viết cho con về sự ham vui, đi chơi trước. Rồi sau đó, Ba sẽ đề
cập đến vấn đề tình yêu.
Đã nhiều lần Ba thấy con sửa soạn bắt đầu ngồi vào bàn học, con vụt
nhớ đến bạn bè, hay điện thoại gọi đến thì con lại bỏ đi ngay. Và rồi,
có khi đi đến nửa đêm con vẫn chưa về, mẹ con phải thấp thỏm, hồi hộp để
chờ đợi con!
Làm con người ai cũng ham vui cả, chỗ nào chơi vui thì mình thích
tới, nơi nào mình thấy hứng khởi thì mình hay tham dự. Ở đây, Ba sẽ nói
chuyện với con về một câu chuyện trong Đạo Phật. Câu chuyện đó bắt đầu
cho kiếp người, cho các nẽo luân hồi mà cũng tiêu biểu cho ảnh hưởng của
việc ham vui. Trong Đạo Phật coi tất cả mọi loài đều có một khởi điểm
chung: Đó là Phật tánh. Vật nào có đời sống, có mạng đều là chúng sanh.
Từ Thánh Tiên, Thần, Người xuống đến loài thú vật, loài ma quỷ và tất cả
loài trong địa ngục vẫn gọi chung là chúng sanh. Mọi chúng sanh đều
bình đẳng, vì tất cả đều có Phật tánh như nhau. Nhưng tại sao có sự khác
biệt đó? Trong "Thập nhị nhân duyên" đại khái như thế này: Khởi đầu là
mọi Phật Tánh đều ở trong cùng một cõi yên tịnh gọi là Chơn Như hay Niết
Bàn, nhưng vì Vô minh tức là cái Sự không biết, mê muội, u tối, mờ mịt
che mất sự sáng suốt của Phật Tánh, nên làm cho Phật Tánh có hành động
sai lầm mà ham thích có được thân xác, hình thể (danh sắc) để vào cuộc
đời trần gian vui chơi. Từ chỗ có thân xác, hình thể nên mới có lục căn
(mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Có lục căn mới tiếp xúc với cảnh vật
bên ngoài, rồi mình mới thấy, biết tốt xấu, ngon dở, thiện ác, đẹp
xấu... Qua sự phân biệt đó mình mới "cảm thấy" (cảm thọ) và ham thích
(ái). Có thích mình mới muốn "chiếm giữ" (thủ) để làm "của riêng" (hữu).
Chính vì vậy, khi chết mình vẫn muốn chiếm hữu, không chịu buông ra,
thế là lại "phải" Tái sanh. Có sanh thì có bệnh, già (lão) rồi chết
(tử). Tức là có sự khổ. Chúng sanh đi vòng vòng trong sáu nẽo luân hồi
cũng do nơi mình ham thích (ái) "được luân hồi". Còn sanh ở cõi nầy, cõi
kia là do nơi nghiệp quả của những "hành động chơi, gây hấn, hận thù"
của mình gây ra từ bao kiếp trước. Đó là kết quả của sự ham vui trong
Đạo Phật. Còn ngoài đời, nếu con ham vui, con lao theo cuộc vui thì sau
đó con sẽ nhận kết quả không vui. Tại sao? Giả sử, Ba chỉ giả sử thôi
nhé! Giả sử bây giờ con ham vui, con đi chơi với bạn bè, hết cuộc vui
nầy tới cuộc vui khác. Hết nhậu nhẹt tới câu cá, hết đi coi phim tới đi
chỗ nầy chỗ kia. Con lê la mãi thì con không có thì giờ để học, sự học
của con càng ngày càng tệ hơn. Vào lớp con theo không nổi (không hiểu)
bài giảng của thầy cô, rồi con đâm chán, con không thích học nữa. Con
thường hay bỏ học, trốn giờ đi chơi. Khi con bỏ học, con đi vào làm công
trong hảng xưỡng với những công việc lao động bằng chân tay. Con phải
đổ mồ hôi, hao sức lực để đổi lấy đồng lương kém cỏi. Nhưng con không
thể làm khác hơn được! Trong khi đó bạn con trong trường học học hành
chăm chỉ, siêng năng. Nó vào Đại học, vài năm sau nó tốt nghiệp ra
trường về làm chung hảng con, lương nó gần gắp đôi lương con hay hơn
nữa. Nó làm công việc lại nhẹ nhàng, không phải hao tốn công sức hoặc dơ
bẩn như con. Lúc ấy, con sẽ suy nghĩ ra sao? Hối tiếc cũng đã muộn màng
rồi, con ạ! Thế là kết quả không vui!
Ba có người bạn, lúc trước anh ta muốn đi học để vào Đại học. Anh ta
vào Đại học được một năm, thấy bạn bè đi làm có tiền mua xe tốt, còn anh
ta đi xe xập xệ. Thấy cũng buồn, anh ta nhảy ra xin hảng làm kiếm tiền
sắm xe, đồ đạc. Vài năm sau, bạn cùng ngành lúc ở Đại học lại được việc ở
ngay hảng của anh ta. Lúc đó, anh ta mặc cảm và quyết định xin nghỉ làm
để trở lại đi học. Cuộc đời đôi lúc làm cho mình lẩn quẩn như vậy! Do
đó, con phải có quyết định dứt khoát. Khi nào còn ở nhà trường con nên
"học cho ra học" để không uổng "cơm cha, áo mẹ, công thầy", để không
uổng phí thời gian của những ngày "mài đủn quần" trên ghế nhà trường.
Con muốn sự học của con được thoải mái mà đạt được kết quả, con phải
có kế hoạch, có thời khóa biểu hẳn hoi. Mỗi ngày con dậy từ lúc mấy giờ,
bắt đầu học vào lúc nào, học môn nào rồi sẽ tới môn nào. Xen kẻ những
giờ học là những giờ giải trí ngắn, giải trí bằng tập đàn, chơi nhạc,
xem truyền hình hay vài động tác thể dục. Tới tối con sẽ học đến lúc mấy
giờ. Thời gian mình ngủ có đủ cho sức khoẻ của mình không? Con sắp xếp
thế nào để con có thể thực hiện được và không nguy hại đến sức khỏe của
con. Vì đây là kế hoạch lâu dài và tập luyện; tài năng không phải là một
ngày một buổi: "Tài năng là một sự kiên nhẫn lâu dài". Cuối tuần con để
dành ngày nào đi chơi. Và chiều chủ nhật con ngồi vào bàn học để "bắt
đầu cho một tuần kế tiếp".
Con ạ!
Đứa trẻ nào cũng phải bỏ thời gian ở trường học để học được những tri
thức của nhân loại trong thời niên thiếu của mình cả. Và sau nầy từ
những tri thức đó, đứa trẻ có thể vận dụng, phát triển hơn trong đời
sống, việc làm của mình. Nếu tất cả trẻ con đều học đến lớp 10 thì 10
năm học đó giống như là đi chơi. Đi chơi mà có ích cho mình, cho xã hội
mai sau. Và các đứa trẻ có khác nhau là từ lớp 11, 12 cho đến khi tốt
nghiệp Đại học ra làm việc, đem vốn liếng tri thức mà mình tiếp thu đóng
góp trở lại cho xã hội. Như vậy, thực sự ra việc học của con chỉ có cố
gắng vào hai năm cuối của bậc Trung học và khoảng trên dưới 5 năm của
bậc Đại học, vị chi chừng 7 năm. Và nếu so với những bạn còn đi học như
con: Bạn con học không cố gắng, nó chỉ học 60% với khả năng; và con cố
gắng học tới 90% khả năng, thì sự khác biệt chỉ là 30%. Với 30% đều đặn
trong 7 năm, khi ra trường con sẽ có việc làm dễ dàng, lương khá, nghề
nghiệp tương đối ổn định. Nếu thế, cuộc đời con từ lúc ấy trở về sau sẽ
sung sướng. Còn nếu bạn con bê tha, ham chơi bỏ học phải vào hảng làm
công việc tay chân, dơ dáy, cực nhọc, lương thấp thì nó chỉ sướng trong
vài năm đi chơi lúc trước, nhưng nó phải lam lụ cả đời. Vậy thì con
thích điều nào: "Ráng chịu khó vài năm để được sung sướng cả đời" hay
"Sung sướng vài năm để cực khổ suốt đời". Tùy ý thích mà con chọn, Ba
không thể quyết định cho con.
Con yêu dấu,
Ba viết cho con về tình yêu khiến Ba phải nhớ và hồi tưởng lại thuở
xa xưa để tìm những ý niệm, những khởi động đầu tiên dẫn dắt con người
vào tình yêu.
Tạo hóa đã ban cho con người cái thân xác, cái thân xác ấy lớn lên
theo thời gian. Tới một giai đoạn mà người ta gọi là "giai đoạn dậy
thì", thì hầu như tất cả các bộ máy trong cơ thể đều đồng nhịp hoạt
động. Con thử tưởng tượng con đi vào một cơ xưởng, trong những thời gian
đầu chỉ có một số cơ phận nào đó của nhà máy đang chạy thôi, con cảm
thấy có một sự yên tĩnh, nhẹ nhàng. Nhưng tới lúc, tới giờ, toàn bộ nhà
máy hoạt động, con có thấy một sự nhộn nhịp khác thường và ồn ào gần như
muốn đẩy tung cái nóc của nhà máy lên không trung. Thì trong tuổi dậy
thì, con người cũng gần giống như vậy, vì các tuyến tăng trưởng, sinh
dục trước kia hoặc là nằm im bất động, hoặc là hoạt động một cách chậm
chạp, yếu kém, đến nay chúng bỗng vùng lên hoạt động với mọi khả năng
của chúng. Thiếu niên ngày trước, nay đã thay đổi giọng nói (bể tiếng),
cơ thể phát triển nhanh chóng về chiều cao (cho nên người ta mới gọi là
"nhổ giò") và các phần sinh dục cũng phát triển, tâm tính có phần khác
đi. "Chàng" bắt đầu chải chuốt, ăn diện, lời nói cũng văn hoa hơn, nhất
là những nét tập làm người lớn, cùng với những lý luận tranh cãi để
chứng tỏ mình đã trưởng thành. Lúc đầu còn vụng về, sau dần dần được cải
thiện và thành đặc trưng của mỗi chàng thanh niên.
Rồi chàng thanh niên cùng bạn bè kết hợp thành đám, thành nhóm chơi
chung với nhau. Và qua đó, sự chú ý đến các cô gái ngày một nhiều hơn.
Đến một lúc nào đó con sẽ gặp một người hợp với con, con thích trò
chuyện hoặc thích gặp mặt "cô nàng" thường xuyên. Con cảm thấy mến "cô
nàng" một cách lạ lùng! Tình cảm ấy cứ vun đắp mãi, khi gần cô nàng con
thấy vui và xa cô nàng con thấy nhớ. Thế là con đi dần vào tình yêu! Với
tình yêu nầy bao nhiêu nhà thơ, nhà văn lẫn nhạc sĩ đã diễn tả, đã ghi
lại cái cảm xúc "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm hồ dễ mấy
ai quên", hoặc sự xảy ra rồi thì "mới biết là mình yêu"
vân vân...và vân vân... Nhiều và nhiều lắm...! Từ tình thơ mộng cho đến
tình dang dỡ. Nhưng ở đây điều ấy không phải là điều Ba muốn viết cho
con. Ba chỉ muốn viết cho con sự liên hệ giữa tình yêu đối với tương lai
qua sự học. Ngay khi Ba đặt tựa cho bài nầy đó cũng là một suy nghĩ,
một dụng ý của Ba. Tại sao gọi là "Học tập là con đường ngắn nhất tới
tương lai xán lạn"? Con cứ nhìn vào những nghề nghiệp chuyên môn con sẽ
thấy rõ. Như một người thợ hồ, nếu họ không từ trường lớp ra, trước tiên
họ phải đi trộn hồ, làm phụ công, lâu ngày mới lên được thợ phụ, khi
thật vững vàng, biết chiết tính xây cất mới có thể là thợ chính. Họ phải
mất thời gian rất lâu dài. Một người thợ nấu ăn, nếu từ trường lớp có
thể chỉ tốn hai, ba năm. Nếu không họ phải bỏ vài năm đi rửa chén, xắt
rau tức là phụ bếp; sau đó làm ở "thợ bốc" là người chuẩn bị rau cải,
thịt hay cá tùy theo từng món ăn để cho thợ nấu sẵn sàng nấu, mất thêm
vài năm nữa; khi có nhiều kinh nghiệm hoặc có điều kiện thì lên đứng
chão dầu; rồi thợ nấu phụ, thợ phụ chỉ nấu món ăn thôi chứ chưa biết
chiết tính cho bao nhiêu phần ăn sẽ cần bao nhiêu rau cải, bao nhiêu
thịt, gà; nói chung là vật liệu, vật dụng. Nếu lên được thợ nấu chính:
Biết nấu, biết chiết tính, biết điều hành có lẽ phải trên mười năm. Như
vậy con thấy giữa 3 và 10 năm cái thời gian nào là ngắn nhất. Thôi kể
đại khái cho con biết vậy. Bây giờ Ba trở lại vấn đề tình yêu và sự học.
Ở trên Ba đã có nói tình yêu nó là một bản năng, con người dù muốn dù
không vào lứa tuổi đó, ít nhiều con cũng có lần để yêu. Không ai cấm
cản con được. Nhưng con ạ! Tình yêu là sự nhung nhớ, là sự quyến luyến,
vấn vương. Khi con đã yêu hình bóng người yêu của con cứ lảng vảng trong
đầu óc, trí nhớ của con; cứ mong gặp để chuyện trò, để đi chơi. Có
nhiều lúc con ngồi vào bàn học, lật sách ra con lại nhớ đến người yêu
nữa rồi! Thật là khó quá phải không con? Tới lứa tuổi cần yêu thì phải
yêu thế thôi! Và cũng khó khăn lắm con mới có thể cân bằng được giữa học
và yêu. Đối với tình yêu bồng bột, say sưa lại càng khó khăn hơn. Nhưng
con ạ! Con phải lựa chọn giữa yêu và tương lai, và nếu con có khả năng
con có thể đi song hành: Yêu vẫn yêu, học cứ học. Khi nào con thấy sự
yêu đương làm cho con học tệ hơn thì con nên cẩn thận! Trong quá khứ
không biết bao nhiêu chuyện dang dỡ, đau khổ, hận đời, chán nãn kể cả
mất trí vì chuyện tình yêu. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thất tình với cô
hàng sách. Và con có nhớ cái ông ngồi uống cà phê mà hay nói lảm nhảm ở
xã mình không? Ông ta cũng bị "cô bồ" bỏ đó. Và đôi lúc con thấy có một
vài thanh niên xâm trên cánh tay hình trái tim có mũi tên xuyên qua với
mấy chữ "hận đời đen bạc" để nói lên rằng mình bị "bồ đá" mà đâm ra hận
đời. Nhưng chỉ do tình yêu, mình hỏng cả cuộc đời thì uổng phí quá! Vì
con đã biết "Được làm con người là điều đáng quý" thế nào rồi. Trong
cuộc đời của mình, con không phải một lần yêu. Có khi tình yêu chỉ
thoáng qua trong vài tháng, có khi tình yêu kéo dài cả vài năm. Có tình
yêu rất là nồng nàn, cũng có lúc con cảm thấy yêu nhưng mà yêu hời hợt,
chút chút thôi. Vậy thì yêu là quan trọng hay sự nghiệp tương lai trong
suốt cuộc đời là quan trọng? Con hãy suy nghĩ thật kỹ về vấn đề nầy! Bây
giờ Ba giả sử là con học ngành y, nha hay dược gì đó. Con có người yêu,
tình yêu cũng tương đối nồng nàn. Con thương cô nàng và cô nàng cũng
thương con lắm! Đôi lúc cô nàng cũng hãnh diện với bạn bè vì cô nàng có
bạn trai là Bác sĩ, Nha sĩ, hay Dược sĩ trong tương lai. Vì sự yêu
thương, nhung nhớ con học không được tập trung như lúc xưa. Việc học của
con yếu kém đi, con bị thi lại; rồi con bị ở lại một năm nữa. Giả sử
năm sau con qua không nổi và con phải bị rời khỏi trường. Tương lai con
không còn là một Y, Nha hay Dược sĩ mà chỉ là một sinh viên tầm thường,
liệu cô nàng có còn yêu con như lúc trước hay không? Và nếu trong lúc
ấy, cô nàng có chàng trai khác "có tương lai hơn" đeo đuổi, cô nàng bỏ
rơi con. Thì! Thế là tương lai, sự nghiệp, lẫn người yêu đều bỏ con mà
đi hết cả! Còn có người vì quá yêu, bị người yêu "đá mình", "bắt bồ" với
người khác, đã chán nãn bỏ dỡ học hành, bỏ đi sự nghiệp tương lai mà ôm
vào mình sự đau khổ: "Đường vào tình yêu có muôn lần nhớ, có vạn
lần sầu" phải không con?
Con yêu dấu,
Ba chỉ viết sơ lược đến thế thôi, chứ tình yêu nó có nhiều phức tạp
tùy theo tình cảm, lý trí của mỗi con người. Và nếu mình đã định được
giới hạn để vẹn toàn cả sự học lẫn tình yêu thì liệu mình có đủ ý chí để
giữ vững không? Đời không đơn giản! Do đó, con có cần thấy mình phải có
tương lai trước rồi có tình yêu, hay cần có tình yêu trước rồi hẵng có
tương lai? Ba hi vọng con sẽ tìm được câu trả lời và định hướng được cho
chính cuộc đời của con.