Chọn một cách sống an lạc
25/10/2013 22:40 (GMT+7)

Đó là lời khuyên để người trẻ suy nghĩ và tìm cho mình một cách để sống là sống vui, sống khỏe chứ không phải là lây lất, sống chỉ dưới dạng thức sinh học còn tâm hồn thì đau đớn, hay “chết ngắt” vì sống mà không có ích, thậm chí làm hại mình, hại người…

1. Nhiều bạn trẻ vô tư quá! Vô tư ở đây được hiểu là không quan tâm tới cuộc sống, mặc kệ mọi thứ, nhưng trong cuộc sống luôn cần những nghĩ suy để có thể hiểu mà sống cho tốt, để tránh những vấp váp trong cuộc đời. Xã hội ngày một phát triển, đời sống vật chất tăng lên nên những người trẻ được cung ứng đầy đủ dinh dưỡng để lớn lên nhưng lại quá ít chất liệu để trưởng dưỡng nội tâm. Thế nên, rất nhiều tâm hồn trẻ em trong những cơ thể đã lớn sầm, với hình tướng không còn con nít cùng những hoạt động sinh lý đủ để thành một “người lớn”.

Chính vì thiếu nền tảng tâm hồn, chưa nghĩ được thật sâu sắc những điều lẽ nên phải biết nhằm cân bằng cuộc sống nên không thiếu người trẻ lớn rồi mà sống vô tư, vô lo theo nghĩa… vô trách nhiệm. Không thiếu những chia sẻ gần như bất lực của những ông bố, bà mẹ trên các diễn đàn, rằng “con mình không biết làm gì cả, 18-20 tuổi rồi mà cái gì cũng bố, mẹ, thiếu một kỹ năng ứng xử để gọi là trưởng thành, nên mình lo lắm”.

Cũng chính vì sự vô tư này cũng như đánh giá sai về những hoạt động tay chân, những công việc thủ công, đồng thời quá lệ thuộc vào những phương tiện khoa học, tiện ích kỹ thuật nên người trẻ cũng “thiệt thòi” trong ý nghĩa không xử lý được những tình huống đòi hỏi động tay chân, xắn ống quần lên để làm.

Hai từ “dấn thân” đôi khi trở nên xa xôi với nhiều người trẻ vì đã quen với những sự chăm sóc tận răng. Nhiều người lo lắng bởi vì thế hệ trẻ sinh ra trong gia đình con một nên được cưng chiều dẫn tới thiếu những kỹ năng ứng phó với khó khăn, do đó dễ nổi cáu, bực bội cũng như dễ bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn.

Cách giáo dục trong một xã hội mà việc học đặt lên hàng đầu, xem như cơ hội đổi đời là tốt, nhưng nếu đi quá xa trong nếp nghĩ kỳ thị cả những ngành nghề liên quan đến tay chân, sức vóc thì sẽ khiến cho người trẻ chông chênh hơn là trưởng thành. Sự chông chênh của việc không thể chịu đựng được thất bại trong một cuộc cạnh tranh với cánh cửa hẹp vào giảng đường cùng áp lực “con phải đậu” trong kỳ vọng của bố mẹ đã đẩy các bạn trẻ vào chỗ mệt mỏi nhiều hơn là thoải mái. Nạn tự tử cũng từ đây mà ra!

Bên cạnh đó, lại có nhiều bạn trẻ học chỉ để “hợp thức hóa” cái bằng, còn chỗ làm thì đã được lo lót đầy đủ, dọn sẵn một con đường để về nên sự “vô lo” càng khiến cho họ trở nên ngạo mạn. Con đường tiến thân vốn cần phải được đi bằng đôi chân mình thì lại được “ô dù” che chở, đường vòng, đường tắt, không cần đổ mồ hôi, dẫn tới đạt được mục đích nhưng lại thiếu trân trọng và dễ dàng bán mình cho “quỷ dữ” vì ngay từ bước đầu đã “nương nhờ” quỷ dữ – là chức quyền hay tiền bạc sẵn có thì trách sao phạm pháp, hư hao tâm hồn không là mẫu số chung cho những quý tử, cô chiêu, cậu ấm con nhà giàu?

2. Nhiều bạn trẻ vô tâm ghê lắm! Ờ, thì người lớn đã dạy cho họ sự vô tâm bằng cách thờ ơ trong chăm sóc, nuôi nấng, truyền trao hơi ấm. Thậm chí, còn trao tình thương sai cách, bằng việc nghĩ rằng cứ lo tận răng mọi thứ, tiền bạc chu cấp không thiếu với mọi người, đòi chi được nấy, thế là được, tốt lắm rồi. Trong khi đó, đứa trẻ lớn lên cần bàn tay người mẹ, sự ân cần bảo ban từ cha, thì nay, việc ru con lắm khi cũng nhờ tới đầu đĩa, tivi, máy tính… thì lấy đâu ra hơi ấm để những người trẻ lớn lên, cảm được sự gần gụi giữa con người với con người, trước tiên là cha mẹ. Thêm vào đó, chỉ mới lên ba, lên năm tuổi thôi đã được cưng chiều, trao cho chiếc điện thoại iPhone, hay iPad để “vùi đầu” vào thế giới ảo với những trò chơi đấm đánh túi bụi cùng việc lướt web suốt ngày. “Mùi” người không được “ngửi” và cũng không được “chạm” bằng mắt, bằng tai sống động nên khi tiếp xúc với con người thật, nhất là những người khổ thì người trẻ sẽ khó cảm được, nếu không muốn nói chai lì cảm xúc.

Hơn nữa, trong thế giới hỗn mang, thiếu thốn niềm tin do có quá nhiều giả dối xung quanh nên người ta cứ thế đề phòng nhau, canh me từng chút một thì lấy đâu ra những xúc cảm chân thành để mà nuôi lớn lòng từ bi? Qua một ngã tư, đứa trẻ ở trường được dạy bài học chia sẻ, định móc tiền lẻ bỏ vào chiếc nón ngửa ra của người ăn xin thì người mẹ giật lại, “họ giả bệnh, giả nghèo để lừa mình đó con”. Đứa trẻ ngác ngơ, nhìn người ăn xin, nhìn mẹ, nhớ bài học ở trường rồi buồn thiu, thất vọng. Giá mà người mẹ khuyến khích con việc làm đúng bài đã học, vì chưa biết họ lừa hay không, nhưng ngay khi sẻ chia thì trong tâm hồn ngây thơ của trẻ, hạt giống từ bi đã trổ lên, nhú mầm yêu thương rồi.

Đôi khi, cũng cần bỏ ra một ít để làm mềm tâm hồn mình, để không vô cảm. Chính vì không ai nghĩ như thế nên dần dần, mọi hình ảnh khổ đau hiện ra trước mắt cũng trở nên bình thường trong dòng nghĩ mênh mang, trong ám ảnh “họ lừa mình”.

3. Giá mà, người trẻ nào cũng được học Phật. Ước thế thôi, chứ nếu điều ước đó thành sự thật thì cũng đồng nghĩa với việc thế giới này hòa bình, cõi Ta-bà hóa thành Tịnh độ rồi. Vì nếu được học Phật, thấm lời Đức Thế Tôn dạy thì người trẻ sẽ biết nhân-quả mà không vô tư, dẹp vô tâm qua một bên để sống là biết sẻ chia, biết nghĩ đến những hạt giống liên tục được gieo cấy trong vườn tâm của mình thông qua cách mình nghĩ, điều mình nói và việc mình làm.

Đó chính là ba nghiệp (ý-khẩu-thân). Không có chi là vô nghĩa trên cuộc đời này cả. Thiền sư thấy “không khổ đau lấy chi làm chất liệu” để nhắc môn đệ mình rằng, nghịch duyên cũng giống như “lửa” để “thử vàng”, để rèn mình. Những khó khổ, dấn thân vào chỗ thiếu thốn, để chịu thiếu thốn một chút biết đâu sẽ dạy mình trân quý giá trị lao động-sáng tạo, để mình không chai lì cảm xúc trước cảnh mưu sinh khó khăn của đồng loại, hay hình ảnh nghèo đói, khát nước, thiếu ăn của bạn bè đồng trang lứa của mình ở nơi khác, vùng khác, nước khác, châu lục khác. Đồng thời, cũng là hiểu rằng, việc không làm mà hưởng thì cũng giống như người có đống tiền, ăn hoài cũng hết; phước hữu lậu có đó, mất đó. Chính vì thế mà phương Tây, các tỉ phú không bao giờ để con mình thừa kế tài sản kếch xù, tất cả đều để cho từ thiện. Con cái lớn lên, hãy đứng vững trên đôi chân mình, sống bằng đôi tay, khối óc của mình chứ đừng ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác, kể cả đó là người thân.

Thêm nữa, hiểu Phật pháp, học Phật thì người trẻ sẽ học được rằng, ai giả kệ họ, mình cứ thật tâm mà sống, cứ thương, không phân biệt thì tình thương sẽ trở nên nhẹ hều, không phải cân đo, đong đếm. Tình thương mà bị chen ngang bởi hoài nghi thì sẽ trở nên ấu trĩ, sẽ thành ích kỷ, sẽ biến người ta thành người tính toán thiệt hơn. Khi đó không phải là thương nữa, mà là đau mình và dễ hại người. Giới trẻ bây giờ vì bản thân nhiều quá, nên hễ ai động tới mình dễ sinh ra đối kháng, loại trừ. Không chịu được đau nên phản ứng mạnh lại, song, lại quên mất nhân quả-nghiệp báo, mình gây phương hại cho người thì mình sẽ khổ đau, sẽ chịu trách nhiệm (lãnh quả) không lành.

Do vậy, chọn một con đường bình an, chính là chọn sống theo lời Phật dạy, sống thật kỹ càng, từ ý-ngữ-thân, luôn nghĩ thiện, làm lành, nói điều tốt đẹp. Nguyện thế thì đường ác sẽ xa ra!

                                                                                                               Mạnh Khôi
                                                                                         sưu tầm : Kiều Lương

Các tin đã đăng: