Viết Cho Con: 3- Hãy Thương Yêu Mẹ!
Nguyên Thảo
23/04/2010 20:48 (GMT+7)

Ba không biết bây giờ con có người yêu hay bạn gái chưa? Tình yêu con dành cho người bạn gái thế nào? Gần thì vui, xa thì nhớ phải không con? Tình yêu ấy mới chỉ là mãnh liệt, bộc phát trong khoảng thời gian nào đó thôi. Chứ còn một thứ tình yêu khác mà con không thể tìm ra được khi Ba Mẹ đã mất! Đó là tình Ba Mẹ thương con!

Con yêu dấu,

Không phải kể ơn khi Ba viết về đề mục nầy. Nhưng ít ra khi làm con người có suy nghĩ, có được ý thức, tức là con đã biết mình thương người nào, ghét người nào; và con cũng cần nên biết Ba Mẹ mình đã làm những gì cho mình, và làm việc ấy với mức độ hi sinh ra sao? Nhiều hay ít?

Ba không biết bây giờ con có người yêu hay bạn gái chưa? Tình yêu con dành cho người bạn gái thế nào? Gần thì vui, xa thì nhớ phải không con? Tình yêu ấy mới chỉ là mãnh liệt, bộc phát trong khoảng thời gian nào đó thôi. Chứ còn một thứ tình yêu khác mà con không thể tìm ra được khi Ba Mẹ đã mất! Đó là tình Ba Mẹ thương con!

Chắc có  lần con đã ngắm nghía và quan sát một bông hoa từ lúc nó còn búp đến khi nó nở, tàn rồi trở thành trái. Đó là một lẽ của tạo hóa! Thời gian mà con thích nhìn nó nhất là lúc nó nở hoàn toàn. Có những cánh hoa mềm mại, màu mơn mởn, nhụy lấm tấm vàng, đẹp đẽ làm sao ấy! Và lúc mà hoa ấy bắt đầu úa để tạo thành trái là lúc con không thích nhìn nữa. Đấy là giai đoạn của loài hoa. Con người cũng không khác hơn bao nhiêu con ạ! Con người lúc bắt đầu dậy thì, phát triển như bông hoa đang độ búp. Khi hoa nở là lúc thanh niên nam nữ vào lứa tuổi yêu đương. Cho nên người xưa mới gọi thời kỳ ấy là "Tuổi thanh xuân" hay "Thời kỳ hoa bướm", giống các con hiện nay vậy. Các thiếu nữ là những bông hoa. Hoa nở ra mỗi bông một vẻ, màu sắc mơn mởn xinh tươi, tràn đầy sức sống, lay mình trong gíó để chào đón các cánh bướm "chàng trai" đang nhởn nhơ, tung cánh khoe màu sắc của cánh mình. Con thấy cảnh ấy có nên thơ không? Chính vì vậy, những vần thơ tình, những bài hát yêu đương, những tiếng còi sinh hoạt thanh niên đều vào thời ấy cả! Và đó, cũng là thời kỳ nhiều kỷ niệm nhất được gom góp bỏ vào "rương cuộc đời" để về già, ngồi uống nước trà mà nhớ lại!

Khi con chọn được người yêu và tiến đến hôn nhân, quyết lập gia đình tức là bắt đầu vào giai đoạn khác của con người. Những năm đầu chưa có con, hai vợ chồng vẫn còn thoải mái, đi đây đi đó, vui vẻ lẫn nhau. Khi có con thì cặp vợ chồng nào cũng vậy: Cũng phải lo lắng, nghĩ đến làm thế nào chăm sóc cho con. Làm có tiền để lo cho con đầy đủ. Con mình phải đẹp thế nầy, thế kia. Ngoan thế nào? Học giỏi ra làm sao?

Mỗi bước trưởng thành của cái thai là mang thêm một suy tính cho người mẹ và suy nghĩ cho cả người cha. Đôi khi cái thai làm cho người mẹ ăn không được ngon, uống không được thoải mái. Hoặc đôi lúc sức khoẻ yếu kém, nhưng người mẹ vẫn thấy thích thú: Vì mình sắp có con. Bước đi ấy phải mất 9 tháng 10 ngày!

Sự đau đớn của Mẹ sinh con ra không phải là đơn giản. Chắc có lúc, con đã coi phim trên truyền hình, có vài đoạn phim chiếu cảnh người mẹ sinh con, quả cực khổ vô ngần. Khi con ra đời, nhìn thấy con trọn lành, mẹ con mĩm cười, hôn đứa con mình lần đầu tiên: Sao mà dễ thương quá! Rồi nửa đêm con thức giấc đòi bú, ỉa, đái hoặc con khóc; tất cả sự việc đó mẹ con đều phải thức, giấc ngủ chẳng được ngon! Chứ không như bây giờ, mẹ con kêu con dậy để học bài vì trời đã tối, con lại cự nự, cằn nhằn. Hoặc kêu con ngủ sớm để mai dậy sớm thì con cũng lớn tiếng, cộc cằn. Đó là chưa kể đến ngày thì mẹ phụ cùng ba, tối về con lại bị bệnh nóng sốt hay khóc suốt đêm, thì con cứ thử nghĩ: Mẹ con sẽ phải làm gì? Mỗi năm con mỗi trưởng thành, mỗi năm mẹ con phải lo nhiều hơn. Ai đi làm, ai cơm nước, ai giặt giũ quần áo cho con, ai dậy sớm thức khuya. Công sức ấy rất nhiều con ạ! Đó là tình mẹ thương con! Nếu "công cha" chỉ cao "như núi Thái sơn", thì "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", không bao giờ dứt. Nếu con đã hát karaoké, thì ba nghĩ ít ra cũng có một lần con hát bài "Lòng mẹ" của nhạc sĩ Y-Vân: "Lòng mẹ bao la như biển Thái bình dạt dào" và "lòng mẹ như dòng suối hiền ngọt ngào" và nhiều... nhiều nữa! Con cảm thấy lòng mình thế nào khi con hát?

Có một câu chuyện hồi nhỏ ba học, bây giờ ba kể lại cho con nghe. Chuyện đó nói về lòng mẹ thương con: "Một ngày kia, có một người thợ săn đi vào trong rừng săn thú. Đi đến một rừng cây nọ, người thợ săn thấy con vượn mẹ đang cõng con vượn con chuyền qua cành. Người thợ săn liền lấy cung tên nhắm bắn con vượn mẹ. Con vượn trúng tên. Biết mình không thể sống được nữa, con vượn mẹ liền cho con bú, xong rồi lăn ra chết. Con vượn con bò quanh vượn mẹ kêu gào! Người thợ săn bắt luôn con vượn con đem về nuôi. Nhưng liền mấy ngày nó không ăn, không uống rồi cũng chết".

Con có  hiểu chuyện kể ấy không? Vượn mẹ thương con đến lúc sắp chết vẫn còn sợ con đói và vượn con thương mẹ cũng không ăn, không uống mà chết. Thì đối với con người, tình thương con còn sâu đậm hơn nữa con ạ! Mỗi lúc con đi chơi về khuya, con đâu biết mẹ con cứ thức giấc chờ con. Con càng về khuya thì mẹ con càng bồn chồn, không an lòng! Thực ra, tình mẹ bỏ ra không bao giờ tính toán đúng như câu:

Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,

Con nuôi mẹ tính tháng, tính ngày.

                                      (ca dao)

Những điều ấy bây giờ Ba nói thì con chẳng chịu tin. Nhưng đến khi lớn lên có vợ, có chồng và có con thì lúc đó con mới hiểu. Khi con hiểu thì Ba Mẹ có thể đã mất đi rồi! Cho nên, trong đạo Phật có ngày lễ Vu-Lan, đó là ngày báo hiếu vào ngày rằm tháng bảy. Lễ ấy bắt đầu lúc Ngài Mục-Kiền-Liên báo hiếu cho mẹ được truyền đến nay. Và sau nầy, trong buổi lễ có thêm phần "Bông hồng cài áo". Ai còn mẹ được cài bông hồng đỏ, ai mất mẹ thì cài bông hồng trắng. Nếu lúc ấy, con phải cài bông hồng trắng thì có lẽ: "Lòng con chan hòa nước mắt!", mà muốn mình được cài lên bông hồng đỏ. Vậy thì, con đừng đợi đến lúc ấy, một ngày nào đó, "Rồi một ngày nào đó, con về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu, và nói với Mẹ rằng: Mẹ ơi! Mẹ ơi!.. Mẹ!.. Mẹ có biết rằng... biết rằng... Con yêu Mẹ lắm không?" (Bông hồng cài áo, nhạc Phạm Thế Mỹ). Chắc lúc đó, Mẹ con sẽ nhìn con qua làn nước mắt vì cảm động.

Mẹ già  như chuối Ba Hương,

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

                                                (ca dao)

Source: DPNN

Các tin đã đăng: