Hạnh phúc lứa đôi - Kỳ 1: Bản chất của hôn nhân theo tinh thần Phật giáo
01/03/2010 01:23 (GMT+7)

Hạnh phúc lứa đôi - Kỳ 1: Bản chất của hôn nhân theo tinh thần Phật giáo

Hôn nhân - Vấn đề lớn của con người

Hôn nhân và gia đình cũng là một vấn đề lớn được Phật Thích Ca giảng dạy trong kinh điển. Giáo lý của ngài mặc dù đặt trọng tâm trên nền tảng giải thoát, xuất ly thế gian, nhưng đệ tử của ngài đa phần còn đời sống tại gia, vì thế cho nên ngài phải có bổn phận giảng dạy cho họ sống đúng theo chánh pháp để có hạnh trong gia đình.

Hôn nhân là vấn đề lớn của con người

Trước khi thành Phật, ngài cũng phải trải qua một đời sống thế tục, có vợ, có con và ngài đã làm tròn bổn phận đối với họ. Ngài sống rất hạnh phúc với Da Du Ðà La, chưa bao giờ ngài làm cho hiền thê phiền lòng và ngược lại. Khi xuất gia thành chánh quả ngài trở về hoàng cung tiếp độ phụ hoàng, hiền thê và con thơ giác ngộ chánh pháp của chư Phật. Ðây là một món quà vô tiền khoáng hậu mà chưa có một người con, người chồng, người cha nào trên thế gian này thực hiện được.

Bản chất của tình yêu không phải là một chuyện xấu. Trong giáo lý của Ðức Phật, ngài không có bác bỏ vấn đề nam nữ yêu nhau, nhưng ngài dạy từ lúc yêu thương đến lúc chung sống nhau phải phù hợp với đạo lý của con ngườiù. Ngài dạy người nam và người nữ sống bên nhau phải có hạnh phúc. Hạnh phúc theo giáo lý của nhà Phật là phải có 5 giới và đồng thời ngài dạy người chồng phải có 5 bổn phận đối với người vợ, người vợ cũng vậy.

Hôn nhân là bổn phận trong cuộc sống đời thường

Theo quan điểm nhà Phật, hôn nhân không phải là thánh thiện cũng không xấu xa. Phật giáo không xem hôn nhân như là một bổn phận tôn giáo mà cũng không phải một lễ ban phước được an bài nơi cõi Trời. Người bi quan nói rằng trong lúc một số người tin rằng hôn nhân là do trời sắp đặt, những người khác lại nói nó cũng đã được ghi vào sổ ở cõi Âm ty địa ngục! Hôn nhân là một bổn phận cá nhân và xã hội, nó không phải là bắt buộc. Người đàn ông hoặc người phụ nữ có quyền tự do kết hôn hoặc ở độc thân. Ðiều này không có nghĩa là Phật giáo chống lại hôn nhân. Không ai trên thế gian này nói hôn nhân là điều tồi tệ, cũng chẳng có tôn giáo nào chống lại hôn nhân.

Thực tế, tất cả mọi sinh vật thành hình là do kết quả của đời sống tình dục. Giữa nhân loại, tập tục hôn nhân đã xảy ra, qua đó xã hội loài người đảm bảo được sự tồn tại và mặc nhiên lớp trẻ cần được quan tâm chăm sóc. Sự kiện này dựa trên sự tranh cải cho rằng trẻ con được sanh ra do bởi dục lạc, chắc chắn cha mẹ chúng phải có trách nhiệm giáo dưỡng, ít nhất cho tới khi chúng trưởng thành. Và hôn nhân đảm bảo rằng trách nhiệm này cần được hậu thuẫn và thực thi.

Ảnh minh họa

Một xã hội phát triển qua một mạng lưới của những mối quan hệ có mối liên kết và hỗ tương lẫn nhau. Mỗi mối quan hệ là một sự cam kết chân thành để hỗ trợ và bảo vệ những người khác trong một nhóm hoặc một cộng đồng. Hôn nhân đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới của những mối quan hệ đem lại sự hỗ trợ và bảo vệ. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần phải nuôi dưỡng và phát huy dần dần từ sự hiểu biết chứ không phải bốc đồng, từ lòng chân thành thật sự chứ không phải là sự thỏa mãn nhất thời. Tập quán hôn nhân mang lại một nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển văn hóa, một sự kết hợp đầy thú vị giữa hai cá nhân được chăm sóc và thoát khỏi cô đơn, mất mát và sợ hãi. Trong hôn nhân, người này phát huy một vai trò kết hợp hài hòa, đem lại sức mạnh và dũng khí cho người kia, mỗi người thể hiện sự nhận thức đầy thông cảm và giúp đỡ người khác trong việc chăm sóc và cung cấp cho gia đình. Ðừng có ý tưởng cho là đàn ông hoặc đàn bà là kẻ cả - người này kết hợp hài hòa với người kia, hôn nhân là một sự kết hợp bình đẳng, dịu dàng, bao dung, và an vui.

Trong nhà Phật, người ta có thể tìm thấy tất cả những lời khuyên cần thiết để người ấy có thể sống một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Mọi người đừng bỏ qua lời dạy của đấng Giác Ngộ nếu thật sự muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Trong những bài pháp của ngài, Ðức Phật có nhiều lời dạy khác nhau cho những cặp vợ chồng và cho những ai đang có ý định lập gia đình. Ðức Phật đã dạy rằng: "Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết và người phụ nữ có thể tìm được một người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thật sự là may mắn."

Trích trong Hôn nhân Hạnh phúc (A Happy Married Life)

HT. Sri K. Dhammananda (ĐĐ. Thích Thiện Minh dịch)


Các tin đã đăng: