Tôi
29, bạn gái 27 tuổi, đã yêu nhau gần 4 năm nhưng nay phải chia tay vì
lý do khác đạo. Gia đình cô ấy theo đạo Thiên Chúa, nhà tôi theo đạo
Phật.
Trong thời gian yêu nhau, chúng tôi rất hạnh phúc, hầu như không có
vấn đề gì nghiêm trọng như phản bội, lừa dối hay lợi dụng. Tình yêu của
chúng tôi rất trong sáng và cả hai tự hào đã quyết tâm gìn giữ không
vượt quá giới hạn. Vấn đề bắt đầu khi hai đứa tính đến chuyện kết hôn.
Gia đình cô ấy cương quyết không đồng ý trừ khi tôi và các con của
chúng tôi sau này đều phải theo đạo Thiên Chúa.
Tuy nhiên, gia đình cũng như bản thân tôi không chấp nhận. Hai đứa đã
làm rất nhiều việc để thuyết phục người lớn nhưng không đạt kết quả.
Có thời gian, vì quá yêu tôi cũng định cải đạo, nhưng sau khi suy nghĩ
rất nhiều, cách đây 3 tháng, tôi đành đi đến quyết định chia tay. Cả
hai chúng tôi đều rất đau khổ. Tôi định sẽ không gặp lại cô ấy cho đến
khi một trong hai đứa có người khác hoặc không còn tình cảm nữa. Nhưng
cô ấy cần một giai đoạn chuyển tiếp vì chia tay nhanh như vậy sẽ không
chịu đựng nổi. Do vậy, hiện tại, chúng tôi vẫn gặp nhau mỗi tuần một
lần như những người bạn dù tình cảm giữa hai đứa không hề thay đổi.
Chúng tôi đều có công việc với thu nhập tương đối cao. Cơ hội tìm
kiếm những mối quan hệ khác cũng có nhưng cả hai đều không có cảm xúc
với người khác. Tôi không biết nên giải quyết trường hợp này như thế
nào cho hợp lý và sáng suốt.
Theo Mạnh Quân - GĐN
Vấn đề kết hôn khác tôn giáo
Hỏi: Kính thưa thầy, gia đình con có truyền
thống tu theo đạo Phật. Ông bà cha mẹ con đều là những người theo đạo
Phật. Con cũng đã quy y Tam bảo và đã trở thành một Phật tử. Nhưng con
có quen với một người bạn gái theo đạo Thiên Chúa. Chúng con định kết
hôn với nhau. Nhưng khi biết được, ba mẹ con quyết định không đồng ý
cho con kết hôn với người bạn gái đó. Con xin hỏi, nếu chúng con tiến
tới hôn nhân thì con có mang tội với tôn giáo của mình không? Và đối
với gia đình con có phải là đứa con bất hiếu không? Kính xin thầy hoan
hỷ cho con biết ý kiến và con rất muốn nghe lời khuyên bảo của thầy.
Ðáp: Ðây là một vấn đề rất tế nhị, vì nó được đặt
định trên cơ sở của niềm tin. Ở đây, chúng tôi chỉ dựa vào tinh thần vô
ngã phá chấp bao dung của đạo Phật mà chúng tôi xin được góp chút
thành ý chung chung trong vấn đề nầy.
Niềm tin đối với con người rất hệ trọng. Nhất là đối với niềm tin tôn
giáo. Vì thế, đạo Phật xưa nay rất tôn trọng niềm tin tưởng của mọi
người. Ðạo Phật không bao giờ bắt buộc ai phải tin theo đạo Phật một
cách mù quáng vô điều kiện. Cho nên, việc chọn lựa là quyền quyết định
của mỗi cá nhân. Việc từ bỏ một tôn giáo nầy theo một tôn giáo khác,
đối với đạo Phật cũng không có ngăn cấm. Vì đạo Phật rất tôn trọng
quyền tự do tư tưởng quyết định tuyệt đối của con người. Tuy nhiên,
việc chọn lựa khổ hay vui, là chính do con người tự định đoạt lấy. Ðạo
Phật chỉ vạch bày cặn kẽ cho mọi người thấy rõ, đâu là con đường đưa đến
an vui hạnh phúc và đâu là con đường dẫn đến khổ hải trầm luân. Từ đó,
mỗi cá nhân tự tư duy sát nghiệm cho thật kỹ càng rồi mới nên quyết
định. Ðạo Phật chỉ khuyên con người cần có một quyết định sáng suốt.
Bởi theo đạo Phật, niềm tin bao giờ cũng phải có sự vận dụng của trí
huệ soi sáng dẫn đường. Có ý thức như thế, thì mới không bị sa đọa vào
con đường tà ngoại.
Với chủ trương vô ngã phá chấp, đạo Phật khuyên con người nên mở rộng
cõi lòng hỷ xả bao dung phá bỏ mọi thành kiến cố chấp dị biệt. Ðịnh
kiến cố chấp, đó không phải là tinh thần căn bản của đạo Phật. Càng cố
chấp chừng nào thì con người càng chuốc lấy hệ lụy khổ đau nhiều chừng
nấy. Chẳng những làm khổ mình mà còn làm khổ lụy bao nhiêu người khác.
Ðạo Phật sở dĩ được tồn tại trải dài theo thời gian mà vẫn không bị lỗi
thời, là vì đạo Phật tuyệt đối không có vấn đề mặc khải giáo điều.
Nguồn giáo lý của đạo Phật mang đủ hai yếu tính cơ bản thiết thực: khế
lý và khế cơ. Khế lý là hợp với chân lý muôn đời bất di bất dịch. Khế
cơ là thích nghi với mọi hoàn cảnh, căn cơ, thời đại. Nhất là luôn luôn
thích nghi phù hợp với mọi trào lưu tư tưởng tiến hóa của nhơn loại.
Vấn đề tình cảm hôn nhân, đối với xã hội ngày nay nó không còn định
hình thủ cựu như ngày xưa nữa. Những phong tục lễ nghi tùy theo mỗi
thời đại mà có sự thay đổi biến thể khác nhau. Chúng ta chỉ nên duy trì
những lễ nghi phong tục nào, xét thấy còn mang tính thuần phong mỹ tục
đặc trưng cho bản sắc dân tộc và khế hợp với thời đại khoa học, còn
những phong tục lễ nghi nào rườm rà phức tạp, mê tín, lỗi thời, thì
chúng ta nên giảm bớt hoặc mạnh dạn dứt khoát loại bỏ không nên duy
trì.
Là phụ huynh, chúng ta không nên cố chấp vào những nếp nghĩ bảo thủ
xưa, mà làm đau khổ cho những thế hệ trẻ. Chính tình trạng bắt ép theo
kiểu cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó, đã hơn một thời gây ra không biết
bao nhiêu những cặp thanh niên nam nữ phải chịu nhiều đau khổ. Thậm
chí có người vì quá yêu thương không được toại nguyện, nên họ đành phải
chọn cái chết để kết liễu đời mình. Ðó là hậu quả thật vô cùng tai hại
do những thành kiến bảo thủ cố chấp gây ra. Với thời đại khoa học tân
tiến hiện nay, việc bảo thủ định kiến tai hại nầy, theo tôi, thì không
còn thích hợp nữa. Chúng ta cần phải mở rộng cõi lòng dung hợp trong
tinh thần đạo đức nhân bản nhằm tiến đến xây dựng tình người trong cộng
đồng nhơn loại.
Trở lại câu hỏi của Phật tử, Phật tử hỏi rằng, nếu Phật tử tiến đến
hôn nhân có mang tội với tôn giáo của mình không? Theo tôi, thì Phật tử
không có gì là mang tội cả. Vì đó là chuyện quyết định chọn lựa tình
cảm riêng tư của Phật tử. Không phải vì kết hôn với một người khác tôn
giáo mình, mà Phật tử lại từ bỏ lý tưởng đạo giáo của mình. Phật tử đâu
có nói là khi tôi thành hôn với người đó, thì tôi quyết định từ bỏ đạo
giáo của tôi. Phật tử chỉ quyết định trong việc cưới hỏi thành hôn
thôi mà! Còn việc đạo giáo tín ngưỡng thì đạo ai nấy gìn giữ tôn thờ.
Ðó là mình vẫn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Ðiều
quan trọng là cả hai phải tôn trọng thỏa thuận niềm tin của nhau. Nói
theo Thiền sư Nhất Hạnh thì, Phật tử có thêm một gốc rễ tâm linh thứ
hai. Như vậy, thì Phật tử được phong phú dồi dào thêm chớ sao lại có
tội? Phật tử có bao giờ phản bội làm thiệt hại đến đạo giáo của mình
đang tôn thờ đâu? Không phải vì kết hôn với một người khác tôn giáo với
mình mà mình không có hạnh phúc. Quan niệm nầy xét thấy thật không hợp
lý lắm. Chúng tôi thấy có nhiều cặp vợ chồng không cùng chung một tôn
giáo mà họ vẫn sống rất hạnh phúc với nhau cho đến trọn cuộc đời.
Ngược lại, có lắm người cùng chung một tôn giáo mà đời sống của họ
không bao giờ có hạnh phúc. Ðiều quan trọng là ở nơi cá tánh của mỗi
người chớ không phải ở nơi tôn giáo. Họ không bao giờ biết nhường nhịn
lẫn nhau. Mặc dù tôn giáo đã dạy họ như thế. Nhưng họ vẫn tranh cãi ăn
thua đủ với nhau. Thậm chí có người vì quá sân hận nóng nảy nên gây ra
cảnh bạo hành đánh đập với nhau. Hậu quả là gia đình tan nát đổ vỡ, mỗi
người một ngã. Ngày xưa thương yêu bao nhiêu nay trở thành đối nghịch
thù hận bấy nhiêu. Cha mẹ ly dị thì con cái phải chịu nhiều đau khổ!
Như vậy hạnh phúc do đâu? Có phải do khác tôn giáo hay không? Theo tôi,
hạnh phúc có hay không, chính là ở chỗ giữa hai trái tim có thiết thực
thông cảm, hiểu biết, yêu thương, và có khéo biết cư xử thành thật tôn
trọng với nhau hay không mà thôi. Nói rõ ra là hạnh phúc chỉ nằm gọn
trong “trái tim yêu thương” chân thật thông cảm của hai người. Ðó mới
là điều quan trọng trong việc bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.
Còn việc Phật tử hỏi như thế có bất hiếu với gia đình hay không? Ðiều
nầy, theo tôi, nếu căn cứ theo truyền thống hiếu đạo của người Việt
Nam chúng ta, thì con cái mà cãi lời cha mẹ, chỉ biết làm theo ý mình,
bất cần lời khuyên bảo dạy dỗ của cha mẹ, thái độ như thế thì đó là
người con bất hiếu. Bất cứ thái độ hành động hay lời nói nào làm khổ
cho cha mẹ, thì đều gọi là bất hiếu cả. Bởi vì làm cha mẹ lúc nào ai
cũng muốn cho con cái của mình có được một cuộc sống an vui hạnh phúc.
Không có cha mẹ nào muốn cho con mình phải hư hỏng chịu nhiều đau khổ.
Chính vì sự yêu thương quan tâm lo lắng rất mực đó, nên giữa cha mẹ và
con cái mới có những sự bất đồng quan điểm gây nên tình trạng mâu thuẫn
xung đột bất hòa với nhau. Và cả hai đều có những nội kết nỗi khổ niềm
đau riêng.
Hơn ai hết, là người Phật tử chúng ta nên vâng theo lời Phật dạy mà
khéo xử sự nhẫn nhịn ôn hòa với nhau. Bởi tư tưởng của con người là do
huân tập ở mỗi môi trường, hoàn cảnh, thời đại khác nhau. Do đó, nên
mỗi người có những ý nghĩ quan niệm sống khác nhau. Trong gia đình,
giữa cha mẹ và con cái nên thiết lập truyền thông bàn giải trong tinh
thần yêu thương cởi mở dung hòa để tìm ra một giải pháp thích hợp. Trên
đời, không có bài toán đố khó khăn nào mà không tìm ra đáp số. Nếu
chúng ta chịu khó ngồi lại với nhau để cùng nhau quyết tâm tìm cách
giải đáp. Theo tôi, đối với thời đại ngày nay, chuyện cưới gả kết hôn
đối với ngừời khác tôn giáo, thật ra không có gì là lỗi đạo hay không
đem lại hạnh phúc cho lứa đôi.
Do đó, sự quyết định nên để cho con cái tự do quyết định hay hơn là
cha mẹ lấy quyền quyết định. Nếu cuộc hôn nhân do cha mẹ quyết định,
khi thuận thảo yên xuôi cơm lành canh ngọt thì thôi, bằng trái lại, khi
hôn nhân của con cái bị chia ly đổ vỡ, thì ai là người lãnh lấy trách
nhiệm? Có phải mọi việc con cái sẽ đổ trút lên hết trách nhiệm cho cha
mẹ hay không? Ðây là một bài học quá cay đắng và quá xưa đã lỗi thời
rồi. Thế thì, muốn cho yên xuôi trên hòa dưới thuận, thì tốt hơn hết là
hãy để cho con cái tự quyết định lấy. Ðó là biện pháp hay nhứt và
không lỗi thời. Mọi việc nên hư, thành bại, đắc thất… đều do chúng nó ý
thức tự quyết định lấy. Cha mẹ chỉ đóng vai trò là người cố vấn phân
tích lợi hại và thức nhắc chúng mà thôi. Tuyệt nhiên, không nên can dự
vào sự quyết định chọn lựa của con cái.
Ðó là những điều mà chúng tôi xin được chân thành trao đổi chia sẻ
góp ý cùng với các bậc phụ huynh cũng như với các bạn trẻ. Nhất là đối
với Phật tử đã hỏi. Thật ra, đối với thời nay, phải nói ngược lại mới
đúng. Nghĩa là con cái đặt đâu thì cha mẹ ngồi đó. Mong rằng, những
chia sẻ góp ý nầy, sẽ giúp cho quý vị phần nào nhằm giải tỏa những mâu
thuẫn gút mắc trong gia đình về việc hôn nhân, nhất là hôn nhân khác
tôn giáo. Sự chân thành góp ý nầy, nếu có gì sai trái, thì xin quý vị
cũng niệm tình thứ lỗi bỏ qua cho.
Kính chúc Phật tử mọi việc sẽ đạt được an ổn tốt đẹp như ý muốn.
Thích Phước Thái