Dọn rác trong tâm
23/12/2013 20:00 (GMT+7)

Nhân đầu mùa hạ, chư Tăng cấm túc an cư, nên chúng ta bàn đề tài này thấy thích hợp cho việc tu hành. Trước nhất, chúng ta có câu chuyện Bàn Đặc là bào đệ của Châu Lợi Bàn Đà rất thông lợi và quản lý tinh xá, trong khi Bàn Đặc rất khờ, nên bị đại chúng xem thường. 

Vì vậy, Phật dạy Bàn Đặc nếu không học được, không làm được việc lớn cũng làm được việc nhỏ là dọn quét phân nhơ. Phật mới đưa cho Bàn Đặc cây chổi vừa quét vừa học hai chữ chổi quét. Sau một thời gian học hai chữ này, ông vừa quét rác bên ngoài và cũng dọn sạch rác trong tâm đến mức độ tâm ông hoàn toàn thanh tịnh, không còn phiền não nhiễm ô, trở thành Thánh La-hán vượt hơn bào huynh làm cho đại chúng phải kính nể. 

Quét rác vườn tâm - Ảnh minh họa

Từ chuyện Bàn Đặc chuyển sang kinh Pháp hoa, phẩm Tín giải thứ 4, Trưởng lão Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề và Mục Kiền Liên tiêu biểu cho bốn vị Thánh La-hán dẫn đầu đại chúng đã nói thí dụ cùng tử giúp chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn và nhận thức rõ ràng hơn việc tu hành của mình. Các ngài thí dụ thân phận mình là cùng tử hèn hạ, không dám nghĩ mình cao sang là Thánh La-hán. Qua câu chuyện, chúng ta theo Phật học đức khiêm tốn. Ở trong chúng, tự khiêm hạ, nghĩ mình hốt dọn phân nhơ, nhưng chủ yếu trong lòng chúng ta có sở đắc. Thật vậy, trên bước đường tu, đối với chúng xuất gia, việc quan trọng là dọn dẹp phân nhơ trong lòng, nghĩa là cố gắng khắc phục phiền não trần lao nghiệp chướng. Đó là thành quả mà các vị Thánh La-hán đã đạt được và chia sẻ với chúng ta.

Học kinh Pháp hoa, tôi nhận ra lý này, trong pháp Tứ Thánh đế, Phật dạy đầu tiên học thiền Tứ niệm xứ để tập cho chúng ta quên việc đời cũng có nghĩa là quên phiền não trần lao nghiệp chướng. 

Hàng Thanh văn xuất gia tập quên thế sự, nên Phật dạy tu hành quán Không, nhập Không môn, tức trước mắt chúng ta cái gì cũng không bền vững, nên  không để tâm. Dù chúng ta để tâm đến việc tốt, nhưng phiền não nhiễm ô của chúng ta còn thì tốt cũng sẽ trở thành xấu. 

Vì vậy, tu hành không để tâm gì cả, bỏ tất cả, vì khởi niệm tốt thì sẽ có đối lập xấu khi chúng ta còn vướng mắc trong vòng tương đối. Thực tế cho thấy Tỳ-kheo trì giới tu nghiêm trang, nên thường bất mãn khó chịu với người không nghiêm trang, vì nghĩ rằng những người này đã gây ảnh hưởng xấu cho Tăng chúng. Như vậy là phiền não trong lòng đã phát sanh, từ ý niệm tốt biến thành xấu.

Qua Duyên giác, Phật dạy nếu là bậc chân tu thì không thấy lỗi của người, vì thấy lỗi của người, mình sẽ sanh phiền não. Tuy nhiên, hàng Thượng tọa, Hòa thượng được quyền thấy lỗi của đại chúng để chỉ dạy, vì tâm họ đã thanh tịnh. Nhưng nếu chưa thanh tịnh cũng bực bội khó chịu, phát ra lời nói khó nghe, thì không nên thấy lỗi của người. 

Bực bội trong lòng là rác đã đổ trong lòng, mà không lo dọn rác phiền não trong lòng lại đem rác bên ngoài vào tâm mình, như vậy là từ ý niệm tốt, hành động tốt nhưng biến thành ý niệm xấu, lời nói xấu và hành động xấu.

Vì vậy, Phật dạy tu hành phải quán Không, tất cả đều Không. Bấy giờ Bồ-tát đi vào đời cứu độ chúng sanh, điển hình như Bồ-tát Nguyệt Quang. Theo kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát này từ Thanh văn tu, đi vào đời, đạt được tất cánh Không, nhân Không và pháp Không. Tôi cảm nhận hạnh nguyện của Bồ-tát Nguyệt Quang qua bài kệ sau:

Bồ-tát Thanh Lương Nguyệt

Thường du tất cánh Không

Chúng sanh tâm cấu tịnh

Bồ-tát ảnh hiện trung.

Nghĩa là tâm chúng sanh thanh tịnh, Bồ-tát Nguyệt Quang hiện vào tâm họ, làm họ tốt thêm, nhưng với chúng sanh tâm nhơ bẩn, ngài cũng hiện vào để xóa phiền não trần lao nghiệp chướng cho họ, giúp họ đạt được tất cánh Không.

Người xuất gia tu hành, đầu tiên nhập Không môn và trong Không có ba điểm là Không, vô tác và vô nguyện. Vô tác là không tác ý, tức duyên khởi trong lòng không có, hay không từ vô minh duyên khởi. Nếu tâm trụ vào Không là tâm đứng yên thì tất cánh Không. Nhưng nếu từ Không mà khởi niệm ác sẽ tạo cảnh giới ác và từ chỗ ác này chúng ta tiến lên mà lầm tưởng ác là thiện, nên không trở về bản tánh được.

Thuở nhỏ tôi đọc truyện Cửa tùng đôi cánh gài. Có một Tăng sĩ trẻ tu hành được giải thoát nên được sư phụ ban cho thanh kiếm và một cái gương để làm hành trang đi hành đạo. Thầy này vào đời hành Bồ-tát đạo, cứu nhân độ thế, lấy gương soi rọi trần gian thấy người không tốt thì dùng thanh kiếm diệt trừ. Và vào đời hành đạo trải qua một thời gian sát phạt nhiều người, một hôm vị này nhớ sư phụ mới trở về chùa để thăm. Khi đến trước cửa chùa, thấy cánh cửa khép chặt, thầy liền lấy kiếm chém mạnh, nhưng cửa vẫn không đứt. Mệt quá, thầy ngồi xuống nghỉ. Bấy giờ có một tiểu đồng ra bảo rằng sư phụ đã cho sư huynh cái kính dùng để chiếu vào người, nhưng huynh không bao giờ soi ngược lại mình. Nghe nhắc như vậy, thầy liền cầm cái gương soi mặt mình thì thấy hiện ra hình ảnh một con ác quỷ.

Qua câu chuyện cho thấy hành giả từ ý niệm tốt là cứu nhân độ thế đã biến thành ý niệm xấu và hành động ác, vì cứ nhìn cái xấu của người mà mình không bằng lòng thì cái xấu đó in vào tâm mình một cách chặt chẽ, trở thành của mình lúc nào không hay. Đối với người tu, những gì không bằng lòng là rác nhơ làm bẩn lòng ta thì phải loại bỏ bằng cách chúng ta không nhìn, không nghe, không lưu tâm đến thế sự để giữ cho tâm trống vắng thanh tịnh.

Cũng câu chuyện Cửa tùng đôi cánh gài, nhưng kinh Pháp hoa do bốn vị trưởng lão diễn tả cách khác và rõ hơn qua chuyện cùng tử. Người tu ví mình như cùng tử, vì kinh Pháp hoa phẩm Thí dụ thứ 3 nói rằng ông Trưởng giả vào Nhà lửa ví cho Đức Như Lai hiện thân trên cuộc đời này để cứu độ những người con Ngài là chúng tam thừa có duyên với Phật. Đó là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát hiện hữu trên thế gian này để cứu đời, nhưng họ bị thân tứ đại ngũ uẩn ngăn che. Thân tứ đại ngũ uẩn được ví như 500 do tuần đường hiểm ngăn cách con đường từ đây đến Niết-bàn mà hành giả phải vượt qua. 

Nói rõ hơn, từ chơn tánh một niệm vô minh khởi lên thì liền hiện thân trên cuộc đời mang thân tứ đại và bắt đầu tiếp xúc với cuộc đời. Từ đó, cuộc đời nhồi nhét cho chúng ta đủ thứ chuyện, nhưng đối với hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đã có căn lành gieo trồng từ nhiều đời, nên họ thấy Phật, tâm trí sáng lên thì liền phát tâm hành Bồ-tát đạo và nhớ lại bản nguyện của mình. Vì vậy, Phật xuất hiện trên cuộc đời để cứu những người đệ tử hữu duyên này.

Nghĩa thứ nhất, Phật hiện thân tứ đại ngũ uẩn cứu đời, Ngài làm thái tử tu thành Phật và chúng ta thấy vậy mới tu theo; đó là thấy quả tu nhân. Nghĩa thứ hai theo tinh thần Pháp hoa, Phật hiện thân trên thế gian không còn, nhưng khi hàng Bồ-tát tu hành lắng lòng thanh tịnh thì Phật hiện vào lòng khiến họ thấy Phật và tiếp tục tu Bồ-tát đạo. Kế đến, hàng Duyên giác với căn lành sẵn có, nên không nhiễm ô trần thế, không thích việc đời. Họ ẩn cư nơi vắng vẻ và được Phật hiện vào lòng thì họ nhận chân được chuỗi nhân duyên và tháo gỡ được những sai lầm, ví cho Bích chi Phật. 

Thứ ba là hàng Thanh văn không đủ sức cưu mang người khác, nên phải lo giải thoát cho riêng mình. Bước ban đầu, ở Lộc Uyển, Phật bảo năm anh em Kiều Trần Như đừng nghĩ gì khác, chỉ nên lo thực tập Tứ Thánh đế để được giải thoát, mới đứng trên Bát Chánh đạo để cứu người. Đó là ba hạng đệ tử Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát mà Phật hiện thân trên thế gian này để cứu độ họ.

Như vậy, đối với hàng Bồ-tát và Duyên giác, Đức Phật không hiện thân, nhưng nhờ căn lành có sẵn, nên trong thiền định họ có thể thấy Phật, nghe pháp. Điển hình là Long Thọ, Trí Giả và Nhật Liên, các ngài có điều kiện sống tốt, nhưng không thích hưởng thụ mà thích ẩn cư. Ngài Trí Giả tụng kinh Pháp hoa thấy hội Linh Sơn chưa tan và thâm nhập pháp hội, nghe Phật thuyết pháp. Hoặc ngài Nhật Liên nhìn mặt trời mọc mà ngộ đạo và thấy Pháp thân Phật. 

Đó là đối với hàng Bồ-tát, Phật không cần hiện hữu bằng thân tứ đại. Nhưng đối với hàng Thanh văn thì cần phải có Phật xuất hiện trên cuộc đời nói pháp cho họ nghe; nhưng có người nghe lại chấp vào lời nói, không thực tập yếu nghĩa thì tu suốt đời mà không được gì và rơi vào tăng thượng mạn. Người nghe pháp có suy nghĩ và thể hiện trong cuộc sống mới đạt được kết quả tốt đẹp và đem thành quả đó chỉ dạy đại chúng. 


Bốn vị La-hán Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề và Mục Kiền Liên khẳng định rằng ở chơn tánh thì các ngài và Phật là một. Nhưng khi họ mang thân tứ đại, đi vào cuộc đời bị đời làm ô nhiễm, nên họ thấy cách xa Phật, ví như gã cùng tử thấy ông trưởng giả sang trọng thì hoảng sợ bỏ chạy. Kinh Hoa nghiêm diễn tả ý này rằng hàng Thanh văn ở hội Hoa nghiêm như người điếc người mù, có mắt mà không thấy Phật, có tai mà không nghe được pháp âm. Xá Lợi Phất cũng hiện diện ở hội Hoa nghiêm, nhưng không nghe được, phải đợi tới Lộc Uyển mới nghe pháp được. 

Điều này ngầm chỉ rằng kinh Hoa nghiêm Phật thuyết trong thiền định mà người sống với vật chất bên ngoài, hay nói cách khác, bị ngũ uẩn ngăn che thì làm sao nghe được. Ví như người điếc người mù là vì trong tâm họ chứa đầy phân nhơ do lăn lộn ở cuộc đời mà bị ô nhiễm. Phật và ta khác xa, hay ta và chơn tánh cách xa là ý Tổ nói: “Tự di chơn tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sanh tử dĩ phiêu trầm, trục sắc thanh nhi tham nhiễm”. Nghĩa là từ chơn tánh mà đi vào đường mê, rồi chạy theo cuộc đời, sáu căn tiếp  xúc với sáu trần, từ đó tội lỗi sanh ra vô số ví như phân nhơ đầy ắp trong lòng, trong cuộc sống chúng ta, trong ba nghiệp cũng đầy đủ việc xấu ác.

Có Phật hiện hữu, nhưng chúng ta không thấy, không nghe được. Kinh ví Phật là ông trưởng giả, bên cạnh có Văn Thù và Phổ Hiền là hai vị Bồ-tát đầy uy đức thì cùng tử làm sao dám gần gũi để hiểu các ngài, nghe các ngài được. Vì vậy, gã cùng tử sợ bỏ chạy, nghĩ rằng phải qua xóm nghèo mới là chỗ của mình, vì mình nhơ bẩn không sống ở đây được.

Ông trưởng giả mới sai người chột và người què đi tìm gã cùng tử dắt về, nói rằng nhà ông trưởng giả thuê người hốt phân, nhưng trả giá cao gấp đôi xóm nghèo. Nghe vậy, gã cùng tử thích mới hỏi về đó làm gì. Người què nói nhà ông trưởng giả thiếu người hốt phân. Gã cùng tử mừng rỡ nhận rằng hốt phân là nghề của mình. Anh ta hốt phân bên ngoài, nhưng về nhà trưởng giả thì tốt hơn, phải hốt phân nhơ trong lòng.

Nói đến hốt phân trong tâm gợi tôi nhớ đến những người công quả quét phân nhơ bên ngoài, nhưng dọn dẹp rác rưởi bên ngoài bao nhiêu thì lại hốt đem vô lòng mình bấy nhiêu. Thật vậy, lúc ban đầu siêng năng làm công quả, nhưng khi thấy người khác xả rác, phá hư cảnh quan sạch sẽ của chùa, họ liền bực bội. Không có công thì ai làm gì mình cũng không giận, nhưng có công bao nhiêu dễ sanh tội bấy nhiêu. Và sự buồn phiền này được dồn vô lòng đến khi không chịu được nữa thì tức nước vỡ bờ, sự sai lầm này đã khiến người tốt trở thành xấu.

Cùng tử về nhà trưởng giả dọn phân nhơ bên ngoài, thực sự là người hốt phân, nhưng nay cùng tử ở ngoài am tranh lo dọn phân nhơ trong lòng, nghĩa là các Thanh văn chuyên tu và thâm nhập Không môn, được ba món giải thoát là Không, vô tác và vô nguyện thì Phật mới bắt đầu cho dự hội Pháp hoa. Lý này kinh Pháp hoa gọi là chạy ra bãi đất trống mới ban cho chúng ta đại bạch ngưu xa.

Như vậy, dọn phân nhơ trước, lòng chúng ta thanh tịnh thì tự nhiên Phật và Thánh chúng hiện ra. Còn chưa thấy Phật, chưa nghe pháp, vì mắt và tai ta chưa thanh tịnh; chưa cảm thế giới Phật vì lòng chưa thanh tịnh. Cố gắng dọn được một phần phân nhơ, lòng trống không sẽ thấy lờ mờ Pháp thân Phật. Giáo sư Motai dạy tôi lấy thí dụ là ti-vi xấu thì mình thấy hình ảnh lờ mờ, nghe tiếng được tiếng mất, cũng như Thanh văn tu thấy Phật và cảnh Cực lạc lờ mờ cũng là một bước tiến bộ, vì đã dọn dẹp một phần phiền não, mới thấy được như vậy.

Trên bước đường tu, đầu tiên phá sắc uẩn, nghĩa là sống ở thế giới vật chất nhưng không bị vật chất chi phối, chúng ta thấy Phật và Tịnh độ hiện ra lờ mờ. Được như vậy là qua được 100 do tuần đường hiểm. Bước thứ hai đoạn thọ uẩn là sáu căn cách ly sáu trần, nên thấy Phật rõ hơn. Thuở nhỏ tôi thích nhập thất để cách ly thế giới vật chất, vì biết rằng sáu căn tiếp xúc với sáu trần vọng tác vô biên tội. Thật vậy, muốn tu chúng ta phải dọn sạch phiền não bằng cách bế quan, không thấy không nghe để đỡ đem cái xấu của cuộc đời vào lòng; như vậy không làm sạch tâm mình thì cũng không làm dơ thêm. Nhiều người thường phạm sai lầm là bên trong chưa đoạn sạch, nhưng lại đem nhơ bẩn bên ngoài vô.

Tu bế quan là phá thọ uẩn. Phá được sắc uẩn và thọ uẩn, thấy biết được rõ hơn. Theo kinh nghiệm riêng tôi, ban đầu nghiệp chướng chúng ta nặng, để tượng Phật trước mặt để nhắc nhở, nhưng chỉ một lúc là quên; hoặc tay cầm chuỗi, nhưng ý nghĩ khác và miệng nói khác. Ta dùng tượng hay chuỗi hoặc kinh để trấn áp nghiệp, nhưng nghiệp vẫn nổi lên. Như vậy có thể hiểu rằng tuy lần chuỗi, hoặc tụng kinh nhưng lúc đó thật sự ta đã đem phiền não nghiệp chướng trần lao vô lòng mình, nên việc quét dọn mới không đạt  hiệu quả. Đem cái gì vô tâm là điều quan trọng phải ý thức khi tu hành.

Vì vậy, đoạn thọ uẩn, không đem bên ngoài vô, nhưng bên trong còn tưởng uẩn và hành uẩn thì đem Phật pháp vô, dùng Phật pháp để phá ngay tưởng uẩn là vọng tưởng điên đảo. Tưởng uẩn  hoạt động khi ngồi yên mà đầu nghĩ đủ thứ. Trên bước đường tu, trước kia tôi rơi vô trạng thái này, đang ngồi bỗng vụt nhớ tám năm tu học ở Nhật Bản, đi từ trường này sang trường khác, học với thầy này đến thầy khác; vì tôi đã đem những dữ kiện này để vô lòng, nên ngồi yên thì những thứ này hiện ra. Nhưng cũng may mắn là tôi đem Phật pháp vô lòng, nên hiện ra chùa, ra thầy, ra kinh trong tâm trí, đây là tưởng uẩn. Còn người cả cuộc đời đầy bụi bặm, khi đi tu ngồi yên, chắc chắn những điều này quay lại trong lòng.

Tôi có người bạn làm tướng đi tu. Anh này gặp ai thường kể chuyện đi đánh giặc, ngồi thiền là nhớ lại lúc chiến đấu. Tôi khuyên anh nên cắt cái tưởng này bằng cách tưởng tới Phật, để tượng Phật trước mặt mà quán sát. Nếu tu Tịnh độ thì nhìn bức tranh Cực lạc. Thay vì tưởng lại quá khứ đau buồn, nên tưởng điều tốt đẹp hơn bằng cách tưởng kinh, tưởng hạnh nguyện Phật, tưởng cảnh giới Phật... là lấy cái đẹp thay thế, mặc dù nó không thật.

Cuối cùng đoạn được tưởng uẩn, ngồi yên thì tâm chúng ta hoàn toàn trống không, nhưng đến đây cũng còn hành uẩn sâu kín trong lòng mà đi sâu vào thiền định sẽ gặp. Đọc Ma-ha chỉ quán của ngài Trí Giả chỉ rõ điều này. Khi ta ngồi yên, tất cả quá khứ hiện ra, quá khứ của kiếp này và quá khứ của kiếp trước lần lần xuất hiện, không để ta yên. Thiền sư Nhất Hạnh gọi đó là những đợt sóng ngầm, ngồi yên thì tự nhiên đất bằng dậy sóng. Nó có ở bên trong mới sống dậy được. Sống dậy được là chúng ta biết có gió dù không thấy gió.

Sóng ngầm từ đáy lòng chúng ta khởi lên, cũng như Tề Thiên thấy khói đen liền biết có yêu quái sắp xuất hiện. Trong biển thức mênh mông của chúng ta, gió nghiệp thổi lên, nghiệp mới nổi dậy. Ngồi yên quan sát thấy từng đợt sóng ngầm tới rồi qua. Tất cả những gì trong suốt cuộc đời tu của mình đều hiện ra và trôi qua thì chúng ta thấy đó là bình thường. Nó tới thì tôi nghĩ giải quyết cách tốt nhất, đó là hành Bồ-tát đạo. Cái gì qua thì cho qua và giải quyết cái sắp tới.

Chúng ta thấy từng đợt sóng ngầm tới, nếu dùng trí Bát-nhã, nương theo đó trí chúng ta càng phát sanh đẩy con thuyền Bát-nhã của chúng ta vào phương trời mới lạ. Trên bước đường dọn dẹp phân nhơ, chúng ta thấy mỗi ngày mới thêm, tốt hơn, nên không sợ sóng ngầm, là phá được muôn trùng địa ngục. Ngoài ra, còn loài thủy quái ở trong chúng ta. Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh phải vượt qua 81 tai nạn, các yêu quái hiện lên đủ cách, nhưng người tu không kẹt yêu quái, vì nó giả, nên khi nó xuất hiện, chúng ta nhiếp tâm thì nó mất.

Chúng ta thực tập thiền quán thấy ban đầu mình sợ, có cảm giác mình chết, nhưng chết trong giấc mơ, trong thiền quán thì trở lại cuộc đời vẫn sống như thường. Các yêu quái trong biển thức nhát chúng ta, nhưng ta không sợ vì nó không làm được gì ta; đó là các thủy quái trong giấc mơ, trong thiền định, không thể hại được chúng ta trên thức uẩn, huống gì mình ở chơn tánh.

Ngoài ra còn có những trận cuồng phong nổi dậy trong tâm. Tu hành, chúng ta quét sạch ba thứ độc hại là cuồng phong, thủy quái, sóng ngầm, đạt đến tất cánh Không, bấy giờ ngồi yên, tâm sáng thì thủy quái, cuồng phong, sóng ngầm đều tiêu tan là trời yên bể lặng.

Tóm lại, quét dọn phân nhơ bên ngoài, vào thiền quán dọn tâm cho thanh tịnh là về với Phật, thấy Phật và biết chỗ về của mình, không còn sợ luân hồi sanh tử.

HT.Thích Trí Quảng

Theo Giác Ngộ

Các tin đã đăng: