Một nhu cầu lớn
Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đã có một hệ thống đào tạo khá hoàn
chỉnh, từ sơ cấp, trung cấp… đến Đại học. Ngoài ra còn có những khóa đào
tạo riêng do các bậc Tôn túc tổ chức.
Phần lớn các cấp học, khóa học đều tổ chức tập trung. Học viên, sinh
viên đến lớp dự học theo lịch trình. Đối với các khóa sơ cấp, được tổ
chức ở nhiều địa phương, thì việc có mặt thường xuyên đối với Tăng Ni
sinh không thành vấn đề lớn; Tăng Ni vẫn có thể ở tại chùa, ngày ngày
đến lớp được tổ chức tại địa phương.
Nhưng từ các khóa trung cấp trở đi, muốn theo học, Tăng Ni sinh phải
tập trung cư trú tại các tỉnh thành. Muốn học lên cao nữa thì phải về Hà
Nội, Huế hay TP.HCM. Việc nội trú gặp không ít khó khăn. Nhiều Tăng Ni
sinh phải thuê nhà trọ bên ngoài để theo học, hoàn cảnh sống phức tạp vì
chung chạ với đời sống thế tục, khó tránh khỏi có trường hợp sa ngã. Đi
học đạo nhưng cuối cùng thì lại… ra đời. Một số Tăng Ni sinh có may mắn
được các gia đình Phật tử cưu mang, nhận cha mẹ nuôi, chị nuôi… trong
khi đã xuất gia cát ái! Được ở chùa theo học các khóa cao cấp, đại học…
là ước mơ lớn của tất cả Tăng Ni sinh có chí cầu học.
Nhu cầu đào tạo Tăng Ni sinh ở các cấp học cao rất lớn, nhưng diện
tích chỗ ở của các chùa có giới hạn. Bên cạnh đó còn là sự giới hạn của
các cơ sở vật chất, các trung tâm đào tạo. Các vị Tôn túc đang hướng đến
các cơ sở trường lớp lớn lao hơn. Nhưng để xây dựng, phải mất nhiều
thời gian, tiền của. Đầu tư cho các cơ sở đào tạo trong hoàn cảnh chi
phí xây dựng tăng cao đương nhiên làm cho chi phí đào tạo tăng lên. Mà
chi phí đào tạo tăng cao tất yếu sẽ dẫn đến việc hạn chế người theo học.
Đây quả là một bài toán khó.
Hoạt động đào tạo trong nước và ngoài nước đã giải quyết bài toán
trên bằng phương thức đào tạo từ xa.
Thực ra, đào tạo từ xa đã có từ rất lâu, đến hàng trăm năm trước. Các
trường đại học, nhiều nhất là ở châu Âu, đã mở các giảng khóa, mà ngày
đó gọi là học “hàm thụ”, người học không phải đến lớp, chỉ nhận văn bản
giáo trình để tự học; cuối khóa, học tập trung một thời gian ngắn sẽ thi
như sinh viên chính thức.
Từ khi các phương tiện truyền thông hiện đại được ứng dụng rộng rãi,
thì văn bản giáo trình còn đóng vai trò phụ. Phát thanh, đặc biệt là
truyền hình, video và internet được sử dụng rộng rãi để tạo khung cảnh
đến lớp “ảo” cho sinh viên đào tạo từ xa kèm theo văn bản giáo trình là
băng dĩa ghi hình các buổi giảng bài, cùng lúc các buổi giảng ghi hình
được phát trên TV và truyền hình online.
Cách làm như trên đã hết sức phổ biến ở các nước phát triển. Tại Đông
Nam Á, Thái Lan là nước đi đầu về đào tạo từ xa trên truyền hình, với
15 kênh DLTV (Distance Learning Television) phát trên vệ tinh cấp công
suất lớn Thaicom 5.
Tại Việt Nam, Đại học Bình Dương đã tổ chức đào tạo từ xa qua truyền
hình, phát sóng trên truyền hình Bình Dương, phát thanh FM Bình Dương và
trên nhiều kênh truyền hình các tỉnh thành cả nước. Số sinh viên theo
học Đại học từ xa Bình Dương trên sóng truyền hình lên đến 13.000 người,
với 20-30% sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Đại học từ xa trên truyền hình
đã biến Đại học Bình Dương từ một đại học nhỏ, cấp tỉnh, ven TP.HCM
thành một trường có số lượng sinh viên theo học đông đảo vào loại hàng
đầu cả nước mà không phải bận tâm nhiều về cơ sở vật chất hạ tầng. Các
sinh viên học qua truyền hình được theo dõi các bài giảng của các giáo
sư, tiến sĩ, các nhà giáo có uy tín lớn, nhiều kinh nghiệm, điều mà sinh
viên trực tiếp đến trường theo học không phải lúc nào cũng có thể được.
Với các phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay, nhược điểm của
giáo dục hàm thụ ngày trước đã được khắc phục. Thầy và trò trong đào tạo
từ xa ngày nay không chỉ gặp nhau gián tiếp qua văn bản giấy như trước
đây, mà đã có thể tiếp xúc gần như trực tiếp qua đường điện thoại, trong
các buổi giảng truyền hình trực tiếp, qua giao lưu trực tuyến, email,
v.v… Chuyện thầy đang giảng bài trước ống kính trực tiếp truyền hình thì
trên laptop của thầy hiện lên câu hỏi của sinh viên là chuyện bình
thường. Đào tạo từ xa không chỉ mở rộng từ các bộ môn khoa học xã hội lý
thuyết, sang những môn học thực hành mà còn mở rộng đến những bộ môn
khoa học kỹ thuật.
Đào tạo từ xa hiện đại và giáo dục Phật giáo
Giáo dục Phật giáo hết sức thích hợp với đào tạo từ xa. Giáo dục Phật
giáo từ xa cũng đã có thể thực hiện ngay cả bằng phương thức văn bản
giáo trình của cách học hàm thụ xưa cũ, huống nữa là đối với đào tạo từ
xa hiện đại qua truyền hình, video và internet.
Trong số 15 kênh truyền hình DLTV của Thái Lan, kênh số 1 được dành
cho đào tạo Phật học, phát 24/24 qua vệ tinh. Tăng sinh ở các chùa trên
toàn quốc Thái Lan và các nước lân cận đều có thể theo học.
Trang bị cho việc học tập rất đơn giản, chỉ cần TV và bộ thu sóng vệ
tinh (khoảng 50 USD) là có thể học tập hằng ngày, trong khi vẫn tu học
và làm các công việc tại chùa. Người giảng dạy Phật học trên truyền hình
Thái Lan đương nhiên là các vị giảng sư hàng đầu của Phật giáo Thái.
Tăng sinh Thái Lan có thể nhận giáo trình văn bản gửi đến qua đường
bưu chính và đường internet.
Vệ tinh Thaicom 5 của Thái Lan đã đóng vai trò quan trọng trong việc
mở rộng các cấp đào tạo của Phật giáo Thái Lan từ phạm vi một vài ngôi
trường lên phạm vi cả nước.
Các chương trình đào tạo trên kênh DLTV 1, người bận việc phải bỏ lỡ
vài buổi học vẫn có thể đón xem buổi học phát lại dễ dàng. Điều này hơn
hẳn việc theo học tại lớp, vắng một buổi là mất luôn buổi học đó, không
sao nghe giảng lại được, chỉ có mượn vở ghi của bạn học để chép lại bài.
Thái Lan là một nước có tầm phát triển cao hơn chúng ta, cơ sở vật
chất trường học Phật giáo là một hệ thống lớn, lồng ghép với số lượng
rất cao các chùa. Ấy vậy mà họ còn hết sức chú ý đến đào tạo từ xa trên
truyền hình huống nữa là một nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất
thiếu thốn như nước ta.
Đào tạo từ xa hiện đại với giáo dục Phật giáo tại Việt Nam
Nhu cầu giáo dục Tăng tài đối với Phật giáo Việt Nam (PGVN) cao đến
mức nào, thì yêu cầu phải triển khai một hệ thống đào tạo từ xa hiện đại
PGVN cũng lớn đến chừng ấy.
PGVN rất cần một ngôi trường đủ các cấp, từ sơ cấp đến đại học, trùm
lên phạm vi cả nước, xây dựng bằng các phương tiện truyền thông hiện đại
(TV, video, internet) như Thái Lan đã có.
Hệ thống đào tạo từ xa hiện đại của PGVN sẽ giúp Tăng, Ni, Phật tử đủ
mọi lứa tuổi, cư ngụ bất kỳ ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều có
thể theo học tới nơi tới chốn chương trình các cấp Phật học, thi và nhận
được văn bằng như tập trung về các thành phố lớn để theo học.
Ngoài hiệu quả số người được đào tạo sẽ tăng lên gấp bội, chi phí
tiết kiệm cho việc đào tạo cũng sẽ là hết sức đáng kể.
Vấn đề đặt ra là PGVN chưa có kênh truyền hình riêng như Thái Lan,
thì làm thế nào để xây dựng hệ thống đào tạo từ xa?
Thực ra, các giải pháp đã nằm cả trong tay chúng ta.
1. Việt Nam đã có vệ tinh Vinasat-1. Chủ trương mới về xã hội hóa
truyền hình đã đưa đến kết quả là đã có chương trình liên kết (giữa công
ty truyền hình nhà nước và công ty truyền thông tư nhân) phát qua vệ
tinh truyền hình quốc gia Vinasat-1. Tìm kiếm sự liên kết như vậy đối
với PGVN thiết tưởng không phải là điều quá khó khăn.
2. Internet truyền hình online cũng là một giải pháp.
3. Kênh phát hành bằng dĩa DVD, VCD là một giải pháp đơn giản và rẻ
tiền. Với kỹ thuật nén mới, 4-5 giờ hay nhiều hơn nữa giờ chương trình
ghi hình có thể chứa trên 1 dĩa DVD, với chi phí thực hiện không tới
10.000 đồng. Toàn bộ hình ảnh, bài giảng của một khóa Đại học Phật giáo
4-5 năm có thể ghi trên một album dĩa DVD và album video đó còn rẻ hơn
giáo trình văn bản giấy dùng cho khóa học đó.
Chỉ có một việc nhỏ phải thực hiện là trang bị một phim trường dành
cho đào tạo từ xa của giáo dục Phật giáo. Một phim trường như vậy theo
kinh nghiệm riêng của người viết bài này với một số năm làm việc cho
ngành truyền hình, phí tổn chỉ vài chục ngàn USD nghĩa là chỉ bằng chi
phí xây dựng và trang bị cho một vài phòng học ở thành phố.
Trong giai đoạn đầu, nếu PGVN chưa đủ nhân sự Tăng Ni được đào tạo
truyền hình để đảm nhận công việc, thì có thể thuê các công ty dịch vụ
truyền thông tư nhân ghi hình các buổi giảng tại các trường lớp, Học
viện Phật giáo, rồi tìm đối tác để đưa chương trình truyền hình đào tạo
từ xa Phật học lên sóng vệ tinh. Về lâu về dài, việc chính các trường,
viện Phật học đảm nhiệm luôn việc này không khó. Nó dễ hơn là làm chế
bản cho một quyển sách…
Theo: Phapluanonline