Nền giáo dục Phật giáo vượt qua và chết trong sự sống
15/02/2011 23:53 (GMT+7)


Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của sân hận, thì ta càng học là lòng sân và sự thù hận của ta đối với mọi người càng tăng lên, nên càng học ta càng tăng thêm sự hung hăng, tranh chấp, phê phán và bạo động với mọi người. Hậu quả của cái học ấy dẫn đến hại mình, hại người trong đời nầy và đời sau.

Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của ngu si, tà kiến, thì ta càng học là càng hiểu sai chân lý và sự ngu dốt, tính chấp ngã nơi ta càng tăng thêm, nên càng học lại càng dẫn ta đến chỗ ngu si, vô trí. Hậu quả của cái học ấy dẫn ta đến chỗ hại mình, hại người ngay trong đời nầy và đời sau.

Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của tâm bồ đề, thì ta càng học, lòng tham nơi ta càng teo lại, sự hiểu biết nơi ta càng lúc càng tăng lên, tình thương nơi ta càng được mở ra rộng lớn. Hậu quả của cái học ấy, giúp ta gần gũi và khám phá được sự thật của cuộc sống, dẫn đến đời sống lợi mình, lợi người trong hiện tại và tương lai.

Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của nguyện, nghĩa là ta học với ước nguyện duy nhất là thành tựu sự nghiệp trí tuệ để giúp đời, nên ta càng học là hạnh phúc của ta càng tăng lên, sự hiểu biết của ta đối với mọi vấn đề càng lúc càng sâu xa và chính xác. Hậu quả của cái học ấy, dẫn ta đi đến đời sống chí thượng, có đầy đủ năng lực để sống đời giải thoát và tự do.

Sự nghiệp học hành của ta thiết lập trên nền tảng của hành, nghĩa là ta học những gì cao quý, tốt đẹp và ta biến cái đó trở thành hiện thực trong đời sống của ta, nên ta học là để hành và để trở thành nếp sống, chứ không phải học là để tích lũy kiến thức, để giỏi lý luận, để tranh biện hơn người và nêu cao bản ngã. Hậu quả của cái học trên nền tảng của hành, giúp ta tiêu trừ được bản ngã, và có khả năng giúp ta chấm dứt được những nhận thức sai lầm, những tư duy phiến diện, đem lại cho ta và người, một nếp sống an bình thiết thật ngay trong hiện tại và tương lai.

Nền giáo dục thiết lập trên nền tảng của tham dục, sân hận, si mê và hữu ngã, nó có khả năng dẫn đưa cả người dạy và người học chạy đua theo dòng chảy của ái thủ và hữu, ở trong mười hai duyên khởi và bị dòng chảy ấy nhận chìm ở trong biển đời sinh tử.

Nên, ở kinh Bộc lưu, đức Phật dạy cho các Tỷ khưu rằng, đối với dòng chảy ấy không nên đi theo, không nên dừng lại, vì đi theo sẽ bị chúng nhận chìm và dừng lại thì sẽ bị chúng trói buộc mà cần phải vượt qua.

Vượt qua dòng chảy của tham, sân, si, kiêu mạn và chấp thủ đối với sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, nơi tâm ta, ta mới có thể vượt qua được dòng chảy của sinh tử, để đến được bến bờ giải thoát và giác ngộ.

Phát khởi tâm bồ đề hướng tới đời sống chí thượng, nuôi dưỡng tâm ấy bằng chất liệu của nguyện và hạnh, qua lục độ và bốn nhiếp sự, ta vượt qua tử sinh và sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người, không những trong hiện tại mà còn cả tương lai.

Nền giáo dục Phật giáo vượt qua tham sân si, vượt qua sự chấp thủ năm uẩn nầy, có gốc rễ từ đức Thế Tôn và được chư vị Tổ sư chứng nghiệm và truyền thừa trải qua các thời đại. Ấy là nền giáo dục Phật giáo không cần khoa bản mà chỉ cần “dĩ tâm ấn tâm”. Nghĩa là thầy dùng tâm giác ngộ mà ấn chứng vào tâm giác ngộ của học trò, để xác nhận rằng, người học trò ấy có khả năng kế thừa kho tàng của chánh pháp và làm cho chánh pháp sáng rỡ giữa thế gian nầy, để đem lại lợi ích cho hết thảy muôn loài.

Nếu Phật giáo không thiết lập giáo dục trên nền tảng vượt qua nầy, thì ta lấy cơ sở nào để bảo rằng, đó là nền giáo dục Phật giáo. Người giáo dục và người được giáo dục đều chạy theo tham dục và khuếch đại bản ngã, thì lấy cơ sở nào, để ta bảo rằng, họ là những người làm giáo dục và được giáo dục ở trong Phật giáo?!

CHẾT TRONG SỰ SỐNG

Bấy giờ tôi khoảng chín tuổi, một hôm đi xem đưa đám tang ông Võ Hờ trong xóm, Thấy mọi người đi sau đám tang đều khóc nức nở và tức tối. Thấy họ khóc, tôi cũng khóc. Nhưng bấy giờ tôi không biết tại sao lại khóc như vây. Đến khi về nhà tôi hỏi mẹ tôi rằng: mẹ có chết không? Mẹ tôi nói, mẹ rồi cũng chết, nhưng bây giờ thì chưa. Tôi lại hỏi tiếp, mẹ chết còn ba có chết không? Mẹ trả lời, ba cũng chết. Tôi nói ba mẹ chết hết con sống với ai? Mẹ tôi có vẻ xúc động và im lặng. Tôi hỏi tiếp, Thế thì mai mốt con lớn rồi con cũng chết như ông Hờ phải không? Mẹ tôi nói đâu có phải lớn mới chết. Có khi nhỏ cũng chết. Tôi hỏi do đâu mà có chết. Mẹ chỉ nhìn tôi và cười mà không trả lời. Sau đó mẹ tôi nói, Trưa nay ba đi làm việc về rồi con sẽ hỏi ba.

Ba tôi đi làm việc về, tôi hỏi ba rằng: Tại sao ông Hờ chết? Ba tôi nói, Ông già thì ông chết thôi, có gì đâu mà hỏi. Như vậy ông Hờ chết là do già. Ba tôi có trả lời là do ông có sinh ra trong đời nầy. Rồi ba lại hỏi tôi. Con còn nhỏ hỏi mấy chuyện ấy để làm gì?. Tôi trả lời là để biết. Ba tôi bảo tôi xuống hỏi mẹ, còn ba chỉ trả lời ngang đó thôi. Tôi thưa con đã hỏi mẹ rồi. Mẹ nói đâu có phải già mới chết. Trẻ cũng chết mà. Con hỏi tại sao? Mẹ bảo chốc nữa ba đi làm về thì hỏi ba, còn mẹ chỉ trả lời ngang đó thôi.

Như ba tôi trả lời, Già mà chết thì ai cũng hiểu, nhưng “trẻ cũng chết” câu nói ấy của mẹ tôi đã đánh động cái tò mò của tôi, khi tôi mới chín tuổi. à sau khi xuất gia làm chú điệu, nhờ thầy tôi dạy, tôi mới nhận ra được điều nầy. Thầy dạy “cái chết có ngay trong cái sống, vậy mấy điệu phải siêng năng tu học, đừng để đời mình trôi qua trong từng giây phút của cái chết và cái sống một cách oan uổng”.

Lời thầy dạy năm xưa, bây giờ mỗi khi ngồi gẫm lại thấy thấm thía làm sao! Quả thật như vậy: “Nếu ta sống và chết trong ngũ dục, thì sự sống và cả sự chết của ta đều là oan uổng, chứ không phải chỉ có chết mới oan uổng mà sống không oan uổng đâu nhé”

Thích Thái Hòa

Các tin đã đăng: